New Trang tin
 Search

Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật nửa sau tháng 02/2024)

Trong nửa sau tháng 02 năm 2024, một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo đại học. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:


1. Quyết định số 02/2024/QĐ-TTg ngày 05/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ chương trình tín dụng với học sinh, sinh viên khó khăn để mua máy tính học trực tuyến

a) Hiệu lực thi hành: 

Quyết định số 02/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 30/3/2024 bãi bỏ Quyết định 09/2022/QĐ-TTg

b) Nội dung cơ bản:

Theo đó, đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày Quyết định 02/2024/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành:

- Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục thực hiện theo các nội dung quy định trong hợp đồng tín dụng đã ký.

- Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện theo dõi, quản lý thu hồi nợ và xử lý các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến khoản nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định 02/2024/QĐ-TTg

Xem toàn văn:  Quyết định số 02/2024/QĐ-TTg

2. Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp

a) Hiệu lực thi hành: 

 Quyết định số 135/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 31/01/2024

b) Nội dung cơ bản:

 Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Kết luận 64-KL/TW ngày 18/10/2013 và Nghị quyết 104/2023/QH15; quán triệt thống nhất nhận thức, đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.

Báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã; Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới.

Xây dựng Tờ trình về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Quyết định của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới; Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương.

Xem toàn văn: Quyết định số 135/QĐ-TTg

3. Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về về chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030

a) Hiệu lực thi hành: 

Quyết định số 140/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 02/02/2024

b) Nội dung cơ bản:

Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 đặt ra 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.

- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.

- Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

- Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy nhằm ngăn chặn ma túy tác động đến thanh, thiếu niên.

 Xem toàn văn:  Quyết định số 140/QĐ-TTg

4. Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn cơ sở giáo dục đại học

a) Hiệu lực thi hành: 

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/03/2024 và thay thế thông tư 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015

b) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung cơ bản:

Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí 

Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị

Tiêu chuẩn 2: Giảng viên

Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất

Tiêu chuẩn 4: Tài chính

Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo

Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

Xem toàn văn:  Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT

5. Quyết định số 435/QĐ-BGDĐT ngày 30/01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục năm 2024

a) Hiệu lực thi hành:

 Quyết định số 435/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 30/01/2024

b) Nội dung cơ bản:

Nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm (gọi chung là cơ sở giáo dục)

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học, các văn bản mới ban hành liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của nhà trường; văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của viên chức, nhà giáo, người lao động, người học. Phổ biến các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội. Phổ biến văn bản, quy định liên quan đến công tác mở ngành, tuyển sinh, chuẩn chương trình đào tạo, quản lý hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng, phòng chống tội phạm, ma túy, dịch bệnh, thiên tai, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, an toàn giao thông đường bộ, hỗ trợ khởi nghiệp...;

Rà soát, có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy môn pháp luật đại cương; khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục tham gia làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tham gia vào PBGDPL cho nhân dân tại địa phương; rà soát, sửa đổi, bổ sung giáo trình, tài liệu giảng dạy cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành;

Chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên và đổi mới việc học, thi, kiểm tra, đánh giá môn học pháp luật đại cương; đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khoá cho sinh viên; đổi mới và lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để phổ biến cho sinh viên trong tuần sinh hoạt “Công dân - sinh viên” đầu năm, đầu khóa, cuối khóa;

Tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do BGDĐT và các bộ, ngành gửi lấy ý kiến, đặc biệt là các văn bản liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.

Xem toàn văn: Quyết định số 435/QĐ-BGDĐT

6. Quyết định số 69/QĐ-BNV ngày 01/02/2024 của Bộ Nội vụ về kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024

a) Hiệu lực thi hành: 

Quyết định 69/QĐ-BNV có hiệu lực từ ngày 01/02/2024

b) Nội dung cơ bản:

Thời gian tổ chức kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024 là tháng 7 và tháng 11 năm 2024.

Thời gian cụ thể sẽ được Hội đồng kiểm định thông báo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ và Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Mục đích kiểm định chất lượng đầu vào công chức để đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn, đáp ứng theo yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức trong giai đoạn hiện nay.

Yêu cầu: 

+ Kế hoạch được xây dựng cụ thể, khả thi, khoa học, phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Việc tổ chức kiểm định phải bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

+ Kế hoạch được xây dựng chi tiết, xác định rõ thời gian và kết quả thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến các kỳ kiểm định.

Xem toàn văn: Quyết định 69/QĐ-BNV

7. Công văn số 673/BGDĐT-KHTC ngày 21/02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn triển khai thu học phí năm học 2023 – 2024

a) Hiệu lực thi hành: 

Công văn số 673/BGDĐT-KHTC có hiệu lực từ ngày 21/02/2024

b) Nội dung cơ bản:

Công văn 673/BGDĐT-KHTC hướng dẫn về việc thực hiện Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 về triển khai thu học phí năm học 2023 – 2024. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập đã công bố học phí năm học 2023-2024 cao hơn mức trần học phí quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP thì thực hiện điều chỉnh mức học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP ;

Phần chênh lệch cao hơn (mà cơ sở giáo dục đã thu của người học) phải hoàn trả cho người học hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo. Đồng thời thực hiện công khai đối với người học và xã hội bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.

Xem toàn văn: Công văn 673/BGDĐT-KHTC./.


Phòng Thanh tra và Pháp chế

FullName Email
Address Security code GNUOVN
Content