New Nghien Cuu
 Search

Mở “trang sách cuộc đời”, học từ trải nghiệm thực tế cùng sinh viên UEB - FDE

Bốn điểm đến tại huyện Mai Châu, Hòa Bình; những chỉ số về kinh tế “biết nói” do chính “người trong cuộc” chia sẻ mà sinh viên năm thứ nhất, Khoa Kinh tế Phát triển (FDE), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã học được trong chuyến thực tế đầu tiên là những kiến thức không có trên giảng đường. Chuyến đi này không chỉ là một học phần trong chương trình đào tạo mà còn mang đến nhiều giá trị kết nối, mở rộng mối quan hệ cho sinh viên.


Nhà khoa học Martin Rees từng nói “Điều quan trọng đối với giáo dục là sự tham gia trực tiếp, nhìn thấy chứ không phải chỉ là lời nói; trải nghiệm thực tế, các chuyến đi thực địa chứ không phải chỉ là thực tế ảo”. Với khung chương trình đào tạo được thiết kế gắn liền thực tiễn, các chuyến đi sẽ là cơ hội để sinh viên phát triển toàn diện, vừa vận dụng kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, vừa được trau dồi kỹ năng mềm, gắn kết tập thể.

“Sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển được đào tạo theo 6 vị trí việc làm: làm việc tại các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; công tác tại doanh nghiệp vừa và nhỏ; công tác tại tổ chức phát triển, cơ quan phát triển, tổ chức NGO (Tổ chức phi chính phủ); công tác tại các tổ chức công, cơ quan nhà nước; nghiên cứu và giảng dạy tại trường đại học và viện nghiên cứu; tự khởi nghiệp. Với mong muốn giúp các bạn sinh viên được trau dồi kinh nghiệm thực chiến, Khoa tổ chức chuyến đi thực tế ngay từ năm đầu tiên, tạo điều kiện để các bạn có thể trực tiếp thu thập thông tin, kiến thức học tập trên giảng đường, đối chiếu thực tế và soi rọi thực tế vào kiến thức đã học, từ đó vận dụng lý thuyết để giải quyết các bài toán kinh tế tại địa phương. Chuyến thực tập thực tế này cũng chính là cơ hội để các bạn sinh viên có định hướng theo đuổi vị trí việc làm tương lai, chủ động tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, để sau khi ra trường có thể hòa nhập ngay với công việc mà mình lựa chọn.” - PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ về giá trị mà chuyến đi thực tế đem lại.

Trước chuyến đi, lãnh đạo và các thầy cô trong khoa đã có buổi gặp mặt sinh viên để chia sẻ, giới thiệu về các ngành học của khoa, ý nghĩa các chuyên ngành cùng định hướng của chuyến thực tế. Qua đó, giúp sinh viên năm thứ nhất hiểu về ngành học, xa hơn nữa là định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân.

Huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là đích đến của chuyến đi thực tế cho sinh viên năm thứ nhất.  Là một huyện miền núi vùng Tây Bắc, Mai Châu có khó khăn và cũng có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế. Bởi vậy, “đây có thể coi là “miền đất hứa” cho các bạn sinh viên khoa Kinh tế Phát triển học hỏi và có những bài học thực tế cho riêng mình” - PGS.TS. Nguyễn An Thịnh chia sẻ với sinh viên của khoa trên đường đến Mai Châu.

Ngày đầu tiên của chuyến đi, sinh viên FDE được làm việc tại hai cơ quan nhà nước là UBND huyện Mai Châu và UBND xã Chiềng Châu. “Khi đến với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính công, tài chính - kinh tế địa phương, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về những gì mình đã học trong năm nhất, áp dụng lý thuyết của các môn học cơ sở như kinh tế học, kinh tế phát triển… để tham chiếu tình hình thực tế tại địa phương.” - TS. Nguyễn Thị Nhàn, Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ về những kiến thức mà sinh viên có thể áp dụng với điểm đến là cơ quan hành chính nhà nước.

Tại UBND Huyện Mai Châu, sinh viên được nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội, công tác quản lý về kinh tế của huyện. 

