New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

Kinh tế EU chịu ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và xung đột leo thang: Phân tích trong ngắn, trung và dài hạn

Một trạm nén khí của đường ống Yamal - châu Âu tại Ba Lan (Nguồn: Internet)

Tóm tắt: Có hai lý do chính khiến nền kinh tế châu Âu có thể rơi vào suy thoái do các lệnh trừng phạt và xung đột: Một là, các lệnh trừng phạt được đưa ra trong bối cảnh châu Âu chưa thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga khiến khi chi phí đầu vào liên tục phá kỉ lục bắt nguồn từ sự tăng giá dầu và khí đốt. Hai là, sự bất ổn địa chính trị và rào cản về tài chính khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường. 


Để trả lời cho câu hỏi “Lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu và khí đốt từ Nga có nguy cơ gây ra suy thoái ở các nền kinh tế châu Âu không?” cùng một số câu hỏi khác, Diễn đàn IGM đã được tổ chức tại Chicago Booth ngày 8/3/2022 với sự tham gia của 43 chuyên gia từ Hoa Kỳ và 48 chuyên gia từ EU. Phản ứng của cộng đồng quốc tế về những hậu quả kinh tế có thể xảy ra trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine có sự phân hóa, tuy nhiên phần lớn chuyên gia cho rằng chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra.

Hình 1. Tỉ lệ bỏ phiếu cho nhận định “Lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu và khí đốt từ Nga có nguy cơ gây ra suy thoái ở các nền kinh tế châu Âu”.

(Nguồn: Initiative on Global Markets, 2022)

Việc tạm ngưng hoặc dừng hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga, trong ngắn hạn, là một thiệt hại lớn nhưng đáng giá, cả về lý do chính trị, nhân đạo hay về định hướng Nền kinh tế không Cac-bon của châu Âu trong thập kỉ tới. Các chuyên gia bỏ phiếu đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý cho rằng Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, kể cả với các quốc gia có nền kinh tế lớn như Đức và Ý; chỉ một cuộc khủng hoảng do chi phí đẩy trong nước có thể lan rộng ra toàn châu Âu. Việc cải tổ lại nguồn cung năng lượng có thể giảm nhẹ tác động tiêu cực, nhưng những thay thế này tốn một thời gian đáng kể. 

Để làm rõ nhận định này, chúng tôi sẽ tổng hợp một số tác động chính của các lệnh trừng phạt và tình hình xung đột tới hoạt động tài chính, kinh tế, thương mại, năng lượng của EU.

Trong ngắn hạn, khi các lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ chưa đủ để kết thúc nhanh cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, thì trước mắt, nền kinh tế châu Âu đã phải gánh chịu rủi ro do chi phí đẩy. 

Bất ổn an ninh năng lượng tại EU do giá năng lượng tăng nhanh chưa từng thấy. Trong nhiều năm, EU vẫn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, do đó khi phải đối diện với lệnh trừng phạt, Nga đã gây sức ép lên các đường ống dẫn khí, điển hình là Nord Stream 2. Mức nhập khẩu của EU được dự đoán sẽ giảm 79-90% với khí đốt tự nhiên và 68-82% với dầu thô, từ đó giảm 0,3-0,6% thu nhập và tăng 6,7-8% giá năng lượng trong tương lai không xa; nhưng ngay tại thời điểm này, chi phí ngắn hạn để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga có thể lên tới 100 tỷ EUR (50 tỷ EUR để tái thiết nguồn dự trữ, 25 tỷ EUR bổ sung từ nguồn cung mới, 25 tỷ EUR để phân phối trong EU); trong đó các công ty tư nhân sẽ gánh vác một phần và ¾ sẽ do người nộp thuế phải chịu (75 tỷ EUR).

Chi phí đầu vào tăng mạnh kết hợp với việc Nga đóng cửa không phận đột ngột làm gián đoạn hoạt động thương mại của EU. Khi mâu thuẫn về chính sách giữa các thị trường năng lượng đơn lẻ trong EU chưa được giải quyết, giá năng lượng cao và lệnh cấm nhập khẩu một số kim loại từ Nga dẫn tới giá một số sản phẩm công nghiệp lập tức leo thang (cụ thể như giá nhôm đã lên đến 3.000 USD/tấn). Bên cạnh đó, do đóng cửa không phận của Nga, các tuyến Á - Âu bị ảnh hưởng nặng, cảng bị tắc nghẽn nghiêm trọng gây gián đoạn sự luân chuyển hàng hóa. Từ đó, các vấn đề trong chuỗi cung ứng ô tô châu Âu gia tăng, vào đúng thời điểm mức tồn kho thấp, thiếu chip và những ô tô trị giá trên 50,000 EUR bị cấm xuất khẩu sang Nga. Dù mức độ của các tác động ngắn hạn đến thị trường năng lượng và hoạt động thương mại sẽ phụ thuộc phần lớn vào kế hoạch thay đổi lượng cung của OPEC, EU vẫn phải mất một thời gian để điều chỉnh các nguồn nhập khẩu thay thế. 

