New Nghien Cuu
 Search

UEB tổ chức CIECI 2023: Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu - đòn bẩy cho kinh tế VN trong chuyển đổi số và phát triển bền vững

Hội nhập càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), bên cạnh lợi ích phát triển kinh tế, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức dài hạn và dai dẳng do dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.  Nhằm phân tích những cơ hội và thách thức, cũng như đưa ra các hàm ý chính sách, khuyến nghị hiệu quả cho Việt Nam trong quá trình này, ngày 24/11/2023, Hội thảo Quốc tế CIECI 2023 với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia GVC hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững” đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB-VNU).


Đây là hội thảo lần thứ 11 trong chuỗi hội thảo thường niên về hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế (CIECI - Conference on International Economic Cooperation and Integration) được khởi xướng từ năm 2013. Hội thảo là kết quả phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam); Trường Đại học Adelaide, Úc; Trường Đại học Salento, Ý; Trường Đại học Rangsit; Thái Lan, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM; Trường Đại học Ngoại Thương; Trường Đại học Sofia, Bulgari và Trường Đại học Saint-Louis – Bruxelles, Bỉ.

Hội thảo quốc tế CIECI 2023 thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế...

Tham dự Hội thảo CIECI 2023, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, các lãnh đạo, giảng viên Khoa KT&KDQT;

Các đại diện đến từ các đơn vị đối tác đồng tổ chức Hội thảo: GS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam; GS. Peter Draper - Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, GS. Shandre Thangavelu – Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Thương mại quốc tế, Trường ĐH Adelaide, Australia; Giáo sư Fabio Pollice, Hiệu trưởng ĐH Salento, Ý; GS. Sitanon Jesdapipat, Trường ĐH Rangsit, Thái Lan; PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương; TS. Lưu Tiến Dũng - Phó Trưởng Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM.

Bên cạnh đó, hội thảo còn vinh dự đón tiếp đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và nhận được sự chia sẻ của đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… CIECI 2023 cũng thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Các diễn giả, khách mời trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc CIECI 2023, PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chào mừng các diễn giả, các chuyên gia, nhà khoa học, các khách mời đã tới tham dự hội thảo. “Các cuộc thảo luận sẽ là nền tảng lý thuyết của các chuỗi giá trị toàn cầu, cách các quốc gia như Việt Nam tham gia ở các cấp độ khác nhau và các chính sách cần thiết để hướng dẫn hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững. Chúng ta cũng sẽ đề cập đến các chủ đề rộng hơn như mạng lưới sản xuất quốc tế, nền kinh tế xanh và tuần hoàn cũng như mối quan hệ giữa hội nhập toàn cầu và sự tham gia vào chuỗi giá trị.

Trường Đại học Kinh tế hy vọng Hội thảo CIECI 2023 sẽ trở thành một nền tảng cho những khuyến nghị thực tế. Đóng góp của các diễn giả là rất cần thiết, định hình các cuộc thảo luận sẽ tác động đến các chiến lược kinh tế trong tương lai.”

PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo CIECI 2023

Đại diện đối tác, đơn vị đồng tổ chức, đồng hành với hội thảo trong nhiều năm, GS. Andreas Stoffers – GĐ quốc gia Viện FNF tại Việt Nam cho rằng: “Hội thảo năm nay hướng tới thảo luận các khía cạnh, triển vọng của chuỗi giá trị toàn cầu, thuận lợi và thách thức của các nhóm nước phát triển và đang phát triển trong việc tích hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ được thảo luận. Từ đó, đem tới những giá trị lớn về tư vấn chính sách, khuyến nghị cho chính phủ, các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại để đổi mới, thúc đẩy nền kinh tế - thương mại mở, phát triển hơn nữa trong tương lai.”

