New Nghien Cuu
 Search

Một số gợi mở cho chính phủ và doanh nghiệp trong nước tại Diễn đàn Việt - Đức

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được hai bên ký kết vào ngày 30/6/2019. Ngày 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn EVFTA trong khi Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn vào tháng 6/2020. EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020. Với vai trò đầu tàu của Đức trong EU, khi EVFTA đi vào thực thi, Đức được xem là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và là nguồn thay thế nhập khẩu chất lượng cao cho các thị trường hiện tại của Việt Nam.


Trên thực tế, là hai quốc gia có mức độ bổ sung thương mại lớn, thương mại giữa Đức và Việt Nam đã phát triển nhanh và năng động. Do đó, việc hiểu những thay đổi của thương mại Việt Nam - Đức khi EVFTA chính thức được thực thi có ý nghĩa quan trọng để giúp thương mại Việt Nam - Đức nói riêng và thương mại Việt Nam - EU nói chung hướng tới phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Đức năm 2020 

Qua phân tích thương mại của Đức với Việt Nam từ năm 2001 đến nay, có thể rút ra một số kết luận sau:

Thứ nhất, cơ cấu thương mại Việt Nam và Đức có sự thay đổi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng nhóm ngành ô nhiễm trung bình, tăng nhẹ tỷ trọng nhóm ngành ô nhiễm nhất trong khi giảm dần tỷ trọng nhóm ngành ô nhiễm ít nhất. Như vậy, nếu xét về khía cạnh môi trường, dường như thương mại Việt Nam và Đức đang làm gia tăng sức ép lên môi trường của hai quốc gia.

Thứ hai, với hoạt động xuất khẩu, nhóm ngành ô nhiễm nhiều nhất luôn chiếm tỷ trọng thấp nhất. Đây là điểm tích cực thể hiện phần nào sự bền vững trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Đức. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm ngành ô nhiễm nhiều nhất có xu hướng gia tăng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đức. Nếu đứng trên góc độ của Việt Nam, thì việc Việt Nam gia tăng nhập khẩu nhóm ngành ô nhiễm nhiều nhất từ thế giới sẽ làm giảm sức ép đến môi trường của Việt Nam.

Thứ ba, trong giai đoạn 2001-2018, nhóm ngành ô nhiễm nhiều nhất liên tục thâm hụt và thâm hụt ngày càng tăng. Nếu nhìn từ góc độ môi trường, khi nhập siêu trong nhóm ngành ô nhiễm nhiều nhất tăng lên, đồng nghĩa với việc có thể dẫn tới việc giảm sản xuất các ngành có mức độ ô nhiễm cao trong nước, như vậy sẽ giúp giảm được những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường quốc gia.

Thứ tư, trong nhóm ngành ô nhiễm ít nhất, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Đức các các loại quả, hạt điều, dệt may, giày dép trong khi nhập khẩu từ Đức các thiết bị và dụng cụ y tế, quang học, vật lý, hóa học và đo lường. Tuy các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay sang Đức chủ yếu có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động và tài nguyên nhưng đều là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh cao và do đó trong tương lai gần, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này; đồng thời tiếp tục tăng cường nhập khẩu từ Đức các thiết bị và dụng cụ y tế, quang học. Tuy nhiên, để nâng cao sự bền vững về khía cạnh kinh tế trong hoạt động xuất khẩu, Việt Nam cần ưu tiên những biện pháp nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, dệt may, giầy dép để thu được lợi ích cao hơn từ EVFTA.

Thứ năm, trong nhóm ngành ô nhiễm trung bình, việc thúc đẩy thương mại trong nhóm ngành Máy móc thiết bị cơ khí, điện và điện tử là cần thiết để giúp Việt Nam đẩy mạnh quá trình CNH, HĐN, tiếp thu công nghệ nguồn từ Đức, thay thế các nguồn nhập khẩu công nghệ kém chất lượng hơn cũng như tăng sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hợp tác, học hỏi các doanh nghiệp Đức về công nghệ, đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ từ Đức và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị các mặt hàng mà Đức có nhu cầu cũng như có thế mạnh.

