New Trang tin
 Search

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đồng hành cùng huyện Thạch Thất, Hà Nội đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quản lý

Nhằm nâng cao chất lượng, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý theo mục tiêu của huyện Thạch Thất (Hà Nội), ngày 5/11/2022, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) đã cùng một số chuyên gia tham gia đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới cho các cán bộ quản lý của huyện, hướng tới mục tiêu thúc đẩy địa phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.


Với sứ mệnh của một trường đại học tiên phong đổi mới – sáng tạo – cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý hàng đầu tại Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục phát huy vai trò của mình trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tri thức, tư vấn chính sách và thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ quản lý các cấp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Hơn 500 cán bộ quản lý từ cấp cơ sở đến các cấp huyện Thạch Thất (Hà Nội) nghiêm túc tham dự lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới

Khai mạc lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới cho hơn 500 cán bộ quản lý huyện Thạch Thất, Ông Nguyễn Minh Hồng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện cho rằng việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, cập nhật xu thế và phát huy sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện công việc nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho đội ngũ cán bộ, quản lý của huyện là vô cùng quan trọng, nhận được sự quan tâm sát sao và chỉ đạo từ lãnh đạo cấp trên. Lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức này sẽ là “bước đệm” vô cùng quan trọng để các cán bộ, quản lý từ cấp huyện đến cơ sở tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để vận dụng vào thực tế. 

Ông Nguyễn Minh Hồng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát biểu tại khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý của huyện

Ông Hồng cũng bày tỏ chuyên đề do PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế - với kiến thức và kinh nghiệm công tác lâu năm ở cả trong và ngoài nước – sẽ mang đến là những nội dung thiết thực, hữu ích về cả lý luận và thực tiễn cho các học viên tham dự khóa học.

Trước khi bắt đầu đi vào nội dung khóa học, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng bày tỏ hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm mà mình truyền đạt sẽ giúp ích cho các học viên trong quá trình xây dựng kế hoạch và chương trình công tác một cách hiệu quả, để từ đó có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê bày tỏ hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm mà mình truyền đạt sẽ giúp ích cho các học viên trong quá trình công tác

Theo đó, PGS. TS Nguyễn Trúc Lê cũng trao đổi về buổi đào tạo với các nội dung chính là: (1) Cách tiếp cận trong xây dựng kế hoạch và chương trình công tác; (2) Công cụ tư duy hiện đại và các phương pháp triển khai xây dựng kế hoạch; (3) Giám sát và đánh giá kế hoạch theo bộ chỉ số KPIs cấp đơn vị, cá nhân; (4) Đề xuất cách làm ứng dụng thực tiễn vào đơn vị trong bối cảnh hiện nay. Trong thời lượng đào tạo đó, 40% là nội dung lý thuyết, 60% là giải quyết các tình huống thực tế và ứng dụng thực tế.

Toàn cảnh hội trường diễn ra khóa đào tạo, các cán bộ quản lý của Huyện Thạch Thất trở thành các “học viên”, cùng lắng nghe PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chia sẻ kiến thức mới 

Để các học viên lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả nhất, sau mỗi phần giảng giải về lý thuyết, Thầy Nguyễn Trúc Lê đều đan xen đưa ra những ví dụ cụ thể, đi vào những kế hoạch chi tiết của huyện để phân tích, đưa ra các tư vấn, kiến nghị, và đề xuất giải pháp để từng cán bộ lãnh đạo có thể lập các kế hoạch cụ thể và giám sát đánh giá cụ thể cho từng các nhiệm vụ của đơn vị mình. Trong đó phải kể đến một số các nhiệm vụ trọng yếu mà bài giảng đã được đề cập:

  1. Kế hoạch phải có mục tiêu rõ ràng, được đo lường bằng sản phẩm, thời gian cụ thể gắn với các nhóm yếu tố trọng yếu thành công mà đơn vị phải tìm ra được.
  2. Cần phải sử dụng các công cụ đo lường hiện đại nhưng phải gắn liền các điều kiện phù hợp với môi trường thực tiễn của Việt Nam.
  3. Kế hoạch ngoài việc lập, đưa ra các phương pháp trách nhiệm, thời gian, nguồn lực cụ thể, sản phẩm, con người cụ thể thì yếu tố thành công nhất trong bài giảng nhấn đến tại huyện Thạch Thất là kiểm tra, giám sát minh bạch, khách quan, có căn cứ bởi các công cụ, phương pháp đo lường hiện đại.

Để xây dựng được một kế hoạch hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh với các học viên rằng, cần biết biến mọi sự phức tạp thành đơn giản để tập trung vào các “key point” (điểm quan trọng), bóc tách các nhóm yếu tố trọng yếu để phân bổ thành các yếu tố tác động, rồi từ đó gắn các tỉ trọng cho từng yếu tố, tập trung mạnh nguồn lực hơn vào những yếu tố có tỷ trọng cao.

