New Trang tin
 Search

Quy chế đào tạo tiến sĩ ở ĐHQGHN năm 2022: Cơ chế mở cho người học và nâng cao chất lượng đầu ra - yêu cầu công bố quốc tế với nghiên cứu sinh

Ngày 21/10/2022, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 3638/QĐ -ĐHQGHN về việc ban hành Quy chế đào tạo Tiến sĩ tại ĐHQGHN. Nhân dịp này, PV đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Tổ trưởng Tổ biên soạn Quy chế của ĐHQGHN về những điểm mới trong Quy chế đào tạo Tiến sĩ này.


Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, GS có thể giới thiệu tóm tắt về Quy chế đào tạo Tiến sĩ mới ban hành của ĐHQGHN?

Quy chế gồm 10 chương, 46 điều quy định về đào tạo bậc tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm: quy định chung; tuyển sinh; chương trình đào tạo; tổ chức và quản lý đào tạo; luận án và đánh giá luận án; công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ; tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân và đơn vị tham gia đào tạo nghiên cứu sinh; tài chính trong quá trình đào tạo tiến sĩ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm.

Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị và cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN

Thưa GS Nguyễn Đình Đức, vậy những điểm mới quan trọng nhất của Quy chế lần này là gì?

Quy chế này có một số điểm mới quan trọng như sau:

Thứ nhất về điều kiện tuyển sinh. Về văn bằng, thí sinh phải tốt nghiệp thạc sĩ, đại học chính quy hạng Giỏi trở lên hoặc trình độ tương đương bậc 7 ở một số ngành chuyên sâu đặc thù. Ngành/chuyên ngành tốt nghiệp phải là ngành phù hợp. Ngành/chuyên ngành phù hợp có 2 loại: (1) phù hợp không phải bổ sung kiến thức và (2) phù hợp phải bổ sung kiến thức, do đơn vị đào tạo quy định.Thí sinh thuộc trường hợp phải bổ sung kiến thức thì cần hoàn thành trước khi đăng ký dự tuyển.

Về kinh kinh nghiệm nghiên cứu, thí sinh tốt nghiệp thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu thì luận văn thạc sĩ được xem như minh chứng cho yêu cầu này nếu đơn vị đào tạo không có quy định thêm. Thí sinh có bằng thạc sĩ định hướng ứng dụng hoặc có bằng thạc sĩ ngành/chuyên ngành phù hợp nhưng phải học bổ sung kiến thức hoặc thí sinh dự tuyển từ cử nhân thì phải là tác giả hoặc đồng tác giả của tối thiểu 01 công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu được hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành/liên ngành công nhận.

Về ngoại  ngữ: Như quy định tại khoản 8, Điều 10 của QC 4555 nhưng có điểm mới như sau: Chấp nhận cả văn bằng do phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam cấp; NCS không cần phải học toàn phần ở nước ngoài. Đối với chứng chỉ ngoại ngữ: Các chứng chỉ phải trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thi chứng chỉ ngoại ngữ đến ngày đăng ký dự tuyển được cấp bởi các cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội chấp nhận, bao gồm: chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ do các cơ sở của Việt Nam cấp tương đương trình độ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Không cho phép chậm nộp chứng chỉ ngoại ngữ như quy định trong QC 4555.

Thứ hai, chương trình đào tạo gồm tối thiểu 90 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ và 120 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có bằng đại học. Nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ phải học bổ sung tối thiểu 30 tín chỉ. Các phần còn lại chung cho tất cả các NCS, bao gồm: Học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ với tổng số tối đa 16 tín chỉ, các chuyên đề tiến sĩ, tiểu luận tổng quan và nghiên cứu khoa học với tổng số tối đa 10 tín chỉ, tham gia sinh hoạt chuyên môn, công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo (không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo) và luận án tiến sĩ.

Thứ 3, về chuẩn đầu ra. ĐHQGHN ban hành quy chế mới yêu cầu cao hơn Quy chế hiện hành của Bộ. Cụ thể, nghiên cứu sinh trong quá trình đào tạo phải có công bố quốc tế, là tác giả chính của các công bố khoa học có tổng điểm đạt từ 2,0 trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình.