Đi đôi với những gián đoạn thương mại là sự biến động trên thị trường tài chính EU. Các cá nhân, doanh nghiệp Nga hiện nợ các ngân hàng EU khoảng 60 tỷ USD, khi Nga bị áp đặt lệnh cấm giao dịch bằng đô-la Mỹ và 7 ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, thì việc thu hồi khoản nợ sẽ gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán chao đảo với hàng loạt cổ phiếu giảm, hàng loạt doanh nghiệp rút đầu thầu, chi phí bảo hiểm tăng gấp đôi do khả năng vỡ nợ/tái cơ cấu trái phiếu cao. Các nhà đầu tư rút khỏi thị trường EU nhanh kỉ lục kể từ thế chiến thứ hai, tuy nhiên tín hiệu từ thị trường chứng khoán cũng nhanh chóng tốt trở lại khi Nga và Ukraine có khả năng đàm phán kết thúc xung đột.

Làn sóng di cư từ Ukraine sang các nước EU (Nguồn: Internet)

Tóm lại, trong ngắn hạn, nền kinh tế EU vẫn bị thiệt hại đáng kể. Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao nhất trong 50 năm, trong khi lương tăng chậm đã tác động tiêu cực đến đường cong phục hồi sau Covid-19 và khuếch đại áp lực lạm phát. Lạm phát trong lĩnh vực năng lượng tăng mạnh 17,4% vào mùa hè năm 2021 đã dẫn đến mức lạm phát cao nhất trong 13 năm ở các nền kinh tế khu vực đồng EUR là trên 5% vào tháng 12. Gói hỗ trợ tài chính 1,2 tỷ EUR có thể là mở đầu cho đợt lạm chi ngân sách chung EU, được ước tính có thể vượt mốc 175 tỷ EUR (11/4% GDP của EU) trong việc xử lý các chi phí an sinh xã hội phát sinh khi hỗ trợ và tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine. Nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục mở rộng trong khi chưa khắc phục được thiệt hại kinh tế, thì mâu thuẫn có thể xảy ra trong chính EU khi Đức là đối tác kinh tế lớn thứ 2 của Nga (sau Trung Quốc) và việc nhiều thành viên EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga (Đức, Ba Lan, Áo, Ý…). . “Không có cách nào mà châu Âu có thể thay thế hoàn toàn việc xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga trong vòng 12 tháng tới hoặc chấp nhận hậu quả của việc giá cả tăng đột biến mà không đi vào suy thoái, đặc biệt là khi mức độ tiếp xúc kinh tế lớn với Nga như vậy”.

Mặc dù trong trung và dài hạn, rất khó để dự đoán nền kinh tế EU sẽ đi về đâu, nhưng chắc chắn không một nước nào trong EU hi vọng xung đột này sẽ kéo dài.

EU đã không còn dư thừa khả năng chống chịu những biến động dài hạn trong thị trường năng lượng hóa thạch, mức tồn kho khí đốt đã đạt mức thấp trong lịch sử (55% công suất trong tháng 12), và mức lưu trữ này sẽ không trở lại mức trung bình trước mùa đông năm sau. Mặc dù Pháp và Đức đã có kế hoạch giảm giá nhiên liệu trong ngành vận tải, nhưng việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch lại đi ngược lại với chiến lược giảm lượng phát thải carbon đầy tham vọng của EU. IEA đã đưa ra Kế hoạch 10 điểm bao gồm không ký bất kỳ hợp đồng khí đốt mới nào với Nga; tiết kiệm tối đa nguồn cung cấp khí đốt từ các nguồn khác; đẩy nhanh việc triển khai năng lượng mặt trời và gió; tận dụng tối đa các nguồn năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo; và tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong gia đình và doanh nghiệp.

