New Nghien Cuu
 Search

Hoàn thiện năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ thích ứng với bối cảnh quốc tế mới

Đây là nội dung tư vấn được trích xuất từ bài tham luận tại Hội thảo “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, địa phương; được tổ chức vào ngày 25/5/2023. Các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo hướng tới góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-TƯ (khóa XII) và cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.


Xu hướng chủ đạo của môi trường quốc tế mới 

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ các diễn biến, xu hướng phức tạp, khó lường trong khu vực và trên thế giới là thách thức đối với công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ. Việc nhận diện một cách chính xác và khách quan những xu hướng biến động trong môi trường quốc tế là việc làm cần thiết nhằm định hướng giải pháp giúp nâng cao năng lực và hiệu quả công việc của cán bộ quản lý các cấp, tận dụng lợi thế cho phát triển kinh tế, thời đảm bảo lợi ích của quốc gia.

- Công nghệ số phát triển mạnh mẽ, trở thành tiền đề cho một cuộc cách mạng mới trong nền kinh tế thế giới. Đầu tư phát triển vốn con người và nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ là yêu cầu tiên quyết giúp bắt kịp những thay đổi công nghệ trong môi trường làm việc quốc tế.

- Toàn cầu hóa đang có xu hướng chậm lại dưới tác động của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ. Trong bối cảnh mới, đội ngũ cán bộ quản lý cần có khả năng nhận diện các quan hệ thương mại chính yếu và xu thế phát triển của toàn cầu hóa nhằm lựa chọn những đối tác phù hợp. Bên cạnh đó, một yêu cầu tiên quyết đối với đội ngũ này là cần duy trì một bản lĩnh chính trị vững vàng nhằm đảm bảo lợi ích của đất nước dưới sự tác động đa chiều từ bên ngoài.

- Các thách thức toàn cầu đang đặt ra yêu cầu thay đổi phương thức và quan hệ sản xuất một cách căn bản. Ba thách thức lớn nhất có thể kể đến trong những thập kỷ tới bao gồm gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng.

Môi trường làm việc quốc tế đã và đang chịu tác động của nhiều lực đẩy. Khả năng thích ứng và thay đổi là một yêu cầu quan trọng đối với đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay. Đội ngũ cán bộ quản lý cần thể hiện được trách nhiệm, tri thức và sự sáng suốt trong quá trình điều hành đất nước nhằm đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Yêu cầu mới về phẩm chất, kỹ năng đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý

Trong bối cảnh về môi trường quốc tế đa dạng và phức tạp, năng lực của cán bộ cần đi kèm với văn hoá của tổ chức, chịu ảnh hưởng lớn của người lãnh đạo quản lý. Do vậy, những yêu cầu mới về phẩm chất, kỹ năng của đội ngũ cán bộ nhằm thích ứng với bối cảnh quốc tế mới cũng chính là những yêu cầu mới, tiên quyết đặt ra đối với người lãnh đạo quản lý: 

Lãnh đạo quản lý số 

Sự nhạy bén, thích ứng với quá trình chuyển đổi khoa học kỹ thuật số của cán bộ, lãnh đạo quản lý cần đặc biệt chú ý đến loại hình “công việc kỹ thuật số” và các kỹ năng mà công việc này yêu cầu.

Lãnh đạo quản lý với trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc, trí tuệ văn hóa để phát triển kỹ năng lãnh đạo, trí tuệ định hướng cùng với trí tuệ học thuật là những điều cần có trong việc phát triển sự nghiệp cho các nhân viên trong các tổ chức công.

Lãnh đạo quản lý với tư duy mở

Lãnh đạo quản lý với tư duy mở, có thể truyền cảm hứng chủ động học tập, chủ động tu dưỡng cho cán bộ để nhanh chóng thích ứng với môi trường quốc tế mới.

