New Trang tin
 Search

Giảng viên UEB: Chuẩn bị sẵn sàng trước những thách thức về giảng dạy trong môi trường số

Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) về định hướng phát triển trong giai đoạn 2025 – 2030, nhằm tiếp cận chương trình và phương pháp giảng dạy bậc đại học và trên đại học cho giảng viên với mục tiêu tiếp cận công nghệ số, Viện Quản trị Kinh doanh đã tổ chức tọa đàm “Chương trình và phương pháp dạy học ngành Kinh tế - Kinh doanh với môi trường số”. 


Toạ đàm có sự tham gia của Diễn giả GS. Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và các giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, các khoa Kinh tế chính trị, Kinh doanh Quốc tế và các nghiên cứu sinh. Với mong muốn “từ nhận thức đến thay đổi cách tiếp cận trong giảng dạy và nghiên cứu kinh tế và kinh doanh trong bối cảnh chuyển đổi số”, tại buổi trao đổi, GS. Hồ Tú Bảo đã trình bày một số kiến thức cơ bản và ứng dụng của Khoa học dữ liệu Data, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Thing IoT và một số công nghệ nền tảng khác của công nghệ số trong nghiên cứu, giảng dạy hiện nay.

GS.TS Hồ Tú Bảo chia sẻ kiến thức về kinh tế số và thảo luận những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Một khái niệm khá trừu tượng, đôi khi bị hiểu sai đó là môi trường thực - số đã được giải đáp. Môi trường của kỷ nguyên số: “Môi trường thực-số là môi trường ta đã và đang sống, nay các thực thể vật lý dần có các phiên bản số của mình (dữ liệu) và do đó có thể kết nối được với nhau qua Internet”. Từ khái niệm này ta hình thành được khái niệm chuyển đổi số: “Chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi tổng thể và toàn diện cuộc sống và công việc từ môi trường thực thể sang môi trường thực-số.”

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Hồ Tú Bảo cùng giảng viên UEB đã cùng rút ra những hiểu biết sâu hơn về kinh tế số

Với những thay đổi hình thái trong kinh tế với kinh tế số ra đời đòi hỏi chương trình giảng dạy trong các trường đại học ngành Kinh tế cần cập nhập và thay đổi điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu học tập và thị trường lao động. Những vấn đề trên được các giảng viên và diễn giả thảo luận trực tiếp tại tọa đàm. 

Đầu tiên, các đơn vị đào tạo cần rà soát lại chương trình (curriculum) và các môn học (subject) để thay đổi phù hợp với định hướng học tập và nghiên cứu kiến thức mới. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần bổ sung thêm thêm các môn học mới cần như phân tích kinh doanh, thống kê toán…, nghiên cứu bổ sung các chuyên ngành đào tạo mới liên quan đến tài chính số (Fintech), tiếp thị số (Digital Marketing), phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics).

Đội ngũ giảng viên tham gia toạ đàm đã cùng thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nội dung đào tạo cho sinh viên về kinh tế số

Tiếp theo đó, Nhà trường và các Khoa/Viện cần xác định nội dung với kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết khi đi làm tại các doanh nghiệp. Diễn giả và giảng viên đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề này như tăng cường bổ sung thêm các nội dung học mới gắn với nhu cầu thực tiễn tại các vị trí làm việc như phân tích dữ liệu, du lịch với môi trường số…. Thiết kế môn học theo module để linh hoạt đổi mới cũng là giải pháp được đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm.

GS.TS Hồ Tú Bảo cũng chia sẻ những nghiên cứu, kiến thức hỗ trợ đội ngũ giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh tháo gỡ những khó khăn thách thức trong đào tạo kiến thức chuyên môn, củng cố nền tảng cơ bản cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số

Bên cạnh các nội dung về chương trình đào tạo, việc liên tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và mở rộng kết nối với doanh nghiệp, cựu học sinh, và năng lực dữ liệu để liên tục cập nhật theo biến động của thị trường lao động làm cơ sở để đổi mới liên tục nội dung đào tạo, cũng được đề cập tại buổi làm việc.

Cũng tại buổi tọa đàm, các giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh đã trao đổi một số chủ đề liên quan đến tính cấp thiết của việc thay đổi phương pháp giảng dạy & nghiên cứu trong bối cảnh phát triển kinh tế số bao gồm: Học tập kết hợp (blended learning) hài hoà việc dạy và học ở lớp với dùng các công nghệ số và học liệu số, gồm cả dạy và học online; Học tập thích nghi (adaptive learning) phân tích dữ liệu người học và điều chỉnh tức thời tài liệu học tập và đánh giá, dùng phân tích dữ liệu và AI hỗ trợ việc dạy và học.

Ngoài ra, còn có những ý kiến cho rằng cần phải thay đổi đồng bộ và toàn diện hệ thống chương trình hiện nay. Tuy nhiên điều này thực sự khó khăn, GS. Hồ Tú Bảo đã trao đổi và thông tin một số kinh nghiệm trong giải pháp để tiếp cận vấn đề này đó là công thức PDMT: Vấn đề đặt ra (Problems)- Định hướng (Driven) – Phương pháp (Method) – Công cụ (Tools) là chìa khóa trong quá trình thay đổi đó. 

Đại diện Viện Quản trị Kinh doanh, PGS.TS Nguyễn Thu Hà, Phó Viện trưởng gửi lời cảm ơn chân thành tới GS.TS Hồ Tú Bảo đã tham dự và chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn

Kết thúc toạ đàm cùng những chia sẻ của GS.TS Hồ Tú Bảo, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham gia đã có cơ hội trau dồi thêm kiến thức về chuyển đổi số và kinh tế số. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên Viện cũng nhận thấy vai trò quan trọng của việc thay đổi chương trình và phương pháp dạy học cho sinh viên, nhằm kiến tạo nền tảng vững chắc về cả chuyên môn và kỹ năng để các em sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Buổi trao đổi đã đem lại động lực để Viện Quản trị Kinh doanh nói riêng cũng như Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đổi mới đa dạng các chương trình và phương pháp giảng dạy tiếp cận công nghệ số.


TS. Hoàng Xuân Vinh - Viện Quản trị Kinh doanh

FullName Email
Address Security code BNXMER
Content