New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác - Lênin và đôi điều chia sẻ với các em sinh viên…

Bằng kinh nghiệm, đam mê và tình yêu cháy bỏng dành cho môn học, tập thể tác giả Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã dành tâm huyết biên soạn và giới thiệu tới sinh viên, học viên, các thầy cô giáo, các nhà khoa học cuốn Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác - Lênin theo khung nội dung môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (xuất bản tháng 3/2022). Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một vài chia sẻ của PGS. TS. Phạm Văn Dũng - đồng chủ biên của cuốn giáo trình này.


Kính thưa PGS.TS. Phạm Văn Dũng, hơn 40 năm trực tiếp tham gia công tác giảng dạy và quản lý tại Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), em được biết thầy và tập thể tác giả đã thực sự dành tình cảm của mình cho cuốn sách tên không mới nhưng lại rất nhiều “cái mới”?

PGS.TS. Phạm Văn Dũng: Gần 50 năm qua, các thế hệ thầy, cô Khoa Kinh tế Chính trị luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Một trong những điều kiện để có chất lượng đào tạo tốt là phải có giáo trình tốt. Vì vậy, Khoa Kinh tế Chính trị thường xuyên xuất bản các giáo trình, trong đó có giáo trình Kinh tế Chính trị Mác - Lênin. 

Với lòng yêu người, trăn trở với nghề cùng với sự hỗ trợ, cổ vũ của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, thế hệ thầy, cô Khoa Kinh tế Chính trị ngày nay đã trưởng thành. Không ít “chuyện cũ” cần được nhận thức lại; nhiều vấn đề mới của đất nước và thế giới đòi hỏi phải được lý giải, nhận thức như nó vốn có. Tri thức khoa học kinh tế chính trị sẽ giúp người học hiểu được bản chất, xu hướng, quy luật vận động của các hiện tượng và quá trình kinh tế. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Cuốn giáo trình Kinh tế Chính trị Mác - Lênin này được xuất bản trong bối cảnh đó.

PGS.TS. Phạm Văn Dũng - đồng chủ biên cuốn giáo trình

Đối với sinh viên thế hệ ngày nay, việc cung cấp cho các em một tài liệu học tập vừa đảm bảo được tính khoa học, cơ bản, hệ thống mà lại hiện đại là cực kỳ khó khăn, nhóm tác giả đã làm thế nào để đạt được điều đó ạ?

PGS. TS. Phạm Văn Dũng:  Để trang bị những tri thức khoa học cho sinh viên, giáo trình trước hết phải đảm bảo tính khoa học. Để đảm bảo tính khoa học, trước hết phải nghiên cứu kỹ lưỡng học thuyết kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin qua các tác phẩm kinh điển. Đây là học thuyết rất vĩ đại nên chúng tôi phải lựa chọn những kiến thức cơ bản, hệ thống phù hợp với đối tượng là sinh viên và chuẩn đầu ra chung của các chương trình đào tạo đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt. Để đảm bảo tính khoa học, những vấn đề lý luận phải gắn với thực tiễn, dùng thực tiễn của đất nước và thế giới để kiểm nghiệm. Điều đó còn giúp sinh viên dễ tiếp thu, có thể vận dụng để hiểu và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Nói cách khác, các kiến thức của môn học phải được hiện đại hoá, tức là phải cập nhật được những vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước và thế giới hiện nay, phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Đồng thời với các tính chất nêu trên, chúng tôi còn phải chú ý đảm bảo tính sư phạm: dễ hiểu, dễ nhớ, vừa sức… 

Trong điều kiện thời lượng dành cho môn học này là 2 tín chỉ nên thực hiện các yêu cầu trên không dễ dàng. Chúng tôi đã sử dụng chính các phương pháp nghiên cứu của khoa học kinh tế chính trị để thực hiện các yêu cầu này. Những nội dung được lựa chọn trình bày trong giáo trình là những vấn đề mang tính bản chất, tất nhiên, chi phối sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường nói chung và kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Để góp phần giải đáp những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra, Giáo trình đã lồng ghép những nội dung quan trọng nào thưa thầy?

PGS. TS. Phạm Văn Dũng: Mục tiêu phát triển của Đất nước ta là “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.211). 

Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó xây dựng, phát triển, hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Việt Nam là nước đi sau, cần phải làm gì để đẩy nhanh quá trình xây dựng, phát triển, hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN? 

Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển rút ngắn, theo kịp các nước đi trước. Tuy nhiên, thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta còn thấp, tình hình quốc tế rất phức tạp… đang là thách thức to lớn.  

Trên đây là những vấn đề lý luận kinh tế chính trị Mác - Lênin rất quan trọng hiện nay, chi phối nhiều vấn đề cụ thể khác. Đồng thời, đây cũng là những vấn đề thực tiễn cấp bách, cần được nghiên cứu công phu và thực hiện nhanh chóng, quyết liệt.    

Cá nhân em rất tin tưởng rằng, Kinh tế Chính trị Mác - Lênin là môn khoa học giúp người học nâng cao năng lực tư duy, là hành trang cốt lõi để mỗi sinh viên tự tin bước ra thế giới rộng lớn. Theo thầy, suy nghĩ của em còn đúng với bối cảnh mà mỗi giây phút trôi qua thế giới đang chuyển động và thay đổi vô cùng nhanh chóng?

PGS. TS. Phạm Văn Dũng: Thế giới đang vận động và biến đổi hết sức nhanh chóng nhưng vẫn tuân theo các quy luật. Mục đích nghiên cứu của kinh tế chính trị là phải tìm ra xu hướng, quy luật vận động của nền kinh tế. Do đó, từ những tri thức kinh tế chính trị, người học không chỉ nhận thức được chính xác những gì đã và đang xảy ra, mà còn có thể dự báo khoa học về những hiện tượng và quá trình kinh tế trong tương lai; có thể xử lý các vấn đề thực tiễn chủ động, hiệu quả hơn. Vì thế, thế giới càng rộng lớn, các hiện tượng và quá trình kinh tế biến đổi càng nhanh, việc học tập kinh tế chính trị Mác - Lênin càng cần thiết.

Cuốn giáo trình này mới chỉ cung cấp những kiến thức kinh tế chính trị cơ bản. Để hiểu sâu rộng hơn về kinh tế chính trị và giải quyết những vấn đề thực tiễn hiệu quả hơn, người học có thể tham gia các bậc học cao hơn về kinh tế chính trị (cao học, tiến sĩ kinh tế chính trị). 

Sinh viên trong giờ học Kinh tế Chính trị Mác - Lênin

Thưa thầy, sinh viên hiện nay có nhiều mối quan tâm, có nhiều sở thích khác nhau. Với kinh nghiệm của mình, thầy có lời khuyên gì giúp sinh viên có được phương pháp học tập hiệu quả và ghi nhớ lâu không ạ?

PGS. TS. Phạm Văn Dũng: Ngày nay có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên, thuận lợi và khó khăn đều rất nhiều. Học tập không giống như đi nghe ca nhạc hay đi lễ hội, mà rất khó khăn, vất vả. “Vượt khó” không chỉ đặt ra với sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà cả những sinh viên có gia đình khá giả, giàu có. Vì thế, để học tập tốt, trước hết sinh viên cần phải xác định đúng mục tiêu học tập. Mục tiêu quan trọng nhất là “Học làm người” (con người phải có tri thức, hiểu biết; phải biết đối nhân, xử thế, có ý thức tuân thủ pháp luật; biết sống vì người khác…). Đồng thời, “Học để ngày mai lập nghiệp”, tức là học tập vì tương lai, vì cuộc sống của chính mình. Khi đó chúng ta sẽ có điều kiện để đóng góp cho xã hội, “dân giàu” thì “nước mạnh”. Khi có mục tiêu học tập đúng đắn, chúng ta sẽ biết phải làm thế nào để học tập tốt. Bí quyết để thành công trong học tập là “cần cù, chăm chỉ”. 

Xin trân trọng cảm ơn thầy vì những chia sẻ hết sức ý nghĩa vào thời điểm cuốn giáo trình vừa ra đời và được đón nhận rất rộng rãi của sinh viên các trường đại học trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội. Em thực sự tin tưởng rằng, với những chắt lọc thực sự dễ hiểu, dễ nhớ, với những cập nhật mới nhất về thực tiễn đang diễn ra, những xu hướng đã và đang đến với thế giới và Việt Nam, cuốn Giáo trình sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác và đặc biệt sẽ khiến cho các em sinh viên thấy yêu thích và gần gũi


Nguyễn Thị Hương Lan

FullName Email
Address Security code XEVRPH
Content