New Nghien Cuu
 Search

Trình độ phát triển kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất và thương mại Việt Nam

Trong khuôn khổ tổ chức chuỗi tọa đàm "UEB - Research & Sharing", Tọa đàm “Managerial Accounting Evolution - Comparative Studies” do Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã được tổ chức ngày 23/5/2022.


Tại đây, PGS.TS. Kanitsorn Terdpaopong, Giám đốc chương trình Kế toán quốc tế, Đại học Rangsit, Thái Lan và TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các thành viên nhóm nghiên cứu gồm TS. Nguyễn Thị Hương Liên và ThS.NCS. Nguyễn Thị Hải Hà, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã chia sẻ kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về định vị trình độ phát triển kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan.

Kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp vì đây là bộ phận cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính để giúp các nhà quản lý lập kế hoạch, kiểm soát, điều hành hoạt động kinh doanh, đồng thời dự báo và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp. Việc áp dụng các phương pháp kế toán quản trị hiện đại được coi là chìa khóa giúp doanh nghiệp thành công trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay. Năm 1998, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) đã ban hành mô hình định vị trình độ phát triển của kế toán quản trị trên thế giới (mô hình IFAC) bao gồm 4 giai đoạn: 

Giai đoạn 1 từ năm 1950 trở về trước: Kế toán quản trị chủ yếu tập trung vào các phương pháp xác định chi phí, tính giá thành sản phẩm và kiểm soát tài chính nội bộ. Kế toán quản trị được coi đơn thuần là một hoạt động kỹ thuật giúp công ty đạt được các mục tiêu quản lý đã đề ra. 

Giai đoạn 2 từ năm 1960 đến năm 1965: Kế toán quản trị tập trung vào việc cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch và kiểm soát trong doanh nghiệp. Ở giai đoạn này, kế toán quản trị phát triển thêm một bước, từ đơn thuần là một hoạt động kỹ thuật trở thành một hoạt động quản lý ở mức thấp. 

Giai đoạn 3 từ năm 1965 đến năm 1985: Kế toán quản trị tập trung vào việc giảm lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp trong bối cảnh là cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng giá dầu thế giới vào những năm 1970s, và sự cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu từ những năm 1980s do tốc độ phát triển rất nhanh của khoa học kỹ thuật. 

Giai đoạn 4 từ năm 1995 đến nay: Giai đoạn này đánh dấu sự bùng nổ của internet và quá trình toàn cầu hóa, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt và rủi ro lớn hơn trong hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn này, kế toán quản trị tập trung vào việc tạo ra giá trị cho doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các nguồn lực và ứng dụng khoa học công nghệ một cách có hiệu quả.

Các cán bộ, giảng viên tham dự tọa đàm

Hiện nay, tại Việt Nam các nghiên cứu sử dụng trực tiếp mô hình IFAC để định vị trình độ phát triển kế toán quản trị tại các doanh nghiệp và các nhân tố ảnh hưởng tới trình độ này còn rất hạn chế. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 173 doanh nghiệp sản xuất và thương mại Việt Nam, trong đó bao gồm 92 doanh nghiệp sản xuất (tương đương 53,2%) và 81 doanh nghiệp thương mại (tương đương 46,8%). Phần lớn người được hỏi (82,7%) làm việc ở bộ phận tài chính kế toán và ban giám đốc của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy các phương pháp kế toán quản trị chi phí được áp dụng rộng rãi nhất trong các doanh nghiệp sản xuất lần lượt là “Kế toán chi phí sản xuất theo định mức” (giá trị trung bình là 3,62) và “Kế toán chi phí sản xuất giản đơn/toàn bộ” (giá trị trung bình là 3,207). Phương pháp được rất ít doanh nghiệp áp dụng là “Kế toán chi phí sản xuất theo hoạt động” (giá trị trung bình là 2,337) và “Kế toán chi phí theo mục tiêu” (giá trị trung bình là 2,196). Kết quả này tương đồng với các kết quả nghiên cứu trước như Nguyen & Aoki (2014). Đối với các doanh nghiệp thương mại, phương pháp được áp dụng rộng rãi nhất lần lượt là “Phân loại chi phí thành biến phí và định phí” (giá trị trung bình là 2,259), “Kế toán chi phí sản xuất theo định mức” và “Tỷ lệ phân bổ trước chi phí sản xuất chung”. Tương tự như các doanh nghiệp sản xuất, các phương pháp hiện đại được sử dụng ở tỷ lệ rất thấp. Do đó, so với các nghiên cứu trước đó, Doan & cộng sự (2011), Nguyen & Aoki (2014), có thể xác định rằng các phương pháp xác định chi phí truyền thống vẫn được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. 

