New Nghien Cuu
 Search

Sinh viên UEB - SBA tự tin mang kiến thức vào thực chiến: Thành công đến khi trang sách là… trang đời!

Chương trình học có sát với thực tiễn không? Sinh viên có thể vận dụng được kiến thức khi bước vào làm nghề hay không? Liệu những kỹ năng và kinh nghiệm được trang bị trên giảng đường đại học có trở thành điểm tựa vững chắc để người học có một khởi đầu tốt, hứa hẹn những bứt phá trong sự nghiệp?... Tất cả những câu hỏi trăn trở ấy, giờ đây đã dần nhận được hồi đáp khi Sinh viên UEB – SBA tự tin mang kiến thức vào thực chiến.


Với kỳ vọng sinh viên của mình ngay sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ đảm nhiệm công việc thuộc lĩnh vực đào tạo, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB – SBA) xuyên suốt bốn năm đại học đã xây dựng hệ thống các môn học mang tính ứng dụng thực tiễn, với khả năng vận dụng vào thực tế cao. Điều này đã đem lại lợi thế rất lớn cho các thế hệ sinh viên của Viện, tạo bước đệm và niềm tin sẵn sàng gia nhập vào thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Chiến lược Kinh doanh – Định hình năng lực, tư duy cho những nhà kinh tế trẻ

Chiến lược kinh doanh là một trong những học phần vô cùng quan trọng đối với sinh viên khối ngành kinh tế. Tại Viện Quản trị Kinh doanh, đây là môn học có tính ứng dụng thực tiễn cao với những nội dung học phần giúp người học hệ thống được các loại hình chiến lược kinh doanh thông dụng gồm: tổng quan về chiến lược kinh doanh, các chiến lược cạnh tranh thông dụng, chiến lược đại dương xanh, chiến lược thuê ngoài, chiến lược kinh doanh quốc tế. Các nội dung lý thuyết và thực hành được thiết kế giúp người học đạt được các chuẩn đầu ra về kiến thức theo thang bậc nhận thức của Bloom; các kỹ năng và thái độ cá nhân, nghề nghiệp và xã hội; các năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn. 

“Sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh được đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra quốc tế, được cung cấp và rèn luyện các kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp để đảm đương tốt các vai trò như: doanh nhân khởi nghiệp, các chuyên viên (Marketing, bán hàng, nhân sự, kế toán…), trợ lý và thư ký. Cho dù ở vai trò nào, sinh viên cũng cần nắm được phương pháp xây dựng và vận hành các chiến lược kinh doanh. Nếu là doanh nhân khởi nghiệp, kiến thức môn học Chiến lược kinh doanh sẽ giúp sinh viên có thể vận hành doanh nghiệp. Nếu ở vai trò chuyên viên, kiến thức này giúp thực hiện các hoạt động tác nghiệp hiệu quả. Ở vai trò trợ lý và thư ký, các kiến thức này giúp sinh viên có được những ý kiến tham mưu chất lượng” – TS. Nguyễn Ngọc Quý, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị chiến lược nhận định.

 “Môn Chiến lược kinh doanh đã giúp bản thân mình tích luỹ được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm mà giảng viên đã truyền tải, ngoài những kiến thức về lý thuyết, để sinh viên thêm phần hứng thú và am hiểu sâu sắc hơn, các thầy cô cũng dành khá nhiều thời gian để chia sẻ với sinh viên những trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn của chính các thầy cô hoặc những người xung quanh từng trải qua. Đặc biệt, môn học còn giúp mình có thêm những kỹ năng quan trọng khác như: nắm bắt vấn đề một cách khái quát, biết lên kế hoạch chi tiết, cụ thể trước một vấn đề cần giải quyết,...” Sinh viên Phạm Hoài Ngọc - QH-2018E QTKD CLC1 bày tỏ.

