New Nghien Cuu
 Search

TS. Nguyễn Quốc Việt: Để tăng trưởng kinh tế không lỡ nhịp

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giảm tổn thương, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội mới là vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam năm 2022.


TS. Nguyễn Quốc Việt: Kinh tế sẽ tăng trưởng ấn tượng trở lại nếu Covid-19 được khống chế ba động lực tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam Lo ngại diễn biến của dịch bệnh, ADB hạ tăng trưởng kinh tế châu Á xuống 5,3% năm 2022 .

Tổng cục Thống kê vừa công bố, kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 2,58%. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt từ khi thay đổi chiến lược phòng chống dịch từ Zero-Covid sang thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Sau quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17%, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý IV/2021 đã “lội ngược dòng”, tăng 5,22%, kéo GDP cả năm tăng trưởng dương.

Tôi không ngạc nhiên về kết quả mà Tổng cục Thống kê vừa công bố bởi trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2021, VEPR đã đưa ra hai kịch bản. Cụ thể, đối với kịch bản xấu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 1-1,5% và ở mức 2-2,5% đối với kịch bản tốt.

Tăng trưởng 2,58% là mức thấp hơn so với mức tăng 2,91% năm 2020, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6,5% và cũng là mức thấp nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây lại là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh cả nước vẫn đang phải đối mặt với “giặc” Covid-19. Đặc biệt, điều đáng mừng là sau hai năm chống chọi với đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương.

Theo ông, đâu là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021?

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Số liệu báo cáo kinh tế - xã hội quý IV/2021 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, năm vừa qua chúng ta ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể. Sau hai quý đầu lạc quan, mặc dù kinh tế quý III/2021 suy giảm chưa từng có trong lịch sử nhưng đà phục hồi đã nhanh chóng trở lại trong quý IV/2021. Bức tranh kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điểm khởi sắc. Cụ thể như:

Trong năm 2021, khu vực chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 4,82% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nổi lên là một điểm sáng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu sáu năm liên tiếp. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, vượt 14-15% so với chỉ tiêu Chính phủ giao là 4-5%.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (tính đến ngày 20/12/2021) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 15,25 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước. Điều này thể hiện niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng nền kinh tế Việt Nam.

Kỳ vọng của ông về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022?

Từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có động lực đến từ các cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Do vậy, mặc dù năm 2021 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn duy trì được ổn định các yếu tố vĩ mô. Tôi tin rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế ấn tượng của những năm 2018-2019 (6,5-7%) sẽ quay trở lại nếu đại dịch Covid-19 thực sự được khống chế.

Nền tảng quan trọng cho kỳ vọng của tôi là Việt Nam đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, khi kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan, đặc biệt nhóm sản xuất, lắp ráp điện tử, viễn thông gắn với đầu tư FDI vẫn là nhân tố chính đóng góp cho lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra, các lĩnh vực y tế, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi nhờ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Nhóm bất động sản, xây dựng và chứng khoán thì tốt lên do kỳ vọng từ các chính sách phục hồi tăng trưởng và đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.

Năm 2022, Covid-19 vẫn là ẩn số, vậy để không lỡ nhịp tăng trưởng, Việt Nam cần chú trọng điều gì?

Những khó khăn từ đại dịch Covid-19 chính là thử thách không nhỏ đối với việc điều hành kinh tế. Do đó, giảm tổn thương, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội mới là vấn đề đặt ra cho nền kinh tế trong năm 2022. Theo tôi, năm 2022, Việt Nam cần lưu ý những điểm sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục và thậm chí phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Thứ hai, cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ, phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình hộ kinh doanh (khu vực đóng góp 30% GDP)...

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021 đã giúp hỗ trợ phần nào giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp, chặn đà suy giảm kinh tế, tuy nhiên đa số doanh nghiệp đều chưa thể vực dậy sau cú sốc do Covid-19 gây nên, do đó, Chính phủ cần tiếp tục tung các gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp và người dân...

Thứ tư, việc triển khai các gói hỗ trợ tài khóa và nguồn lực đầu tư công là nguồn nội lực quan trọng nhưng phải thận trọng do các giới hạn nguồn lực và kỷ luật ngân sách, do vậy, phải tính toán các lĩnh vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên một cách phù hợp.

Cần ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung hỗ trợ lĩnh vực có khả năng tăng trưởng sáng tạo và bền vững, các mô hình kết nối vùng/ chuỗi sản xuất - dịch vụ/công nghiệp hỗ trợ, có khả năng duy trì sản xuất/kinh doanh và tạo nhiều công ăn việc làm/thu nhập ổn định cho người lao động.

>> Xem bài gốc


Theo Baoquocte.vn

FullName Email
Address Security code URVEOS
Content