An ninh kinh tế nói chung, an ninh tài chính tiền tệ nói riêng là bộ phận hữu cơ của an ninh quốc gia, góp phần đảm bảo các điều kiện để nền kinh tế quốc gia phát triển một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao việc làm của nhân dân; có khả năng đối phó linh hoạt và hiệu quả trước các biến động của tình hình quốc tế; tạo điều kiện vững chắc giúp nâng cao đời sống của người dân, sức mạnh quốc gia, nhằm giữ vững an ninh chính trị và quốc phòng.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ban hành ngày 05/03/2023 đã tạo ra các điều chỉnh cần thiết và kịp thời, góp phần cải cách toàn diện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Công điện, các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đã cho thấy vấn đề đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ là vấn đề trọng tâm, trọng điểm và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành có liên quan. Tuy nhiên, có thể nói, các chỉ đạo và chính sách hiện hành chưa làm rõ được các giải pháp tổng thể và hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu kép (1) đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư và (2) đảm bảo sự phát triển của thị trường tài chính tiền tệ theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, sáng ngày 3/10/2023, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “An ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh mới” nhằm mục đích cung cấp một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp thảo luận, trao đổi về chính sách đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có nhiều sự biến động sâu sắc và khó lường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã chỉ ra 7 điểm nghẽn trong đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là điểm nghẽn về chính sách. Do vậy, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê mong muốn Hội thảo sẽ đi sâu vào bàn bạc những giải pháp nhằm gỡ rối những điểm nghẽn trong đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ, đặc biệt là điểm nghẽn về chính sách.
Chủ trì Hội thảo, PGS.TS. Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế Chính trị - đơn vị chủ trì về chuyên môn - khẳng định: Hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật, chia sẻ những vấn đề chuyên sâu “đúng và trúng” nhằm có một cái nhìn khoa học nhất, toàn diện nhất nhưng cũng không kém phần thực tiễn để tìm ra được giải pháp giải quyết những vấn đề đang đặt ra như tội phạm tài chính, rửa tiền, vấn đề thất thu ngân sách, đặc biệt thất thu thuế từ thị trường thương mại điện tử…
Mở đầu hội thảo, TS. Trần Thị Ngọc Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Chính trị, Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền trình bày tham luận “An ninh kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế”. TS. Trần Thị Ngọc Minh khẳng định: Chưa bao giờ, Việt Nam lại đứng trước nguy cơ to lớn về mất an ninh kinh tế như bây giờ, và cũng chưa bao giờ, nhờ hội nhập kinh tế quốc tế cùng với sự phát triển của công nghệ dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam lại có những cơ hội để giải quyết các vấn đề an ninh kinh tế trong nước và khu vực như thời điểm này.
Đồng quan điểm với TS. Trần Thị Ngọc Minh, TS. Đào Quốc Tính, Giảng viên cao cấp Viện An ninh Phi truyền thống, HSB-VNU; nguyên Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam; nguyên Phó Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ với Hội thảo vấn đề “An ninh tài chính cho thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo đó, bối cảnh tăng trưởng kém của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây cùng với những biến động địa chính trị của thế giới, xu hướng phân cực chính trị quốc tế và cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ và Châu Âu ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam. TS. Đào Quốc Tính nhận định: Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra còn tồn tại có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội trong phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng miền địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, quan liêu, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn nhiều phức tạp.
Cùng có những băn khoăn, chia sẻ với TS. Đào Quốc Tính, Thượng tá, PGS.TS. Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát Kinh tế - Học viện Cảnh sát Nhân dân với tham luận “Đảm bảo an ninh kinh tế trong quá trình chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt nam hiện nay”, đặc biệt nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã và đang thay đổi các quy trình, phương thức kinh tế truyền thống hiện có, cũng như đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như truyền thông, y học, giáo dục,… Chuyển đổi số cũng mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó là nguy cơ tiềm ẩn làm nảy sinh hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sự phát triển bền vững, ổn định của nền kinh tế nước ta. PGS. TS. Phạm Tiến Dũng chỉ ra bốn vấn đề đặt ra đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong chuyển đối số quốc gia: đe dọa an ninh công nghệ, đe dọa an ninh tài chính - tiền tệ, đe dọa an ninh dữ liệu, nguy cơ lợi dụng tính “ẩn danh”.
Tham luận thứ tư của Hội thảo “Rủi ro của biến động tỷ giá đối với an ninh tiền tệ của Việt Nam” được chia sẻ bởi TS. Đặng Trung Tuyến, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Là một chuyên gia trong nghiên cứu và dự báo về tỷ giá, TS. Đặng Trung Tuyến phân tích rõ sự biến động tỷ giá thế giới và những ảnh hưởng tới Việt Nam, đồng thời chỉ ra các thách thức và đề xuất một số hàm ý chính sách. Trong đó, TS. Đặng Trung Tuyến khẳng định: Việt Nam cần theo dõi sát sao các chính sách điều hành của các cơ quan FED, EOB, và Ngân hàng trung ương một số quốc gia sở hữu đồng tiền mạnh có tác động lớn đến Việt Nam: Trung Quốc (CNY), Nhật Bản (JPY), Hàn Quốc (KRW); Bám sát tiến trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra (tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cán cân xuất - nhập khẩu...) để có chính sách và quyết định phù hợp trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiệt, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Kinh tế, Bộ Công An. Thiếu tướng chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh mới nhằm đảm bảo an ninh kinh tế của quốc gia. Thiếu tướng nhấn mạnh những chỉ đạo của Chính phủ và những kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam.
Tham gia thảo luận tại Hội thảo còn có các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các giảng viên thuộc nhiều cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, các trường đại học cùng các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Hội thảo diễn ra thành công, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên diễn đàn học thuật về đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Một vài hình ảnh về Hội thảo:
TS. Phạm Thị Linh