Giá năng lượng đầu vào cao trong thời gian dài sẽ gây tăng giá các mặt hàng chủ lực và gây bất lợi cho quy mô thương mại của EU. Ngành công nghiệp EU rất có khả năng bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc - vốn có khả năng bổ sung các kho dự trữ khí đốt nhanh hơn. Hậu quả tệ nhất là các nhà máy và doanh nghiệp phải đóng cửa, người dân thất nghiệp và xã hội trở nên bất ổn vì giá tiêu dùng cao. Việc EU tước quy chế tối huệ quốc đối với Nga kéo theo hàng loạt biện pháp trả đũa thương mại sẽ làm giá trị thương mại giữa EU và Nga giảm mạnh hơn nữa, trong khi sự phụ thuộc năng lượng khiến EU tìm ra nguồn nguyên liệu thô phù hợp khó hơn việc Nga có đối tác xuất khẩu mới. Trong thập niên tới, với mục tiêu “tự chủ chiến lược mở”, EU sẽ tiếp tục chú trọng thương mại nội khối, đặc biệt từ các quốc gia thành viên Đông Âu và vùng Baltic, tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia tại Châu Phi.

Về tài chính, việc đóng cửa Nga khỏi các hệ thống thanh toán quốc tế hoặc cản trở việc tiếp cận đô-la Mỹ trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu. Các khoản nợ tài chính từ doanh nghiệp của Nga khiến các ngân hàng châu Âu thiệt hại nặng nề, đối tác của Nga tại châu Âu cũng rơi vào thế khó, nhất là khi Nga chỉ có thể trả bằng đồng ruble theo lệnh cấm giao dịch bằng đô-la Mỹ như hiện tại. Bất kì sự gia tăng rủi ro bất ngờ nào cũng có thể khiến hệ thống tài chính toàn cầu mất ổn định, trong khi thị trường chứng khoán châu Âu cũng phải chịu rủi ro thanh khoản cao và sẽ còn trải qua đợt điều chỉnh. Trước rủi ro từ chênh lệch trên thị trường trái phiếu chính phủ đang mở rộng, ECB buộc phải chọn mức lạm phát cao hơn kì vọng khi bổ sung các gói kích thích hỡ trợ để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái, dẫn đến xu hướng tăng lãi suất trong dài hạn.

Trong dài hạn, các chính phủ có thể can thiệp sâu hơn vào thị trường vì lý do an ninh, nhưng phải đủ linh hoạt.Tuy nhiên, việc tiếp tục phụ thuộc vào trợ cấp công (có thể vượt mức 1% GDP EU) để chống lại giá cao này có thể dẫn đến lạm chi, tăng thuế và suy yếu các nỗ lực phục hồi kinh tế EU sau đại dịch Covid-19. Cú sốc kinh tế vĩ mô bất lợi, những chi phí mới (do xung đột Nga -Ukraine và do các gói trừng phạt kinh tế đối với Nga) đang xáo trộn kế hoạch tài chính ban đầu của EU. Ngoài ra, tâm lý ngại rủi ro cao và xu hướng giảm giá tài sản châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm lo ngại về tính bền vững của nợ công ở các quốc gia thành viên, buộc khuôn khổ tài khóa của EU phải đủ linh hoạt để nhường chỗ cho các ưu tiên mới.

Thời điểm bây giờ quá sớm để chắn chắn về tương lai của EU nhưng phù hợp để xây dựng các chiến lược dài hơi. 

Các lệnh cấm có thể tốn kém và khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí là suy thoái ở các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng Nga nhưng sau đại dịch, sự phục hồi kinh tế hiện tại lại đang rất tốt. Trong giai đoạn này, rất khó nói liệu kinh tế châu Âu có thể suy thoái không, vì trước mắt với sự đảm bảo tăng cung của OPEC và tái định hướng dòng năng lượng của Hoa Kỳ về châu Âu, tổng cung chưa có biến động quá lớn. Để hạn chế những tác động tiêu cực kể trên, EU và các nước thành viên đang và sẽ theo đuổi một số chính sách như:

Hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp: Các chính phủ sẽ giải ngân gói hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo (thanh toán một phần hóa đơn, hoãn thanh toán, giảm thuế tạm thời) và viện trợ cho các công ty hoặc ngành công nghiệp theo quy tắc viện trợ của EU. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này sẽ không quá cao, cũng như đi kèm một số định hướng truyền thông khác để người tiêu dùng châu Âu thay đổi hành vi sử dụng năng lượng hóa thạch, góp phần quản lý phía cầu về năng lượng, tạo cơ sở để sửa đổi cơ chế định giá năng lượng.

Không từ bỏ các lệnh trừng phạt và tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung trong vấn đề tiếp cận năng lượng: Trong ngắn hạn, EU sẽ lập tức bổ sung nguồn cung từ các nguồn tin cậy với giá phải chăng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kí kết hợp đồng năng lượng mới từ quốc gia cung cấp khác: Saudi Arabia, Qatar, Iran, Venezuela và dầu đá phiến của Mỹ. Trong dài hạn, các nước sẽ thống nhất xây dựng chiến lược dự trữ năng lượng tồn kho tối thiểu, tăng cường tổng hợp nhu cầu và thu mua khí đốt tập thể của Khối, nghiên cứu và phát triển những nguồn năng lượng sạch tiềm năng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng mới cũng cần tương thích với nguồn năng lượng mới (khí hydro, khí tổng hợp và khí sinh học), phù hợp với Lộ trình tới Net Zero vào năm 2050.

