New Nghien Cuu
 Search

Diễn đàn Kinh tế Thương mại Việt Nam - EU 2023: Hướng tới việc hoàn thiện một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam

Diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/11, Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam – EU(VEF 2023) do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Đại học Kinh tế Cracow (Ba Lan), Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại EU tổ chức đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề kinh tế quan trọng, trong đó theo các diễn giả tập trung vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mấu chốt quan trọng của sự phát triển trong tương lai.


Được tổ chức nhân kỷ niệm 33 năm hình thành và phát triển mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (28/11/1990-28/11/2023), Diễn đàn đã qui tụ các nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nhân Việt Nam và EU trao đổi, thảo luận cách thức thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai khu vực.

Tham dự diễn đàn về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc; 

Về phía các đơn vị đồng tổ chức có sự tham dự của Bà Nguyễn Thu Giang Trưởng ban Ban châu Âu, Hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Ông Bartosz Cieleszynski, Cố vấn, Phó trưởng Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam; Bà Claudia Anselmi, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham; Ông Alexander Nowakowski, Bí thư Thứ II, Đại sứ quán Ba Lan; Giáo sư. Paweł Lula - Phó Hiệu trưởng, Đại học Kinh tế Krakow; Ông Phạm Văn Hiến, Phó Chủ tịch, Liên hiệp các hội DN Việt Nam tại châu Âu, 

Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng, và sự có mặt của Các Doanh nghiệp; cùng sự tham dự của đại diện các cơ quan, Bộ, Ban, Ngành, Các tổ chức phát triển; Viện nghiên cứu, Các Hiệp hội, giảng viên, nghiên cứu viên và các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước tham dự diễn đàn

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết hơn 20 năm qua, EU là một trong những khu vực dẫn đầu thế giới trong việc ủng hộ, thúc đẩy và áp dụng các sáng kiến chính sách liên quan đến phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. 

"Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như EU là vô cùng quý báu đối với tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trên của Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nói.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong phần phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam Claudia Anselmi cho biết, bối cảnh toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua, chủ yếu là do các cuộc đối đầu về địa chính trị và kinh tế. Sự cạnh tranh kinh tế và chiến lược giữa các nước lớn, các cuộc xung đột là nguyên nhân chính gây bất ổn, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi hy vọng qua diễn đàn, chúng ta sẽ tìm ra nhiều lời giải cho các bài toán khó mà cả hai bên đang gặp phải. Bà Claudia Anselmi cũng nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế tại Châu Á là động lực quan trọng trong mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU.

Bà Claudia Anselmi - Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam

Ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: EU coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của Chương trình hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2027. Việt Nam và EU cũng đã triển khai nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, chuyển đổi năng lượng cân bằng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi hy vọng, chúng ta sẽ có nhiều dự án thiết thực hơn nữa để đẩy mạnh  hợp tác để đối phó với những thách thức này và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững.

Ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam

Tại ngày khai mạc đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề và 1 phiên toàn thể. Ba phiên họp chuyên đề tập trung vào 3 nội dung: Thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – EU; Chính sách nền kinh tế xanh và nền kinh tế các bon thấp tại các nước Việt Nam và EU; đưa ra các ý tưởng về Chương trình trao đổi sinh viên và học bổng, Ngoại giao văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa, Hợp tác nghiên cứu khoa học, Hệ sinh thái chuyển giao và đổi mới công nghệ, cũng như các Chương trình trao đổi ngôn ngữ và văn hóa giữa Việt Nam và các nước liên minh châu Âu. 

Bên cạnh các chuyên gia, học giả, nhà quản lý của Việt Nam còn có các chuyên gia nước ngoài tham gia với các thảo luận chuyên sâu, như GS.TS. Joaquin Goyache Goni, Hiệu trưởng, ĐH Complutense Madrid (Tây Ban Nha); GS. Ewa Slezak-Belowska, ĐH Kinh tế Cracow, Ba Lan; TS. Roland Pac, Đại học Civitas Collegium, Ba Lan; GS.TS. Lee Keun-Jae, Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc; ông Florian Beranek, Thành viên Ban điều hành, Phòng Thương mại Trung và Đông Âu tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu Mỹ, Bộ Công Thương đưa ra tham luận về “Positioning Vietnam in the EU market” 
GS.TS Joaquín Goyache Goñi, Hiệu trưởng Đại học Complutense Madrid, Tây Ban Nha trình bày về vấn đề “University-Private Sector Collaboration and the Role of the University in Innovation and Entrepreneurship in Spain” 
Ông Florian Beranek - Thành viên HĐQT, Phòng Thương mại Trung và Đông Âu tại Việt Nam chia sẻ về “The Central and Eastern European initiative to establish, support and sustain the cooperation between CEE and Vietnamese SMEs

