New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

UEB tổ chức tọa đàm: Triển khai hiệu quả hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Vai trò của nghiên cứu và chính sách công nghiệp

“Nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chính sách công nghiệp là nền tảng quan trọng để triển khai hiệu quả hiệp định EVFTA” là kết luận chung sau sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng tại Italia (CiMET) và Đại sứ quán Italia tại Hà Nội đồng tổ chức.


Toạ đàm nằm trong chuỗi sự kiện đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italia (23/3/1973 – 23/3/2023), đồng thời chào mừng Ngày Khoa học Italia (15/4/2023) và hướng tới hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2023).

Tham gia Tọa đàm có Ngài Antonio Alessandro - Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Trưởng ban Ban Châu Âu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, GS. Marco Abbiati - Tham tán Khoa học, ĐSQ Italia tại Hà Nội, Ông Federico Vasoli - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Italia tại Việt Nam;

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng cùng nhiều lãnh đạo, giảng viên Khoa/Viện.

Ngoài ra còn đón tiếp nhiều đại biểu từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, VCCI, các tổ chức nghiên cứu khoa học; đại diện các ban, bộ, ngành của Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp.

Sự kiện được tổ chức hybrid (onsite tại UEB-VNU và online tại Italia,) với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, các diễn giả đến từ hai nước Việt Nam và Italia

Phát biểu khai mạc, Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam được ký kết vào năm 2019 và có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020, từ đó đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và thúc đẩy mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn giữa EU nói chung cũng như Italia nói riêng và Việt Nam. Khi chúng ta nhìn về phía trước, vẫn còn nhiều điều cần khám phá và tìm hiểu về tiềm năng của thỏa thuận này, đặc biệt là trong bối cảnh nghiên cứu và chính sách công nghiệp. Tôi hy vọng các nghiên cứu, thảo luận trong toạ đàm sẽ là nền tảng cho các cuộc thảo luận và trao đổi ý kiến mang tính xây dựng, giúp xây dựng môi trường học thuật và mở rộng hợp tác song phương giữa 2 nước.”

Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam (ở giữa hàng thứ 2) phát biểu khai mạc toạ đàm

Thay mặt, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Bà Nguyễn Thu Giang - Trưởng ban Ban Châu Âu chia sẻ: “Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cơ sở đào tạo quản lý và nghiên cứu được đánh giá cao tại Việt Nam đã đứng ra là đơn vị đồng tổ chức toạ đàm quan trọng này. Chúng tôi nhận thấy những nỗ lực chung của tất cả các nhà tổ chức trong việc tổ chức sự kiện này với một nhóm các chuyên gia và đội ngũ các nhà khoa học đa dạng từ các ngành và nền tảng khác nhau, cả từ Việt Nam và Italia đã và sẽ mang đến việc tạo dựng và phát triển một môi trường học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng mới, chuyên sâu và các kết quả nghiên cứu khoa học về quan hệ song phương 2 quốc gia.”

Bà Nguyễn Thu Giang - Trưởng ban Ban Châu Âu 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường gửi lời cảm ơn tới CiMET và ĐSQ Italia tại Việt Nam đã tin tưởng và lựa chọn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị đồng tổ chức toạ đàm:  “Chúng tôi mong rằng buổi tọa đàm đặc biệt này sẽ góp phần thiết thực vào việc làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia, thể hiện cam kết của ĐHQGHN nói chung và Trường ĐH Kinh tế nói riêng với Bộ Ngoại giao Việt Nam và các bộ, ngành trung ương trong việc thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam - Italia nói riêng và Việt Nam - Liên minh Châu Âu nói chung, và đặc biệt là phải gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, mang tầm khu vực và toàn cầu của ĐHQGHN mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam giao phó. Chúng tôi hy vọng rằng diễn đàn hôm nay, được tổ chức với sự cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng Quốc gia (CiMET) của Italia sẽ tạo nên những giá trị ý nghĩa, dấu mốc lịch sử, tạo nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược song phương 2 quốc gia phát triển vượt bậc trong những năm tới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu, mang lại những giá trị thiết thực và hiệu quả lâu dài cho xã hội và sự phát triển chung của hai quốc gia.”

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường phát biểu tại toạ đàm
Cũng trong toạ đàm, đại diện Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã trao tặng cho các đơn vị đồng tổ chức, các diễn giả tham gia chương trình cuốn sách Kỷ yếu hội thảo Cieci 2022: “Hành trình đi tới các Hiệp định thương mại tự do các thế hệ mới”

Dưới sự chủ trì của GS.Claudio Petti - Đại học Salento – Italia và PGS.TS Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, các nội dung tham luận và thảo luận có hàm lượng chuyên môn cao, chương trình diễn ra với 2 bài tham luận và 1 phiên thảo luận bàn tròn đan xen giữa chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và Italia.

