New Nghien Cuu
 Search

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với đề xuất chính sách phục hồi tăng trưởng, nâng cao nền tảng số ngành dịch vụ

Sáng ngày 20/5/2022, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 (BCTN KTVN 2022) với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ” tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội.


Báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) đồng tổ chức; với vai trò chủ biên của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, TS. Nguyễn Quốc Việt. Báo cáo đã quy tụ một lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường đại học tham gia và nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. 

GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đồng chủ biên Báo cáo phát biểu khai mạc Hội thảo

GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia, Viện FNF tại Việt Nam - đơn vị đồng tổ chức Báo cáo, phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo kết thúc sau hơn 3 tiếng đồng hồ làm việc với sự đóng góp ý kiến đa chiều từ các chuyên gia phản biện, khách mời. 

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường đại học quốc tế và trong nước

Báo cáo gồm các nội dung chính sau: 

Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới năm 2021 tóm lược bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2021. Sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới đã nỗ lực vượt qua khó khăn. Năm 2021 đánh dấu bước đầu của sự phục hồi tăng trưởng kinh tế dù tốc độ vẫn còn khá chậm. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2021 chính là tiêu dùng và thương mại tăng trưởng mạnh hơn dự kiến cho dù lòng tin của người tiêu dùng ở hầu hết các nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Thương mại toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục sau những gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 nhưng chưa thực sự đồng đều. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ nhưng sự đứt gãy không đều của các chuỗi cung ứng cũng gây ra thách thức không nhỏ. Hoạt động sản xuất công nghiệp và thị trường lao động cũng bắt đầu mở rộng. Tuy nhiên, lạm phát bắt đầu trở thành hiện tượng toàn cầu. Thị trường tài chính biến động mạnh, các đồng tiền chủ chốt biến động theo các hướng khác nhau. Nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế được thực thi ở các quốc gia nhưng đại dịch cũng làm cho gánh nặng nợ tăng dần. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 tăng trưởng 3,6% - thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Đồng thời, môi trường địa kinh tế chính trị toàn cầu năm 2022 cũng được dự báo bất ổn hơn gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới. 

Chương 2: Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 cung cấp cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam năm 2021. Trong năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhưng phương thức phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh đã có sự thay đổi. Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương lân cận đã dẫn đến những tổn thất kinh tế - xã hội nặng nề. Kinh tế Việt Nam diễn tiến tương đối tích cực trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, sự sụt giảm nghiêm trọng của tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 đã làm chệch hướng phục hồi kinh tế của cả năm. Dịch vụ vẫn là khu vực chịu tác động nặng nề và nghiêm trọng nhất. Tiêu dùng giảm thấp do tác động của các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt và giảm thu nhập do mất việc, thiếu việc làm và giảm lương. Dịch COVID-19 cũng làm giảm đáng kể dòng vốn đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xuất khẩu trở thành một trong những trụ cột kéo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Áp lực gia tăng lạm phát ngày càngtăng. Chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn kéo dài. Quy mô các gói hỗ trợ tăng lên đáng kể so với năm 2020-2020, được đánh giá là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách mà Việt Nam đang kỳ vọng. 

Chương 3: Chuyển đổi số trong ngành dịch vụ ở Việt Nam: Trái ngược với các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, đại dịch COVID-19 không những không làm suy giảm nền kinh tế số mà còn tạo cả áp lực lẫn động lực thúc đẩy các doanh nghiệp và Chính phủ chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành như y tế, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, logistic hay lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, chuyển đổi số tronglĩnh vực dịch vụ không chỉ giúp khu vực kinh tế này vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19, mà còn là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để có thể thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số. Những rủi ro đầu tư, năng lực nguồn nhân lực cũng là cản trở lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Với xu hướng phát triển hiện nay, chuyển đổi số trở thành tất yếu khách quan. Để các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ có cơ sở xây dựng lộ trình chuyển đổi số hiệu quả, bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số đã được nghiên cứu dựa trên tham khảo các bộ tiêu chí và tính chất đặc thù của ngành.

Chương 4: Phân tích thực trạng chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng: Nội dung chương này là một cấu phần quan trọng của Báo cáo, tập trung vào tình hình, thực trạng phát triển của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam năm 2021 và những năm gần đây. Đồng thời, chương này đi sâu phân tích về tiềm năng, thực tiễn và triển vọng của quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu tại các ngành nghề, đối tượng kinh tế liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực có liên quan. Điểm nhấn trong chương này là các tình huống nghiên cứu tại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số tại Việt Nam, qua đó cung cấp được thông tin chất lượng, chính xác và súc tích về những vấn đề nêu trên, đưa ra cái nhìn toàn diện, khách quan và góp phần cung cấp các điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực này có thể tham gia đồng bộ, mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số.

