New Trang tin
 Search

Phát triển, thu hút đội ngũ trình độ cao tại ĐHQGHN

Trong năm qua, ĐHQGHN tiếp tục thu hút, phát triển cán bộ khoa học trình độ cao một cách hiệu quả thông qua đổi mới công tác truyền thông tuyển dụng, tích cực cải thiện môi trường làm việc và các chế độ, chính sách. ĐHQGHN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành.


Kết quả, hiện nay, ĐHQGHN có 4.326 viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ), bao gồm 2.405 viên chức và 1.921 người lao động. Trong đó, tổng số cán bộ của các đơn vị đào tạo, NCKH (không tính các đơn vị hỗ trợ, phục vụ, dịch vụ) là 3.516 người.

Tổng số CBKH của ĐHQGHN là 2.345 người, tỷ lệ CBKH/tổng số cán bộ ở các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học là 66,7%, đáp ứng tỷ lệ quy định tại Nghị quyết 19-NQ/TW (tối thiểu là 65%). Trong số 2.055 giảng viên cơ hữu của ĐHQGHN có 60 giáo sư và 353 phó giáo sư, chiếm 20% và cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình của cả nước. Ước tính tỷ lệ GS, PGS sẽ cao hơn, vì theo thống kê trên website của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, số ứng viên của ĐHQGHN được HĐGSCS đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020 gồm 23 người (03 giáo sư và 20 phó giáo sư)...Số giảng viên có trình độ TS, TSKH là 1.292 người, chiếm 63% (tính trên số giảng viên cơ hữu).

Một số chính sách và kết quả phát triển cán bộ khoa học trình độ cao, đầu ngành giai đoạn 2015-2020

Thứ nhất, ĐHQGHN đã sớm có chính sách “thu hút” riêng đối với các nhà khoa học xuất sắc tại Quy định số 3768/QĐ-ĐHQGHN; tiên phong phát triển các nhóm nghiên cứu; đẩy mạnh áp dụng xét tuyển đặc cách viên chức đối với cán bộ khoa học tại các đơn vị và ĐHQGHN với thủ tục nhanh gọn hơn nhiều so với tuyển dụng viên chức thông thường.

Thứ hai là triển khai một số đề án lớn trong toàn hệ thống như: 1. Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, đầu ngành; 2. Đề án thí điểm thu hút nhà khoa học trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài và các du học sinh; 3. Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức cấp bộ môn đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Các đề án này đã đánh giá, định vị hiện trạng, xác định đúng kế hoạch phát triển đội ngũ và ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng các biện pháp quản lý và cơ chế đặc thù khác nhau cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Thứ ba là triển khai Chương trình thu hút học giả quốc tế. Từ 2017-2019, Chương trình đã kết nối và thu hút nhiều học giả quốc tế ở các trường đại học uy tín trên thế giới, hợp tác với NXB nước ngoài xây dựng tạp chí khoa học quốc tế, thực hiện các hội thảo quốc tế lớn…Qua Chương trình, đã có nhiều bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế lấy địa chỉ ĐHQGHN.

Thứ tư là thí điểm cơ chế thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài tham gia các vị trí quản lý bộ môn, phòng thí nghiệm để dẫn dắt chuyên môn, học thuật. Một số nhà khoa học quốc tế trình độ cao đã được mời làm đồng Giám đốc các phòng thí nghiệm trọng điểm.

Thứ năm là sáng kiến thành lập Câu lạc bộ nhà khoa học với chuỗi các hoạt động hữu ích. Trong quá trình hoạt động, CLB đã phát hiện các nhân tài KHCN và quản lý, thúc đẩy công bố khoa học, phát minh sáng chế, đổi mới giảng dạy; đồng thời đã phát huy tài năng, trí tuệ của các nhà khoa học trong các chương trình, nhiệm vụ lớn của ĐHQGHN, trong đó có việc xây dựng Chiến lược phát triển ĐHQGHN hiện nay.

Thứ sáu là liên tục tổ chức hoặc tạo cơ hội tối đa cho CBKH được đi đào tạo bồi dưỡng. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 3.000 lượt CBKH trong ĐHQGHN tham gia các khóa bồi dưỡng trong và ngoài nước. Từ năm 2019, ĐHQGHN thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy với nhiều chương trình tập huấn thu hút hàng ngàn lượt người tham gia trong năm 2019. Cùng với các hoạt động của Trung tâm, Dự án Vibe với 04 khóa đào tạo cho hàng trăm giảng viên và các hoạt động của Câu Lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN đã tạo thành một cộng đồng các nhà khoa học với tinh thần đổi mới sáng tạo, kết nối sôi nổi nhất từ trước đến nay.


Mai Chi - Đại học Quốc gia Hà Nội

FullName Email
Address Security code SJMTXG
Content