New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

“FPEx: Expand - Explore - Experience” - Chuỗi trải nghiệm đáng nhớ đối với sinh viên Ngành Kinh tế

Trong khuôn khổ học phần “Kiến tập” dành cho sinh viên năm thứ nhất QH-2022-E Ngành Kinh tế (gọi tắt là K67), Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức thành công chuyến đi kiến tập tại Làng Văn hoá - Du lịch các Dân tộc Việt Nam cho 284 sinh viên K67. Đây là nơi tái hiện những giá trị đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam mà các em được trải nghiệm trong hai ngày 23- 24 tháng 3 dưới sự hướng dẫn của toàn bộ giảng viên cố vấn học tập các lớp K67 và sự tham dự của Ban Chủ nhiệm Khoa, các giảng viên trong Khoa.


Với tầm nhìn trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, được xếp hạng ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trên thế giới, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN luôn xác định “Chất lượng - Hiệu quả” là tiêu chí xuyên suốt trong mọi mặt hoạt động của Trường. Để thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, đồng thời giúp sinh viên vận dụng các bài giảng đã học vào thực tế, những năm qua, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN luôn chú trọng và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các môn học và các hoạt động dành cho sinh viên trong quá trình đào tạo. Vừa qua, trong khuôn khổ học phần “Kiến tập” dành cho sinh viên năm thứ nhất QH-2022-E Ngành Kinh tế (gọi tắt là K67), Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức thành công chuyến đi kiến tập tại Làng Văn hoá - Du lịch các Dân tộc Việt Nam cho 284 sinh viên K67. 

Chương trình kiến tập được chuẩn bị công phu, chu đáo, cẩn trọng và diễn ra trong 2 ngày với nhiều lịch trình hấp dẫn như: Thăm quan quần thể Làng văn hoá các dân tộc, các hoạt động gắn kết tinh thần đoàn kết như: Team building, Gala dinner và Toạ đàm khoa học “FPEx: Expand - Explore - Experience” (“FPEx: Mở rộng - Khám phá - Trải nghiệm”). 

Toàn cảnh Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Hoạt động đầu tiên của sinh viên K67 khi đặt chân tới Làng văn hoá là hoạt động thăm quan Khu các làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Khu các làng dân tộc có 04 cụm làng tương ứng với các vùng miền mà các dân tộc cư trú. 

            Sinh viên lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Tháp Chăm

Tại Cụm làng III, các sinh viên vừa được chiêm ngưỡng không gian văn hóa của các dân tộc Chăm, Khmer, Chu Ru và Chơ Ro với việc tái hiện 02 công trình tâm linh đặc sắc là quần thể Chùa Khmer và Tháp Chăm vừa tìm hiểu cách thức quản lý du lịch văn hoá tại địa danh này.

Chiêm ngưỡng và khám phá Chùa Khmer

Toạ đàm khoa học “FPEX: Mở rộng - Khám phá - Trải nghiệm” là hoạt động được các sinh viên mong chờ trong hành trình ngay chiều ngày thứ nhất của chuyến kiến tập. Toạ đàm được tổ chức nhằm giúp cho sinh viên có cái nhìn toàn diện và chi tiết hơn về Làng văn hoá với tổng diện tích 1544 ha, gồm 7 phân khu chức năng: Khu quản lý điều hành văn phòng, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Di sản văn hóa thế giới và trong đó Khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, là trái tim của dự án. 

Khách mời đặc biệt tham gia chương trình là ông Nguyễn Hồng Thái, Phó giám đốc Ban Quản lý khu các Làng dân tộc cho biết: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, “Ngôi nhà chung” vinh dự là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Hiện nay, tại Làng có cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày như: Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer... nhằm tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng; bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh những sự kiện điểm nhấn trong năm như “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, “Tuần đại đoàn kết – di sản văn hóa Việt Nam”, Làng còn có hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục… do đồng bào các dân tộc đại diện các vùng, miền về sinh sống, tái hiện. Nhiều câu hỏi đưa ra về cách quản lý, bảo tồn giá trị văn hoá; về hướng quy hoạch và phát triển mới của Làng cũng như các biện pháp để kêu gọi và giữ chân đồng bào dân tộc đến sinh sống tại Làng từ các sinh viên đã được diễn giả nhiệt tình giải đáp. 