Chương 5: Phân tích thực trạng chuyển đổi số ngành logistics: Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn tới ngành logistics toàn cầu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải biển tăng cao và trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, lưu thông và vận chuyển hàng hóa trong nước bị ngưng trệ, nhất là thời gian giãn cách xã hội do không thống nhất quy định chống dịch giữa các địa phương làm cho chi phí logistics gia tăng, sản xuất bị gián đoạn và thiếu lao động hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng logistics phát triển chưa đồng bộ; thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải; chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển; quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nguồn nhân lực ngành logistics còn yếu và thiếu,… cũng là những thách thức không nhỏ đối với ngành logistics Việt Nam. Trước tình trạng đó, các doanh nghiệp vận tải logistics, đặc biệt là các công ty liên quan đến vận tải đường sắt đang rất nỗ lực giảm lỗ bằng nhiều phương pháp khác nhau. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ cũng đã tạo động lực cho các doanh nghiệp logistics vượt qua khó khăn. Ngành logistics ngày càng nhận được sự quan tâm phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo... Chuyển đổi số xuất hiện đã cho phép tái tạo cơ bản các quy trình sản xuất cũ và cung cấp dịch vụ logistics mới có tính sáng tạo. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận, vận tải đang tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... vào công việc hàng ngày cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ logistics, tìm cách hạ thấp chi phí logistics, qua đó nâng cao một bước năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các nhà xuất nhập khẩu trong và sau đại dịch COVID-19. 

Chương 6: Triển vọng kinh tế Việt Nam và đề xuất chính sách phục hồi tăng trưởng, nâng cao nền tảng số ngành dịch vụ: Đây là chương mang tính kết luận. Trên cơ sở phân tích các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới cùng những đánh giá rủi ro và thuận lợi trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, có thể đưa ra nhận định phạm vi và mức độ của các rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và xa hơn. Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho phát triển ngành dịch vụ. Tuy nhiên, đại dịch cũng tạo ra những động lực ứng dụng chuyển đổi số để các doanh nghiệp có thể thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ vượt qua khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với kịch bản lạc quan nhất, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có những bước phục hồi nhanh chóng sau khi trở về “trạng thái bình thường mới”. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4-6,1%. Với kịch bản xấu nhất, lạm phát tăng cao và nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga - Ukraina, Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để có thể ổn định kinh tế vĩ mô và là điểm đến thu hút FDI. Xu hướng chuyển đổi số trở thành động lực và cơ hội tăng trưởng cho không chỉ ngành dịch vụ mà cả nền kinh tế.

Nội dung Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN điều hành phiên thảo luận

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng nhằm nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ với những điểm chính sau:

Đề xuất chính sách trong ngắn hạn:

Thứ nhất, xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là “ổn định kinh tế vĩ mô”, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả về chính trị, xã hội để từ đó phục hồi nền kinh tế. 

Thứ hai, trong ngắn hạn, các chính sách cần đảm bảo linh hoạt để có thể giúp nền kinh tế phản ứng nhanh trước những biến động nhanh chóng của nền kinh tế thế giới. Các chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. 

Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng. Cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tràn tích cực. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng đối tượng và thiết thực hơn. Hiện nay các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách. Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan tỏa cao, tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Các khoản hỗ trợ để giúp doanh nghiệp giảm chi phí có thể hướng vào những khía cạnh như kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế; giảm tiền thuê đất; giảm cước và chi phí logistics; giảm tiền điện, nước, viễn thông…; từ đó giúp doanh nghiệp cắt giảm các loại chi phí trong bối cảnh chi phí đầu vào, logistics đều tăng mạnh, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu và ổn định chuỗi cung ứng. Các khoản chi hỗ trợ này chính là đầu tư cho tương lai để đạt mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn, nên cần hỗ trợ tối đa trong khả năng cho phép của khuôn khổ tài khóa trung hạn nhằm vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa duy trì lòng tin của công chúng vào khuôn khổ chính sách tài khóa. 

Thứ ba, song song với việc đẩy mạnh chi tiêu, cần tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả đầu tư công, nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách. Hoàn thiện cơ chế về quản lý ngân sách, quản lý nợ công, tài sản công, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước theo hướng công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình. Chú trọng nâng cao tính pháp lý và năng lực giám sát độc lập tài chính công cho các cơ quan tham gia vào mạng lưới giám sát tài chính công. 

Thứ tư, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp ở trong nước xuất phát một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm có sự đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong điều kiện giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Nhìn chung, áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy, do hai yếu tố: (1) thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và (2) đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao. Do đó, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất, kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt là chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn khổ.

Thứ năm, chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế, tiếp tục cân bằng giữa lạm phát và rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Cần đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán nhưng cần công khai minh bạch thông tin và giao dịch, đẩy mạnh sự chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường. 

