New Nghien Cuu
 Search

Việt Nam thiếu trầm trọng nhân lực cho ngành logistics

Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, đến năm 2030 nguồn nhân lực logistics của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường. 


Phát biểu tại Lễ ra mắt Cộng đồng Logistics & chuỗi cung ứng (FLSC) - Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Cộng đồng được thành lập sẽ góp phần làm phong phú hơn không gian kết nối và chia sẻ, liên kết các chủ thể trong quá trình phát triển nhân lực của ngành logistic, từ người đào tạo là các thầy cô, người được đào tạo là các em sinh viên cho đến người sử dụng lao động và các doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của ông Hải, thời gian qua, ngành logistics đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ phát triển từ 10 - 15% mỗi năm. Logistics đang là một ngành có tốc độ tăng trưởng cao đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tạo ra sự nhảy vọt cho nền kinh tế và hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại sự kiện

“Thời gian qua, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động logistics ngày càng lớn theo đà phát triển của nền kinh tế và mở rộng các hoạt động logistics. Trong lĩnh vực đào tạo, ngoài sự tham gia của các nhà trường và đội ngũ các thầy cô, sự tham gia tích cực và chủ động của các cộng đồng sinh viên có một vai trò hết sức to lớn.

Năm 2021 vừa qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong khía cạnh nguồn nhân lực của hoạt động logistics với sự ra đời của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam và nhiều câu lạc bộ logistics ở các trường Đại học, gần đây nhất là Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics sinh viên Việt Nam.

Tiếp nối sự phát triển đó, lễ ra mắt Cộng đồng Logistics & chuỗi cung ứng - Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đánh dấu một bước tiến trong hoạt động đào tạo sinh viên trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng”, ông Hải nhấn mạnh.

Là người đề xuất thành lập, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh rằng: “Chúng ta là những người đi sau, là những người còn nhỏ bé trong lĩnh vực logistic thì yếu tố “chìa khóa” để chúng ta có thể tiến nhanh hơn bắt kịp với dòng chảy với thế giới đó là việc chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực”.

“Tôi kỳ vọng sự ra đời của các mô hình như thế này không chỉ tạo ra sân chơi cho các bạn sinh viên, chuẩn bị hành trang cho các bạn sau khi bước ra khỏi cánh sửa trường đại học mà còn có ý nghĩa to lớn hơn nữa là chúng ta để lại cho thế hệ sinh viên sau này một nền tảng để tiếp tục phát triển. Và đó là cách tốt nhất, thiết thực nhất để đóng góp vào sự phát triển chung của lĩnh vực logistics ở Việt Nam”, ông Hải kỳ vọng.

Ông Phạm Nam Long - Nhà sáng lập kiêm CEO công ty Abivin

Cũng chia sẻ tại buổi lễ ra mắt, ông Phạm Nam Long - Nhà sáng lập kiêm CEO công ty Abivin nhấn mạnh: “Hoạt động logistics và chuỗi cung ứng thực tế đã xuất hiện hàng trăm năm qua, nhưng những năm gần đây mới được nhận diện và ý thức một cách rõ nét hơn nhờ vào sự quan tâm ngày càng lớn của nền kinh tế và xã hội, trong đó có một phần từ chính các bạn sinh viên.

Bày tỏ sự vui mừng trước những sáng kiến của các bạn trẻ nhằm tạo ra các không gian để tìm hiểu và trải nghiệm lĩnh vực logistics, ông Long cũng kỳ vọng vào việc các bạn trẻ có thể ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin vào các hoạt động logistics bởi đây sẽ trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai.

Chia sẻ thêm về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực từ góc độ doanh nghiệp, CEO của Abivin đánh giá: “Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, trong 10 năm tới, dự kiện chúng ta sẽ thiếu hụt đến 90% nguồn nhân lực logictics chất lượng cao dự kiến cần có để đáp ứng cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Do đó hiện nay nếu không chú trọng đến việc đào tạo bồi dưỡng lực lượng lao động mới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sau này đặc biệt là tình trạng gia tăng các chi phí logistics và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Đặt mục tiêu là tạo dựng giá trị cho các thành viên, bạn trẻ Phan Đức - Chủ nhiệm Cộng đồng Logistics & chuỗi cung ứng cho biết sự ra đời của FLSC sẽ xây dựng nhịp cầu kết nối giữa đội ngũ giảng viên, cộng đồng doanh nghiệp với các bạn sinh viên có sự quan tâm đến lĩnh vực logistics.

“Là một thành viên của Mạng lưới CLB Logistics sinh viên Việt Nam, chúng tôi sẽ nỗ lực để gắn kết các bạn sinh viên có cùng niềm đam mê về logistics và chuỗi cung ứng, tạo ra một môi trường để sinh viên phát triển toàn diện về kỹ năng cũng như năng lực chuyên môn ngành.

Sự ra đời của Cộng đồng cũng như là một lời hồi đáp cho sự mong mỏi của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải - là người đã đề xuất thành lập Cộng đồng”, Phan Đức chia sẻ.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Phan Đức cho biết Ban Chủ nhiệm Cộng đồng đang khẩn trương xây dựng chương trình hoạt động cho thời gian tới trong đó tập trung vào 2 vấn đề bao gồm bổ trợ kiến thức cho các bạn sinh viên và kết nối các bạn sinh viên đến với nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng Logistics & chuỗi cung ứng - Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội là thành viên của Mạng lưới CLB Logistics sinh viên Việt Nam. 

Theo báo cáo logistics năm 2021, 3 năm trở lại đây được xem là giai đoạn “bùng nổ” trong đào tạo nhân lực ngành/chuyên ngành logistics. Ở bậc đại học, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49 trường trong tổng số 286 trường đại học trên phạm vi cả nước tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.

Ở bậc cao đẳng và trung cấp, tính đến tháng 10.2021, cả nước có 936 trường cao đẳng và trung cấp.


Lê Mạnh Quốc Theo Tạp chí điện tử Người đưa tin

FullName Email
Address Security code SBLOXN
Content