New Nghien Cuu
 Search

Xanh hóa và số hóa trong thương mại và đầu tư quốc tế - Hàm ý chính sách cho Việt Nam

GS. Craig Robert Parsons, Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản trình bày tham luận tại Hội thảo

Ngày 26/11/2021, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã phối hợp với Trường Đại học Adelaide, Australia và Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”. Hội thảo được tài trợ bởi Viện Friedrich Naumann for Freedom (FNF) tại Việt Nam.


Hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, trực tuyến và phát trực tiếp trên Fanpage của Trường ĐH Kinh tế.

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê UEB Hiệu trưởng nhà trường, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng. Về phía Trường Đại học Adelaide, Australia có GS. Peter Draper - Trưởng Khoa Kinh tế và Chính sách công, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế. Về phía Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan có sự hiện diện của GS. Robin K. Chou UEB Giáo sư danh dự về Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Châu Á, Phó Chủ nhiệm Khoa Thương mại. Về phía FNF có GS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước: Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ Trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng Chính sách, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương. Hội thảo còn nhận được sự quan tâm và đồng hành của PGS.TS. Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Thương Mại Green Path Việt Nam. Và hơn hết, Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước. 

 Hội thảo được chia ra làm hai phiên thảo luận chính. Trong phiên buổi sáng, các nhà khoa học đại diện từ các đơn vị tổ chức đã chia sẻ những nghiên cứu về tầm quan trọng cũng như các khía cạnh khác nhau của việc phát triển nền kinh tế số và xanh hóa nền kinh tế. Các nghiên cứu tập trung bàn luận về đề xuất thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU, từ đó đề xuất một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu có phương án giảm thiểu lượng phát thải các-bon trong quá trình sản xuất để không vượt ngưỡng tiêu chuẩn mà EU đặt ra. Song song với các đề xuất giảm lượng phát thải, các chỉ số hạn chế thương mại số sẽ được so sánh thống kê chi tiết nhằm đưa ra những lưu ý cho quá trình ứng dụng bộ chỉ số này trong các nghiên cứu tác động của các biện pháp thuế quan hay phi thuế quan, và áp dụng cho khu vực và trên toàn cầu. PGS. Nguyễn Anh Thu cũng chia sẻ các kết quả nghiên cứu về Chiến lược thương mại của EU hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thông qua các nghiên cứu, các tác giả đã đưa ra những khuyến nghị chính sách thiết thực giúp Việt Nam vượt qua các thách thức trong quá trình thực hiện chiến lược số hóa và xanh hóa nền kinh tế.

Tiếp đó, trong phiên buổi sáng, cuộc thảo luận bàn tròn về Xanh hóa và số hóa trong thương mại và đầu tư quốc tế - Hàm ý chính sách cho Việt Nam có sự tham gia của các tác giả phát biểu đề dẫn và các đại diện từ những cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; đại diện của FNF Việt Nam và Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Thương Mại Green Path Việt Nam. Các chuyên gia, diễn giả tập trung chia sẻ về chính sách số hoá và xanh hoá của các nước, khu vực và của Việt Nam; kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Kết quả của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cũng như ảnh hưởng của Hội nghị tới Việt Nam đã được chia sẻ tại phiên thảo luận này. 

Buổi chiều cùng ngày, ba phiên thảo luận song song được tiến hành trong 3 phòng hội thảo với các chủ đề chính: (1) Kinh tế xanh, (2) Kinh tế số, và (3) Phát triển bền vững. Sự góp mặt đông đảo của các diễn giả đến từ các trường đại học trong và ngoai nước như Australia, Ba Lan, Nga, Đài Loan, Nhật Bản... đã giúp cho các vấn đề được thảo luận trong phiên buổi sáng được phân tích sâu sắc hơn, đồng thời giúp tăng cường liên kết học thuật đa quốc gia.

Thông qua các bài trình bày và thảo luận tại Hội thảo có thể thấy rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới trong việc phát triển nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số và xanh hóa. Hội thảo đã đưa ra một số hàm ý chính sách để hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào xu thế phát triển mới của thế giới, thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại. 

