New Nghien Cuu
 Search

UEBers “nạp” kiến thức, thu kinh nghiệm từ “giảng đường” doanh nghiệp

"Chỉ tri thức được áp dụng mới giữ lại được trong tâm trí” (Dale Carnegie) – Vì lẽ đó, những môn học mang tính ứng dụng thực tiễn, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, học tập tại doanh nghiệp luôn được Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB – SBA) đặt lên hàng đầu. Đến với “giảng đường” doanh nghiệp, người học tiếp tục được lĩnh hội nhiều kiến thức mới mẻ, sinh động, tích lũy kinh nghiệm “thực chiến” để sẵn sàng bứt phá trước cánh cửa “thương trường”.


Chuyến “study tour” tại Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh của UEB-SBA có sự tham gia của hơn 50 sinh viên, học viên của lớp Quản trị Kinh doanh dành cho Tài năng Thể thao (Khóa QH2021, QH2022) và lớp cao học (Khóa QH2021). Tại đây, các sinh viên, học viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với “Vua quạt đất Bắc” - CEO Trần Văn Lê, khám phá mô hình quản lý, vận hành của doanh nghiệp, thông qua đó, nâng cao khả năng tư duy linh hoạt, “soi chiếu” những kiến thức được học trên giảng đường vào môi trường kinh doanh thực tế.

Tích lũy kinh nghiệm thực chiến từ suy nghĩ đến hành động

Trong buổi trao đổi với các sinh viên, học viên của Viện Quản trị Kinh doanh, Giám đốc Công ty Phương Linh – CEO Trần Văn Lê nhấn mạnh, chuyến đi này sẽ giúp các bạn tìm hiểu rõ hơn về một doanh nghiệp, đồng thời nắm bắt cơ hội học hỏi để phát triển bản thân trong tương lai.

Ông Trần Văn Lê – CEO Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh trong buổi gặp gỡ, giao lưu với các giảng viên, học viên, sinh viên của Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN

Đại diện doanh nghiệp giới thiệu chi tiết về quy trình vận hành, trước hết phải xuất phát từ định hướng chung của công ty, sau đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng sản phẩm, tổ chức thực hiện theo các bước như: Lên ý tưởng sản phẩm – Thiết kế - Sản xuất - Kiểm tra - Đưa ra thị trường - Đánh giá kết quả.

Các học viên, sinh viên trong buổi chia sẻ, giao lưu với đại diện Công ty Phương Linh

Sinh viên, học viên đã vô cùng hào hứng, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến bí quyết giúp một startup như CEO Trần Văn Lê “đi đúng hướng” khi bắt đầu khởi nghiệp và những điều cần trang bị trong quá trình đó để gặt hái thành công.

Trước câu hỏi từ các bạn trẻ, Ông Lê không ngần ngại chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của bản thân với nhiều bài học kinh nghiệm “xương máu” trên thương trường. Ông cho rằng, nếu như muốn làm một startup thì bạn phải thực sự đam mê, luôn thể hiện một thái độ tâm huyết và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Điều đặc biệt quan trọng đó là ý tưởng khởi nghiệp của bạn phải thực sự có được “chất riêng” của nó, phải “đánh” vào nhu cầu thiết yếu của khách hàng hoặc những thứ mà xã hội đang rất cần, nhưng nguồn cung không nhiều. Bạn cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, lên kế hoạch cụ thể để thực hiện được các mục tiêu. Ngoài ra, các bạn cũng nên tìm cho mình một mentor – người có tầm nhìn tốt, có thể dẫn dắt các bạn bước vào thị trường kinh doanh, bởi mentor cũng giống như những người thầy, bạn sẽ cần học hỏi và tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ những người đi trước để tránh lặp lại những sai lầm không đáng có dẫn đến sự thất bại. 

Nhiều sinh viên cũng đưa ra các câu hỏi thú vị xoay quanh cách thức tổ chức, quản lý đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp và cơ hội được làm việc tại công ty. 

Sinh viên đặt câu hỏi cho CEO Trần Văn Lê về cách quản lý nhân sự của doanh nghiệp cũng như cơ hội được vào làm việc tại doanh nghiệp đối với các sinh viên Tài năng Thể thao

“Nhân sự là một yếu tố quan trọng trong việc vận hành một doanh nghiệp, việc xây dựng đội ngũ nhân sự tại Phương Linh là một quy trình quan trọng, cần phải có tuyển dụng, chọn lọc, đào tạo và bắt đầu sử dụng. Do đó phòng ban nhân sự có trách nhiệm cực kì quan trọng cho chất lượng đầu vào, cần phải chọn lọc kĩ lưỡng, chọn đúng người để doanh nghiệp có thể xây dựng một đội ngũ nhân sự mạnh về chuyên môn, tạo điều kiện phát huy đúng tài năng và phẩm chất, đóng góp vào sự thành công chung của doanh nghiệp.” – Ông Lê chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Lê cũng đưa ra đánh giá về các sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh dành cho Tài năng Thể thao của UEB dưới góc nhìn của một doanh nhân: “Tôi muốn nhấn mạnh tới các doanh nghiệp về ngành thể thao tại Việt Nam, cần phải có sự đầu tư hơn nữa để sử dụng nhân lực vốn có và phát huy tiềm năng kinh doanh, bởi để đào tạo ra một người có tài năng cả ở thể chất lẫn kiến thức chuyên môn thì không phải ở đâu cũng làm được điều này. Hiện tại, ở đất nước Việt Nam, chỉ có duy nhất Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế dành cho các vận động viên thể thao, cho nên, cơ hội mà các bạn có là rất lớn, hãy tận dụng nó để phát huy khả năng của bản thân.”

