New Trang tin
 Search

Tâm sự “cháy lòng” của sinh viên UEB vừa xuất sắc đạt giải Nhất NCKH cấp ĐHQGHN năm 2022

Đào Việt Anh - sinh viên lớp QH2019-E Kinh tế CLC4 luôn ấp ủ một ước mơ “bay lên để được dang rộng đôi cánh chao liệng trên bầu trời của khoa học, tri thức”. Với ước mơ của cậu học trò, PGS.TS Tô Thế Nguyên - Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã đồng hành với vai trò là giảng viên hướng dẫn, từng bước “chắp cánh”, nâng niu.


Trải qua quá trình miệt mài tìm hiểm, “ăn, ngủ với những biểu đồ, con số”… nam sinh UEB đã xuất sắc giành giải Nhất NCKH cấp ĐHQG Hà Nội với đề tài: “Impacts Of Provincial-Level Factors And Firm Characteristics On Total Factor Productivity: Evidence From Manufacturing Firms In The Red River Delta Area” (Tác động của các yếu tố cấp tỉnh và đặc tính doanh nghiệp đến năng suất nhân tố tổng hợp: Bằng chứng từ các doanh nghiệp sản xuất chế tạo ở đồng bằng sông Hồng)

“Hãy tò mò, bởi dù cuộc sống có khó khăn đến mức nào, luôn luôn có điều gì đó bạn có thể làm được và thành công. Quan trọng là bạn không từ bỏ.” - Nhà vũ trụ học Stephen Hawking.

NCKH là một chặng hành trình hoàn toàn lạ lẫm với Việt Anh, nhưng với ước mơ đủ lớn và ý chí quyết tâm nỗ lực không ngừng nghỉ, bạn đã tìm thấy niềm đam mê và thận trọng, tỉ mỉ từng bước chinh phục.

Tác giả (TG): Ý tưởng về đề tài NCKH của bạn bắt đầu từ đâu vậy Việt Anh? Có phải như tôi đang nghĩ, rằng đầu bạn “nảy số” ở hoàn cảnh đặc biệt?

Việt Anh (VA): (Cười) Mình không được trải qua “hoàn cảnh đặc biệt” như vậy đâu. Quá trình “nảy số” của mình đơn giản và thuận lợi lắm. Ban đầu, mình có đề xuất một đề tài riêng. Sau đó, mình được gợi mở ý tưởng thêm từ phía giảng viên hướng dẫn là PGS.TS Tô Thế Nguyên và anh Hoàng Đức Chính (Nguyên Phó Bí thư LCĐ Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế được Khoa Kinh tế Chính trị lựa chọn trở thành trợ lý NCKH của Khoa vì những thành tích xuất sắc trong NCKH và những hoạt động sôi nổi thời sinh viên). Sau một thời gian cân nhắc, đề tài của mình đã được chốt lại với hai vế và đó là sự kết hợp giữa ý tưởng của thầy hướng dẫn gợi ý và đề tài mình đề xuất ban đầu. 

Nội dung đề tài xuất phát từ mối quan tâm: trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được dấu mốc tăng trưởng dương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu lao đao. Nhận thức điều này, mình thấy được sự quan trọng trong đóng góp từ phía ngành sản xuất chế tạo tại Việt Nam và đặc biệt hơn khi nhà nước từ những năm 2010 đã có các đầu tư trọng điểm cho nhóm ngành này tại khu vực trung tâm công nghiệp lớn - Đồng bằng sông Hồng, nơi có rất nhiều lợi thế phát triển. 

TG: Việt Anh có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu của đề tài?

Bài nghiên cứu quan tâm tới việc phát triển chiều sâu chỉ số TFP - năng suất nhân tố tổng hợp từ sự đóng góp của các cấp doanh nghiệp và quản trị cấp tỉnh thành. Từ đó bài nghiên cứu có các mục tiêu như sau:

(1) Đánh giá chỉ số TFP tại khu vực nghiên cứu - một chỉ số Việt Nam mới tập trung nghiên cứu trong khoảng 10 năm trở lại đây.

(2) Xem xét việc đóng góp từ cấp doanh nghiệp và quản trị cấp tỉnh bên nào có tác động lớn hơn và hiệu quả hơn cho việc gia tăng TFP.

(3) Đề xuất các giải pháp từ phía doanh nghiệp và cấp tỉnh.

TG: Trong quá trình làm nghiên cứu, bạn cảm thấy khó khăn nhất ở bước nào?

