New Nghien Cuu
 Search

Cơ chế chia sẻ và hưởng dụng nguồn gen cây dược liệu dưới tán rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì

Tọa đàm “Cơ chế chia sẻ và hưởng dụng nguồn gen cây dược liệu dưới tán rừng tại Vườn quốc gia Ba Vì” được tổ chức vào ngày 25/4/2023 nhằm mục đích lấy ý kiến của nhiều bên liên quan để có góc nhìn đa chiều về cơ chế chia sẻ và hưởng dụng nguồn gen cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng ở Việt Nam nói chung và tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì nói riêng. Tại Tọa đàm, các diễn giả gồm TS. Nguyễn Đình Tiến - Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Tài nguyên và Bất động sản – Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng TS. Nguyễn Thị Thu Hà, TS. Đinh Thị Hải Vân, PGS.TS Nguyễn Thanh Lâm thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ nhiều ý kiến hữu ích về chủ đề này. 


Vườn quốc gia Ba Vì (VQG) thuộc địa phận 15 xã, 5 huyện thuộc TP. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, có tổng diện tích 9.702 ha, trong đó trên 1.000 ha thuộc phân khu nghiêm ngặt (Cote > 400m), 8.000 ha phân khu phục hồi sinh thái (< Cote 400m) và khoảng 400 ha là khu vực dịch vụ hành chính. VQG có hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng, với nhiều loài động, thực vật rừng quý, hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn gen. Ngoài chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, VQG còn đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt doanh thu từ du lịch sinh thái.

Để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển nguồn cây dược liệu quý hiếm của vùng núi Ba Vì, song song với việc đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học, câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào vừa đảm bảo được mục tiêu bảo tồn theo đúng chức năng của VQG, quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, Luật đa dạng sinh học 2008 mà vẫn góp phần cải thiện sinh kế của người dân vùng đệm thông qua cơ sở chia sẻ lợi ích từ nguồn gen cây dược liệu dưới tàn rừng? Nội dung của tọa đàm đã tập trung vào các vấn đề: (1) Có cần thiết chia sẻ lợi ích từ rừng với người dân địa phương hay không? (2) Các cơ chế/hoạt động nào có thể được thực hiện trong việc chia sẻ lợi ích từ VQG với người dân địa phương? (3) Hoạt động khả thi có thể thực hiện trong việc chia sẻ lợi ích từ rừng liên quan đến các loài thực vật được trồng và thu hái trong VQG? (4) Hoạt động hợp tác để chia sẻ, bảo tồn nguồn gen và chia sẻ lợi ích? (5) Triển khai mô hình thí điểm?

 

Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đã trao đổi về cơ chế chia sẻ và hưởng dụng nguồn gen cây dược liệu dưới tán rừng tại VQG như sau:

Liên quan đến vấn đề ưu tiên bảo tồn nguồn gen tại VQG hay ưu tiên phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm

Các nhà khoa học đều thống nhất cần xác định nội dung ưu tiên chính của VQG. Theo đó, mục tiêu bảo tồn của VQG nên được ưu tiên hàng đầu và là cần thiết vì khi bảo vệ được hệ sinh thái rừng thì toàn bộ nguồn gen cây dược liệu trong hệ sinh thái rừng được bảo vệ (hình thức bảo tồn tại chỗ).

Thực tế, bảo tồn nguồn gen đối với VQG là quan trọng nhất. Chúng ta phải xem xét người dân ở đây đã sinh tồn được chưa? Nếu mục tiêu sinh tồn chưa đáp ứng thì cần phải quan tâm phát triển sinh kế cho người dân. Cần phải có sự thỏa hiệp giữa người dân và VQG về cơ chế hưởng lợi. Khi người dân cần hưởng lợi từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng thì phải chịu sự quản lý của nhà nước. Bên cạnh đó, để giảm áp lực vào tài nguyên rừng, có thể tạo nguồn sinh kế đa dạng ở địa phương.

Có thể cân đối mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế bằng cách chấp nhận phát triển nguồn gen cây dược liệu tại vườn nhà hoặc đất cây lâu năm dù dược tính của những cây dược liệu được trồng tại những vị trí này không cao bằng tại vị trị trên Cote 400m ở VQG.

Cách thức thực hiện cơ chế chia sẻ và hưởng dụng nguồn gen cây dược liệu dưới tán rừng tại VQG 

Các hoạt động trong VQG phải theo quy định của pháp luật, hệ sinh thái rừng của VQG là rừng đặc dụng nên bị giới hạn về các hoạt động tác dụng vào hệ sinh thái. Do đó, cơ chế ở đây có thể gom những khu vực rừng đã được giao cho các hộ lại để xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích

Xem xét đến những khu vực nằm ngoài phạm vị hạn chế tác động của VQG mà có điều kiện lập địa tương tự như trên cote 400m để phát triển nguồn gen cây dược liệu. 