Bài giảng môn học luôn được giảng viên lồng ghép tinh tế giữa lý thuyết và ví dụ thực tiễn để tạo nên sự đa dạng, hứng thú cho sinh viên, giúp sinh viên hiểu bài và ghi nhớ tốt hơn

Học phần gắn liền với các “case study” thuộc nhiều loại hình và quy mô doanh nghiệp. Sinh viên sẽ được chia nhóm để thảo luận về các ưu điểm, hạn chế và tính ứng dụng thực tiễn của từng case study. Chú trọng việc mời các Guest speaker đến chia sẻ thực tiễn cách xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh với sinh viên cũng là một điểm nhấn đặc biệt, tăng tính ứng dụng của môn học này. 

Diễn giả khách mời - Ths Phạm Ngọc Trâm, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật , Tập đoàn Vinamilk đã tham gia chia sẻ với sinh viên SBA về mô hình kinh doanh của Vinamilk
Để Sinh viên có thể ghi nhớ được nhiều kiến thức, kích thích tư duy sáng tạo, khả năng nhạy bén và tạo không khí lớp học sôi nổi, năng động, các Diễn giả cũng tổ chức minigame thú vị với những câu hỏi gắn với thực tế

Ngoài ra, sinh viên được khuyến khích xây dựng và triển khai các dự án kinh doanh nho nhỏ trong thời gian diễn ra học phần và chia sẻ kinh nghiệm, cảm nhận bước đầu của bản thân về hoạt động đó như: bán hàng, tư vấn, freelancer…Không chỉ vậy, Giảng viên sẽ cho sinh viên chia nhóm và đi khảo sát tại các chợ, trung tâm thương mại, các khu dân cư…để tìm các ý tưởng kinh doanh (nếu tình hình dịch bệnh không phức tạp), sau đó về chia sẻ với các bạn trong lớp.

 “Hiện tại, mình đang làm việc tại Công ty phần mềm công nghệ Faceworks với vị trí Chuyên viên Marketing. Với công việc này, mình buộc phải lên chiến lược và dự trù kinh phí marketing cho mỗi dự án theo mỗi quý trên nền tảng Internet. Nhờ việc vận dụng các kiến thức từ môn học Chiến lược Kinh doanh mà mình biết phải bắt đầu lập kế hoạch như thế nào, phân tích tệp khách hàng mục tiêu và đối thủ cạnh tranh ra sao, từ đó setup và tối ưu hóa các chiến dịch hiệu quả. Nhờ có kiến thức nền tảng, mọi đầu việc của mình trở nên trình tự, khoa học và khả thi hơn. Lãnh đạo cũng rất ít khi phải sửa bản kế hoạch chiến lược mà mình đề xuất.” - Hoài Ngọc, sinh viên năm 4 Viện QTKD chia sẻ thêm về những kiến thức bổ ích từ giảng đường đã vận dụng được linh hoạt trong thực tiễn công việc.

Hành vi Người tiêu dùng – Yếu tố quan trọng trong kinh doanh

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành – bại của một người làm trong lĩnh vực kinh doanh đó chính là nắm bắt tâm lý, hành vi của người tiêu dùng, hay nói cách khác, hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu. Để sinh viên không phải loay hoay, bối rối khi bước vào kinh doanh thực chiến, Viện Quản trị Kinh doanh đã đưa môn học Hành vi người tiêu dùng trở thành môn học trọng điểm cho sinh viên năm cuối, đặc biệt, đây là một trong những môn mang tính ứng dụng cao, được giảng dạy bởi các giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Hành vi người tiêu dùng chú trọng đến việc nghiên cứu và khám phá tâm lý cá nhân, niềm tin cốt yếu, giá trị, phong tục tập quán ảnh hưởng đến hành vi của con người và những ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cá nhân trong quá trình mua sắm tiêu dùng. Đặc biệt, việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng là một nội dung rất quan trọng trong marketing với mục đích tìm hiểu xem bằng cách nào (how) và tại sao (why) những người tiêu dùng mua (hoặc không mua) sản phẩm và dịch vụ, cũng như quá trình mua sắm đó sẽ diễn ra như thế nào.