Quá trình thực hiện đề tài diễn ra trong khoảng 5 - 6 tháng, ở mỗi giai đoạn thực hiện đề tài sẽ có những khó khăn riêng đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ và từng bước giải quyết vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, nếu để kể tên bước nào gặp nhiều khó khăn nhất chắc có lẽ đó là việc xử lý bộ dữ liệu thứ cấp từ Báo cáo tài chính của Tổng cục Thống kê và thực hiện các bước liên quan tới kỹ thuật định lượng trong phần mềm STATA vì chiếm tới 2/3 thời lượng để hoàn thiện bài NCKH. 

Nhận thức được điều đó nên khi thực hiện tới bước này mình đã rất cẩn trọng và nghiêm túc, dẫu vậy vẫn không tránh khỏi những khó khăn do chưa có kinh nghiệm xử lý dữ liệu và đặc biệt là mình làm đề tài một mình. Mọi việc nhập rồi kiểm tra dữ liệu đều do mình thực hiện nên khi có sai sót cần tìm sửa lại sẽ vô cùng tốn thời gian. Mình nhớ khi việc xử lý dữ liệu hoàn thành, từ xấp xỉ 76.000 quan sát mình đã lọc xuống còn 1.135 quan sát thôi, vậy chắc bạn cũng đã phần nào cảm nhận được khó khăn của mình rồi nhỉ?! (cười tươi).

TG: Bạn đã làm cách nào để vượt qua thử thách ấy?

VA: Lúc thực hiện nghiên cứu, mình chỉ mới bước vào đầu năm 3 và học bộ môn Kinh tế lượng trong cùng kỳ thực hiện đề tài nên nền tảng kiến thức chưa được chắc chắn. Mình vừa học, vừa tìm hiểu trước và có vô số lần “nháp” mô hình song song với những kiến thức tự học và thu nạp được trên lớp để tìm ra giải pháp tốt nhất. Ngoài ra, đối với phần mềm chạy số liệu STATA - một công cụ cũng hoàn toàn mới với mình, mình đã tự học qua Youtube để hiểu hơn thao tác trên công cụ này. Sau tất cả, mình vẫn không quên được cảm xúc của ngày hôm đó, khi chạy thành công mô hình đầu tiên đáp ứng đủ tiêu chí.

TG: Kỷ niệm mà bạn nhớ nhất trong quá trình làm nghiên cứu khoa học là gì?

VA: Để mình xem nào… Trong quá trình viết và hoàn thiện bài nghiên cứu thì mình không may mắc Covid-19. Vì đảm bảo an toàn phòng dịch cho mọi người xung quanh, mình phải chuyển sang một chỗ khác để thực hiện cách ly riêng thì nơi đó… chưa lắp đặt internet. Thời gian từ lúc cách ly cho tới lúc khỏi khoảng 10 ngày, tới ngày thứ 2 sau khi cắt sốt thì cũng là lúc mình hết sạch dung lượng 4G. Hệ quả là hàng ngày, mình phải ra ban công để bắt wifi nhà bên cạnh hoàn thiện nốt bài cũng như giữ liên lạc với giảng viên hướng dẫn. Mình nghĩ đây là kỷ niệm đặc biệt nhất với mình vì qua đó, mình thấy bản thân đã cố gắng nhiều như thế nào, đặt nhiều tâm sức nghiêm túc cho 1 công việc và tận tâm hoàn thiện ra sao!

TG: Bạn đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ giảng viên hướng dẫn - PGS.TS Tô Thế Nguyên?

VA: Thầy Nguyên luôn đánh giá cao và mong muốn sinh viên thực sự chủ động trong cách tiếp cận khoa học để phát triển bản thân thông qua làm nghiên cứu. Vì vậy buổi làm việc với thầy hầu hết như một buổi chia sẻ gần gũi về những khó khăn, khúc mắc và cùng nhau thầy trò giải quyết. Thầy luôn nhấn mạnh trong suốt quá trình làm bài NCKH không đặt nặng vấn đề thành tích hay kết quả cuối cùng mà thay vào đó hãy làm và trải nghiệm nó một cách toàn tâm và coi đó là quá trình phát triển những kỹ năng để trưởng thành… Mình cảm thấy rất may mắn khi có thầy đồng hành trên chặng đường này.

Được xướng tên ở mục giải thưởng cao nhất tại lần lượt các cấp từ cấp Khoa, cấp Trường tới cấp ĐHQG Hà Nội, Việt Anh đã đi qua lần lượt các cảm xúc từ vỡ òa, vui mừng, xúc động và biết ơn…

TG: Cảm xúc của Việt Anh khi đạt giải Nhất tại cuộc thi NCKH sinh viên các cấp và gần đây nhất là cấp ĐHQGHN?

