New Tuyen Sinh
 Search

Hội nhập Kinh tế Quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới – Vấn đề “nóng” tại CIECI 2022 và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trước những khó khăn trong việc đạt được các thỏa thuận đa phương và biến động khó lường của nền Kinh tế toàn cầu, Hiệp định thương mại tự do (FTA) – đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã và đang trở thành công cụ “lý tưởng” giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Nhằm phân tích những cơ hội và thách thức, cũng như đưa ra các hàm ý chính sách, khuyến nghị hiệu quả cho Việt Nam trong quá trình này, ngày 25/11/2022, Hội thảo Quốc tế CIECI 2022 với chủ đề “Hội nhập Kinh tế Quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới” đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB-VNU).


Hội thảo quốc tế CIECI 2022 (tên đầy đủ: Conference on International Economic Cooperation and Integration) do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam); Trường ĐH Adelaide, Úc; Trường Đại học Rangsit, Thái Lan; Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM; Trường ĐH Ngoại Thương; Trường Đại học Sofia, Bulgaria và Trường ĐHQG Chengchi, Đài Loan tổ chức. 

Hội thảo quốc tế CIECI 2022 được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Được khởi xướng từ năm 2013 tại UEB, đến nay, CIECI đã chính thức đánh dấu cột mốc cho chặng đường 10 năm của mình, trở thành diễn đàn uy tín, mang tính chuyên môn cao, hội tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học lớn, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tăng cường trao đổi học thuật và thực tiễn xoay quanh các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, đưa ra các hàm ý chính sách phát triển hiệu quả cho Việt Nam. 

Tham dự Hội thảo CIECI 2022 lần thứ 10, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường, PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, các lãnh đạo, giảng viên KT&KDQT;

Các đại diện đến từ các đơn vị đối tác đồng tổ chức Hội thảo; Các đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp: Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương, Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hanel, Phó chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam. Bên cạnh đó, CIECI đã thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước. 

Các diễn giả, khách mời trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc CIECI 2022, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường chào mừng các diễn giả, các chuyên gia, nhà khoa học, các khách mời đã tới tham dự hội thảo. Năm 2022 đã đánh dấu cột mốc 10 năm của chuỗi Hội thảo thường niên về Hợp tác và Hội nhập Kinh tế Quốc tế, trong suốt thời gian qua, UEB cùng các đơn vị đồng tổ chức đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các học giả, nhà nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế. Sự đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đã đem lại nhiều ý nghĩa cho hội thảo, đồng thời, thể hiện sự đóng góp của Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN với những nỗ lực mang tới những sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới, phát triển kinh tế của các quốc gia nói chung, của Việt Nam nói riêng...

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội thảo CIECI 2022

Đại diện đối tác, đơn vị đồng tổ chức, đồng hành với hội thảo trong nhiều năm, GS. Andreas Stoffers – GĐ quốc gia Viện FNF tại Việt Nam cho rằng: “Hội thảo năm nay hướng tới thảo luận các khía cạnh, triển vọng của các FTA thế hệ mới, cùng những cơ hội, thách thức của các quốc gia khi tham gia vào các FTA này trên nhiều lĩnh vực…., từ đó, đem tới những giá trị lớn về tư vấn chính sách, khuyến nghị cho chính phủ, các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại để đổi mới, thúc đẩy nền kinh tế - thương mại mở, phát triển hơn nữa trong tương lai.” Bên cạnh đó, GS. Andreas Stoffers cũng nhận định vai trò tổ chức và đóng góp lớn của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đối với thành công của Hội thảo qua các năm, đồng thời, khẳng định UEB luôn là một trong những đối tác chiến lược uy tín, quan trọng hàng đầu của FNF, và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Nhà trường trong các dự án, hội thảo tiếp theo trong tương lai.

GS. Andreas Stoffers – GĐ quốc gia Viện FNF tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Để bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận các nhà nghiên cứu có đóng góp lớn cho Hội thảo CIECI trong suốt một thập kỷ vừa qua, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tặng hoa tri ân cho nhóm nghiên cứu, đồng thời, Nhà trường cũng trao tặng cuốn sách kỷ yếu của Hội thảo CIECI năm 2022 cho các diễn giả, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự các phiên thảo luận, trao đổi.