Các học viên tham gia lớp đào tạo lắng nghe và ghi chép những nội dung quan trọng từ bài giảng

Ngoài các vấn đề đã được phân tích cho huyện Thạch Thất, một số vấn đề được cụ thể hóa từ những chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Thầy Nguyễn Trúc Lê còn đưa ra các tình huống thực tế từ những đơn vị lớn ở nước ngoài về cách họ tiếp cận trong xây dựng kế hoạch tổng thể thành công, phân tích cho các học viên để có cái nhìn chân thực nhất như: Bản đồ Chiến lược của Cơ quan phát triển kinh tế (EDA), Bộ thương mại Mỹ; Bản đồ chiến lược của Nhà hát Opera Boston Lyric…

Những nội dung lý thuyết và các tình huống được PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đưa ra phân tích, diễn giải chi tiết để các học viên lĩnh hội kiến thức được hiệu quả nhất
Những kiến thức mà Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mang đến lớp học sẽ góp phần giúp cho các cán bộ, quản lý địa phương có thêm những cách tiếp cận, triển khai kế hoạch công việc hiệu quả, khoa học hơn trong thời gian tới
Các cán bộ của Huyện  tại lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về năng lực quản lý

Tại buổi đào tạo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng đưa ra những kiến nghị cho các cán bộ quản lý tham gia buổi học về tư duy và phương pháp xây dựng kế hoạch theo mục tiêu: Mục tiêu kế hoạch cần cụ thể, đo lường được, khả thi, thực tế và có thời hạn thực hiện, cần tập trung vào những mục tiêu ưu tiên. Bên cạnh đó, mục tiêu cũng phải có tính kết nối, xác định rõ điểm khởi đầu – kết thúc cho từng mục tiêu, và mỗi mục tiêu kế hoạch làm rõ theo công thức “5W-1H-2C”.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng đưa ra những kiến nghị cho các cán bộ quản lý tham gia buổi học về tư duy và phương pháp xây dựng kế hoạch theo mục tiêu

Ngoài ra, để đơn vị vận dụng vào thực tiễn đạt được những hiệu quả cao trong bối cảnh hiện nay, Thầy Trúc Lê cũng đưa ra đề xuất cụ thể, cô đọng sau hàng loạt các nội dung lý thuyết, ví dụ điển hình đã phân tích trước đó, đặc biệt là quá trình thực hiện cần phải linh hoạt, phân bổ công việc hợp lý để có sự kết nối tổng lực gặt hái thành công.

Cuối buổi học, các kiến thức quan trọng cũng được Thầy Trúc Lê cô đọng, nhấn mạnh lại để các học viên ghi nhớ và vận dụng vào thực tiễn

Kết thúc lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý Huyện Thạch Thất, Ông Nguyễn Minh Hồng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện gửi lời cảm ơn tới PGS.TS Nguyễn Trúc Lê với chuyên đề: Kỹ năng lập kế hoạch và chương trình công tác theo phương pháp hiện đại, đã truyền đạt những nội dung cơ bản nhất về cả lý luận và thực tiễn tới các học viên tham gia khóa học. Tuy lượng thời gian không nhiều, song những nội dung trong buổi buổi đào tạo này đã giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp huyện đến cơ sở của Thạch Thất có thêm cách tiếp cận mới, bổ sung thêm tư duy theo hướng hiện đại phù hợp với bối cảnh Việt Nam, phương pháp triển khai xây dựng kế hoạch công tác. 

Bên cạnh đó, Ông Hồng cũng bày tỏ: “Huyện Thạch Thất kính mong PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cùng đội ngũ cán bộ giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong thời gian tới, tiếp tục quan tâm, giúp đỡ trong việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành kinh tế, có thêm nhiều buổi trao đổi, truyền đạt, hướng dẫn trong việc xây dựng kế hoạch chương trình công tác, giúp cho đội ngũ cán bộ, quản lý của Huyện không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”

Ông Nguyễn Minh Hồng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND phát biểu kết thúc lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ với chuyên đề được giảng dạy bởi Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Với định hướng nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, tư vấn và cung cấp dịch vụ đào tạo hoàn hảo cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để tiếp tục mang đến những sản phẩm giáo dục đột phá, sáng tạo, phát triển một môi trường đại học chuyên nghiệp – năng động – hội nhập quốc tế.

>>> Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng đồng hành với nhiều đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý:

  1. Kế hoạch không chỉ là kiểm soát điểm đầu và điểm cuối bằng sản phẩm mà còn phải kiểm soát theo chuỗi quá trình
  2. Bộ Công an hướng đến triển khai KPIs trong doanh nghiệp để loại bỏ báo cáo rườm rà, thiếu hiệu quả
  3. Trường học cũng cần xây dựng bộ đánh giá KPIs như doanh nghiệp
  4. Đo lường bằng KPIs để tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa hiệu quả công việc
  5. PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê: Kế hoạch phải có điểm đầu, điểm cuối và các chốt
  6. 20% giảng viên dạy tốt sẽ đem về 80% hiệu quả

Ngọc Thúy, Quang Trung - UEB Media

FullName Email
Address Security code OHGRHY
Content

Other News