Sinh viên UEB - FDE nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Mai Châu

Đánh giá cao chương trình thực tập thực tế cho sinh viên, ông Phạm Văn Hoàn - Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, Hòa Bình nhận định: “Chương trình thực tế rất cần thiết với các bạn sinh viên, ngoài việc học lý thuyết và ứng dụng trên lớp thì thực tế trực tiếp tại các địa phương sẽ giúp các bạn “cứng cáp” hơn. Sinh viên của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cũng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Cách các bạn đặt vấn đề, câu hỏi với huyện rất thông minh, vừa giúp các bạn có thêm kiến thức thực tế và vừa giúp phía huyện nhìn nhận các vấn đề tồn đọng để định hướng phát triển kinh tế trong tương lai”.

Cũng trong chuyến thực tế, Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình là điểm dừng để sinh viên FDE tìm hiểu thêm về cách thức vận hành kinh tế của cơ quan hành chính nhà nước. Đây là địa phương có thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng, giúp sinh viên mở rộng vốn kiến thức về thực trạng kinh doanh du lịch, những kinh nghiệm quản lý mô hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cùng cách thức phát triển song song giữa kinh tế và môi trường. Không những vậy, từ chuyến trải nghiệm này, sinh viên cũng “được học về văn hóa vùng miền, phong tục tập quán, tiếng nói, trang phục, ẩm thực của địa phương giàu bản sắc dân tộc như Mai Châu” - ông Vì Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu chia sẻ.

Ông Vì Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu chia sẻ về thực trạng kinh tế tại địa phương

Chuyến đi cũng chính là cơ hội để có thêm tư liệu cho đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Em Vi Minh Anh - QHE 2020 KTPT CLC 3 chia sẻ những giá trị nhận lại từ chuyến thực tế địa phương: “Được lắng nghe những chia sẻ của lãnh đạo xã Chiềng Châu, em có cho mình những kiến thức từ tổng quan đến chuyên sâu, hiểu về thế mạnh và hạn chế phát triển kinh tế của địa phương. Kiến thức này sẽ giúp em hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học của mình”.

Từ các cơ quan hành chính nhà nước, hành trình trải nghiệm của sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển tiếp tục được kết nối với doanh nghiệp địa phương.
Khu du lịch sinh thái 8 bản đưa sinh viên tham quan và tìm hiểu quá trình phát triển cũng như lắng nghe kinh nghiệm kinh doanh của người dân địa phương: cách phát triển thành tổ hợp du lịch, làm cách nào để các hộ kinh doanh vùng cao có thể mang hàng hóa đi xuất khẩu… Sinh viên Đặng Thái Duy - QHE 2020 KTPT CLC 2 chia sẻ về hành trình trải nghiệm “Chuyến đi bồi dưỡng cho em kiến thức thực tế về mô hình du lịch cộng đồng hướng tới phát triển bền vững. Em hiểu hơn về vai trò của việc chia sẻ khi phát triển mô hình kinh tế này.”
 

Sinh viên được trực tiếp nhìn và nghe chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của người dân địa phương tại khu du lịch sinh thái 8 bản

“Huyện Mai Châu nói chung và Bản Lác nói riêng đã tận dụng được những lợi thế về địa hình, văn hóa để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Nhờ chuyến đi, em được trực tiếp trải nghiệm kiến thức. Đây cũng chính là cơ hội để cá nhân em hiểu rõ hơn về ngành học và định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân.” - Sinh viên Nguyễn Tường Anh - QHE 2020 KTPT CLC 4 chia sẻ. 

Chuyến đi thực tế là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp tương lai

“Học đi đôi với hành”, mỗi điểm đến trong chuyến đi Mai Châu đều mang tới cho sinh viên những giá trị thực tiễn “Khoa Kinh tế Phát triển đưa sinh viên đến khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Mai Châu, giúp sinh viên có nhận thức tốt hơn và định hướng chủ đề nghiên cứu liên quan đến phát triển kinh tế gắn liền bảo tồn, phát triển môi trường và văn hóa của người dân bản địa. Đây là loại hình phát triển kinh tế mới - gắn liền với kinh tế xanh. Phát triển du lịch sinh thái không những góp phần phát triển kinh tế mà còn bảo tồn văn hóa và môi trường tại địa phương.” - PGS.TS. Lưu Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN liên hệ kiến thức mà sinh viên được trải nghiệm tại chuyến đi.