Sinh viên K67 giao lưu cùng đồng bào dân tộc tại Làng

PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Phó Trưởng Khoa, chia sẻ: “Với mục tiêu đào tạo cử nhân kinh tế có những kiến thức cơ bản, hiện đại và hệ thống về kinh tế học, có những kiến thức chuyên sâu và theo sát với thực tiễn về kinh tế chính trị thế giới, kinh tế truyền thông, kinh tế y tế và quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, quản lý kinh tế; có phương pháp tư duy khoa học; có khả năng nhận diện, truyền đạt, phân tích và vận dụng kiến thức được trang bị để tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kinh tế; có thể tiếp tục học tập ở bậc cao hơn và tích lũy kiến thức từ hoạt động thực tiễn để trở thành các chuyên gia tư vấn, thực thi chính sách kinh tế, các nghiên cứu viên, giảng viên kinh tế, các nhà khởi nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế kinh doanh và quản lý. Khoa Kinh tế Chính trị luôn chú trọng dạy và học phải gắn với thực tiễn, là cách tiếp cận hiệu quả nhằm đạt mục tiêu giáo dục, đặc biệt trong các chương trình đào tạo tại Khoa và Nhà trường”. 

Đêm Gala Dinner cùng ngày với chủ đề “Kết nối Thầy - Trò”, sinh viên khoá K67 đã được giao lưu cùng đoàn nghệ thuật dân tộc của Làng văn hoá và nhận được nhiều tình cảm từ phía các thầy cô lãnh đạo và giảng viên của Khoa Kinh tế Chính trị với các tiết mục biểu diễn vô cùng hấp dẫn được chuẩn bị công phu. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, năng động, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã bồi dưỡng thêm tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao hiểu biết và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ của mỗi sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị.

Tiết mục biểu diễn ấn tượng của sinh viên lớp Kinh tế 6

Cả sân khấu liên tục được làm nóng bằng những những tiết mục văn nghệ đặc biệt do các bạn sinh viên K67 tự tin thể hiện. Không gian như bùng nổ khi màn đốt lửa trại được diễn ra. 

Không gian như bùng nổ - Khoảng cách được thu hẹp

Sau khi thăm quan Làng dân tộc và Toạ đàm khoa học, chương trình Team building mang chủ đề “Bứt phá - Trải nghiệm” đã đem lại nhiều cảm xúc thật sự vui vẻ và gắn kết cho các thành viên K67. Sự khác biệt về giới tính, độ tuổi cũng không thể tạo ra khoảng cách giữa các sinh viên, giữa thầy và trò. Bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cùng sự thông minh và sáng tạo, các đội chơi đã xuất sắc vượt qua tất cả thử thách do Ban Tổ chức đưa ra và thể hiện rõ nét thông điệp: FPE- Trải nghiệm, bứt phá để thành công. Qua sự kiện này, các thành viên khoá K67 đã thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn. 

Những thử thách và trò chơi vui vẻ đã giúp thày trò và sinh viên gần nhau hơn

Chuyến đi kiến tập kéo dài hai ngày tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ đong đầy kỷ niệm về một ngôi nhà mới FPE - UEB đối với mỗi mảnh ghép của K67. Những chia sẻ của các thầy cô, khách mời trong chương trình hy vọng sẽ trở thành động lực giúp các sinh viên tự tin và thêm động lực chinh phục thử thách trên những chặng đường mới.


Nhóm TT K67

FullName Email
Address Security code CJRMZH
Content