New Nghien Cuu
 Search

Chuyển đổi sinh thái xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững

Chúng ta đang ở một thời điểm chưa từng có trong lịch sử của loài người và trong lịch sử của hành tinh Trái đất. Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia và các hệ sinh thái, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp - ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thêm vào đó, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đã và đang gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với các nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, ở tất cả mọi lĩnh vực.


Do đó, Tọa đàm “Chuyển đổi sinh thái xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và Covid-19” do Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQHGN tổ chức ngày 30/07/2021 đã đưa ra một cách tiếp cận mới về chuyển đổi sinh thái xã hội (SET) trong phân tích các vấn đề sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và chủ quyền lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Covid-19, cũng như đánh giá các chính sách về nông nghiệp, an ninh lương thực, chủ quyền lương thực của quốc tế để từ đó đề xuất các hàm ý chính sách cho Việt Nam, hướng tới một sự thay đổi mô hình mới trong phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực.

Đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á (trừ Singapore và Brunei), ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi ngành này phải có những điều chỉnh phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội, sinh thái của từng quốc gia và địa phương.

Theo Báo cáo phát triển con người 2020 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), loài người đang gây ra những bất ổn cho các hệ thống trên hành tinh Trái đất. Những căng thẳng của các hệ thống sinh thái đang phản ánh những bất ổn trong các hệ thống xã hội. Sự mất cân bằng của hệ thống này làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng của các hệ thống khác, tạo ra các thách thức to lớn cho con người và sự sống trên Trái đất. Biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 là hậu quả của sự tác động của con người lên hệ thống tự nhiên, và đang quay trở lại gây trở ngại cho con người.

Chuyển đổi kinh tế xã hội (theo lý thuyết trước đây) và chuyển đổi kinh tế - xã hội (theo lý thuyết hiện nay) là những khía cạnh không thể tách rời để đạt được sự phát triển bền vững.

Lý thuyết sinh thái - xã hội đã được phát triển để tạo ra tri thức kết nối xã hội và tự nhiên, từ đó giúp con người có thể xây dựng khung lý thuyết cho sự phát triển hài hoà giữa tự nhiên và xã hội. Chuyển đổi sinh thái - xã hội là cách tiếp cận phát triển mới trong đó có sự dịch chuyển của hệ thống xã hội, vốn có sự tách biệt tương đối với hệ thống tự nhiên, sang một hệ thống tích hợp hài hoà các yếu tố tự nhiên và xã hội (Bruckmeier, 2016).

Tiếp cận chuyển đổi sinh thái - xã hội (social-ecologial tranformation SET) đã được áp dụng trong nhiều hoạt động kinh tế xã hội cũng như trong các nghiên cứu học thuật trên thế giới và ở Việt Nam. Trong sản xuất nông nghiệp, tiếp cận SET cũng đã được áp dụng trong nhiều nghiên cứu và đề xuất chính sách.

Theo tiếp cận SET, nông nghiệp được coi là một trong bốn lĩnh vực cấu thành bộ tứ tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất, liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau từ đất, nước, không khí, động vật, con người, thực vật và thực phẩm. Từ góc độ sinh thái xã hội, khủng hoảng sinh thái xã hội trong nông nghiệp có thể tạo thành một cuộc khủng hoảng đa dạng về mối quan hệ của xã hội với tự nhiên. Điều quan trọng là phải xem xét việc quản lý và tái cơ cấu để giải quyết khủng hoảng do nông nghiệp gây ra. Vì vậy, cần phải tìm ra những cách tiếp cận và khung mô hình nghiên cứu mới (khung mẫu) trong định hướng phát triển nông nghiệp, đảm bảo cân bằng sinh thái xã hội.

Các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận thức được những hạn chế của các hệ thống nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở một số quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), đang đứng trước ngã ba đường của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hay việc lựa chọn thực hiện những cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp, vấn đề chủ quyền lương thực/chủ quyền thực phẩm đòi hỏi có những điểm cần thích ứng với những bối cảnh trên. Tiếp cận SET là một điểm khởi đầu mà chúng tôi tin rằng có thể cung cấp nhiều ý tưởng và giải pháp giúp giải quyết những thách thức lớn về phát triển nông nghiệp với các khái niệm và quan điểm mới như an ninh lương thực và chủ quyền lương thực.


Khoa KTPT - ĐHKT

FullName Email
Address Security code DXCTIA
Content