New Nghien Cuu
 Search

Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

Là chủ đề của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 được công bố tại Hội thảo trực tuyến diễn ra ngày 29/7/2021 do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam tổ chức.


Tham dự hội thảo trực tuyến có PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cùng các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu chính sách, học giả và nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, từ năm 2018, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, đã được lựa chọn là một trong những trung tâm nghiên cứu trọng điểm của ĐHQGHN. ĐHQGHN ghi nhận những đóng góp học thuật, tham vấn chính sách mà Trung tâm đã bền bỉ thực hiện trong suốt thời gian qua. Trung tâm đã khẳng định được tiềm năng và tiềm lực thông qua chất lượng các hoạt động và sản phẩm nghiên cứu khoa học chuyên sâu và Báo cáo thường niên kinh tế là một trong những sản phẩm điển hình được công nhận và đánh giá cao cả về chuyên môn và giá trị thực tiễn.

Đánh giá cao vai trò của Hội thảo, PGS.TS Phạm Bảo Sơn cho rằng, Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do tác động của đại dịch covid-19. Có thể nói, cùng với đà suy giảm năng suất , tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu trong những năm gần đây, cú sốc covid-19 đã làm cho bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020 phủ một màu xám.

Bên cạnh đó, toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển song có những xu hướng trái ngược, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng cả ở cấp độ và quy mô.

"Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 đi sâu phân tích nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, PGS.TS Phạm Bảo Sơn cho biết.

Theo Báo cáo, năm 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và trở nên khó dự đoán hơn với sự suy giảm mạnh mẽ trong thương mại và đầu tư toàn cầu; việc làm và thu nhập cũng giảm mạnh; thị trường hàng hoá gặp cú sốc lớn và xuất hiện những lỗ hổng trên thị trường tài chính. Đại dịch đã khiến sản xuất bị gián đoạn và tạo ra xu hướng tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Điều này đã khiến một loạt chính phủ và tổ chức đưa ra các gói cứu trợ và kích thích kinh tế mạnh mẽ nhằm giúp ổn định nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng trung ương các nước cũng vào cuộc để hỗ trợ chính phủ trong quá trình phục hồi. Tuy nhiên, lo ngại về làn sóng nợ thứ tư đã ngày càng trở nên rõ nét.

“Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng mà tác động của nó chỉ sau hai cuộc Thế chiến và Đại suy thoái năm 1930. Nhiều quốc gia bước vào cuộc khủng hoảng trong tình trạng tài khóa bấp bênh và ít có khả năng đưa ra các phản ứng chính sách mạnh liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoặc hỗ trợ sinh kế. Các biện pháp như giãn cách xã hội, tiêm chủng và điều trị y tế đã giúp làm chậm tiến trình lây lan virus và cứu mạng sống của nhiều người; đồng thời hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam đã khép lại năm 2020 đầy sóng gió với kết quả tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP cả năm ở mức 2,91% và là một trong số hiếm hoi các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát và khu vực sản xuất cũng như tiêu dùng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ tăng chậm lại ở cả ba khu vực, trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi tăng trưởng của khu vực này chỉ còn khoảng 1/3 so với trung bình các năm trước đây. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng nhanh. Lao động và việc làm sụt giảm mạnh ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đều sụt giảm,…

GS.TS Andreas Stoffers cho biết, năm 2020 cuộc khủng hoảng đã làm suy kiệt nền kinh tế thế giới và tiếp tục tiếp diễn do đại dịch covid-19. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vượt qua khủng hoảng để đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Bức tranh kinh tế của Việt Nam đã chứng minh là phù hợp và được cả thế giới đánh giá cao.

Cho đến nửa đầu năm 2021, các số liệu và chỉ số kinh tế của Việt Nam có nhiều điểm sáng so với các quốc gia trên thế giới

“Ở nhiều quốc gia đang phát triển, lãi suất đang thấp hơn lạm phát khiến tài sản tiết kiệm của người dân dần cạn kiệt. Nhưng với chính sách kinh tế đúng đắn, phù hợp và linh hoạt đã giúp Việt Nam tránh được điều này”, GS.TS Andreas Stoffers cho biết .

GS.TS Andreas Stoffers cũng cảnh báo những tác động khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam khi đợt dịch covid-19 lần này diễn biến phức tạp hơn, cùng với bức tranh chung kinh tế và tình hình dịch bệnh toàn cầu đang phủ máu xám và có những bất định khó lường.

“Với tinh thần kiên cường, đoàn kết rất đáng khâm phục của người dân Việt Nam trong cuộc chiến với dịch bệnh covid-19, cùng với những chính sách mở cửa kinh tế nhạy bén, đúng đắn như: cam kết tự do hoá thương mại, số hoá nền kinh tế, mở cửa đón các dòng vốn FDI và chính sách tài khoá và tiền tệ thận trọng. Tôi rất lạc quan và tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này như đã làm được trong năm 2020 và định vị mình ở một vị thế cao hơn.”,  GS.TS Andreas Stoffers nói.

Theo Báo cáo, so với một năm trước đây khi Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới thì tương lai kinh tế đã bớt bất định hơn nhờ kinh nghiệm ứng phó với bệnh dịch và việc triển khai tiêm phòng vac-xin ở nhiều nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh dịch trên quy mô toàn cầu mà điều này khó có thể xảy trong vòng một năm tới.

Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài. Đặc biệt, năm 2021 có thể coi là một năm bản lề của giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua.

Các đợt tái bùng phát của bệnh dịch có thể khiến nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng bị ngưng trệ. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, quá trình phục hồi kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào: tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước. Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống 1-1,5 điểm phần trăm so với trước đây trong khi cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được duy trì ổn định.

 “Trong bối cảnh này Việt Nam cần thực hiện một chính sách cân bằng để vừa bảo đảm an toàn, sức khoẻ cho người dân cũng như “sức khoẻ” của nền kinh tế”, GS.TS Andreas Stoffers nhấn mạnh.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 đưa ra những khuyến nghị chính sách:

Trong ngắn hạn, cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh covid, phát triển vaccine trong nước và tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vaccine, ưu tiên đảm bảo nguồn cung và tổ chức tiêm vắc xin phòng covid 19 nhanh và hiệu quả cho đồng thời khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lẫn các nhóm hộ kinh doanh đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hạn chế và dãn cách xã hội ở khắp cả thành phố lớn và trung tâm kinh tế trọng điểm.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm, và đúng địa chỉ; đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch; chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng vào khu vực sản xuất.

Trong trung và dài hạn, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số PCI. Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Để làm được điều này, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các FTAs trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuối cung ứn toàn cầu (GVC), đồng thời tạo môi trường để các FTAs phát huy hiện quả.

Xu hướng xanh hóa và số hóa được đẩy mạnh mở ra nhiều cơ hội mới, cách làm mới cho hầu hết các ngành. Với 2 ngành điện tử và thực phẩm, có thể nghiên cứu các cơ hội mới và cách làm mới như phát triển phân khúc sản phẩm sạch, organic; cách thức thương mại đối với sản phẩm (sử dụng các sàn thương mại...).

Để cải thiện vị thế của Việt Nam trong GVC ngành thực phẩm, cần tập trung vào ba trụ cột chính, bao gồm chế biến (thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tốt hơn), sản phẩm (tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phức tạp hơn hoặc có giá thành cao hơn) và chức năng (có được các kỹ năng mới trong chuỗi giá trị mà công ty chưa thực hiện trước đây).

>>Xem bài gốc



FullName Email
Address Security code LSLIME
Content