TS. Phạm Vũ Thắng – Phó Viện Trưởng Viện QTKD (áo vest đen) cùng các sinh viên lớp Tài năng Thể thao chụp hình kỷ niệm với CEO Trần Văn Lê trong chuyến thực tế

Lắng nghe những chia sẻ tâm huyết từ vị CEO tài năng, sinh viên Chu Hoàng Phúc (lớp QH 2021E QTKD TNTT 2) bày tỏ: “Em đã học hỏi và trau dồi được thêm nhiều kiến thức liên quan tới quản trị doanh nghiệp, vận hành sản xuất, kĩ thuật máy móc hay là về cả những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày từ CEO Trần Văn Lê. Những bài học ấy giống như cuốn cẩm nang hữu ích cho mỗi học viên, sinh viên của SBA trong tương lai, bởi sẽ giúp ích cho những hoạt động thực tiễn khi bản thân gây dựng sự nghiệp kinh doanh.”.

Sinh viên Chu Hoàng Phúc, lớp QH2021E QTKD TNTT 2 (áo đỏ) và các bạn học, giảng viên trong chuyến thực tế tại công ty Phương Linh

Khám phá nhà máy của “Vua quạt đất Bắc” và bài học quý cho người làm quản trị

Không chỉ giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trong kinh doanh, đoàn sinh viên, học viên UEB cũng có cơ hội thăm quan nhà máy sản xuất quạt công nghiệp của công ty Phương Linh. 

Đoàn giảng viên, học viên, sinh viên UEB khám phá nhà máy, quy trình vận hành chuỗi hoạt động sản xuất của “Vua quạt đất Bắc”

Tại đây, Giám đốc Lê đã giới thiệu về các thiết bị máy móc công nghệ cao để chế tạo ra các sản phẩm của Phương Linh. Ngoài ra, ông cũng giới thiệu chi tiết về những bộ phận làm việc ở từng khâu trong giai đoạn sản xuất, dây chuyền sản xuất để luôn đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. 

Ông Lê giới thiệu chi tiết về những bộ phận làm việc ở từng khâu trong giai đoạn sản xuất của nhà máy cho đoàn UEB

 “Chuyến thực tế tại Doanh nghiệp Phương Linh cho tôi thấy niềm tin vào sức mạnh của người Việt - cần cù và luôn cố gắng học hỏi, hoàn thiện sản phẩm bằng cái tâm, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công. Bài học rút ra cho bản thân đó là, dù có thành công cũng không ngừng phát triển và thay đổi để phù hợp với bối cảnh xã hội. Hãy cố gắng học ngoại ngữ, bởi ngoại ngữ là cầu nối đưa chúng ta tới những tri thức mới, làm quen và hợp tác với các đối tác nước ngoài, từ đó, giúp bản thân và doanh nghiệp của riêng mình phát triển bền vững và mạnh mẽ.” – Học viên Đỗ Thị Thanh Tuyến, lớp cao học QTKD QH2021 chia sẻ về bài học thu hoạch được sau chuyến đi.

Quá trình quản lý, vận hành từ con người đến máy móc, thiết bị cùng những cách xử lý các vấn đề phát sinh trong một số trường hợp thực tế tại doanh nghiệp cũng được CEO Trần Văn Lê chia sẻ 

Chị Tuyến cũng chia sẻ thêm: “Hoạt động này rất bổ ích với những học viên ngành Quản trị kinh doanh nói riêng, khi mà cơ hội để học hỏi và thực hiện các kiến thức quản trị không phải lúc nào cũng có. Với học viên đang là nhân viên tại một đơn vị nào đó thì có thể tiếp xúc và hiểu thêm về các quyết định của người lãnh đạo, nhà quản trị để rút ra bài học cho bản thân. Với học viên là người quản lý thì lắng nghe, quan sát cách giám đốc Phương Linh đưa ra tầm nhìn, sứ mệnh và quá trình theo đuổi sự nghiệp đã tiếp thêm niềm tin và học được những điều mới áp dụng trong công việc.” 

Đoàn giảng viên, học viên và sinh viên UEB đã có một chuyến thực tế bổ ích, hấp dẫn tại Công ty Phương Linh

Có thể nói, trải nghiệm thực tiễn là một hoạt động quan trọng trong quá trình học tập, nghiên cứu, bởi lý thuyết không được áp dụng chỉ là “lý thuyết suông”, kiến thức không thể vận dụng là những “kiến thức chết”. Đặc biệt, với những ngành năng động như kinh tế, đòi hỏi khả năng ứng biến, vận dụng linh hoạt, cập nhật xu thế thời đại, thì việc “học đi đôi với hành” càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động học tập gắn với ứng dụng thực tiễn, giúp người học tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, mở rộng tầm nhìn, mối quan hệ, tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại.


Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code KEQVBQ
Content