New Nghien Cuu
 Search

Theo chân chuyến bay đến Indonesia của sinh viên Khoa KT&KDQT tham dự SHARE ASEAN - EU Exchange Student and Alumni Summit

Những cơ hội được vươn ra thế giới để trở thành một công dân toàn cầu chưa bao giờ gần đến thế khi là sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế. Cùng dõi theo trải nghiệm học tập trong một môi trường đa văn hóa và chuyến đi đầy thú vị của một FIBE-er khi tham gia chương trình ASEAN - EU SHARE nhé!


Ngồi trên chuyến bay đến Indonesia vào đầu tháng 8 năm 2022, sinh viên Chu Thị Huyền đến từ khóa QH-2019-E lớp Kinh tế quốc tế CLC 3 bỗng nhớ về những khoảng thời gian khó quên từ khi đăng ký học bổng cho khóa học COIL do EU SHARE tài trợ cho tới ngày được lựa chọn làm một trong những sinh viên đại diện trong Hội nghị diễn ra tại Indonesia.

Quá trình đăng ký học bổng và học tập đầy thú vị

Một điều đầy bất ngờ mà Huyền chia sẻ chính là thói quen theo dõi thường xuyên trang fanpage Facebook của Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã giúp bạn tiếp cận được với thông báo học bổng dành cho khóa học COIL của EU SHARE một cách nhanh nhất. Khóa học mà sinh viên lựa chọn là Writing for Transnational Business Management. 

Sau khi hoàn thành hồ sơ và nhận được thông báo về học bổng trị giá 320 euro, sinh viên nhận tài liệu môn học và tham gia lớp được điều phối và giảng dạy bởi Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai - Giảng viên Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế và Thầy Tep Sopheak - Giảng viên, Đại học Quốc tế Phnôm Pênh. 

Lớp học COIL thuộc chương trình EU SHARE tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với môi trường học đa văn hóa

Xuyên suốt khóa học, những kiến thức bổ ích về Giao tiếp đa văn hóa, các rào cản giao tiếp đa văn hóa và đưa ra giải pháp, cách viết thư, email trong kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, trong mỗi buổi học, sinh viên Việt Nam và Campuchia được cùng nhau trao đổi và tranh luận về các tình huống thực tế hay trong bài thuyết trình. 

Huyền chia sẻ: “Điều thú vị mà em cảm nhận trong quá trình học đó là được tìm hiểu về nền văn hóa của Campuchia như: cách chào hỏi, cách gọi tên, phong cách quản lý, thứ bậc, phong cách giao tiếp. Điều khó khăn mà chúng em gặp phải đó là mạng Internet không được tốt. Trong bối cảnh dịch Covid, chúng em phải học online bằng nền tảng Zoom.” 

Trải nghiệm đầy tự hào khi đến Indonesia 

Là một trong những sinh viên được đánh giá xuất sắc bởi các giảng viên giảng dạy chương trình COIL, sinh viên được lựa chọn để tham gia Hội nghị online. Chị Vũ Thị Bình Minh là Chairperson của chương trình SHARE lựa chọn lần thứ 2 để thành lập danh sách 5 người đến từ Việt Nam để tham gia Hội nghị thượng đỉnh Trao đổi sinh viên và cựu sinh viên ASEAN - EU lần thứ hai. Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 60 người tham gia từ Đông Nam Á và Châu Âu. Đây là sự kiện gắn kết cựu sinh viên gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ sau đại dịch. 

Đoàn sinh viên Việt Nam tham dự Hội nghị SHARE ASEAN-EU lần thứ 2 tại Indonesia (sinh viên Chu Thị Huyền đứng vị trí thứ 2 từ phải sang)
Tiến sĩ Roger Y. Chao Jr., Trợ lý Giám đốc Ban Thư ký ASEAN _ Trưởng Ban Giáo dục, Thanh niên và Thể thao lên phát biểu

Một điều thú vị là Hội nghị bắt đầu vào ngày 8 tháng 8 năm 2022, trùng với Ngày ASEAN. Do các hạn chế COVID-19 đang diễn ra, những người tham gia được mời xem truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm Ngày ASEAN được tổ chức tại Ban Thư ký ASEAN. Ngày ASEAN chính thức bắt đầu với phát biểu chào mừng của Ngài Dato Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN.