“Môn Hành vi người tiêu dùng sẽ giới thiệu các khái niệm, nguyên tắc và lý thuyết cơ bản về hành vi của người tiêu dùng và liên hệ chúng với thực tiễn marketing. Bên cạnh đó, môn học cũng sẽ giới thiệu về các yếu tố cá nhân (chẳng hạn như động cơ và nhu cầu, nhận thức, học tập, tính cách, thái độ và lối sống) và các yếu tố văn hóa-xã hội bên ngoài như gia đình, các nhóm xã hội và quá trình nhóm, tầng lớp xã hội, văn hóa và tiểu văn hóa trong bối cảnh tiêu dùng…Trong quá trình giảng dạy, giảng viên sẽ đưa vào bài giảng các câu chuyện, ví dụ từ thực tế để sinh viên có cái nhìn rộng hơn, hiểu sâu hơn, chuẩn bị cho sinh viên kiến thức để đáp ứng tốt nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.” – Chia sẻ của Ths. Hoàng Trọng Trường - Giảng viên Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh.

Hiểu biết về hành vi người tiêu dùng sẽ cung cấp nền tảng cho những chiến lược marketing như việc định vị sản phẩm, phân khúc thị trường, phát triển sản phẩm mới, áp dụng cho thị trường mới, marketing toàn cầu, những quyết định marketing - mix và những hoạt động marketing được điều chỉnh bởi các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ quan chính phủ. Mỗi hoạt động marketing chủ yếu này sẽ hiệu quả hơn khi được đặt trên cơ sở sự hiểu biết về hành vi người tiêu dùng.

“Sau khi học xong môn học, sinh viên có thể xác định và giải thích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng để từ đó áp dụng vào việc thiết lập các hoạt động marketing có tính thuyết phục và hiệu quả hơn. Các em sẽ có khả năng thấu hiểu tâm lý khách hàng, điều này không chỉ có tác dụng trong marketing mà còn hữu dụng trong đàm phán, giao tiếp và gây ảnh hưởng nhất định khi làm kinh doanh. Đồng thời, các em cũng ứng dụng được lý thuyết để tiến hành nghiên cứu về các vấn đề hành vi của người tiêu dùng trong một bối cảnh cụ thể.”- Thầy Trường nhấn mạnh về ý nghĩa và tính ứng dụng của môn học trong thực tế.

Sinh viên Mai Nguyễn Thanh Thủy, QH 2018E QTKD CLC 1 chia sẻ rằng, Hành vi người tiêu dùng thực sự là môn học chuyên ngành để lại nhiều ấn tượng, bởi qua từng bài giảng của thầy cô, Thủy có thể hiểu được hành vi mua hàng của mọi người dưới sự kích thích của các yếu tố bên ngoài cũng như bên trong tâm lý, trong quá trình đưa ra quyết định mua sản phẩm/dịch vụ nào đó. Kiến thức được học tập được giảng viên chia sẻ gần gũi và sát với thực tế, do vậy, trong quá trình làm việc, bản thân Thủy đã áp dụng được các kiến thức về môn học để đưa vào phân tích trong doanh nghiệp.

“Công việc hiện tại của mình là nhân viên kinh doanh tại một công ty về lĩnh vực công nghệ, đảm nhiệm vai trò tư vấn các giải pháp công nghệ cho các đối tượng khách hàng của mình. Với công việc này, không chỉ đòi hỏi bản thân phải có kiến thức nền tảng về kinh doanh, mà còn phải thấu hiểu được mô hình hoạt động và xác định được nhu cầu của khách hàng. Những kiến thức từ các môn học mà Viện Quản trị Kinh doanh đã giúp ích cho bản thân mình khi vào làm việc thực tế, riêng với môn Hành vi người tiêu dùng, nhờ biết các xác định và thấu hiểu tâm lý khách hàng mà mình chọn lọc được những khách hàng tiềm năng, trong quá trình tư vấn, đàm phán đưa ra được các giải pháp cung cấp sản phẩm tốt và phù hợp nhất dành cho họ.” – Thanh Thủy bày tỏ.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – Vì sự phát triển chung của cả đất nước

Doanh nghiệp (DN) chỉ có thể phát triển bền vững khi có tầm nhìn lâu dài, hài hòa, gắn kết phát triển con người, cộng đồng và bảo vệ môi trường vào sản xuất kinh doanh. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện sự phát triển bền vững của chính DN nói riêng và của đất nước nói chung. Học phần này tập trung vào các nội dung giới thiệu đến sinh viên khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và chiến lược; Tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của DN; Báo cáo phát triển bền vững và triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Có thể nói, môn học sẽ có tác động lớn tới tư duy, nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm với xã hội của từng sinh viên khi bước vào làm nghề.