PGS. TS Nguyễn Trúc Lê – Chủ tịch Hội đồng trường trao hoa tri ân cho những nhà nghiên cứu có đóng góp lớn cho Hội thảo Quốc tế CIECI
PGS. TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trao tặng cuốn kỷ yếu Hội thảo cho các chuyên gia, diễn giả tham gia Hội thảo Quốc tế CIECI

Nội dung chính của Hội thảo gồm hai phiên bàn tròn, tập trung thảo luận về: (1) Sự hình thành và triển vọng của các FTA thế hệ mới; (2) Việt Nam thực thi các FTA thế hệ mới; Và các phiên thảo luận song song với bốn nhóm chủ đề chính: (1) Tác động của các FTA đối với Thương mại Quốc tế; (2) Các FTA và Tăng trưởng Bền vững; (3) Các FTA và Phát triển theo các lĩnh vực và (4) Các vấn đề Hội nhập Kinh tế.

Người tham dự lắng nghe các trao đổi, phân tích của các chuyên gia tại Hội thảo xoay quanh chủ đề tham gia FTA thế hệ mới trong thời đại hội nhập toàn cầu

Trong phiên buổi sángGS. Peter Draper – GĐ Viện Thương mại Quốc tếTrường ĐH Adelaide, Úc với tham luận: “FTA thế hệ mới: Hiện tại và tương lai”, đã phân tích những nhân tố chủ chốt dẫn đến sự thay đổi mô hình thương mại quốc tế. Từ những đánh giá về thách thức và hạn chế mà Tổ chức thương mại thế giới (WTO) phải đối mặt trước những thay đổi nói trên, sự tham gia của các quốc gia vào các FTA; phạm vi và nội dung bao trùm trong các FTA, Giáo sư khẳng định các FTA thế hệ mới là lựa chọn thay thế phù hợp cho các quốc gia theo đuổi chiến lược mở cửa kinh tế. 

GS. Peter Draper – GĐ Viện Thương mại Quốc tế, Trường ĐH Adelaide, Úc trình bày tham luận: “FTA thế hệ mới: Hiện tại và tương lai”

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế trình bày chủ đề: “Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới của Việt Nam” nhấn mạnh sự tích cực và năng động của Việt Nam trong đàm phán, tham gia và thực hiện các FTA, cũng như sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào thương mại toàn cầu. Trước những cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTAs, bài tham luận làm nổi bật vai trò quan trọng của tạo thuận lợi cho thương mại nhằm giảm các chi phí và rủi ro, đồng tời tận dụng cơ hội gia tăng tiếp cận thị trường. Nhiều biện pháp tạo thuận lợi hóa cho thương mại được Việt Nam thực hiện trong thời gian qua như: đơn giản hóa thủ tục, quy định, chứng từ hải quan liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa; tăng cường đối thoại, phối hợp, hội nhập của các cơ quan quản lý thương mại qua biên giới..v.v.. đã được PGS.TS Nguyễn Anh Thu đưa ra.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế trình bày tham luận: “Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới của Việt Nam” tại Hội thảo

Buổi chiều, Hội thảo diễn ra các phiên thảo luận song song chủ trì bởi các trường đại học trong nước và quốc tế. Các diễn giả tập trung đánh giá những biến động của nền kinh tế thế giới như: đại dịch Covid 19, khủng hoảng năng lượng, căng thẳng chính trị và những xu thế mới như cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bùng nổ của thương mại điện tử… sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành và phát triển của FTA thế hệ mới;  Đưa ra những điểm mới của các FTA trong tương lai so với hiện tại. Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến tiến trình tham gia vào các FTA thế hệ mới của các nước phát triển và đang phát triển, những khó khăn và thách thức nhìn từ góc độ của các nhóm nước khác nhau cũng sẽ được thảo luận. 

Phiên thảo luận 1: Tác động của các FTA và Thương mại Quốc tế - Đồng chủ trì bởi Đại diện Trường ĐH Adelaide, Úc và Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN
Phiên thảo luận 2: Các FTA và Tăng trưởng Bền vững -  Đồng chủ trì bởi Đại diện Trường ĐH Rangsit, Thái Lan và Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN
Phiên thảo luận 3: Các FTA và Phát triển theo các lĩnh vực – Đồng chủ trì bởi Đại diện Viện FNF và  Trường ĐH Ngoại thương
Phiên thảo luận 4: Các vấn đề Hội nhập Kinh tế - Đồng chủ trì bởi Đại diện Trường ĐH Sofia và Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