Thứ sáu, trước nguy cơ dòng tiền trong nền kinh tế có thể chưa đi vào sản xuất mà chảy vào các thị trường tài sản, để dòng vốn thật có thể quay lại vào đầu tư sản xuất - kinh doanh thì việc nhất quán chính sách bình thường mới, mở cửa và sống chung với COVID-19 vẫn là điều kiện quan trọng nhất (đi kèm với đó là tiếp tục nghiên cứu bao phủ vắc-xin - mũi 4/5 đề phòng biến chủng mới và cách thức tăng năng lực y tế các cấp, tập trung hỗ trợ các nhóm nguy cơ). Trong bối cảnh vừa chịu những khó khăn dịch bệnh, vừa chịu áp lực chi phí đầu vào tăng cao, để kích thích việc duy trì sản xuất - kinh doanh thì nên áp dụng thực chất các chính sách miễn, giãn, hoãn và cho vay ưu đãi với các nhóm ngành/doanh nghiệp có sản xuất thực ở trong nước.

Đề xuất chính sách trong trung hạn:

Trong trung hạn, cần đẩy mạnh an ninh xã hội, an ninh năng lượng, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì và đồng thời mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức. Các chính sách an sinh xã hội cần đơn giản hóavà cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ có tác động lan tỏa đến Việt Nam, gia tăng áp lực lạm phát và là cú sốc mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cần phải nghiên cứu đánh giá tác động của các yếu tố này và đề ra các giải pháp ứng phó, hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng thông qua dự phòng năng lượng đủ mạnh, đa dạng hóa và tránh phụ thuộc vào một nguồn năng lượng. 

Xu hướng tăng giá cả nhiều loại hàng hóa, năng lượng vẫn tiếp tục và áp lực lạm phát trên thế giới có thể kéo dài đòi hỏi một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam phải theo dõi rất chặt chẽ để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp giúp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Không giống như năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã sụt giảm và quy mô dự án cũng nhỏ hơn cho thấy một ngụ ý khá quan trọng đó là trong bối cảnh COVI-19 hiện nay, Việt Nam khó tận dụng được xu hướng dịch chuyển chuỗi. Vấn đề không nằm ở cơ hội bên ngoài, mà là nội lực bên trong. Cải thiện năng lực nội tại, nhất là lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian gần. 

Đề xuất chính sách trong dài hạn:

Trong dài hạn, cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh nâng cao tăng năng suất - cốt lõi của năng lực cạnh tranh và nâng cấp sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thương mại vẫn là động lực quan trọng để Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó, cần tiếp tục tận dụng các FTA Việt Nam đã ký kết, khai thác các thị trường là đối tác trong các FTA. Có thể nói trong đại dịch COVID-19, việc thực thi các FTA đã giúp bù đắp đáng kể cho những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Các FTA sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước khi các doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi. Do đó, Chính phủ cần quan tâm đến việc thúc đẩy các FTA, tạo môi trường thuận lợi và tăng cường cung cấp thông tin, tiếp tục cải cách chính sách và thể chế để giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa các hiệp định đó. Tuy nhiên, sẽ có những thách thức, chẳng hạn giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao do lượng container bị hạn chế, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đối với đầu tư, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ những cơ hội và thách thức cũng như xu hướng của dòng FDI toàn cầu để điều chỉnh chiến lược phù hợp. Ngoài ra, bối cảnh mới có thể ảnh hưởng đến sự chuyển dịch ngành đầu tư của doanh nghiệp đa quốc gia theo hướng nghiêng về nhóm ngành phù hợp với điều kiện toàn cầu, đặc biệt là FDI trong ngành cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Vì thế, Việt Nam cần có các giải pháp chính sách để thu hút FDI trong những ngành như vậy.

Cần có một số giải pháp đối với một số lĩnh vực cụ thể chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 để các lĩnh vực này nhanh chóng phục hồi. Đối với du lịch và hàng không: (i) Cần sớm chuẩn bị điều chỉnh để tái cơ cấu và chuyển đổi thích ứng linh hoạt với tình hình “bình thường mới” sau đại dịch; (ii) Có giải pháp chính sách hỗ trợ của Nhà nước như cho vay ưu đãi, bảo lãnh, hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh và đào tạo lại lao động; (iii) Chú trọng phát triển công nghệ hỗ trợ du lịch “phi tiếp xúc” để đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội, đảm bảo điều kiện vệ sinh, y tế, tổ chức các sáng kiến, chương trình du lịch quốc gia để kích cầu du lịch trong nước. Trong bối cảnh chi phí logistics tăng cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, việc phát triển hệ thống e-logistics, có chính sách cụ thể để phát triển ngành logistcs là cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời cắt giảm chi phí, đồng thời nắm bắt được cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do. Cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.


Mai Anh - Phòng Tạp chí-Xuất bản

FullName Email
Address Security code BMEBPE
Content

Other News
<12>