Prof. Robin K. Chou - Giáo sư danh dự về Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Châu Á, Phó Chủ nhiệm Khoa Thương mại, Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan trình bày trong Hội thảo với chủ đề: “Tâm lý CEO và việc nắm giữ tiền mặt của công ty: Bằng chứng từ các dòng tweets của CEO trên Twiter”

1. Hàm ý cho xanh hóa nền kinh tế:

Để tăng trưởng xanh góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước các cú sốc bên ngoài, thời gian tới, trong tổng thể các giải pháp, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Đối với Chính phủ

- Nâng cao nhận thức, chuyển đổi mạnh mẽ trong hành động về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cần nhận thức rõ, tiếp cận với tăng trưởng xanh không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển mà phải coi đây là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững. Do đó, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các dự án truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững;

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh;

- Tập trung vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và các yếu tố xã hội. Tạo cơ chế khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng xanh theo hướng mở;

- Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực chính của tăng trưởng xanh như năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng…Đặc biệt, cần coi trọng nguồn lực tài chính làm đòn bầy. Hiện nay, năng lực thực hiện chủ yếu dựa trên hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ. Cần khuyến khích và thu hút được nhiều đầu tư tư nhân trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.

Đối với doanh nghiệp

- Các doanh nghiệp cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước.

2. Hàm ý thúc đầy chuyển đổi số

Phát triển kinh tế số đã và đang là một xu thế tất yếu của cả thế giới. Những lợi ích mà kinh tế số đem lại như gia tăng hiệu quả quản trị và sản xuất, năng lực cạnh tranh, giảm thiểu khoảng cách trong thương mại giữa các nước và khu vực… đóng góp rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế chung của quốc gia. Việt Nam hiện nay chưa có chiến lược về kinh tế số và Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông cùng với các Bộ ngành vẫn đang trong quá trình xây dựng các chính sách, chiến lược tổng thể thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số. Việt Nam có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số như tốc độ đường truyền băng thông của Việt Nam là loạt tốt của thế giới, sóng di động phủ rộng gần hết lãnh thổ. Tuy nhiên mảng ứng dụng số hoá vào nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu nền kinh tế đang chuyển đổi. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân vào các hoạt động kinh tế còn quá thấp. Doanh nghiệp chưa thật sự sẵn sàng. Tuy có các văn bản pháp lý nhưng còn chung chung thiếu chế tài, mục tiêu cụ thể. Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam, hội thảo đưa ra một số hàm ý chính sách sau:

Đối với Chính phủ

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Thành lập cơ quan thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc Chính phủ với sự tham gia, phối hợp của các bộ ngành có liên quan. Nhà nước cần ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân cũng như việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số.

- Đẩy mạnh cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp, bao gồm việc xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu quốc gia, xây dựng chiến lược quản trị số. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như đơn giản hóa, số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử và thương mại điện tử.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới. Cần có cơ chế khuyến khích thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

- Khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử trong nền kinh tế. Sử dụng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử qua điện thoại di động.

- Trang bị kiến thức, thống nhất tư tưởng và hành động về kinh tế số, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo quản lý cũng như điều hành kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế số. 

- Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Trong đó tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số; Đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số; Cập nhật, bổ sung các chương trình đào tạo về công nghệ số, nền tảng số, từ mã hóa đến tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai trong nhà trường; Đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa trường với khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số; Xây dựng chính sách kết nối cộng đồng khoa học công nghệ trong nước với nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp

- Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; tận dụng số hoá để thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

- Phát triển kỹ năng công nghệ mới cho đội ngũ nhân viên như tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển;

- Tiếp thu những mô hình quản lý mới cũng như ý tưởng sản xuất và kinh doanh áp dụng công nghệ mới, đồng thời cũng tạo điều kiện và cơ hội cho những sáng kiến công nghệ được ra đời và phát triển.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN báo cáo tham luận tại hội thảo

 

Phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Anh Thu tại hội thảo

3. Hàm ý thúc đẩy phát triển bền vững

Hiện nay các quốc gia trên thế giới trên đều đang hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, tuy nhiên để đạt được điều này là điều không dễ dàng, đặc biệt là quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia đang phát triển như sự ổn định chính trị, bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nhân lực,…Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đặt ra hiện nay. Hướng tới thực hiện các cam kết trong Hội nghị COP26 mà Việt Nam vừa tham gia, một số hàm ý chính sách được đưa ra như sau:

Đối với Chính phủ

- Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát thải ít các bon. Đưa ra lộ trình để chuyển nền kinh tế sang tăng trưởng cac-bon thấp, phát triển kinh tế tuần hoàn, tính đến phí tổn môi trường trong đầu tư phát triển;

- Tăng đầu tư và chi tiêu công trong những lĩnh vực kích thích xanh hóa nền kinh tế thông qua các khoản đầu tư thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới, thân thiện môi trường;

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, dự báo khí hậu, cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan, điều tra, đánh giá tài nguyên, quan trắc và giám sát môi trường, trong xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường;

- Tăng cường cơ chế hợp tác hiệu quả chia sẻ hài hoà lợi ích giữa các nước trong hợp tác song phương, đa phương trong chia sẻ các nguồn tài nguyên và trách nhiệm bảo vệ môi trường như hợp tác chia sẻ nguồn nước, tài nguyên biển, giải quyết vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới…Tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường;

- Tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp mới với ý tưởng sáng tạo sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường.

Đối với doanh nghiệp:

- Xác định mục tiêu, tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp về phát triển bền vững;

- Nhận biết các tiêu chí phát triển bền vững phù hợp với thực tế và mục tiêu của doanh nghiệp; trên cơ sở đó lựa chọn các tiêu chí để thực hiện trong khoảng thời gian nhất định;

- Tập trung vào việc phát triển và sử dụng những công nghệ xanh, công nghệ thân thiện với môi trường. 

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

4. Một số hàm ý chính sách khác

Việt Nam có thuận lợi là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam UEB EU (EVFTA) là FTA thế hệ mới, có nhiều giá trị tương đồng với chiến lược thương mại mới của EU. EVFTA bao gồm các cam kết liên quan đến vấn đề lao động, môi trường, phát triển bền vững (xanh), thương mại điện tử (số) với phạm vi cam kết sâu rộng, tạo thêm nhiều đột phá, mở ra triển vọng mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam và EU. Tuy nhiên, bản thân EVFTA mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để thúc đẩy được quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU, nhất là sau khi EU đưa ra chiến lược thương mại mới còn có nhiều điểm mới rộng hơn như kinh tế số…. EVFTA sẽ chỉ hiệu quả nếu EU thực sự dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam để đa dạng hóa và giảm bớt vai trò, sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đảm bảo an ninh chiến lược của EU. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam nên chú trọng các vấn đề sau:

- Chuẩn bị sẵn tác động tiêu cực đến từ các biện pháp phòng vệ thương mại và rào cản bảo hộ mới của EU, mặt khác với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế về thuế suất, phải có giải pháp tránh bị lợi dụng thành nơi trung chuyển hàng hóa, dẫn đến đối diện với nguy cơ trừng phạt từ EU.

- Tiếp cận công nghệ EU như năng lượng tái tạo, tận dụng và phát triển theo xu hướng này để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.

- Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ hay năng lượng xanh, kinh tế số, thuế carbon, minh bạch trợ cấp, chuyển giao công nghệ, công ty nhà nước …chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực và trình độ công nghệ của các nước phát triển.

*

Có thể thấy rằng, Hội thảo đã trở thành diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng số hóa và xanh hóa. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng như hiện nay, các hàm ý chính sách cho Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng để giúp cho Việt Nam thực hiện tốt chiến lược chuyển đổi số và xanh hóa hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo các hàm ý từ Hội thảo để ứng phó với đại dịch và xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững theo hướng xanh hóa, phù hợp với các tiêu chí mới đã thông qua trong hội nghị COP26. 

_________________

>> Tài liệu hội thảo có thể được tải tại link: 


Cao Thùy Linh (Khoa KT&KDQT)

FullName Email
Address Security code AWAXBQ
Content