New Trang tin
 Search

Giảng viên UEB và những đóng góp khoa học trong tọa đàm về xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn

Sáng ngày 22/11/2022, Trung tâm Dữ liệu và phân tích kinh tế - xã hội (CSEAD), thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng”. 


Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 150 nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu đến từ các Bộ/Ban ngành viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp, như: Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - ĐHQG TP.HCM, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Phân hiệu Đại học Kinh tế TP. HCM tại Vĩnh Long, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên…

Tọa đàm diễn ra dưới hình thức offline và online, thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học uy tín

Khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đã và đang trở thành thách thức lớn cho nhân loại. Ðể giải quyết thách thức trên, mô hình kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn hơn cả. Vì vậy, các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; các nhân tố tác động đến mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng… đã được các nhà khoa học thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp tại tọa đàm.

Hai nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà (Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế học - Khoa Kinh tế Phát triển) và TS. Nguyễn Thế Kiên (Giám đốc Trung tâm CSEAD) đã trình bày báo cáo và cùng thảo luận về các chủ đề “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đánh giá mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng” và “Các nhân tố tác động mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng”. Nội dung thảo luận và đóng góp ý kiến của các chuyên gia là một phần quan trọng để xây dựng nội dung đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội với chủ đề: “Xây dựng bộ tiêu chí và mô hình đánh giá mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp: Áp dụng thử nghiệm với một số mô hình sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng”.

Hai nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà và TS. Nguyễn Thế Kiên đã trình bày báo cáo và cùng thảo luận về các chủ đề đang được quan tâm

Với tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trên thế giới, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn - chìa khóa vàng để phát triển nông nghiệp bền vững (Nguồn: VTC16)


Trung tâm CSEAD - Biên tập: Thùy Dung

FullName Email
Address Security code JTYMCY
Content

Other News