Những “kinh nghiệm” đầu tiên nhận được từ chuyến đi sẽ tiếp thêm động lực để sinh viên năm thứ nhất hiểu và yêu chính ngành học mình đang theo đuổi. Tại điểm đến cuối cùng trong chuyến thực tế, sinh viên FDE dừng chân tại Trại cam Cao Phong để tìm hiểu mô hình kinh doanh hộ gia đình cũng như nghiên cứu chuỗi giá trị cam Cao Phong.

Ứng dụng kiến thức kinh tế được học vào thực tế tại địa phương, đặc biệt là biết cách lựa chọn kiến thức linh hoạt, phù hợp chính là bài học mà sinh viên Nguyễn Trọng Lãm - QHE 2020 KTPT CLC 1 nhận được sau khi đến tìm hiểu mô hình kinh tế kinh doanh hộ gia đình tại Cao Phong.
Khi những kiến thức trên giảng đường được thực tế hóa sẽ giúp sinh viên hiểu và ghi nhớ lâu hơn: “Sinh viên Kinh tế Phát triển được học các môn, chủ đề gắn liền với thực tế như kinh tế phát triển, tăng trưởng xanh, kinh tế môi trường, kinh tế phát triển bền vững… Những học phần đó trên giảng đường đã được các thầy cô truyền tải lý thuyết, tuy nhiên, khi đi thực tế sẽ giúp các em hiểu hơn về định nghĩa cũng như quy trình hoạt động của các mô hình kinh tế. Đây cũng chính là các ý tưởng nghiên cứu khoa học mà sinh viên có thể khai thác, mở rộng vốn kiến thức của bản thân.” - TS. Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế tài nguyên và Bất động sản, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN chia sẻ.


Những giá trị mà chuyến đi mang lại không chỉ dừng ở việc trải nghiệm, tích lũy kiến thức mà còn là cơ hội để sinh viên phát triển toàn diện, trau dồi kỹ năng mềm cho bản thân như thuyết trình, làm việc nhóm… Bên cạnh đó, chuyến đi thực tế cũng chính là sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong lớp, giữa các lớp với nhau. 

Kết thúc “ngày đàng” học và trải nghiệm là chương trình “Kết nối Thầy và trò Khoa Kinh tế Phát triển”. Những bài ca Tây Bắc ngân vang cùng tiếng múa sạp rộn ràng giúp khoảng cách của thầy cô và sinh viên xích lại gần.  

Bên cạnh hoạt động trao đổi, tại UBND huyện Mai Châu, Lãnh đạo Khoa Kinh tế Phát triển và Huyện đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên đơn vị trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp trao đổi thông tin khoa học công nghệ… Lễ ký kết cũng tạo tiền đề cho sinh viên của Khoa được thực tập thực tế tại địa phương, mở rộng cơ hội nghề nghiệp.

Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN ký kết thỏa thuận hợp tác với Huyện Mai Châu, Hòa Bình

Lễ ký kết thỏa thuận này nằm trong chiến lược hợp tác của Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐHKT – ĐHQGHN nhằm “mở ra cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực tập thực tiễn. Bên cạnh đó, ký kết với huyện cũng mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc phối hợp với huyện về hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.” - PGS.TS. Lê Đình Hải, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ về nội dung và cơ hội hợp tác với huyện Mai Châu, Hòa Bình.

Với triết lý đào tạo ra những công dân toàn cầu có đủ Tâm – Đức – Trí – Tài phụng sự cho Tổ quốc, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN luôn xác định trọng tâm đào tạo gắn với ứng dụng thực tiễn và những chuyến đi thực tập thực tế chính là cơ hội để sinh viên được phát triển toàn diện về kiến thức cũng như các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn. Với mục tiêu đào tạo này, sinh viên UEB – FDE nói riêng và UEB nói chung sẽ không còn bỡ ngỡ, tự tin vững bước tương lai.


Thu Uyên - UEB Media

FullName Email
Address Security code HERJZV
Content

Other News