New Nghien Cuu
 Search

Chuyên gia nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đưa ra giải pháp cho Doanh nghiệp trong việc sử dụng “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp”

Đây cũng chính là chủ đề của diễn đàn khoa học vừa diễn ra do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) phối hợp tổ chức với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Đề xuất xây dựng cơ chế mua - bán điện trực tiếp áp dụng cho điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh cho hàng xuất khẩu”.


Diễn đàn được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến, đề xuất giải pháp cho lộ trình phát triển Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong khu công nghiệp (KCN), tận dụng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp sớm tiến tới mục tiêu xanh hóa và trung hòa carbon tại Việt Nam.

Tham dự diễn đàn, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS. TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. 

Tham gia chương trình còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các địa phương, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Ban Lãnh đạo quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp… Lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, may mặc, điện tử, thép và các doanh nghiệp chế biến, sản xuất trong khu công nghiệp, đại diện chủ đầu tư các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các đơn vị cung cấp giải pháp, cùng các cơ quan thông tấn báo chí đã đến dự và đưa tin cho sự kiện.

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn có các nội dung chính như sau. Phiên 1: Tham luận và thảo luận về Lợi ích và khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo, tập trung vào các vấn đề lợi ích tài chính, nâng cao giá trị cạnh tranh khi Doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo; lợi ích thực tế của Doanh nghiệp đã sử dụng ĐMTMN trong KCN (Số liệu thực tế từ khảo sát của nhóm nghiên cứu VEPR); ĐMTMN trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm; năng lượng tái tạo, tiêu chí của các KCN sinh thái; những vướng mắc từ thực tế của Doanh nghiệp. 

Phiên 2: Tham luận và thảo luận về giải pháp thực hiện và bài toán tài chính đầu tư xoay quanh các nội dung Bài toán tài chính cho Doanh nghiệp có nhu cầu chuyển dịch năng lượng; phương án thi công cho Doanh nghiệp sản xuất; công nghệ mới, giải pháp an toàn hệ thống ĐMTMN trong KCN; quy chuẩn thiết bị sử dụng cho hệ thống ĐMTMN; kinh nghiệm từ quốc tế và ứng dụng ở Việt Nam; đề xuất, góp ý về xây dựng kế hoạch phát triển ĐMTMN trong KCN.

Tại diễn đàn, PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng: “Năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển mạnh tại Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng. Thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, phù hợp với quy hoạch hệ thống năng lượng quốc gia.”

PGS. TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới tạo ra những cơ hội phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng. Để chuyển đổi năng lượng công bằng, mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

PGS. TS Nguyễn Anh Thu cũng chia sẻ thêm: “Lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp mang lại lợi ích to lớn. Nhiều đơn vị triển khai điện mặt trời mái nhà đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng so với sử dụng điện hệ thống. Tuy nhiên, sau Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở; chưa khuyến khích các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn như các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong khu công nghiệp lớn.

Nhiều bộ ngành và doanh nghiệp đã kiến nghị mở rộng cơ chế ưu đãi, phạm vi lắp đặt điện mặt trời tại các cơ sở như trường học, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, trang trại, nhà kho… Nguồn năng lượng này vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng vừa có thể đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chứng chỉ xanh xuất khẩu vào các thị trường lớn như châu Âu. Với quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn như Việt Nam, chứng chỉ xanh cho hàng hoá xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng”.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (VEPR) trong phần trình bày tham luận của mình đã nhấn mạnh: “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, Việt Nam đang định hướng thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư, các dự án công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Để thực hiện được chủ trương này, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, trong đó, điều kiện quan trọng là cần có nguồn năng lượng sạch.”

Theo TS.Nguyễn Quốc Việt: :"Khi tiến hành các nghiên cứu ban đầu về chuyển dịch năng lượng, gần như có xu hướng cho thấy Việt Nam đang lưỡng lự giữa việc đi theo xu thế và phải thực hiện chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để thực hiện những mục tiêu về COP56. "

TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN(VEPR), chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận “Các lợi ích kinh tế từ điện mặt trời mái nhà cho các Khu công nghiệp tại Việt nam – một số ghi nhận từ khảo sát thực tế”

Xét trên góc độ vĩ mô, TS. Việt cho biết, Việt Nam có dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, do đó, nhu cầu sử dụng năng lượng điện cũng đang có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua. Đồng thời, lượng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang có xu hướng tăng nhanh, số lượng khu công nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp có xu hướng ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng năng lượng trong KCN tăng lên. 