Các công bố quốc tế phải được viết bằng tiếng nước ngoài, các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước phải thuộc danh mục được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tối thiểu 0,75 điểm và phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

- Có tối thiểu 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (sau đây gọi chung là danh mục WoS/Scopus);

- Hoặc có 01 bằng phát minh sáng chế/giải pháp hữu ích đã được cấp và tối thiểu 01 bài báo/báo cáo quốc tế thuộc một trong các ấn phẩm sau: (i) chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc (ii) sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín quốc tế phát hành, hoặc (iii) báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, có mã số ISBN, hoặc (iv) bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài có phản biện, có mã số ISSN;

- Hoặc có tối thiểu 02 bài báo/báo cáo quốc tế thuộc một trong các ấn phẩm sau: (i) chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc (ii) sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín quốc tế phát hành, hoặc (iii) báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc   tế có phản biện, có mã số ISBN, hoặc (iv) bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài có phản biện, có mã số ISSN.

Thứ 4, Đào tạo trình độ tiến sĩ được tổ chức theo hình thức chính quy, tập trung, NCS phải đăng ký và hoàn thành 30 tín chỉ trong một năm học. Thời gian đào tạo độ tiến sĩ được tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực tới thời điểm luận án được thông qua tại đơn vị chuyên môn. Thời gian đào tạo chuẩn đối với người có bằng thạc sĩ là 03 năm; đối với người chưa có bằng thạc sĩ là 04 năm. Nghiên cứu sinh được kéo dài thời gian đào tạo khi có lý do chính đáng nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng). Nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu xuất sắc có thể được tổ chức bảo vệ luận án sớm hơn so với thời hạn đào tạo chuẩn nhưng không quá 01 năm (12 tháng).

Thứ 5, Đơn vị đào tạo được tổ chức giảng dạy, đánh giá các học phần theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp nhưng phải bảo đảm chất lượng các lớp học này không thấp hơn chất lượng lớp học trực tiếp.

Thứ 6, kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa của nghiên cứu sinh được thủ trưởng đơn vị đào tạo phê duyệt, ban hành kèm theo quyết định công nhận tên đề tài luận án và người hướng dẫn luận án cho nghiên cứu sinh.

Thứ 7, những thay đổi trong quá trình đào tạo: Nghiên cứu sinh và người hướng dẫn được đề xuất với đơn vị đào tạo về việc thay đổi đề tài luận án, bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn và chuyển đơn vị đào tạo. Quy chế mới lần này không quy định thời gian được phép thay đổi, tuy nhiên, khi thay đổi phải điều chỉnh kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa và bảo đảm thời gian đào tạo tuân thủ theo quy định. Quy chế quy định cụ thể các trường hợp nghiên cứu sinh bị buộc thôi học và cũng quy định các trường hợp được bảo lưu, xem xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, nghiên cứu. Trường hợp chuyển đơn vị đào tạo hoặc là nghiên cứu sinh mới, việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, nghiên cứu tối đa không quá 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Thứ 8, Luận án và tất cả các công trình nghiên cứu khoa học trước khi gửi xuất bản, công bố hoặc bảo vệ phải được kiểm tra sao chép, trùng lặp.

Thứ 9, Đánh giá tổng thể luận án ở đơn vị chuyên môn: Thủ trưởng đơn vị đào tạo ban hành quyết định thành lập tiểu ban chuyên môn đánh giá luận án gồm 05 đến 07 nhà khoa học đáp ứng các tiêu chí như đối với cán bộ hướng dẫn chính. Luận án được thông qua ở cấp đơn vị chuyên môn nếu có tối thiểu 3/4 số nhà khoa học trong tiểu ban chuyên môn có ý kiến đồng ý đưa luận án ra đánh giá luận án ở Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ.