Tác động của các FTA đến dòng thương mại, đầu tư, dịch chuyển lao động, hoàn thiện pháp luật thế chế; mức độ doanh nghiệp tận dụng các FTA; những vướng mắc của doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới của Việt Nam cũng được thảo luận để nhằm đưa ra những hàm ý chính sách phù hợp cho chính phủ và các doanh nghiệp. Song song với những nội dung trên, hội thảo cũng phân tích nhiều khía cạnh khác nhau có thể nảy sinh khi các quốc gia thực thi các FTA như: Các vấn đề về luật pháp, phát triển bền vững, phát triển đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tài chính, logistics, thương mại điện tử…Sự góp mặt của đông đảo các diễn giả đến từ các trường đại học trong và ngoài nước như Australia, Thái Lan, Bulgaria, Anh, Singapore, Ấn Độ sẽ giúp cho các vấn đề được phân tích sâu sắc hơn, đồng thời giúp tăng cường liên kết học thuật đa quốc gia.

Các chuyên gia trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương đánh giá Hội thảo Quốc tế CIECI 2022 được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản với chương trình thiết kế hiện đại theo fomat nước ngoài, đặc biệt, những phiên thảo luận bàn tròn tạo điều kiện cho người tham dự không chỉ lắng nghe, mà còn có thể trao đổi trực tiếp với các diễn giả. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng trao đổi các nội dung chuyên môn rất sâu xoay quanh chủ đề chính là tham gia vào các FTA thế hệ mới. Ông Phạm Trung Nghĩa cũng nhận định, trong tương lai, những hội thảo quốc tế như CIECI cần duy trì và phát triển thêm để tạo môi trường trao đổi, thảo luận các nghiên cứu, đưa ra những khuyến nghị chính sách hiệu quả để phát triển kinh tế, thương mại trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.

Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương tham gia trao đổi tại Hội thảo Quốc tế CIECI 2022

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Đình Vinh – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hanel, Phó chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho rằng: “Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia nhiều các Hiệp định Thương mại tự do FTA, điều này tạo ra cho các DN những thuận lợi để thâm nhập vào thị trường nước ngoài, nắm bắt được xu thế để tự đổi mới, từ cải tiến kỹ thuật, đầu tư công nghệ cho đến các hệ thống quản lý về chất lượng, đảm bảo các yêu cầu về sở hữu trí tuệ, môi trường, nhân sự lao động… nhằm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, những thách thức khi tham gia các FTA thế hệ mới cũng không nhỏ khi DN sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản thuế quan, tuân thủ các quy định về lao động, quản trị, đấu thầu minh bạch…, ngoài ra, sự gia tăng cạnh tranh với nhiều DN nước ngoài có thể thâm nhập vào thị trường trong nước cũng rất lớn, nếu DN Việt Nam không tự vươn lên phát triển thì có thể ngay trên “sân nhà” cũng gặp khó khăn”. Ông cũng đánh giá, Hội thảo với những nội dung được trao đổi, thảo luận cởi mở, chuyên sâu từ các chuyên gia dưới nhiều góc nhìn khác nhau, đã đưa ra những đề xuất, khuyến nghị hữu ích cho các doanh nghiệp Việt khi tham gia vào quá trình này.

Ông Nguyễn Đình Vinh – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hanel, Phó chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam tại CIECI 2022

Hội thảo Quốc tế CIECI lần thứ 10 đã khép lại thành công, là mốc son đáng nhớ góp phần khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong việc mang lại những nghiên cứu giá trị cho hoạt động Hội nhập Kinh tế Quốc tế của Việt Nam. Sau Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước, các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, để phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. 

Ngoài ra, việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Các chuyên gia, diễn giả chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Báo chí, Truyền hình đưa tin về Hội thảo:

1. Đài TH Việt Nam: 

https://vtv.vn/video/tai-chinh-kinh-doanh-trua-25-11-2022-590834.htm (từ 5.20) 

https://vtv.vn/video/tai-chinh-kinh-doanh-sang-28-11-2022-591321.htm (từ 6.23)

2. Đài TH Quốc hội VN: 

https://quochoitv.vn/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-hanh-trinh-di-toi-cac-fta-the-he-moi

https://quochoitv.vn/tham-gia-fta-khong-chi-la-giam-thue

 3. Kênh tin tức kinh tế tổng hợp VIVTV: https://youtu.be/gSzKFMi533Y

Một số ảnh tại Hội thảo Quốc tế CIECI 2022:


Ngọc Thúy, Quang Trung - UEB Media

FullName Email
Address Security code FBJUFS
Content

Other News