Lãnh đạo quản lý xanh cho sự phát triển toàn cầu bền vững

Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý không chỉ có kiến thức cứng về môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi Việt Nam và thế giới, mà còn cần ý thức, trách nhiệm và lối sống xanh, vì môi trường.

Lãnh đạo quản lý vì dân tộc trong bối cảnh quốc tế

Cần phải hiểu đặc thù, bản sắc của đất nước, của dân tộc để linh hoạt vận dụng sáng tạo trong bối cảnh quốc tế.

Lãnh đạo quản lý có khả năng chống chịu

Mỗi cán bộ quản lý nhà nước cũng là một đại diện của đất nước. Hình ảnh người cán bộ khỏe mạnh thể hiện thế và lực của một đất nước phát triển vững chắc.

Các giải pháp cốt lõi nhằm thích ứng bối cảnh quốc tế mới

Đào tạo suốt đời. Cần có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc nâng cao khả năng tự học và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ. Một số chính sách đề xuất: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học dành cho cán bộ; Có các hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ liên tục, định kỳ, song song với xây dựng chế tài thưởng và phạt minh bạch, rõ ràng đối với các cán bộ đạt/không đạt yêu cầu đề ra; Phối hợp với các cơ sở đào tạo để xây dựng các khóa đào tạo đặc thù, chuyên biệt dành cho từng nhóm cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, vị trí công việc khác nhau.

Xây dựng bộ tiêu chí của cán bộ, gồm: Nhóm tiêu chí về nhận thức; Nhóm tiêu chí về quan hệ xã hội; Nhóm tiêu chí về khả năng tự quản lý bản thân; Nhóm tiêu chí về lãnh đạo quản lý số.

Xây dựng phòng thí nghiệm chính sách. Mô hình nhằm cung cấp cho đội ngũ cán bộ cơ hội thực hiện nghiên cứu về mức tác động của chính sách bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm các cuộc khảo sát nghiên cứu, các mô hình thống kê để đánh giá khả năng phản ứng của các bên liên quan đối với các chính sách. Đây là giải pháp dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tính hội nhập quốc tế rất cao bởi mô hình này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Thông tin quản lý dành cho cán bộ bằng công nghệ dữ liệu lớn (big data). Việc xây dựng hệ thống dữ liệu lớn cần thực hiện một số bước bao gồm: (i) Phát triển hạ tầng hệ thống lưu trữ và máy chủ; (ii) Phát triển phần mềm tương thích với các lĩnh vực quản lý; (iii) Xây dựng hạ tầng bảo mật.

Cơ chế thuê chuyên gia bên ngoài. Cơ chế thuê chuyên gia bên ngoài cần rõ ràng, minh bạch, đặc biệt trong việc quản lý hoạt động của chuyên gia bên ngoài, tránh tình trạng các chuyên gia chỉ đảm bảo kết quả công việc, thiếu sự linh hoạt, tương tác, truyền thụ kiến thức với nhóm cán bộ tại các cơ quan, tổ chức chủ quản.

Xây dựng môi trường quốc tế trong công việc. Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, các cơ quan, tổ chức cần xây dựng quy chế hoạt động của đội ngũ cán bộ theo xu hướng hội nhập quốc tế dựa trên việc xây dựng các mũi nhọn chiến lược trong công việc và triển khai chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) cho từng vị trí, nhiệm vụ, việc làm cụ thể đảm nhiệm bởi từng cán bộ trong hệ thống.

Những yêu cầu mới về phẩm chất, kỹ năng đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý và các đề xuất giải pháp nêu trên hứa hẹn không chỉ giúp đội ngũ cán bộ “thích ứng” với bối cảnh quốc tế mới mà còn tạo điều kiện để đội ngũ này “vượt qua” những thách thức quốc tế và tận dụng một cách chủ động, sẵn sàng, “đi tắt đón đầu” những cơ hội mà bối cảnh quốc tế tạo ra.”

>>> NHÀ TƯ VẤN

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

>>> TOÀN VĂN 

Ấn phẩm Tư vấn Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code DWVNQG
Content