Thứ 10, Phản biện độc lập luận án

Phản biện độc lập phải đáp ứng các tiêu chuẩn như đối với người hướng dẫn chính luận án. Luận án không đạt quy trình phản biện độc lập, nghiên cứu sinh chỉ được phép trình lại hồ sơ đề nghị tổ chức seminar đánh giá tổng thể luận án sớm nhất sau 03 tháng và muộn nhất trước 06 tháng kể từ ngày luận án có quyết định được trả lại. Luận án sau khi sửa chữa phải tiếp tục thực hiện quy trình phản biện độc lập lần thứ hai, không cần xin ý kiến của các phản biện độc lập lần đầu không tán thành luận án.

Thứ 11, Đặc cách bỏ qua phản biện độc lập với nghiên cứu sinh là tác giả chính của tối thiểu 03 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục WoS hoặc 01 bằng phát minh sáng chế/giải pháp hữu ích và 02 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục WoS có kết quả công bố phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án.

Thứ 12, Hội đồng đánh giá luận án

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ gồm 07 thành viên, trong đó số thành viên thuộc đơn vị đào tạo không quá 03 người và phản biện độc lập không quá 01 người. Tiêu chuẩn về năng lực nghiên cứu của thành viên Hội đồng như đối với người hướng dẫn chính, trừ Thư ký Hội đồng phải đáp ứng quy định như đối với giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ.

Thứ 13, Đơn vị đào tạo có thể tổ chức đánh giá luận án trực tuyến nhưng phải bảo đảm có ít nhất 03 thành viên Hội đồng có mặt trực tiếp cùng nghiên cứu sinh;

Thứ 14, Về Công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ, Quy chế quy định một số mốc thời gian cụ thể: Nghiên cứu sinh hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung luận án/tóm tắt luận án theo quyết nghị của Hội đồng đánh giá luận án trong thời hạn 01 tháng; Công bố toàn văn luận án và tóm tắt luận án trên trang thông tin điện tử của đơn vị đào tạo (trừ những luận án được đánh giá theo chế độ mật) trong thời gian 03 tháng kể từ khi nghiên cứu sinh gửi đơn vị đào tạo luận án hoàn chỉnh cuối cùng;

Đơn vị đào tạo thực hiện cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ có hiệu lực.

Thứ 15, Tiêu chuẩn đối với giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ:

Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm được phân công giảng dạy, GV giảng dạy trình độ tiến sĩ phải có công bố liên quan đến chuyên môn giảng dạy với vai trò là tác giả chính như sau: 02 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính từ 0,75 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của 01 sách chuyên khảo do các nhà xuất bản trong nước và quốc tế phát hành hoặc của 01 chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế phát hành.

Đối với giảng viên có học vị tiến sĩ (chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư) cần có thời gian giảng dạy ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ từ 01 năm (12 tháng) trở lên kể từ khi có bằng tiến sĩ;

Thứ 16, Tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh:

Yêu cầu của ĐHQGHN cao hơn của Bộ, chỉ có GS, PGS, TKSH mới được hướng dẫn chính nghiên cứu sinh.

Người hướng dẫn có học vị tiến sĩ (chưa có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư) để hướng dẫn chính nghiên cứu sinh thì phải  có thành tích xuất sắc (liên tục trong 3 năm liên tiếp mỗi năm tác giả chính 1 bài Wos/Scopus) và có tối thiểu 01 năm (12 tháng) làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy kể từ khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ.

Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm có quyết định công nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, người hướng dẫn chính, người hướng dẫn độc lập, người đồng hướng dẫn (không phân biệt giữa hướng dẫn chính và hướng dẫn phụ) phải có thêm kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới đề tài luận án hướng dẫn như sau: Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá từ 0,75 điểm trở lên, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 4,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả);

 

Thứ 17, Số lượng NCS được hướng dẫn: Giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 07 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 05 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn phụ hoặc hướng dẫn độc lập (trong trường hợp đáp ứng tiêu chuẩn hướng dẫn chính đối với người có công bố xuất sắc) tối đa 03 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh;

Cán bộ hướng dẫn có năng lực nghiên cứu xuất sắc (là tác giả chính của tối thiểu 03 công bố khoa học thuộc danh mục WoS/Scopus/năm, liên tục trong 3 năm gần nhất) có thể đề nghị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét cho phép điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được phép hướng dẫn;