GS. Andreas Stoffers – GĐ quốc gia Viện FNF tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại chương trình, ông Charles Thursby-Pelham - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng có những chia sẻ, trao đổi về chủ đề của CIECI 2023 và khẳng định vai trò và tầm quan trọng của các khuyến nghị sẽ được đưa ra tại hội thảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia.

Ông Charles Thursby-Pelham - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo 

Kết thúc các phần phát biểu khai mạc, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã trao tặng cuốn sách kỷ yếu của Hội thảo CIECI năm 2023 cho các diễn giả, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự các phiên thảo luận, trao đổi.

PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trao tặng cuốn kỷ yếu Hội thảo cho các chuyên gia, diễn giả

Hội thảo gồm phiên thảo luận chính, phiên bàn tròn và các phiên thảo luận song song với 5 nhóm chủ đề chính: (1) Chuyển đổi số và Đổi mới trong GVC; (2) Thực hành Bền vững trong GVC; (3) Các vấn đề về Năng lực phục hồi và Quản trị trong GVC; (4) Mô hình, Đặc điểm và Chính sách của GVC; và (5) Dịch vụ hoá và Phân tích cấp độ doanh nghiệp ở Đông Á. 

Trong phiên buổi sáng, GS. Shandre Thangavelu - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Thương mại Quốc tế, Đại học Adelaide, Australia trình bày tham luận về “Liên minh chiến lược, hội nhập khu vực và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP: Tác động đối với Đông Á và ASEAN)”. Theo ông, trong thập kỷ qua khu vực Đông Á và Nam Á đã phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa với mức độ ngày càng gia tăng trong thương mại khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, những bất ổn gần đây như đại dịch Covid – 19; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; chiến tranh quân sự Nga - Ukraine; áp lực lạm phát; đứt gãy GVC; suy thoái kinh tế khu vực và trên thế giới sẽ dẫn đến những chính sách hướng nội hơn, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng phân mảnh trong các thỏa thuận thương mại.

GS. Shandre Thangavelu chia sẻ tham luận tại CIECI 2023

Tiếp nối, bài tham luận “Trường đại học và chuỗi giá trị toàn cầu” của GS. Fabio Pollice - Hiệu trưởng ĐH Salento, Ý nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường đại học trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đẩy mạnh việc tham gia vào GVC ở cấp độ quốc gia. Theo ông, các quốc gia cần thống nhất các thỏa thuận thương mại nhằm giảm sự chồng chéo trong chính sách, cắt giảm chi phí giao dịch thương mại và hạn chế sự phân mảnh thương mại toàn cầu và khu vực.

GS. Fabio Pollice nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường đại học trong việc tham gia vào GVC

Sau các bài tham luận chính, tại phiên bàn tròn do PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì, các diễn giả tập trung thảo luận, đánh giá những biến động của nền kinh tế thế giới như đại dịch Covid 19, khủng hoảng năng lượng, căng thẳng chính trị và những xu thế mới như cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, xu hướng phát triển bền vững có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển và định hình lại GVC.

Phiên thảo luận bàn tròn có sự tham gia của đại diện các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Giảng viên, sinh viên tham dự đặt câu hỏi cho các diễn giả xoay quay chủ đề chính của CIECI 2023

Buổi chiều, Hội thảo diễn ra các phiên thảo luận song song chủ trì bởi các trường đại học trong nước và quốc tế.

Phiên 1 đồng chủ trì bởi Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và ĐH Rangsit, Thái Lan đã mang tới các nội dung về chuyển đổi số và đổi mới trong GVC: Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuỗi cung ứng toàn cầu: Bài học từ Việt Nam và thách thức doanh nghiệp phải đối mặt; Phân tích so sánh về sự trưởng thành của nền kinh tế số ở các nước ASEAN-6; Chuỗi cung ứng gà Thái Lan: Phân tích các bên liên quan và thách thức; Tác động của vai trò lãnh đạo đến hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thông qua chuyển đổi số và đổi mới sản phẩm; Ứng dụng chuyển đổi số trong thúc đẩy tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam: cơ hội và thách thức.