Giáo sư Claudio Petti chủ trì toạ đàm tại đầu cầu Đại học Salento - Italia
PGS.TS Phan Chí Anh chủ trì toạ đàm tại đầu cầu Trường ĐH Kinh tế - Việt Nam 
GS. Marco R.di Tommaso(hàng đầu, thứ 2 từ trái sang), Đại học Bologna, Giám đốc CiMET trình bày bài tham luận với chủ đề: Chính sách công nghiệp trong trật tự kinh tế và địa chính trị mới
TS. Vũ Thanh Hương – Phó trưởng khoa Kinh tế & Kinh doanh Quóc tế - Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN trình bày bài tham luận với chủ đề: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu và thương mại Việt Nam – Cộng hòa Italia

Hai bài tham luận không chỉ tiếp cận từ góc độ thương mại - đầu tư mà còn từ góc độ chính sách nghiên cứu và đổi mới, chính sách công nghiệp tại Việt Nam và Italia – một trong những thị trường đối tác lớn nhất của Việt Nam trong khuôn khổ Liên minh Châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các bài tham luận cũng khai thác những góc nhìn đa chiều về quá trình triển khai Hiệp định EVFTA trong 2 năm vừa qua từ cả phía chuyên gia, nhà khoa học tại Việt Nam và Italia. 

Các diễn giả cho rằng chính sách công nghiệp là một hệ thống các công cụ về mặt chính sách như thuế quan, hỗ trợ tiếp cận thị trường, để có thể thúc đẩy một số ngành trọng yếu của nền kinh tế, hướng đến tính hiệu quả trong tương lai, là đầu tàu, thúc đẩy cả nền kinh tế. Thực tế, xét ở góc độ thực thi tại Việt Nam lại chưa được triển khai một cách hiệu quả. Chính vì thế, cần tận dụng những lợi thế trong ngắn hạn, và có những chính sách để phát triển những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế trong dài hạn.

PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI (bên trái) và PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN lắng nghe phần trình bày của các diễn giả
Toàn cảnh phiên tham luận tại tọa đàm

Sau hai bài tham luận, tọa đàm đã tiến hành thảo luận bàn tròn tập trung vào các nội dung hợp tác thương mại Việt Nam – Italia, chính sách công nghiệp trong thúc đẩy thương mại Việt Nam – EU, Hiệp định EVFTA và các cơ chế liên quan.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận bàn tròn

Tại phiên thảo luận bàn tròn, các chuyên gia đánh giá, việc thực thi EVFTA đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Một mặt sẽ giúp thúc đẩy chính sách công nghiệp ở Việt Nam nhanh và thuận lợi hơn, nhưng đồng thời cũng tạo ra những giới hạn khó có thể vượt qua, nếu không có những hành động nhanh chóng và cụ thể. Do đó thời gian tới, Việt Nam cũng cần lưu ý tới thúc đẩy cải cách toàn diện về kinh tế, thể chế để nhằm tạo ra cú hích năng suất, tạo điều kiện thuận lợi tuân thủ các hiệp định về phi thuế quan thông qua các chính sách nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chính sách phát triển công nghiệp. Đặc biệt, trong dài hạn, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển các ngành mũi nhọn, phát huy lợi thế, nhưng vẫn phải đảm bảo các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do.

GS. Claudio Dordi – Giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại USAID
TS. Nguyễn Thị Thu Trang – GĐ Trung tâm WTO và hội nhập VCCI

Phát biểu tổng kết toạ đàm, GS. Marco Abbiati – Tham tán Khoa học, ĐSQ Italia tại Hà Nội cho rằng buổi toạ đàm đã cung cấp những tổng kết quý báu sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, không chỉ tiếp cận từ góc độ thương mại - đầu tư mà còn từ góc độ chính sách nghiên cứu và đổi mới, chính sách công nghiệp tại Việt Nam và Italia – một trong những thị trường đối tác lớn nhất của Việt Nam trong khuôn khổ Liên minh Châu Âu (EU). Bên cạnh đó, tọa đàm khai thác những góc nhìn đa chiều về quá trình triển khai Hiệp định EVFTA trong 2 năm vừa qua từ cả phía chuyên gia, nhà khoa học tại Việt Nam và Italia. Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chính sách công nghiệp trong việc triển khai hiệu quả EVFTA và thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

GS. Marco Abbiati phát biểu tổng kết tọa đàm
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả tham gia tọa đàm 

Buổi tọa đàm đã kết thúc thành công, đây cũng là một diễn đàn nhân dân có ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện hội thảo, diễn đàn về thương mại, đầu tư mà Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng các đối tác quốc tế tổ chức. Dự kiến trong năm 2023, UEB – VNU sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tiếp theo với Ba Lan, Pháp…


Thanh Mai, Quang Trung, Hồng Nam - UEB Media

FullName Email
Address Security code SPZMND
Content

Other News