Về các phương pháp dự toán, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ áp dụng cao nhất tương ứng là “Dự toán chi phí” và “Dự toán doanh thu”. Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các phương pháp này cao hơn so với các phương pháp kế toán chi phí đề cập ở trên với giá trị trung bình đạt trên 4,0. Kế toán quản trị của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại Việt Nam tập trung vào lập kế hoạch và kiểm soát chi phí. Terdpaopong & cộng sự (2018) cũng cho thấy “Dự toán chi phí” được áp dụng rộng rãi nhất trong số các loại dự toán tại doanh nghiệp Thái Lan. 

Về đánh giá hiệu quả hoạt động, “Phân tích các chỉ tiêu tài chính” được áp dụng rộng rãi nhất (giá trị trung bình tương ứng là 3,609 và 3,235). Trong khi đó, các phương pháp hiện đại như “Thẻ điểm cân bằng”, “Đối sánh với các công ty khác/trung bình ngành”, và phân tích các chỉ tiêu phi tài chính được áp dụng ở mức khá thấp. 

Về các phương pháp cung cấp thông tin để ra quyết định, “Phân tích khả năng sinh lời” được áp dụng rộng rãi nhất (giá trị trung bình là 3,609) trong các doanh nghiệp sản xuất. Tiếp sau đó là “Phân tích lợi nhuận của nhóm sản phẩm” và “Phân tích chi phí - khối lượng - lợi nhuận”. Đối với các doanh nghiệp thương mại, tỷ lệ áp dụng cao nhất là “Phân tích lợi nhuận của nhóm sản phẩm” (giá trị trung bình là 3,123) và sau đó là “Phân tích khả năng sinh lời” và “Phân tích chi phí - khối lượng - lợi nhuận”. 

Về các phương pháp kế toán quản trị chiến lược, tỷ lệ áp dụng thấp hơn các phương pháp kế toán chi phí, dự toán, đánh giá hiệu quả hoạt động, cung cấp thông tin để ra quyết định. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong mẫu khảo sát hầu như chưa áp dụng dụng kế toán quản trị chiến lược.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn trình độ phát triển kế toán quản trị của các doanh nghiệp (69,3%) đang ở trong 2 giai đoạn đầu tiên của mô hình IFAC. Chỉ có 30,7% doanh nghiệp đã áp dụng các phương pháp kế toán quản trị hiện đại thuộc Giai đoạn 3 và 4 của mô hình IFAC. Các phương pháp kế toán quản trị được áp dụng tại các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là kế toán quản trị truyền thống. 

Đối với các nhân tố ảnh hưởng tới trình độ phát triển kế toán quản trị, kết quả nghiên cứu cho thấy đặc điểm sản phẩm, nhu cầu thông tin của nhà quản lý, trình độ của kế toán, môi trường kinh doanh ổn định, tuổi của doanh nghiệp, và quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực tới trình độ phát triển kế toán quản trị của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại Việt Nam. 

Dựa trên các kết quả khảo sát nói trên, nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc áp dụng kế toán quản trị chiến lược tại các doanh nghiệp Việt Nam như sau: 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của nhà quản trị về vai trò của kế toán quản trị chiến lược

Thông tin kế toán quản trị chiến lược sẽ giúp nhà quản trị xác định chiến lược, vị thế chiến lược của doanh nghiệp trên cơ sở xem xét các yếu tố bên trọng và bên ngoài như môi trường cạnh tranh (Simmond, 1981). Thông tin kế toán quản trị chiến lược giúp nhà quản trị thực hiện chức năng hoạch định, lập dự toán sản xuất kinh doanh, dự toán dòng tiền, hay dự toán chi phí quản trị môi trường… Đồng thời, thông tin kế toán quản trị chiến lược còn hỗ trợ nhà quản trị đưa ra quyết định như Lựa chọn phương án đầu tư nào? Sản phẩm nên thay đổi ra sao? Mức giá bán nào có thể cạnh tranh được? Lựa chọn hoạt động sản xuất nào không gây hại đến môi trường sinh thái? Bên cạnh đó, thông tin kế toán quản trị chiến lược cũng giúp nhà quản trị thực hiện chức năng giám sát dựa trên kết quả phân tích, so sánh, tổng hợp nhằm giúp cho việc kiểm soát, soát xét các hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả. Do vậy, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về những lợi ích mà kế toán quản trị chiến lược mang lại nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh và giảm thiểu các mối đe dọa từ hàng hóa, dịch vụ thay thế sản phẩm của doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác kế toán quản trị và nâng cao mức độ áp dụng công nghệ trong doanh nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự ra đời của các thiết bị máy móc hiện đại đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động hiện đại hóa quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình kinh doanh. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghệ này được xem là kích tố dẫn đến sự thay đổi tư duy và vai trò của kế toán quản trị truyền thống sang kế toán quản trị chiến lược. Kết quả nghiên cứu đã giải thích vai trò của công nghệ là nhân tố ảnh hưởng tích cực đến công tác tổ chức kế toán quản trị chiến lược. Khi hệ thống thông tin kế toán quản trị được hỗ trợ bởi phần mềm chuyên dụng sẽ làm giảm thời gian thu thập, xử lý thông tin, qua đó nhanh chóng đáp ứng thông tin cho nhà quản trị trong việc ra quyết định có hiệu quả. Vì vậy, nhà quản trị cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cho hệ thống kế toán quản trị chiến lược, lựa chọn những phần mềm hiện đại có thể tích hợp được nhiều chức năng trong toàn hệ thống. 

