New Nghien Cuu
 Search

Hội thảo "Xác lập khung mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số và chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ"

Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 18/05/2024 vừa qua, Hội thảo “Xác lập khung mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số và chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành bán lẻ” đã được tổ chức thành công tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp ĐHQGHN do PGS.TS. Lưu Quốc Đạt chủ trì.


Hội thảo có sự tham dự của Ông Nguyễn Ngọc Tú - Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương; Ông Phạm Ngọc Vinh - Tổng cục giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội; Bà Nguyễn Thị Hồng Tâm - Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trong và ngoài Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lưu Quốc Đạt cho biết: đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc nhận thức về xu hướng, tiềm năng công nghệ toàn cầu và đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng. Các doanh nghiệp có cơ hội học hỏi từ những kinh nghiệm thành công và bài học thách thức trong quá trình chuyển đổi số để xây dựng chiến lược phù hợp, góp phần nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh và cạnh tranh. Vì thế, thông qua Hội thảo lần này, nhóm thực hiện đề tài hi vọng nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia về việc xác lập bộ tiêu chí và mô hình đánh mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ; trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành dịch vụ tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Hội thảo bao gồm 04 tham luận chính: TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà (Trưởng Bộ môn Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) đã trình bày các khung lý thuyết về đánh giá mức độ chuyển đổi số. Bài tham luận của PGS.TS. Lưu Quốc Đạt (Phó trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) xoay quanh đánh giá tổng quan các tiêu chí và mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp ngành bán lẻ. 

TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà trình bày tham luận về các khung lý thuyết về đánh giá mức độ chuyển đổi số
PGS.TS. Lưu Quốc Đạt đánh giá tổng quan các tiêu chí và mô hình đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp ngành bán lẻ

ThS. Đặng Hồng Thái (Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông) trình bày tham luận về chính sách thương mại điện tử: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. TS. Bùi Phương Chi (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) trình bày tham luận về chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ. 

ThS. Đặng Hồng Thái trình bày tham luận về chính sách thương mại điện tử: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Hội thảo đã nhận được ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, giảng viên liên quan tới bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ, cũng như các chính sách thương mại điện tử. 

Ông Nguyễn Ngọc Tú – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương góp ý cho bộ tiêu chí
Ông Phạm Ngọc Vinh – Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động thương binh và xã hội góp ý cho bộ tiêu chí

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà (thành viên chính của nhóm thực hiện đề tài) kỳ vọng: sau Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước, các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện về đánh giá chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ, để từ đó đưa ra được những phản ứng phù hợp cả về mặt chính sách của nhà nước và hành động của doanh nghiệp. 

VỀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. 

Trường Đại học Kinh tế là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Trường không ngừng nâng cao chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ khác nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường được xã hội biết đến như là một trường đại học trẻ, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế 

Trường đã và đang khẳng định được vị trí trong nước cũng như trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu. Với định hướng nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, trường triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao, được chuyển giao cho các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Với chiến lược quốc tế hóa giáo dục, Trường đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu nhằm đưa trường trở thành trung tâm tri thức của khu vực và toàn cầu.

 Vị thế và uy tín của Nhà trường đang dần được củng cố và nâng cao. Trường đã được ghi nhận là đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu đóng góp chính vào kết quả xếp hạng ĐHQGHN đứng top 450-500 thế giới ở lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu Quản lý do Bảng xếp hạng QS danh tiếng công bố vào năm 2022, cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xếp hạng. Đặc biệt, Trường Đại học Kinh tế cũng là đơn vị đóng góp giá trị vào kết quả của ĐHQGHN khi là đại học công lập đầu tiên của Việt Nam được Time Higher Education xếp hạng 501-600 ở lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế trong kỳ đánh giá 2023.


PGS.TS Lưu Quốc Đạt - Khoa Kinh tế Phát triển

FullName Email
Address Security code WQOLBE
Content