VA: Mình cảm thấy rất kỳ diệu! Hành trình NCKH của mình là một quá trình của sự trưởng thành trong cách tiếp cận và làm khoa học, mình nhận ra những giá trị của bản thân khi nỗ lực không ngừng theo đuổi và từng bước tìm ra một câu trả lời xác đáng mà nghiên cứu đặt ra ban đầu. Hơn hết, quá trình này còn ý nghĩa hơn khi chính mình đã chủ động giải quyết các khó khăn phát sinh. Và đặc biệt, bài nghiên cứu này còn là món quà dành tặng một người đã luôn truyền động lực cho mình cố gắng hơn, đó là ông ngoại đã mất của mình.

TG: Bạn có muốn gửi lời cảm ơn tới những người đã hỗ trợ mình trong suốt quá trình làm nghiên cứu?

VA: Chắc chắn rồi! Mình luôn luôn biết ơn, trân trọng và sẽ ghi nhớ sự hỗ trợ, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Thành quả mà mình có được ngày hôm nay cũng nhờ sự đồng hành của PGS.TS Tô Thế Nguyên - giảng viên hướng dẫn và người anh Hoàng Đức Chính, cùng sự ủng hộ của bạn bè. Ngoài ra, không thể không kể đến môi trường học tập sáng tạo và khuyến khích nghiên cứu khoa học mà UEB đã tạo ra cho sinh viên bởi đây cũng là yếu tố quan trọng giúp mình có được “quả ngọt” là giải thưởng cao nhất trong cuộc thi NCKH cấp ĐHQGHN và có thể sẽ còn nhiều cuộc thi lớn hơn ở phía trước.

TG: Những dự định của Việt Anh sau khi nhận giải thưởng này? Bạn sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi lớn hơn nữa chứ?

VA: Giải thưởng lần này là một cột mốc đánh dấu và cho mình thêm vững tin trên con đường học thuật. Do đó, ý thức được tầm quan trọng và tính chủ động qua quá trình học tập, nghiên cứu tại UEB, mình đã đề ra những mục tiêu tương lai gần và xa hơn. 

Về trước mắt, mình sẽ cố gắng chỉnh sửa bài và tiếp thu, format bài theo quy chuẩn của một bài báo quốc tế và apply vào một tờ báo quốc tế về lĩnh vực Kinh tế. Thêm vào đó, hiện tại mình cũng đang trong quá trình đợi kết quả vòng hồ sơ NCKH cấp Bộ cũng như chuẩn bị thi cuộc thi NCKH Eureka 2022, nên mình sẽ tập trung cao độ cho hai cuộc thi này. Còn về xa hơn, mình luôn mong muốn sẽ có cơ hội tìm ra hướng nghiên cứu ưa thích và thế mạnh của bản thân để phục vụ các cấp học cao hơn. 

TG: Bạn sẽ phát triển và đưa đề tài của mình triển khai ở thực tế chứ?

VA: Tất nhiên, sẽ chẳng điều gì tuyệt vời hơn khi mình có thể đóng góp công sức, vốn tích lũy kiến thức và năng lực của mình để cống hiến cho những dự án liên quan tới cải thiện, phát triển chiều sâu của nền kinh tế Việt Nam.

Việc đề tài có giá trị thực tiễn, đóng góp các hàm ý giúp ích cho Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước thì luôn là mục tiêu của rất nhiều nhà nghiên cứu và mình cũng không ngoại lệ. Nếu được phát triển đề tài rộng hơn thì mình sẽ mở rộng quy mô giới hạn mẫu nghiên cứu để không chỉ dừng lại ở Đồng bằng sông Hồng – nơi được tiếp nhận và là trọng tâm của sự phát triển nhóm ngành sản xuất chế tạo tại Việt Nam mà còn là các khu vực kém hiệu quả sản xuất, giúp cấp địa phương, người dân hiểu rõ được khó khăn và tháo gỡ để tránh xê dịch khoảng cách kỹ thuật, giàu nghèo vùng miền. 

Không chỉ giỏi kiến thức mà còn tràn đầy nhiệt huyết, tự tin trong các hoạt động ngoại khóa, Đào Việt Anh là một minh chứng cho thế hệ sinh viên tài năng, xuất sắc của UEB.

TG: Được biết, ngoài giải thưởng về NCKH, Việt Anh còn đạt được rất nhiều loại học bổng và giấy khen khác phải không?

