New Trang tin
 Search

Tọa đàm Vận dụng triết lý phương Đông trong Quản trị Kinh doanh

Sáng ngày 02/12/2023 tại Hội trường 801, Tòa E4, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm Vận dụng triết lý phương Đông trong quản trị kinh doanh do Viện QTKD phối hợp với Chi hội cựu sinh viên, học viên Viện QTKD tổ chức. Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, các thầy, cô giáo Viện QTKD, các cựu sinh viên, học viên Viện QTKD, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN... 


Mở đầu Tọa đàm, TS. Phạm Vũ Thắng, Phó Viện trưởng Viện QTKD, Trường ĐH Kinh tế, đã có bài phát biểu đề dẫn với sự nhấn mạnh rằng thực tiễn đang đặt ra và đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của giới nghiên cứu đối với chủ đề vận dụng triết lý  phương Đông nói chung trong quản trị kinh doanh.  Thực tế cho thấy các doanh nghiệp và tổ chức đang áp dụng khá sâu rộng triết lý Phương Đông vào quản trị kinh doanh cũng như xây dựng văn hóa tổ chức. Tuy nhiên, về mặt nghiên cứu học thuật, các nghiên cứu về chủ đề này chủ yếu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu phương Tây. Sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu về quản trị ở khu vực Á Đông cũng như tại Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ, chưa bắt nhịp và xứng tầm với xu thế thực tiễn. 

Trên tinh thần đó, buổi Tọa đàm hôm nay là một sự kiện toạ đàm với mục đích chia sẻ những quan điểm, nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, xây dựng một mạng lưới gắn kết cựu sinh viên, học viên của Viện QTKD, kết nối cộng đồng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân,…

TS. Phạm Vũ Thắng, Phó Viện trưởng Viện QTKD, Trường ĐH Kinh tế, tặng hoa cho các diễn diễn giả của Tọa đàm 

Tiếp đến, đại diện cho cựu sinh viên, học viên Viện QTKD phát biểu và chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh đây là một trong những hoạt động của Chi hội cựu sinh viên, học viên Viện QTKD nhằm mục đích tạo ra sự kết nối và mang lại giá trị cho các thành viên. Các hoạt động sẽ được triển khai trong thời gian tới bao gồm Coffe talk, Coffee – Breakfast time và tọa đàm chia sẻ kiến thức,...

Ông Nguyễn Hữu Minh phát biểu và chia sẻ tại Tọa đàm

Bước vào phần nội dung, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hằng (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) đã trình bày tham luận "Ảnh hưởng của Phật giáo đến sức khỏe tâm lý và sự trưởng thành nhân cách con người" với nhiều thông tin và những phát hiện đáng chú ý, có ý nghĩa sâu sắc, giá trị thực tiễn cao,... 

Về ảnh hưởng của Phật giáo đến sức khỏe tâm lý, nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hằng chỉ ra rằng niềm tin tôn giáo thuần túy không có nhiều tác động đến sức khỏe tâm lý nhưng thực hành Phật giáo thì có tác động lớn đến sức khỏe tâm lý, các yếu tố được xác định có ảnh hưởng tích cực và mạnh đến sức khỏe tâm lý là buông xả, định hướng tôn giáo bên trong và ứng phó tôn giáo tích cực, trong đó, buông xả là yếu tố ảnh hưởng tích cực và mạnh nhất đến cảm nhận hạnh phúc của cá nhân,... 

Về ảnh hưởng của Phật giáo đến sự trưởng thành nhân cách con người, nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hằng cho thấy rằng chấp nhận và buông xả đều ảnh hưởng tích cực đến sự trưởng thành nhân cách cấp độ liên cá nhân,  làm cho cá nhân xả bỏ được bản tính vị kỷ, thích nắm giữ để trở nên rộng lượng hơn, hòa ái hơn và yêu thương người khác hơn và do vậy, dẫn đến làm tăng các hành vi vì người khác. Rằng chánh niệm, chấp nhận và buông xả giúp cá nhân ít phụ thuộc vào những tác động từ bên ngoài, giúp họ khơi dậy được và gia tăng cảm giác tự do tự thân nhưng vẫn kết nối bình an với người khác, với cộng đồng, và với thế giới cả trong quá khứ và tương lai,... 

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hằng, Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN trình bày tham luận tại Tọa đàm 

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thuỳ Linh, giảng viên Trường ĐH Ngoại Thương mang đến Tọa đàm một nghiên cứu công phu về "Tác động của chánh niệm đến vốn tâm lý và sự gắn kết của nhân viên trong doanh nghiệp Việt Nam".

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thuỳ Linh, Trường ĐH Ngoại Thương trình bày tham luận tại Tọa đàm 

Diễn giả Nguyễn Thị Ngọc, mentor, nhà quản trị tại Công ty Diligo Holdings, đã có những chia sẻ đặc sắc về văn hóa đạo đức nhân bản nhân quả làm người, về ứng dụng trí tuệ đạo đức nhân bản nhân quả ở Diligo Holdings,... 

Diễn giả Nguyễn Thị Ngọc, mentor, nhà quản trị tại Công ty Diligo Holdings chia sẻ tại Tọa đàm 

Diễn giả Lê Thành Công, Chủ tịch LHB Group Le Farm Happy Homestay, đã có những chia sẻ rất đỗi “đời thường” về việc đưa giáo lý của Đức Phật vào nơi làm việc, về ứng dụng giáo lý của Đức Phật vào hoạt động hàng ngày tại doanh nghiệp, về dung hòa việc tu tập với công việc, với gia đình,... 

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch LHB Group Le Farm Happy Homestay, chia sẻ tại Tọa đàm 

Phần thảo luận của Tọa đàm diễn ra rất sôi nổi, các vấn đề được quan tâm thảo luận nhiều là tác dụng của chánh niệm đối với giải tỏa căng thẳng, phiền muộn, các bài tập thực hành giúp đạt được trạng thái “buông xả”, tránh xa cảm giác căng thẳng, phiền muộn, vấn đề áp áp dụng đạo Phật trong trị liệu sức khỏe tâm lý, trong quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp,... 

Buổi Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp, nhiều vấn đề mới và thú vị đã được đưa ra thảo luận với những kiến giải sâu sắc song mọi người cũng đồng tình rằng cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu rộng hơn để ứng dụng hiệu quả triết lý Phương Đông trong quản trị kinh doanh cũng như trong cuộc sống thường ngày. 

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm: 


Phạm Mạnh Hùng - Ma Thế Ngàn, Viện QTKD Seminar

FullName Email
Address Security code GAKYMD
Content

Other News