Tại phiên toàn thể do PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì, các diễn giả đề cập đến các khía cạnh khác nhau xoay quanh mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU. Theo các chuyên gia, liên quan đến chính sách nền kinh tế xanh, EU coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của chương trình hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2027. Mối quan hệ giữa châu Âu và châu Á và mối quan hệ giữa Việt Nam và EU là một mối quan hệ được định hình bởi hàng loạt các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Sự gia tăng của toàn cầu hóa, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan hệ này. Khi thế giới tiếp tục thay đổi và xuất hiện những thách thức mới, châu Âu và châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ cần phải tiếp tục hợp tác để đối phó với những thách thức này và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận bàn tròn

Cũng trong ngày khai mạc, Ban tổ chức ra mắt cuốn sách chuyên khảo với chủ đề: “Khía cạnh Kinh tế-Chính trị của Quan hệ Âu-Á” do các tác giả PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN), PGS.TS. Ewa Ślęzak-Belowska và PGS.TS. Marcin Salamaga (Trường Đại học Kinh tế Krakow, Ba Lan) là chủ biên. Sách được ấn hành bởi nhà xuất bản quốc tế uy tín  Springer Singapore.

Đại diện nhà xuất bản Springer cùng các lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong phần giới thiệu ra mắt ấn phẩm đặc biệt của diễn đàn
Ban tổ chức tặng sách cho các diễn giả tham dự diễn đàn 
Gian triển lãm sách Kinh tế Việt Nam và các quốc gia tại VEF 2023

Tiếp nối thành công của ngày làm việc thứ nhất, tại ngày làm việc thứ hai, ba phiên thảo luận song song của Diễn đàn VEF 2023 được diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thu hút sự tham dự của đông đảo của các giảng viên và sinh viên đang theo học khối ngành kinh tế trong và ngoài nước. Các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề: Hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam – EU; Chính sách nền kinh tế xanh và nền kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam và EU; Thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – EU. Các diễn giả cũng thảo luận về các vấn đề mà cộng đồng học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam, EU đều quan tâm như: các điểm nghẽn cần khai thông để Việt Nam đón nhận và hấp thụ được dòng vốn FDI xanh từ EU, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hai bên kết nối được vào các chuỗi giá trị toàn cầu; các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)...

GS. Ewa Slezak-Belowska (Đại học Kinh tế Cracow) trình bày nội dung về “Thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - EU”
TS. Roland Pac (Đại học Civitas Collegium, Ba Lan) trình bày tham luận Hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các nước Việt Nam và EU
PGS.TS Vũ Thanh Hương – Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế 
Các giảng viên, sinh viên tham gia thảo luận tại các phiên thảo luận song song trong ngày làm việc thứ 2 tại VEF 2023

Qua hai ngày làm việc, diễn đàn đã mở ra những hợp tác mới trong nghiên cứu giữa các trường đại học với các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và EU, hướng tới giải quyết các vấn đề lớn về phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam và các quốc gia EU. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như Liên minh châu Âu (EU) rất quý báu đối với tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 của Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam - EU được tổ chức thành công một lần nữa đã khẳng định năng lực kết nối và tổ chức các hội thảo mang tầm cỡ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, là điểm đến quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Một số hình ảnh tại diễn đàn:

PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự diễn đàn
Bà Nguyễn Thu Giang Trưởng ban Ban châu Âu, Hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Ông Alexander Nowakowski - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Ba Lan
PGS.TS Lê Trung Thành  - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
GS. Paweł Lula - Phó Hiệu trưởng, Đại học Kinh tế Krakow - Ba Lan tham dự trực tuyến

 


Thanh Mai, Quang Trung UEB Media

FullName Email
Address Security code NGLPXA
Content

Other News