VA: Mình xin “khoe” một số thành tích mà mình đã nhận được nhé! Thời gian học tập tại UEB, mình đã có được: Học bổng Khuyến khích học tập kỳ I, II của năm học 2019 - 2020 và năm học 2021 - 2022; Top 3 – Global Partnership of Asian Colleges 2021, Top 3 – International Group Work – GPAC 2021.

TG: Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Việt Anh còn là một thành viên năng động trong các câu lạc bộ, chương trình phải không? Bạn hãy điểm danh những “chiến tích” của bản thân nhé!

VA: Bên cạnh những thành tích liên quan đến học tập, mình cũng từng làm Trưởng ban nội dung chào tân K64 Khoa Kinh tế Chính trị, Trưởng ban nội dung CLB âm nhạc SOS, Cố vấn nội dung CLB VOL, Phó ban nội dung chương trình Art’s Power bởi Youth - cộng đồng định hướng bản thân cho các bạn trẻ.

Ngoài ra, mình cũng là Guest speaker của Hội thảo trao đổi nghiên cứu quốc tế về phát triển bền vững với Université du Littoral Côte d’Opale và Guest author trong Hội thảo khoa học quốc tế “Doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững 2022”.

TG: Bạn có thể chia sẻ bí quyết và đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên UEB cũng đam mê NCKH được không?

VA: Mình là người theo chủ nghĩa kiến tạo, mình tin sự thành công của một công trình không phải là bắt đầu từ một xuất phát tốt, mà là quá trình của sự tìm tòi và học hỏi từ những thầy cô có kinh nghiệm. Quan trọng nhất, bạn cần có niềm tin, sự chăm chỉ để tỉ mỉ hoàn thành từng chút một.

Nói một cách chi tiết hơn thì bạn cần:

Thứ 1: Hãy coi NCKH như một trải nghiệm bạn được chứ không mất vì đầu tiên đó là những mối quan hệ tốt đẹp với người hướng dẫn để học hỏi, các thầy cô trong khoa hầu hết đều từng là sinh viên xuất sắc, có trải nghiệm nước ngoài và rất trẻ trung. Mình tin mọi người sẽ cảm thấy được sự gần gũi, tươi mới khác với hình tượng bắt gặp trên giảng đường nhiều. Thêm vào đó, NCKH đòi hỏi mình đọc tài liệu rất nhiều nên bạn sẽ được bồi đắp vô số kiến thức không phải lúc nào bạn cũng có thể tự thu nạp một cách tập trung đâu. Do đó, dù làm NCKH để đổi điểm hay vì một mục đích nào đó, dù lớn lao hoặc nhỏ bé thì hãy luôn coi NCKH sẽ bổ trợ cho ta nhiều điều.

Thứ 2: Để làm NCKH tốt và có sức thuyết phục cao thì bạn không thể thuyết phục người nghe bằng luận cứ của người khác được, hãy thử làm gì đó để có dấu ấn riêng. Hãy tự bồi đắp kiến thức nền tảng chắc chắn về kinh tế, kinh tế lượng, kỹ năng xử lý số liệu... Và quan trọng là cần phải có đủ những dữ liệu, đong đếm tính khả thi của đề tài.

Thứ 3: Nếu thấy chưa tự tin về một thứ gì đó mới thì hãy chắc chắn rằng bạn làm tốt và chắc những thứ cơ bản. Không phải lúc nào cũng có thể vẽ ra những thứ cao siêu, mình nghĩ ai cũng cần thời gian và chút may mắn. Do đó, nếu chưa tự tin làm một điều gì đó đột phá, thì bài NCKH sẽ ghi điểm cao không kém khi bạn thực hiện một đề tài cơ bản thuyết phục. Hay nói cách khác là một bài làm thật “sạch sẽ” về mọi mặt.

Thứ 4: Cuối cùng điều đóng góp rất nhiều vào sự thành công của đề tài NCKH chính là sự độc lập và chăm chỉ. Mình từng vô số lần muốn từ bỏ đề tài với những lí do “vô cùng hợp lý” đó là mình không đủ giỏi. Nhưng nghĩ lại sẽ là rất tệ nếu đặt câu hỏi ngược lại: Liệu 5,10 năm nữa bạn có đủ giỏi, đủ thời gian để trải nghiệm những bước NCKH rất cơ bản không? Vì vậy hãy đọc kỹ lời khuyên thứ 1, 2, 3 để có một bài NCKH thành công nhé!

Cảm ơn Việt Anh về những chia sẻ của bạn. Hy vọng rằng, trong tương lai, bạn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công ở các cuộc thi lớn hơn!


Thu Uyên - UEB Media

FullName Email
Address Security code HMYYPS
Content

Other News