New Nghien Cuu
 Search

Người thầy và khát vọng “quốc tế hoá” giáo dục để phụng sự Tổ quốc

Tư tưởng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và luôn khát khao đưa giáo dục nước nhà sánh tầm quốc tế - đó là ấn tượng về PGS.TS Nguyễn Trúc Lê trong suốt thời gian ông giữ trọng trách là Hiệu trưởng Nhà trường và nay là Bí Thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (2017 - 2024).


PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tại Diễn đàn Kinh tế Thương mại Việt Nam - EU 2023

Khát vọng đổi mới giáo dục

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê sinh năm 1976. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Tiến sĩ Kinh tế - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tổng hợp Kingston London - Anh. Trước đó, ông đã tốt nghiệp loại xuất sắc Thạc sĩ Kinh tế - Chuyên ngành Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Tổng hợp Gdansk, Ba Lan.

17 năm sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó có cả giảng dạy, ông Lê nhận thấy, đội ngũ giảng viên nơi đây, nhiều người học tập ở nước ngoài và sau đó trở về, cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.

Trong khi đó, bản thân ông - là người Việt Nam, đã cống hiến, đóng góp rất nhiều cho nền giáo dục nước bạn. Điều này khiến ông trăn trở và quyết định quay trở lại Việt Nam, mang theo khát vọng cống hiến cho nền giáo dục nước nhà và đến năm 2017, ở tuổi 41, ông được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Là một người làm công tác giáo dục trẻ tuổi có những tư tưởng và cách thức làm giáo dục mới mẻ hiện đại, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã thành công áp dụng mô hình quản trị đại học, số hóa, KPIs-3Ps trong tổ chức công phù hợp theo vị trí việc làm, gắn với chiến lược tiết kiệm, giảm thiểu chi phí đào tạo cho đất nước, giảm thiểu việc “chảy máu chất xám và chảy máu tiền tệ” cho quốc gia.

Đồng thời, ông còn chỉ đạo đẩy mạnh mô hình trao đổi giảng viên quốc tế, trao đổi sinh viên quốc tế theo kỳ học tín chỉ giữa các Trường Đại học uy tín hàng đầu trên thế giới với mức kinh phí đào tạo tín chỉ “0 đồng” (sinh viên không phải chi trả thêm học phí khi trao đổi tín chỉ tại các trường quốc tế).

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Financial University, Cộng hòa Liên bang Nga ký kết Thỏa thuận ghi nhớ chung và Thỏa thuận trao đổi sinh viên

Với mô hình này, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trường Đại học Kinh tế đã triển khai hợp tác với gần 60 trường đại học trên thế giới, trong đó có nhiều trường uy tín và trường top 200 thế giới như: Kelley School of Business, Indiana University, USA (QS 311); University of Minnesota, USA (THE 101); University of Laval, Canada (THE 251-300); The University of Sydney, Australia (QS 19); Seoul National University, South Korea (QS 41)…

Thành quả hợp tác này đã phát huy mạnh mẽ chiến lược quốc tế hóa giáo dục nhằm giữ chân người tài, giữ chân sinh viên giỏi, thu hút được nhiều giáo sư nước ngoài về Việt Nam giảng dạy nghiên cứu và cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà, góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục gắn với phát triển kinh tế xã hội của đất nước với mức chi phí đào tạo thấp nhất.

“Một mặt, trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, để sinh viên có đủ năng lực lĩnh hội kiến thức tham gia các khóa trao đổi. Mặt khác, nhà trường cần có giải pháp để góp phần nâng cao vị thế giáo dục nước nhà, sánh tầm với những trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Khi đưa ra được mô hình như vậy, tôi mới thấy được rằng, vị thế của giáo dục Việt Nam mình cần phải được khẳng định trong thương trường quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chia sẻ.

Phụng sự cho tổ quốc

“Trách nhiệm quốc gia” - đó là sứ mệnh, trọng trách của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Trường Đại học Kinh tế và PGS.TS Nguyễn Trúc Lê luôn đặt lên hàng đầu trong suốt quãng thời gian công tác trong ngành giáo dục.

Năng lực và đóng góp của PGS.TS Trúc Lê gắn chặt với nhiều thành tựu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian gần đây.

3 năm trở lại đây, từ 2021 - 2023, PGS Trúc Lê đã nhận được trao tặng: danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2021), Huân chương lao động Hạng III (2022), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2023).