Phiên 1 thảo luận về chủ đề “chuyển đổi số và đổi mới trong GVC”

Đồng chủ trì bởi Viện FNF Việt Nam và Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN, phiên số 2 thảo luận các nội dung về: Chuỗi giá trị khu vực ô tô ở ASEAN, các mối liên kết hiện tại và tiềm năng hướng tới RVC bền vững; Chế độ nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng: Góc nhìn mạng lưới; Khả năng chống chọi của ngành ngân hàng Việt Nam trong đại dịch Covid-19 và giải pháp phát triển bền vững; Dòng nước ảo giữa Italy và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm; Tác động của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đến đổi mới xanh của doanh nghiệp lưu trú tại Hà Nội trong chuỗi giá trị toàn cầu; Tác động của tính linh hoạt chuỗi cung ứng đến tính linh hoạt của chuỗi cung ứng ở doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

Các diễn giả, giảng viên, sinh viên tham dự phiên thảo luận 2

Phiên 3 đồng chủ trì bởi Trường ĐH Luật - Kinh tế, ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN thảo luận các vấn đề chính liên quan đến năng lực phục hồi và quản trị trong GVC: Tác động của chất lượng thể chế đến việc áp dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương; Bắt kịp thông qua liên kết với doanh nghiệp FDI: Phân tích doanh nghiệp Việt Nam đi sau; Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước: Tích hợp FDI, Thể chế, CNTT và Logistics; Cơ hội phát triển ngành viên gỗ tại Việt Nam; Vai trò trung gian của các khoản vay doanh nghiệp trong mối liên hệ giữa tài chính toàn diện và hiệu quả hoạt động của các công ty CNTT-TT: Những hiểu biết mới từ Việt Nam; Những ảnh hưởng nội tại đến việc Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Phiên 3 đồng chủ trì bởi Trường ĐH Luật - Kinh tế, ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN

Song song, phiên số 4 do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Sofia, Bulgaria mang tới Hội thảo các vấn đề xoay quanh mô hình, đặc điểm và chính sách của GVC: Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chính thức và phi chính thức: Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam; Vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu: đánh giá chuyên sâu và hàm ý nâng cao năng lực cạnh tranh; Phân tích năng lực cạnh tranh của ngành xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam: Từ 4 mã ngành chi tiết đến toàn ngành; Nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: bằng chứng từ Việt Nam; Thực hiện các FTA thế hệ mới nhằm nâng cao khả năng hội nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các diễn giả, giảng viên, sinh viên tham dự phiên thảo luận 4

Và phiên thảo luận song song thứ 5 được chủ trì bởi Đại học Adelaide, Australia và Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã đưa ra các nội dung về: Tác động của vốn con người đến dòng chảy thương mại giá trị gia tăng song phương trong chuỗi giá trị toàn cầu; Tác động gián tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Bằng chứng từ thương mại các nước thuộc Khối thịnh vượng chung; Dịch vụ có nâng cao năng suất của công ty không? Bằng chứng từ Phân tích cấp doanh nghiệp của Indonesia bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận bán tham số; Tác động của biến động tăng trưởng sản lượng đến tốc độ tăng trưởng sản lượng: Casestudy của Thái Lan; Số hóa có thúc đẩy hoạt động dịch vụ và GVC của các công ty Trung Quốc không?

Dịch vụ hoá và Phân tích cấp độ doanh nghiệp ở Đông Á là nội dung được thảo luận tại phiên số 5

Hội thảo Quốc tế CIECI lần thứ 11 đã khép lại thành công, là mốc son đáng nhớ góp phần khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong việc mang lại những nghiên cứu giá trị cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước, các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, để phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Hội thảo Quốc tế CIECI lần thứ 11 đã khép lại thành công

Ngoài ra, việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.


Thu Uyên, Thiên Hương, Quang Trung - UEB Media

FullName Email
Address Security code PJMFAT
Content