Các giảng viên của SBA giảng dạy học phần chia sẻ: Các nội dung mang tính lý thuyết luôn được lồng ghép, so sánh và liên hệ với thực tiễn, phân tích các trường hợp điển hình trong thực tiễn. Các DN được đưa vào case study có cả các công ty Việt Nam, công ty đa quốc gia, công ty con hoạt động ở Việt Nam của tập đoàn đa quốc gia… Bên cạnh đó, để tăng tính ứng dụng thực tiễn, môn học còn có sự tham gia của các diễn giả khách mời là những người có nhiều năm kinh nghiệm làm thực tiễn, sẵn sàng chia sẻ các câu chuyện thất bại và thành công trong sự nghiệp, để sinh viên hiểu hơn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Một điểm thú vị đó là học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh, nhằm rè luyện và phát triển kỹ năng tiếng Anh của sinh viên.

Sinh viên Viện Quản trị kinh doanh có nhiều cơ hội được kết nối với các chuyên gia, nhà quản lý tại các doanh nghiệp để học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn

“Thầy cô đã đưa ra một số bài tập nhóm và các case thực tế để sinh viên chúng mình có thể ứng dụng luôn từ lý thuyết, ngoài ra, với môn học này, sinh viên còn được tham gia vào hội thảo, lắng nghe các diễn giả chia sẻ về quá trình họ xây dựng doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội như: đóng thuế đầy đủ và tuân thủ mọi quy định của pháp luật, tổ chức tài trợ các hoạt động thiện nguyện, mở rộng mạng lưới cơ hội việc làm cho nhiều người…từ đó bản thân mỗi sinh viên hiểu được rõ hơn trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp đang gánh vác, đồng thời ý thức hơn trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào thị trường lao động, không chỉ phát triển bản thân mà còn đang đóng góp chung vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.” – Sinh viên Mai Thủy - Viện Quản trị Kinh doanh chia sẻ về môn học.

Không khí lớp học luôn có sự sôi nổi với các hoạt động hấp dẫn như: thuyết trình, “sắm vai” các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia để đưa ra phân tích đánh giá các case study giúp sinh viên rèn luyện tư duy và sự tự tin

Có thể nói, các môn học mang tính ứng dụng cao của Viện Quản trị Kinh doanh (UEB - SBA) dành cho sinh viên năm thứ tư đều là những môn học vô cùng quan trọng góp phần định hình tư duy, năng lực, phẩm chất, thái độ và trách nhiệm cho sinh viên trước ngưỡng cửa sự nghiệp đang rộng mở. Những bài học vốn chỉ giới hạn trong không gian lớp học giờ đây đã được “thổi hồn” với nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ, khi đan xen, lồng ghép khéo léo với những câu chuyện, kinh nghiệm và bài học làm nghề thực tế, để sinh viên UEB – SBA tự tin mang kiến thức, vận dụng linh hoạt vào thực chiến. 

Sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh tự tin thể hiện trí tuệ, kỹ năng và sự năng động của mình trong các buổi giao lưu ngoại khóa, các sân chơi trí tuệ

Và rồi giờ đây, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tự hào nói rằng: Thành công của sinh viên đến khi những trang sách là… “trang đời” - được thầy cô chắt chiu, tâm huyết, kiến tạo từ thực tiễn cuộc sống.

Xem thêm các học phần ứng dụng của Viện Quản trị kinh doanh:

  1. Môn học ứng dụng thực tiễn dành cho sinh viên năm 1, 2 - SBA: Tìm kiếm ngành học đào tạo thực tiễn – Hãy đến Viện Quản trị kinh doanh UEB-SBA!
  2. Môn học ứng dụng thực tiễn dành cho sinh viên năm 3 - SBA: “Từ Nhà trường đến thương trường” – Những kiến thức và bài học thực tế từ giảng đường…

Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code JJVUVU
Content

Other News