New Trang tin
 Search

PGS.TS Nguyễn An Thịnh và chùm sách được ấn hành tại các Nhà xuất bản danh tiếng thế giới

“Nghiên cứu khoa học tạo nên giá trị cốt lõi của bản thân tôi. Với tôi, nghiên cứu khoa học được duy trì đều đặn như một thói quen hàng ngày” - đó là chia sẻ của  PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, một trong những nhà khoa học có nhiều công bố “khủng” của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2021. 


Với thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh được Đại học Quốc gia Hà Nội vinh danh là một trong những Nhà khoa học tiêu biểu trong công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ tại Báo cáo thường niên năm 2021. Ngoài vai trò là tác giả chính của nhiều bài báo quốc tế ISI, PGS.TS Nguyễn An Thịnh còn làm chủ biên và tác giả của nhiều cuốn sách chuyên khảo có giá trị trong nước và quốc tế liên quan tới lĩnh vực kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường. 

Sau đây là các ấn phẩm của PGS.TS Thịnh được xuất bản bởi các nhà xuất bản danh tiếng quốc tế:

Sách: Global changes and sustainable development in Asian emerging market economies 

Cuốn sách gồm tập 1 và tập 2 do PGS.TS. Nguyễn An Thịnh và GS.TS. Luc Hens là đồng chủ biên, được xuất bản tại NXB Springer. Nội dung cuốn sách đề cập đến những biến đổi toàn cầu và phát triển bền vững ở Việt Nam và các nền kinh tế thị trường mới nổi khác ở châu Á. 

Cuốn sách Global changes and sustainable development in Asian emerging market economies (Tập 1)

Tập 1 bàn về chủ đề về kinh tế và kinh doanh, bao gồm: Lý thuyết kinh tế, phân phối thu nhập quốc gia và quốc tế, chính sách kinh tế vĩ mô, các ngành và lĩnh vực kinh tế, phát triển năng suất, thị trường tài chính, quản trị kinh doanh, tài trợ ngân hàng… 

Cuốn sách Global changes and sustainable development in Asian emerging market economies (Tập 2)

Tập 2 bàn về 2 nhóm chủ đề: (i) Sự phát triển và tính bền vững, bao gồm:  chính sách phát triển, chính sách công, tăng trưởng bền vững, các công cụ phát triển bền vững, sinh kế bền vững, du lịch bền vững, tăng trưởng xanh; (ii) Quản lý tài nguyên và biến đổi toàn cầu, bao gồm: tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa, các thách thức toàn cầu. 

Các bài viết quy tụ trong bộ sách này đã được trình bày tại Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và Bền vững (EDESUS 2019) do Trường Đại học Kinh tế phối hợp tổ chức chính. Cuốn sách dành cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ngành kinh tế phát triển, các nhà tư vấn và các nhà ra quyết định quan tâm đến những thay đổi toàn cầu và phát triển bền vững.

Chi tiết xem tại:
- Global changes and sustainable development in asian emerging market economies, Vol.1

- Global changes and sustainable development in asian emerging market economies, Vol.2

Sách: Sustainable tourism and its environmental and human ecological effects

Với chủ đề du lịch bền vững và các tác động đến môi trường và con người, cuốn sách do GS.TS. Luc Hens và PGS.TS. Nguyễn An Thịnh làm đồng chủ biên, được ấn hành bởi Nhà xuất bản MDPI. Cuốn sách đề cập đến mối quan tâm ngày càng tăng đối với các hình thức du lịch bền vững, tập trung vào các tác động đến môi trường và sinh thái nhân văn. Các tác động xã hội và kinh tế của du lịch bền vững được giải quyết, cùng với các tác động đối với môi trường tự nhiên. 

Cuốn sách Sustainable tourism and its environmental and human ecological effects

Các chủ đề về xung đột giữa phát triển du lịch và chất lượng môi trường được trình bày trong cuốn sách, bao gồm: phát triển du lịch bền vững, du lịch thể thao, du lịch điện tử (e-tourism); tác động sinh thái môi trường và nhân văn của du lịch đến các điểm đến trên đảo và nội địa; tác động của môi trường xây dựng khu lịch sử đến vui chơi, giải trí và thể thao; đánh giá các danh lam thắng cảnh các-bon thấp; khủng hoảng đương đại của ngành du lịch do COVID-19 gây ra. 