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội  có mạng lưới đối tác quốc tế sâu rộng

Đáng chú ý, giai đoạn 2021 - 2023, ông được ghi nhận có thành tích đặc biệt xuất sắc cùng Đại học Quốc gia Hà Nội, lần đầu tiên đưa 3 lĩnh vực trọng điểm Kinh tế học, Kinh doanh và Khoa học Quản lý của giáo dục đào tạo nước nhà vào Bảng xếp hạng uy tín thế giới: QS vị trí top 451 - 500 và THE (Times Higher Education) vị trí top 501 - 600. Thành quả này đã góp phần khẳng định được vị thế đào tạo và giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây là lần đầu tiên và duy nhất một tổ chức đào tạo công lập có khối ngành Kinh tế và Kinh doanh của đất nước là Đại Học Quốc gia Hà Nội - Trường Đại học Kinh tế được vinh danh trên Bảng xếp hạng Thế giới (Kinh doanh - QS 2021) và (Kinh tế và Kinh doanh - THE 2022).

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê trao giấy khen cho 2 thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Lễ Khai giảng năm học 2023 - 2024

Trong đó PGS.TS Nguyễn Trúc Lê được ghi nhận lãnh đạo quản lý Trường Đại học Kinh tế 3 năm dẫn đầu Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đóng góp chủ lực, tiên phong vào thành công của việc xếp hạng đại học nhờ vào các chiến lược phát triển quốc tế hóa của trường, trực tiếp chỉ đạo triển khai các giải pháp toàn diện trong quản lý hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, phát huy thế mạnh về chất lượng đội ngũ cán bộ trong và ngoài nước có đầy đủ năng lực uy tín khoa học, khẳng định được vị thế khối ngành Kinh tế và Kinh doanh trên thế giới về chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ

“Trường Đại học Kinh tế muốn đào tạo một lực lượng trẻ, năng động, tự tin và luôn tỏa sáng ở bất cứ môi trường nào trong nước và ngoài nước.

Triết lý giáo dục của nhà trường là quốc tế hóa giáo dục và đưa sinh viên trở thành những công dân toàn cầu nhưng mà các bạn phải thực sự giữ được bản sắc dân tộc của mình. Bởi vì khi các bạn hội nhập một cách rất nhanh mà các bạn mất bản sắc dân tộc thì triết lý đó nó sẽ trở thành cái điều đáng buồn” - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chia sẻ.

Ngoài việc ghi nhận và đánh giá trong lĩnh vực đào tạo và giảng dạy, với cương vị Bí Thư Đảng Ủy Nhà Trường đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam - Anh Quốc, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng đã định hướng và trực tiếp chỉ đạo Trường Đại học Kinh tế quán triệt đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại nhân dân vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong “đối ngoại giáo dục” khi đưa mô hình “ngoại giao tri thức” vào các hoạt động trao đổi nghiên cứu chuyển giao và tư vấn chính sách thông qua việc tổ chức thành công chuỗi các Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam với các nước trên thế giới được lãnh đạo cấp cao nước ngoài, Sứ quán và Đại sứ đánh giá cao và được lãnh đạo Đảng, Chính phủ ghi nhận thành tích.

Qua chuỗi Diễn đàn này, các chuyên gia của Việt Nam đã cùng các nhà khoa học thế giới nghiên cứu, đưa ra các giải pháp cho những vấn đề mà cả nhân loại đang quan tâm như biến đổi khí hậu, nền kinh tế carbon thấp, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, các Hiệp định FTA, EVFTA, UKVFTA, CPTPP, BRICS… Việc thu hút nhiều Giáo sư từ các Trường Đại học uy tín, các nhà hoạch định chính sách quốc tế, các chuyên gia nước ngoài đầu ngành không chỉ hỗ trợ tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam mà còn để học hỏi từ những kinh nghiệm điều hành quản lý kinh tế của nước ta. Họ chính là cầu nối “ngoại giao tri thức” quan trọng góp phần đưa “mô hình kinh tế Việt Nam” đến với thế giới, khẳng định vị thế kinh tế, địa chính trị của Việt Nam trong bạn bè quốc tế, trong chuỗi giá trị quốc tế mà Việt Nam đang hướng tới.

Là một trong những cá nhân và tập thể được vinh danh tại chương trình "Vinh quang Việt Nam năm 2024", PGS.TS Nguyễn Trúc Lê là tấm gương điển hình trong việc đổi sáng tạo, áp dụng chiến lược phát triển quốc tế hóa, được ngành giáo dục đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng. Sự cống hiến không ngừng nghỉ của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê hướng tới việc phát triển nền giáo dục nước nhà, nâng tầm vị thế của nhà trường trên hệ thống xếp hạng thế giới.


Theo Báo Lao động

FullName Email
Address Security code WCHCQT
Content

Other News