Trong đó, nguồn năng lượng phục vụ sản xuất tương đối đa dạng bao gồm các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, khí đốt và dầu mỏ, cũng như các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và năng lượng mặt trời.

 Diễn đàn cũng đã lắng nghe các tham luận về: Hiện trạng - Giải pháp phát triển ĐMTMN (Ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng) ; Hoàn thiện chính sách, khuyến khích thúc đẩy phát triển ĐMTMN (PGS TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN); Phát triển ĐMTMN hướng đến mục tiêu góp phần giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa các-bon tại Việt Nam (Ông Nguyễn Văn Ngọc– Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam); Lợi thế ĐMTMN giúp doanh nghiệp Dệt may tiết giảm chi phí và ưu thế khi xuất khẩu (Ông Trương Văn Cẩm, PCT kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS); Các lợi ích kinh tế từ điện mặt trời mái nhà cho các Khu công nghiệp tại Việt nam – một số ghi nhận từ khảo sát thực tế (TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, chủ nhiệm đề tài); Tối ưu hóa chi phí và ưu tiên phát triển nguồn mặt trời sẽ giúp giá điện thấp hơn (ThS. Phan Công Tiến, Chuyên gia nghiên cứu về thị trường năng lượng tái tạo, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài). Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự đã tập trung chia sẻ, trao đổi, thảo luận về một số nội dung chính như thủ tục trong đầu tư lắp đặt; nguồn vốn nào hỗ trợ giúp doanh nghiệp chuyển dịch năng lượng; các ý kiến đề xuất giải pháp về bài toán xây dựng lộ trình phát triển ĐMTMN trong KCN; thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng; tận dụng nguồn năng lượng xanh từ hệ thống ĐMTMN giúp doanh nghiệp sớm tiến tới mục tiêu xanh hóa và trung hòa các-bon tại Việt Nam…

Ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định phát biểu tại Diễn đàn
Trung tá Trần Hải Nam – Phó trưởng Phòng thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an phát biểu tại Diễn đàn
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh EVN phát biểu tại Diễn đàn
Bà Trần Tố Loan – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ phát biểu tại Diễn đàn
Ông Phan Công Tiến, Chuyên gia nghiên cứu về thị trường năng lượng tái tạo, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài tham luận chủ đề “Tối ưu hóa chi phí và ưu tiên phát triển nguồn mặt trời sẽ giúp giá điện thấp hơn”

Sau khi lắng nghe phần trình bày tham luận; phiên thảo luận bàn tròn đã diễn ra sôi nổi với các chia sẻ thực tế từ chính các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân trong quá trình sử dụng điện mặt trới mái nhà.

Kết thúc phiên thảo luận, diễn đàn đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất: theo đó các Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các KCN, khu chế xuất. Cùng với đó, Doanh nghiệp đề xuất các Bộ/ban, ngành sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: Thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích Doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.

Phiên thảo luận do  Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (ngoài cùng bên trái) chủ trì

Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, doanh nghiệp đề xuất các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà gồm; (tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...); tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn phát đúng quy trình, giúp thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành hoạt động ổn định. Đồng thời, các tỉnh thành cũng cần phân bổ phòng ban kiểm soát một cách chặt chẽ về sản lượng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở địa phương.

Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp.

Diễn đàn lắng nghe các chia sẻ của diễn giả, đại diện doanh nghiệp, đại diện các bộ ban ngành trong việc thực hiện Điện mặt trời mái nhà trong Khu công nghiệp

Có thể nói, chủ đề “Điện mặt trời mái nhà trong Khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách trực thuộc trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị nghiên cứu đề xuất đã mang đến diễn đàn nhiều nội dung hấp dẫn và các khuyến nghị chính sách kinh tế vĩ mô cũng như các cải cách thể chế, chính sách. Trong đó, có cải cách cởi bỏ những rào cản trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng giúp kích hoạt nhiều mô hình khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, kích hoạt được các nguồn tài chính xanh khổng lồ đang sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới, tạo thêm công ăn việc làm và điều quan trọng nhất là giúp nền sản xuất công nghiệp Việt Nam dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu mới.


Thanh Mai - UEB Media

FullName Email
Address Security code QBQTAF
Content

Other News