Ngoài ra, cuốn sách trình bày các nghiên cứu trường hợp tại các điểm đến du lịch trên toàn thế giới, trong đó tập trung tại khu vực Châu Á và Châu Âu (Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Tây Ban Nha). Đây được coi là ấn phẩm giá trị nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc ra chính sách, trình bày các công cụ phục vụ giảm thiểu tác động môi trường và các phương pháp thúc đẩy các bên liên quan tham gia hiệu quả.

Chi tiết xem tại: https://www.mdpi.com/journal/ijerph/special_issues/sustainable_tourism_effects

Sách: Recent Technologies for Disaster Management and Risk Reduction sustainable Community Resilience & Responses

Cuốn sách bàn về các công nghệ hiện đại trong quản lý thiên tai và giảm thiểu rủi ro do TS. Praveen Kumar Rai, TS. Prafull Singh và TS. Varun Narayan Mishra đồng chủ biên, ấn hành bởi Nhà xuất bản Springer. Cuốn sách tập trung vào sự phát triển công nghệ gần đây trong điều tra và nghiên cứu thiên tai thông qua các kỹ thuật tính toán tiên tiến kết hợp với địa tin học và bộ dữ liệu quan sát Trái đất để quản lý, thích ứng và giảm thiểu thảm họa tự nhiên và nhân tạo. 

Cuốn sách Recent Technologies for Disaster Management and Risk Reduction sustainable Community Resilience & Responses

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh là tác giả của chương sách “Địa lý học của giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở miền núi phía Bắc Việt Nam: Phân tích định lượng cho ý định của các dân tộc thiểu số bản địa sử dụng mô hình hóa phương trình cấu trúc (SEM) và lý thuyết động lực bảo vệ (PMT)”. 

Chương sách trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng kết hợp mô hình hóa phương trình cấu trúc (SEM) và lý thuyết động lực bảo vệ (PMT) để nghiên cứu ý định của cộng đồng trong thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Bảng hỏi khảo sát được xây dựng với 243 người dân địa phương được khảo sát theo các nhóm chủ đề: nhận thức rủi ro, niềm tin, chuẩn mực chủ quan, đánh giá thích ứng, thói quen sản xuất và ý định thích ứng. 500 mẫu bootstrap được chọn ngẫu nhiên từ mẫu ban đầu để ước tính các hệ số và sai số tiêu chuẩn. Các mô hình cấu trúc của ý định thích ứng với biến đổi khí hậu cho cấp huyện và 4 cộng đồng dân tộc Kinh, Thái, Tày và Mông được xây dựng. Kết quả nghiên cứu cho thấy các cộng đồng này quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả của các hành động thích ứng để cải thiện khả năng phục hồi sau thiên tai. Ý định thực hiện các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu không phụ thuộc nhiều vào nhận thức rủi ro về tác động của biến đổi khí hậu. Phân tích cơ cấu đa nhóm cho thấy các kết quả này có sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc.

Chi tiết xem tại: https://link.springer.com/book/10.1007/978-3-030-76116-5#editorsandaffiliations 

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh là Trưởng khoa Kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN), đồng thời đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Hiệp hội Sinh thái Cảnh quan Quốc tế tại Việt Nam (VN-IALE). 

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh có chuyên môn sâu, nghiên cứu và giảng dạy về Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường, đã xuất bản gần 30 cuốn sách (trong đó đồng chủ biên 4 cuốn sách viết bằng tiếng Anh, gồm 3 cuốn được NXB Springer ấn hành), trên 30 bài báo ISI/SCOPUS và trên 100 bài báo đăng tải trên tạp chí chuyên ngành trong nước. 

Riêng năm 2021, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh là tác giả chính của 08 bài báo khoa học công bố trên tạp chí thuộc hệ thống Web of Science/ Scopus, trong đó có 2 bài báo khoa học công bố trên tạp chí thuộc nhóm Q1 theo xếp hạng của Scimago.


Biên tập: Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code XMMNDU
Content