Thứ sáu, trong nhóm ngành ô nhiễm nhất, Việt Nam không có sản phẩm xuất khẩu nào chiếm ưu thế nổi trội và chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng. Theo chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Đức sản phẩm hóa chất nhưng trong đó dược phẩm là nhóm hàng chủ chốt. Với vai trò đặc biệt quan trọng của dược phẩm cũng như ưu đãi của Việt Nam cho EU nói chung và Đức nói riêng với sản phẩm này trong EVFTA, nhập khẩu dược phẩm từ Việt Nam từ Đức có nhiều khả năng sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất và đầu tư nhiều hơn vào R&D, hướng tới các sản phẩm chất lượng cao và các loại thuốc chuyên khoa đặc hiệu.

*

Triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh hai bên đã ký kết EVFTA là rất tích cực. FDI từ EU không chỉ đơn thuần bổ sung thêm vốn đầu tư mà còn có thể giúp Việt Nam tiếp cận và bắt kịp các xu hướng phát triển mới của thế giới, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn mà không gây tổn hại đến các mục tiêu xã hội và môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý một số vấn đề trong thu hút FDI từ EU:

1) Lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm ký kết FTA với EU trong khi các nước cạnh tranh chính trong khu vực về thương mại và đầu tư chưa có FTA với EU. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ tồn tại trong ngắn hạn vì định hướng của cả ASEAN và EU là một FTA giữa hai khu vực. Khi đó, lợi thế về thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại và đầu tư dành riêng cho Việt Nam sẽ không còn. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU.

2) Để thu hút được FDI chất lượng cao, EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không có tính quyết định. Muốn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ. Mặc dù gần đây có nhiều cải thiện trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do World Bank (2019) thực hiện, thứ hạng của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn (70/190) khi so sánh với các nước cạnh tranh thu hút FDI, như Singapore và Malaysia. Một số chỉ tiêu cần tiếp tục cải thiện đáng kể như thủ tục liên quan đến khởi sự kinh doanh, giải quyết phá sản, quy định về thuế, thương mại qua biên giới và bảo vệ nhà đầu tư thiểu số. Còn theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, 2017), các rào cản lớn khiến Việt Nam khó di chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu chính là hạn chế ở mức độ tinh vi trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng của nhà cung ứng trong nước và sự sẵn có của công nghệ mới nhất... Về trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, theo WEF và Kearney (2018), Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm “chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Nếu so sánh với các nước ASEAN khác, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines về các yếu tố đổi mới sáng tạo công nghệ và giáo dục, công nghệ nền, năng lực sáng tạo và nguồn lực con người. Đây là những yếu tố Việt Nam cần tích cực cải thiện trong thời gian tới để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao.

3) EVFTA một mặt mang lại cơ hội liên kết, làm ăn với các doanh nghiệp EU, song cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp nội địa. Mặc dù EVFTA có tác động sâu rộng song theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng doanh nghiệp có hiểu biết về EVFTA vẫn còn rất hạn chế. Điều này có thể làm hạn chế khả năng của doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội cũng như chuẩn bị sẵn sàng trước các thách thức mà EVFTA mang lại. Vì vậy, việc tăng cường nhận thức và nghiên cứu về tác động của EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước là vô cùng cần thiết.

*

Các gợi mở trên đã được đề cập trong bài viết của tác giả Vũ Thanh Hương và Nguyễn Thị Minh Phương trong phần 2 (Thương mại và Đầu tư) cuốn “Việt Nam và Đức: phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” xuất bản tháng 11/2020, do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và GS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam đồng chủ biên. Cuốn sách là ấn phẩm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975-2020); là sản phẩm của mối quan hệ hợp tác nghiên cứu học thuật hữu nghị lâu dài giữa Viện FNF và Trường Đại học Kinh tế.

Cuốn sách này giúp độc giả theo dõi được nhiều lĩnh vực khác nhau của mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức, tuy nhiên, ra đời trong bối cảnh thế giới có nhiều sự kiện lớn: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê duyệt và các tác động của các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2020, cuốn sách tập trung đề cập nhiều đến tiến trình “biến đổi toàn cầu” và “bền vững” của hai quốc gia.

Cuốn sách mang tới những thảo luận và chia sẻ về bối cảnh hội nhập mới, tác động của bối cảnh đó tới các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai nước, gợi mở về những mô hình phát triển kinh tế hướng tới xanh, bền vững như kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh, những mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới sáng tạo và các góc nhìn khác về giáo dục, văn hóa.

Sách phát hành tại:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: (84-24)37547506 703

Email: phongtcxb@vnu.edu.vn

Website: http://ueb.vnu.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch

 



FullName Email
Address Security code WQNAUR
Content