New Nghien Cuu
 Search

Sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển tham gia Dự án Hợp tác Quốc tế và công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí SCOPUS

Lần đầu tiên làm nghiên cứu khoa học, nhóm sinh viên lớp QH-2020-E KTPT 2 gồm Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trần Thị Minh Ngọc và Nguyễn Tùng Lâm dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB-FDE)đã xuất sắc đạt giải Nhất Nghiên cứu Khoa học (NCKH) sinh viên cấp Trường và giải Ba cấp ĐHQGHN, đồng thời công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục SCOPUS. Đề tài được thực hiện trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa UEB-FDE và Khoa Kinh tế, Trường ĐHQG Pusan, Hàn Quốc.


Khởi đầu hành trình đầy gian nan

“Ngay từ khi tham gia vào dự án NCKH, chúng em đã quyết tâm rằng “đã tham gia là phải giành giải”. Với tinh thần và mục tiêu rõ ràng, nhóm em bắt đầu hành trình nghiên cứu với đầy sự kiên định, nỗ lực hết mình để đạt được kết quả như nhóm mong muốn.” - Em Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ. 

Em Nguyễn Thị Thúy Hằng tâm sự về những ngày đầu tiên khi bắt đầu hành trình: “Chọn và tìm hiểu sâu về đề tài là khó khăn lớn nhất của sinh viên khi làm NCKH. Nhóm em cũng không phải ngoại lệ. Chúng em đã mất khá nhiều thời gian cho bước đầu này. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của thầy Nguyễn An Thịnh - Giảng viên hướng dẫn đề tài đã giúp chúng em có thể theo sát và từng bước chinh phục đề tài. Và cuối cùng, nhóm đã lựa chọn đề tài “Determinants of agritourism development in green tea farms of the northern mountains of Vietnam: A hybrid approach based on the combination of diffusion of Innovation (DOI) theory and PLS-SEM”. Để hoàn thành công trình nghiên cứu này, thầy và trò đã đồng hành triển khai trong khoảng thời gian 1 năm.”

“Có công mài sắt, có ngày nên kim” - Vượt qua những khó khăn để gặt hái được “trái ngọt” 

Vào tháng 1/2023, nhóm nghiên cứu có một chuyến đi thực địa tại Thái Nguyên để thực hiện điều tra khảo sát tại các hợp tác xã trên địa bàn Tân Cương, Thái Nguyên (HTX Hảo Đạt, HTX Tiến Yên, HTX Thắng Hường,...). Kết quả đã thu được ngoài mong đợi với 344 dữ liệu phù hợp đưa vào phân tích.

PGS.TS Nguyễn An Thịnh cùng nhóm sinh viên gặp gỡ chủ Hợp tác xã Hảo Đạt

Trong quá trình thực hiện khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu đã đối mặt với một số khó khăn và thách thức không hề nhỏ. Nhớ về chuyến đi tới Thái Nguyên, sinh viên Trần Thị Minh Ngọc chia sẻ: “Chuyến đi bắt đầu sáng sớm từ Hà Nội và diễn ra trong một ngày duy nhất, vì thế mọi thứ cần phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Khi đến địa điểm, chúng em đã phải bắt tay vào công việc ngay lập tức để đảm bảo kịp thời gian. Trong quá trình thu thập thông tin, chúng em đã gặp không ít những khó khăn nhưng nhờ tinh thần quyết tâm và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các giảng viên hướng dẫn, nhóm đã vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành công việc với kết quả mà chúng em đã hy vọng.”

Nhóm sinh viên thực hiện khảo sát tại nơi nghiên cứu

“Trong suốt chặng đường NCKH của nhóm, sự hỗ trợ của các thầy, cô là điều mà nhóm em trân quý nhất. Đặc biệt, sự hỗ trợ nhiệt tình này thể hiện trong chuyến thực địa thu thập số liệu của nhóm. Các thầy, cô đã không ngần ngại đường xá xa xôi, công việc bận rộn để giúp đỡ chúng em hết sức có thể. Em còn nhớ, vào ngày đi thực địa, các thầy cô đã gác lại công việc của mình tại đơn vị và đã nhanh chóng di chuyển lên địa điểm khảo sát với chúng em. Chính sự hỗ trợ nhiệt tình này khiến chúng em thực sự xúc động và biết ơn thầy cô rất nhiều.” - Em Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ. 

“Sau một năm tham gia NCKH, nhóm có thể tự tin nói rằng, chúng em đã học được rất nhiều kiến thức quý báu. Nhóm em đã có một hành trình học hỏi và khám phá mới mẻ, được hướng dẫn bởi những người thầy, người cô nhiệt tình và giàu kinh nghiệm. Nhờ sự hỗ trợ và chỉ dẫn của họ, chúng em đã dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu hơn về vấn đề nghiên cứu. Tất cả những điều này đã biến hành trình nghiên cứu của chúng em thành một kỷ niệm đáng nhớ, đánh dấu sự phát triển đáng kể của kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mỗi thành viên trong nhóm.” - Chia sẻ của em Nguyễn Thị Thúy Hằng, một trong những sinh viên tham gia nghiên cứu.

Đặc biệt, bài nghiên cứu của nhóm sinh viên được hỗ trợ từ dự án hợp tác quốc tế giữa Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc. PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển và GS.TS Keunjae Lee - Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐHQG Pusan, Hàn Quốc đã thực hiện khảo sát tiền trạm trước khi nhóm triển khai nghiên cứu chính thức.

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển - ĐHQGHN (bên trái) và GS.TS. Keunjae Lee - Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐHQG Pusan (giữa) trong đợt khảo sát tiền trạm tại HTX Hảo Đạt, Thái Nguyên

Với những “trái ngọt” gặt hái được như trên, thầy trò đã hoàn thiện bài báo và đăng tải bài báo thành công trên tạp chí quốc tế trong danh mục SCOPUS. 

Bài báo của thầy và trò Khoa Kinh tế Phát triển được đăng trên tạp chí quốc tế trong danh mục SCOPUS

“Khi biết tin nhóm em đạt giải trong kỳ NCKH của Trường cũng như cấp ĐHQG, chúng em vỡ òa trong vui sướng và chính điều này là động lực để chúng em phát triển, mở rộng đề tài nghiên cứu. Nhóm em thực sự rất vui và vinh dự khi thành quả nghiên cứu của mình được ghi nhận và được công bố trên tập báo quốc tế uy tín.” - Em Trần Thị Minh Ngọc tươi cười chia sẻ. 

Nhờ sự nỗ lực, tâm huyết trong từng công việc nghiên cứu, thầy và trò Khoa Kinh tế Phát triển đã đạt được kết quả xứng đáng. NCKH không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành học mà còn là cơ hội học hỏi, trau dồi các kỹ năng làm việc nhóm, tư duy logic, khả năng phân tích, tư duy giải quyết vấn đề,... Đặc biệt, sở hữu bài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí quốc tế sẽ giúp sinh viên có một CV ấn tượng, ghi điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng, và tăng cơ hội apply các học bổng danh giá nước ngoài. 


Khoa Kinh tế Phát triển; BT: Thiên Hương - UEB Media

FullName Email
Address Security code FQVIMA
Content