Sáng ngày 17/10/2022, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh đã tổ chức tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động UEB Research and Sharing với chủ đề Năng suất - chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Tọa đàm cung cấp góc nhìn cơ bản và tạo nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học từ cấp độ sinh viên cũng như mang tới cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong quá trình làm khoa học.
Diễn giả của Tọa đàm là các giảng viên – nhà nghiên cứu: PGS.TS. Nguyễn Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế; ThS.NCS. Nguyễn Khánh Huy và ThS. NCS. Hoàng Đàm Lương Thúy – Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế; ThS.NCS. Lê Thị Tú Anh – Trường Đại học Thương mại.
Nội dung tọa đàm được chia thành 2 nội dung chính: (1) Phần 1 – Năng suất và năng suất lao động trong các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Việt Nam và (2) Phần 2 – Chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Thông qua kinh nghiệm nghiên cứu và kết quả thực tiễn được chia sẻ từ các nhà nghiên cứu, sinh viên tham dự tọa đàm đã được cung cấp góc nhìn sâu sắc hơn, mang tính học thuật về sự phát triển của lĩnh vực du lịch tại Việt Nam cũng như các vấn đề cần lưu tâm trong quản trị doanh nghiệp du lịch.
Lĩnh vực du lịch được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của phát triển kinh tế Việt Nam tầm nhìn 2020-2025. Các doanh nghiệp dịch vụ du lịch được coi là động lực phát triển và sự đi lên của các doanh nghiệp sẽ kéo theo những tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng. Năng suất là chỉ số quan trọng thể hiện mức độ hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp. Do đó, cải thiện năng suất sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các nguồn lực đầu vào cũng như đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xa hơn nữa là nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ luôn là vấn đề cần được chú trọng đối với các doanh nghiệp trong quản trị hiện đại. Đảm bảo chất lượng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ là mục tiêu chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực dịch vụ du lịch nói riêng. Từ góc độ quản trị kinh doanh, thông qua phân tích thực trạng và các kết quả nghiên cứu của các diễn giả, tọa đàm đề xuất một số hàm ý chính sách giúp nâng cao hiệu quả hoạt động dành cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Việt Nam như sau:
Một là, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch có thể góp phần cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên mạnh mẽ và công cuộc chuyển đổi số tạo ra những nền tảng phát triển cho các doanh nghiệp, các vấn đề về ứng dụng công nghệ, du lịch thông minh hay điểm đến thông minh cần được các doanh nghiệp chú trọng. Phương thức tiếp cận và chia sẻ thông tin của khách du lịch cũng theo hướng chủ động hơn. Sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động cũng tác động lớn đến việc lựa chọn điểm đến và các dịch vụ du lịch của du khách. Khi du khách có sự lựa chọn đa dạng hơn cũng là lúc các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ trước những thách thức của thị trường. Việc ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin là điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp dịch vụ cạnh tranh và phát triển. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam thường mới chỉ ứng dụng tốt các công nghệ trực tuyến trong khâu truyền bá, xúc tiến, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế vượt trội ở mảng dịch vụ trực tuyến như đặt phòng, thanh toán, điều tra thị trường… Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông minh để thiết kế và điều chỉnh gói dịch vụ theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.
Hai là, lĩnh vực du lịch và doanh nghiệp du lịch cần đảm bảo phát triển bền vững về năng suất chất lượng thông qua việc đảm bảo mục tiêu kép với lượng khách du lịch (trong nước và quốc tế). Các vấn đề trong lĩnh vực du lịch càng được thấy rõ hơn sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động đón khách quốc tế bị đình trệ. Vì vậy, trong bối cảnh bình thường mới, cần thực hiện song song 2 mục tiêu: (1) Nối lại và hồi phục lượng khách du lịch quốc tế; (2) Phát huy tối đa và khai thác hiệu quả nguồn khách du lịch nội địa. Các mục tiêu này chỉ đạt được khi doanh nghiệp du lịch đảm bảo năng suất lao động và chất lượng dịch vụ tại doanh nghiệp. Đối với năng suất lao động, doanh nghiệp cần chỉ ra nhóm yếu tố tác động lớn nhất đến cải thiện năng suất lao động (ví dụ: phân bổ nguồn lực, nguồn nhân lực tại khách sạn và điều kiện tự nhiên), cũng như nhóm yếu tố tác động yếu nhất đến cải thiện năng suất lao động (ví dụ: điều kiện xã hội). Việc phân biệt các nhóm yếu tố tác động giúp doanh nghiệp dễ dàng đưa ra các giải pháp thiết thực và phù hợp với bối cảnh thực tế hơn. Bên cạnh đó, đối với chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp không nên coi chất lượng dịch vụ là một yếu tố đơn lẻ mà cần đánh giá chất lượng trên nhiều khía cạnh khác nhau một cách tổng quát (ví dụ: mức độ sạch sẽ, vị trí, cơ sở vật chất…). Các chính sách kích cầu du lịch cũng cần được thực hiện dựa trên việc xác định vai trò quan trọng của chất lượng dịch vụ để thúc đẩy khách du lịch thực hiện các chuyến đi và mang lại lợi nhuận dành cho các điểm đến du lịch.