Thứ ba, tăng cường phân cấp quản lý và nâng cao vai trò của kế toán trách nhiệm trong doanh nghiệp

Kết quả khảo sát và tổng hợp các kết quả nghiên cứu trước cho thấy các doanh nghiệp có cơ cấu phân cấp quản lý càng cao thì mức độ doanh nghiệp áp dụng kế toán quản trị chiến lược càng lớn. Sự phân quyền cho các nhà quản trị cấp dưới trong việc ra quyết định giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của môi trường kinh doanh, nắm bắt được các cơ hội và thời cơ trên thị trường. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường phân cấp quản lý, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận, phòng ban. Khi tổ chức phân cấp đúng người, đúng việc sẽ tạo điều kiện cho năng lực của nhân viên được phát huy một cách tối đa, đồng thời tăng cường mức độ chịu trách nhiệm đối với các công việc được giao, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động của toàn doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thực hiện kế toán quản trị chiến lược giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, đây cũng là mục tiêu mà các doanh nghiệp đều hướng đến khi xây dựng chiến lược. Để việc triển khai kế toán quản trị chiến lược có hiệu quả, doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa các bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp. Các thông tin kế toán quản trị chiến lược thu thập được như việc huy động và sử dụng nguồn lực, dự toán sản xuất kinh doanh, báo cáo chi phí - khối lượng - lợi nhuận, báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động… cần có sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ doanh nghiệp, để đảm bảo chất lượng và tính chính xác của các thông tin công bố.

Thứ năm, nâng cao trình độ đội ngũ kế toán quản trị của doanh nghiệp

Trình độ của đội ngũ kế toán nói chung và kế toán quản trị nói riêng là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới sự thành bại của việc triển khai kế toán quản trị chiến lược. Theo kết quả nghiên cứu, mặc dù kế toán quản trị chiến lược không còn là khái niệm quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì khái niệm này vẫn còn khá xa lạ nên đòi hỏi người làm công tác kế toán quản trị phải thường xuyên cập nhật kiến thức, học hỏi không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách theo học các chương trình đào tạo kế toán trưởng, giám đốc tài chính, hoặc các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CIMA, CMA… Ngày nay, sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học 4.0 và sắp tới là 5.0 sẽ dẫn tới sự thay đổi tất yếu từ công cụ kế toán truyền thống sang các công cụ hiện đại của kế toán quản trị chiến lược. Do đó, doanh nghiệp có thể hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo uy tín về kế toán quản trị để tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, các khóa đào tạo kế toán quản trị chiến lược.

Tóm lại, nghiên cứu này đã đóng góp một kết quả thực chứng về định vị trình độ phát triển kế toán quản trị của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại Việt Nam cũng như xác định các nhân tố ảnh hưởng tới trình độ này theo mô hình IFAC. Kết quả nghiên cứu giúp các nhà quản lý định vị được trình độ phát triển kế toán quản trị tại đơn vị mình, từ đó lên kế hoạch triển khai áp dụng các phương pháp kế toán quản trị hiện đại và phù hợp để nâng cao nội lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước và các Hiệp hội nghề nghiệp, các nhà nghiên cứu được cung cấp một bức tranh tổng thể về kế toán quản trị tại Việt Nam dựa trên thang đo quốc tế, cũng như hiểu rõ hơn về các nhân tố tác động tới trình độ này để ban hành các chính sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển kế toán quản trị chiến lược tại Việt Nam.


Hương Liên, Khoa KTKT

FullName Email
Address Security code QRSNGB
Content