New Tuyen Sinh
 Search

Mở rộng cơ hội để người học tham dự các diễn đàn kinh tế - xã hội lớn của đất nước - điểm mới trong phương pháp đào tạo của Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN

Gần 200 học viên các chương trình thạc sĩ của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam VSEF 2022 tại điểm cầu truyền hình Hội trường quốc tế của UEB. 


Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam VSEF 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững", dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chính thức khai mạc vào sáng 18/9/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN vinh dự là một trong 6 điểm cầu truyền hình trực tiếp tại các trường đại học, học viện. Gần 200 học viên, sinh viên các chương trình thạc sĩ Quản lý kinh tế, Kế toán kiểm toán, Quản trị kinh doanh… của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã tham dự diễn đàn trực tiếp tại điểm cầu tòa nhà E4.

Học viên được tiếp cận các vấn đề kinh tế vĩ mô từ diễn đàn kinh tế - xã hội lớn của đất nước

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 thu hút tham dự của khoảng 400 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, Đại sứ, Trưởng cơ quan, các tổ chức tế tại Việt Nam, hơn 600 giảng viên, sinh viên các trường đại học trên cả nước. 

Đây là diễn đàn nhằm tập hợp, tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hiệp hội. Trong đó, diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 và dự báo cả năm 2022; trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam VSEF 2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN thay mặt nhóm nghiên cứu của UEB trình bày tham luận với chủ đề: “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới”. Đóng góp ý kiến về việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường và đại dịch COVID-19 được coi như một cú sốc để kiểm tra sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết, các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn, sức mua từ khách hàng giảm sút do cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng tổ chức đều thắt chặt chi tiêu. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ thông qua giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và đảm bảo khả năng duy trì sản xuất cho doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê trình bày tham luận với chủ đề “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới”

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng xây dựng các chính sách trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt; ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác. Ngoài ra, tại Phiên Hội thảo chuyên đề, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cũng có những đề xuất các giải pháp và kiến nghị cụ thể với Nhà nước và các cơ quan tổ chức hành chính khác.

Ánh xạ thực tiễn vào các vấn đề lý luận - phương pháp song hành trong quá trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Theo dõi Diễn đàn trực tiếp tại điểm cầu Trường Đại học Kinh tế, TS. Lê Thị Hồng Điệp - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN cho biết:“Với sứ mệnh cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế luôn chú trọng gắn thực tiễn với lý luận, đây là quá trình song hành trong hoạt động đào tạo của nhà trường. 

Sinh viên, học viên của nhà trường được tham dự nhiều hội thảo, diễn đàn lớn trong nước và quốc tế. Và việc được tham dự trực tiếp Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022, giảng viên và học viên, sinh viên đã được lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, những chủ thể có năng lực về lý luận và thực tiễn, từ đó ánh xạ để hiểu sâu hơn các vấn đề lý luận được học tập tại nhà trường.”

Giảng viên và học viên tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 trực tiếp tại điểm cầu Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

TS. Lê Thị Hồng Điệp cho biết thêm: “Trong quá trình giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế, các giảng viên có nhiều cách thức khác nhau để mang thực tiễn cuộc sống vào trong bài giảng. Chúng tôi luôn khuyến khích người học nghiên cứu, học tập thêm tri thức mới để tìm lời giải từ phương pháp luận, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cho bài toán của thực tế”.

Là một học viên Thạc sĩ Quản lý Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Việc tham dự một diễn đàn kinh tế - xã hội lớn là cơ hội quý báu để các học viên thạc sĩ tiếp cận các vấn đề vĩ mô hiện nay của quốc gia và quốc tế. Đó là thực tiễn sinh động được lồng ghép vào chương trình đào tạo, giúp học viên kết nối các vấn đề lý luận xuyên suốt trong nhà trường với thực tế chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn cuộc sống.

Chúng tôi rất vinh dự khi được tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2022 từ điểm cầu trực tiếp của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN”.

Việc tham dự các diễn đàn kinh tế - xã hội lớn của đất nước tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN được người học và giảng viên, các nhà khoa học đón nhận và ủng hộ

Bên cạnh diễn đàn kinh tế - xã hội lớn của đất nước, học viên, sinh viên và giảng viên của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã được tham dự nhiều hội thảo, diễn đàn quy mô lớn trong nước và quốc tế do nhà trường tổ chức, như Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam thường niên được tổ chức mỗi năm một lần, Diễn đàn Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực (Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Đức 2020Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Anh 2021, Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Hàn 2022 (tháng 10/2022) và Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Châu Âu 2023)… 

Đây là một trong những phương pháp đào tạo hiện đại, giúp người học có nhiều cơ hội tiếp cận với các vấn đề thực tiễn và xây dựng, thực thi chính sách, được người học và giảng viên, các nhà khoa học của nhà trường đón nhận và ủng hộ, góp phần nâng cao uy tín đào tạo và học thuật của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trên thế giới.

Báo chí đưa tin về sự kiện:

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 như "tiết học toàn cầu" của sinh viên kinh tế

Chuyên gia nói gì về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022? 

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường

Tổng thuật: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động


Thùy Dung - UEB Media

FullName Email
Address Security code PDETCT
Content

Other News