Khi chia sẻ lợi ích giữa người dân địa phương và nguồn gen cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng thuộc phạm vi VQG cần phải có một quy chế quản lý bền vững, cần đưa vai trò của chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng khi thực hiện cơ chế chia sẻ và hưởng dụng nguồn gen cây dược liệu dưới tán rừng.

Lực lượng kiểm lâm hiện tại của VQG mỏng trong khi diện tích của vườn lớn nên cần bố trí khu vực trồng dược liệu ở nơi thuận tiện cho lực lượng kiểm lâm giám sát.

Về khai thác, sử dụng cây dược liệu một cách bền vững

Đối với loại cây dược liệu được trồng: cần quan tâm đến nguồn gen cây dược liệu bản địa vì đối với cây dược liệu thì càng lớn dược tính càng cao những cũng cần có cây dược liệu ngắn ngày để đảm bảo có nguồn thu trước mắt cho người dân. Khi khai thác cây dược liệu thì cần bảo tồn được các cây gốc tránh khai thác toàn diện

Tại địa phương, nếu có doanh nghiệp hoạt động thì cần truy xuất nguồn gốc của cây dược liệu, cần quan tâm đến trách nhiệm xã hội của công ty (vì hoạt động khai thác cây dược liệu có ảnh hưởng đến rừng, có ảnh hưởng đến người dân địa phương) bởi vì khi lượng khai thác càng tăng cao thì áp lực vào rừng càng lớn,

Cần có hướng dẫn khai thác/thu hái cây dược liệu bền vững. Nên học hỏi kinh nghiệm triển khai hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên rừng bền vững từ VQG Xuân Thủy. Thậm chí, cần giới hạn người đi vào rừng, đồng thời quan tâm đến vấn đề giới và độ tuổi của người đi thu hái cây dược liệu (ưu tiên nữ giới, người già, trẻ em thì có thể hạn chế được lượng khai thác).

Về triển khai thí điểm mô hình chia sẻ lợi ích cây dược liệu dưới tán rừng

Thí điểm mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng cho người dân địa phương cùng tham gia. Qua điều tra khảo sát, hiện có phần diện tích rừng ở độ cao trên 400m khoảng 5ha (diện tích này hiện đang giao khoán cho người dân chăm sóc và bảo vệ) để thí điểm trồng các loài cây dược liệu đang có nguy cơ bị mất. Một phần đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, một phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài cây thuốc quý.

 Về hình thức tổ chức thực hiện: Thành lập Tổ quản lý thí điểm chương trình do chi hội trưởng hội thuốc nam tại địa phương kết hợp với Ban quản lý VQG cùng quản lý và bảo vệ khu vực diện tích thí điểm trồng cây dược liệu. Tổ quản lý bao gồm 5 thành viên trong đó Tổ trưởng được bầu từ các hội viên (có thể lựa chọn 1 đồng chí là chi hội trưởng hội thuốc nam tại địa phương làm tổ trưởng) và 2 tổ phó phụ trách. Ban quản lý VQG có 2 thành viên tham gia Tổ quản lý với vai trò giám sát và đánh giá các hoạt động của Tổ.

Lập bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn cây dược liệu đặc hữu tại vùng núi Ba vì giữa cộng đồng người Dao quần chẹt xã Ba Vì và VQG. Người dân sẽ cam kết thực hiện đúng theo yêu cầu và quy định của pháp luật cũng như quy định của VQG. Người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng và được phép trồng và khai thác cây dược liệu trên khu vực thí điểm và thực hiện đúng cam kết với Tổ quản lý.

Tổ quản lý là cầu nối trung gian giữa VQG với người dân địa phương, cùng VQG tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển cây dược liệu trên vùng đất được quy định. Ngoài ra, Tổ quản lý cũng cần kết hợp với Ban quản lý VQG và các tổ chức trong nước nhằm đào tạo, tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật cho người dân trong việc trồng và khai thác cây dược liệu đảm bảo khai thác bền vững cây dược liệu trên vùng diện tích của Vườn. Kết hợp với các viện nghiên cứu cung cấp hỗ trợ nguồn gen, cây giống phục vụ phát triển lâu dài cây dược liệu. Thí điểm trồng các loài cây dược liệu từ địa phương khác để nhân giống và lai tạo các loài dược liệu quý. 

Sau khi thành lập được tổ quản lý và hoạt động phát triển cây dược liệu, cần tiến hành tạo một một mạng lưới bảo tồn loài giữa các khu bảo tồn, để chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện; đào tạo bổ sung và đào tạo mới kiến thức cho cán bộ về bảo tồn loài; hình thành một mạng lưới phòng LAB về nhân giống các loài cây nguy cấp trong và ngoài các khu bảo tồn để từng bước đưa loài bị khai thác cạn kiện khỏi nguy cơ tuyệt chủng. 


P.TCXB

FullName Email
Address Security code TIKVOT
Content

Other News