Thứ 18, Xử lí vi phạm

Quy chế lần này bổ sung điều khoản xử lý với những trường hợp nộp hồ sơ không đúng thời hạn quy định:

- Nếu quá thời hạn nhưng nghiên cứu sinh vẫn trong phạm vi thời gian cho phép của khóa học, nghiên cứu sinh phải có giải trình bằng văn bản, có xác nhận của các bên liên quan có thẩm quyền (cơ quan công tác hoặc chính quyền địa phương và cán bộ hướng dẫn) đề nghị đơn vị đào tạo xem xét giải quyết;

- Sau khi nghiên cứu sinh được thông qua luận án ở đơn vị chuyên môn, việc nộp hồ sơ để thực hiện phản biện độc lập hoặc sau khi có kết quả phản biện độc lập, việc nộp hồ sơ bảo vệ luận án muộn từ 06 tháng trở lên so với thời hạn quy định, đơn vị thụ lý hồ sơ (đơn vị đào tạo thành viên đối với nghiên cứu sinh của đơn vị mình hoặc Ban Đào tạo đối với nghiên cứu sinh của đơn vị đào tạo trực thuộc) dừng xử lý hồ sơ và chấm dứt quá trình đào tạo của nghiên cứu sinh; Việc cho phép nghiên cứu sinh được tiếp tục thực hiện quy trình phản biện độc lập hoặc bảo vệ luận án chỉ xem xét với những trường hợp có lý do khách quan, bất khả kháng và được đơn vị đào tạo đề nghị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét quyết định;

- Việc hoàn thiện luận án và nộp hồ sơ sau bảo vệ luận án trước Hội đồng muộn từ 03 tháng trở lên, đơn vị đào tạo không xem xét công nhận học vị và cấp bằng cho nghiên cứu sinh. Trong trường hợp này, nghiên cứu sinh phải giải trình và bảo vệ lại luận án trước Hội đồng đánh giá luận án.

Thứ 19, Điều khoản thi hành:

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi.

Đó là những điểm mới quan trọng của Quy chế đào tạo Tiến sĩ của ĐHQGHN vừa ban hành.

Thưa GS Nguyễn Đình Đức, GS đánh giá như thế nào về hiệu quả của Quy chế mới này?

Có thể thấy Quy chế mới ban hành của ĐHQGHN đặc biệt chú trọng đến chuẩn đầu ra, chất lượng luận án tiến sĩ và công bố quốc tế.

Chất lượng luận án, chất lượng nghiên cứu sinh, chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn luận án là những yếu tố then chốt nhất.

Bên cạnh đó, Quy chế mới cũng cởi mở và thông thoáng hơn, trao quyền chủ động cho bộ môn, cho giảng viên hướng dẫn, tạo cơ hội cho các TS – giảng viên trẻ xuất sắc và nghiên cứu sinh trong các hoạt động chuyên môn; đồng thời coi trọng các yếu tố đảm bảo chất lượng và các chế tài để giữ kỷ cương và chất lượng trong đào tạo.

Theo thống kê của chúng tôi, có đến hơn 90% các công bố quốc tế có liên quan đến đào tạo nghiên cứu sinh. Đào tạo nghiên cứu sinh có ý nghĩa quan trọng và sống còn với đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến, với các đại học ưu tú như ĐHQGHN.

Đào tạo nghiên cứu sinh bài bản, chỉn chu, nghiêm túc và chất lượng chúng ta mới có đội ngũ tiến sĩ có chất lượng, và từ đó mới có đội ngũ GS, PGS có chất lượng. Nhất là với ĐHQGHN còn có vai trò như máy cái – đào tạo TS là đội ngũ giảng viên của nhiều trường đại học khác trong cả nước.  

Với Quy chế lần này, tôi tin tưởng sẽ là nhân tố quan trọng đột phá, tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mới ở ĐHQGHN. Quy chế mới là đòn bẩy thúc đẩy công bố quốc tế và từ đó tăng cường tiềm lực KHCN và xếp hạng của các ngành/lĩnh vực, cũng như của các đơn vị đào tạo và ĐHQGHN.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư !


 VNU Media

FullName Email
Address Security code GOWQCH
Content

Other News