Hình ảnh đại biểu và thành viên tham dự Hội nghị SHARE ASEAN-EU lần thứ 2 tại Indonesia

Ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Trao đổi sinh viên và cựu sinh viên ASEAN - EU SHARE lần thứ hai bắt đầu với các phiên thảo luận với sự tham gia của các thành viên ban hội thẩm xuất sắc từ các tổ chức cựu sinh viên trên toàn ASEAN và EU, cụ thể là Mạng OCEANS, Hiệp hội Erasmus Mundus (EMA), Mạng lưới sinh viên Erasmus (ESN), GaragErasamus (gE), Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), Trung tâm Khu vực của Tổ chức Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO RIHED), Quỹ ASEAN và EURAXESS. Các tham luận viên bao gồm Md Ashiqur Rahman (Chủ tịch, EMA), Neringa Tumenaite (Cựu chủ tịch, OCEANS Network), Olivia Parczyk (Cán bộ liên lạc khu vực châu Á, ESN), Gevorg Harutyunyan (Chủ tịch garagErasmus4Yerevan, gE), I Made Genta Pramanasukma, (AUN - CTS cựu sinh viên), Islaminati Anna Santika (cựu sinh viên AIMS), Jazlyn Yu (cựu sinh viên SHARE), Tiến sĩ Choltis Dhirathiti (Giám đốc Điều hành, AUN), Bà Supansa Kajavong (Cán bộ Chương trình, SEAMEO RIHED), Ông Mahmudi Yusbi (Trưởng Chương trình, ASEAN Foundation), và Tiến sĩ Jenny Lind Elmaco (Điều phối viên Khu vực, EURAXESS).

Chuyên gia  Andy Gibbs SHARE Key CoP Expert tổ chức hoạt động giao lưu 

Ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh chỉ tập trung vào thảo luận nhóm do Chuyên gia chính của SHARE, ông Andy Gibbs, điều hành. Đối với các phiên của mình, mỗi nhóm được giao nhiệm vụ thiết lập Nền tảng mạng lưới cựu sinh viên và sinh viên di động quốc tế và lập kế hoạch hành động để khuyến khích những người khác tham gia nền tảng này. 

Sau khi Hội nghị kết thúc, đoàn sinh viên Việt Nam ở lại Indonesia để khám phá chợ truyền thống và du lịch đảo Thousand Iceland, Bali và Bandung của Indonesia. Chuyến đi diễn ra đem lại cho Huyền nhiều cảm xúc: hồi hộp, háo hức, hạnh phúc và cả tiếc nuối. Mỗi người đều có những những kỷ niệm đẹp và gắn bó với nhau trong suốt chương trình. “Các bạn bè quốc tế đặc biệt là đã giúp đỡ chúng em rất nhiều khi chúng em sang một đất nước xa lạ. Chúng em được đi khám phá chợ truyền thống, cuộc sống về đêm và du lịch đảo của Indonesia”, Huyền chia sẻ về chuyến đi như một kỷ niệm không thể nào quên.

Đoàn sinh viên Việt Nam tham dự Hội nghị SHARE ASEAN-EU lần thứ 2 tại Indonesia 

Lời cảm ơn

“Học bổng là một cơ hội vô giá để sinh viên như em có cơ hội được cải thiện kỹ năng viết trong môi trường chuyên nghiệp, giao lưu kiến thức và học hỏi từ các bạn quốc tế. Thông qua khóa học, chúng em mở rộng thêm sự hiểu biết về phong cách giao tiếp và  nền văn hóa các nước. Không chỉ về học thuật, chúng em hiểu rõ hơn về nền văn hóa thông qua trao đổi với các bạn Campuchia. 

Hơn bao giờ hết, em cảm nhận được sự quan tâm sát sao và lắng nghe ý kiến từ sinh viên của Giảng viên TS. Nguyễn Thị Thanh Mai trong mỗi buổi học. Về phía khoa và trường, đây chính là cầu nối quan trọng giúp chúng em có cơ hội được giao lưu với các bạn trường Đại học quốc tế Phnom Penh.” 

Những cơ hội quý giá như thế này tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế không ở đâu xa, chỉ cần các bạn sinh viên biết kịp thời nắm bắt. Đừng ngần ngại vươn ra thế giới để trở thành một công dân toàn cầu, FIBE-er nhé!


Hương Linh - Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế

FullName Email
Address Security code IHFYNF
Content

Other News
<123>