Xây dựng liên minh tiền tệ và chiến lược, bộ quy tắc thương mại mới: Bên cạnh việc triển khai chiến lược thương mại mới, tập trung vào thị trường châu Á và châu Mỹ, EU phải thống nhất các quy tắc dài hạn khả thi cho thương mại, đề phòng trường hợp xung đột leo thang và giảm bớt chủ nghĩa bảo hộ. Để hỗ trợ chiến lược mới này, EU cũng cần thúc đẩy hình thành một CMU bao gồm cả Vương quốc Anh và các Quốc gia Thành viên khác ngoài khu vực đồng EUR. 

Thống nhất về chính sách hỗ trợ nhân đạo giữa các nước thành viên: Ngân sách chung của khối EU cần bố trí quỹ để xử lý các chi phí liên quan tới khủng hoảng tị nạn do xung đột Nga-Ukraine (~175 tỷ EUR), trước mắt là các chi phí để người tị nạn hòa nhập với cuộc sống, trước khi họ tiến tới việc hòa nhập vào thị trường lao động châu Âu hoặc trở về nước. Lấy kinh nghiệm từ NGEU từng để ứng phó với khủng hoảng Covid-19, trong thời gian tới, EU chắc chắn sẽ thiết lập một quỹ ngân sách mới để hỗ trợ nhân đạo, chi tiêu quốc phòng chung... Chi tiêu quân sự bổ sung ở EU có thể dễ dàng đạt 20 tỷ EUR vào năm 2022 và gấp đôi vào năm 2023; mức tăng tối thiểu có thể là 0,5% GDP (~70 tỷ EUR) từ năm 2024-2025 trở đi. 

Tổng kết: Phương Tây vốn kì vọng các lệnh trừng phạt có thể đạt được mục tiêu của nó (đình chiến) trước khi cả nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, tầm quan trọng của thương mại và tài chính quốc tế đã phần nào xáo trộn mục tiêu của các lệnh trừng phạt, và các gói trừng phạt mở rộng đã kéo dài hơn họ tưởng tượng, gia tăng sự gián đoạn kinh tế. Ví dụ như việc tước Tối huệ quốc được ca ngợi như sự chuyển dịch của thế giới thương mại tự do nhằm chống lại sự độc tài đang bành trướng của Nga, nhưng trật tự có thể xoay lại ngay khi các bên đạt được lợi ích của mình, dù hậu quả kinh tế của các lệnh cấm vận có thể kéo dài cả thập kỉ. Thay vì cấm nhập khẩu hoàn toàn, các nhà hoạch định chính sách vốn có thể giảm dần lượng mua dầu và khí đốt từ Nga (ví dụ 6 tháng 1 lần) trong vòng 2-3 năm tới, tương tự như với Iran, để nền kinh tế có thời gian giảm sốc và tìm nguồn thay thế. Rủi ro cuối cùng của xung đột và lệnh trừng phạt diễn ra quá nhanh là lạm phát tiếp tục gia tăng và việc tăng lãi suất vô tình đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Thực tế, các cuộc suy thoái vào năm 1990, 2001 và 2008 đều được suy đoán bởi sự tăng cao của giá dầu và lãi suất.

Các lệnh trừng phạt chỉ có thể thành công khi chúng hạn chế được tình trạng suy thoái kinh tế ở châu Âu và không gây bất ổn về kinh tế - chính trị trong trung và dài hạn. Xung đột giữa Nga - Ukraine diễn ra chỉ 2 năm sau khi diễn ra Brexit và ngay khi đại dịch Covid-19 vừa càn quét khắp châu Âu, đây là lúc EU phải cân bằng lại lợi ích của các nước thành viên trong khối, từ đó đạt được sự thống nhất trong các chính sách. Jean Monnet - cha đẻ của Liên minh Châu Âu từng nói: “Châu Âu sẽ được trui rèn trong các cuộc khủng hoảng và để giải quyết chúng, cần một châu Âu hoàn toàn thống nhất” và trong bối cảnh hiện nay, nhận định này vẫn còn nguyên ý nghĩa.


Nhóm Tư vấn Chính sách, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: TS. Nguyễn Đức Bảo - Đỗ Thu Quyên

FullName Email
Address Security code OBCSNT
Content