New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu đến Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”

Vừa qua, Hội thảo khoa học với chủ đề “Ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu đến Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” đã được tổ chức thành công tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với diễn giả là các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan, tổ chức lớn trong cả nước. Hội thảo nằm trong chuỗi UEB Research and Sharing do Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức và Khoa KT&KDQT chủ trì về chuyên môn.


Diễn giả chính của buổi hội thảo gồm có: PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính; và Bà Hương Vũ - Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tư vấn Ernst & Young Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế chia sẻ: “Mục đích của Hội thảo là cung cấp một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp thảo luận về ảnh hưởng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) đến Việt Nam và đề xuát các chính sách phù hợp nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”.

PGS. TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế phát biểu khai mạc

Buổi hội thảo gồm 04 tham luận chính. Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã chia sẻ về tổng quan thuế tối thiểu toàn cầu, FDI tại Việt Nam và những ảnh hưởng của việc áp dụng GMT đến FDI của Việt Nam. Trong bài phát biểu, bà có đề cập đến sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận với 2 trụ cột chính. Bài tham luận chỉ ra việc khó khăn khi mất đi lợi thế cạnh tranh lớn trong việc thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, đó cũng là động lực cho Chính phủ và chính quyền địa phương tìm ra lợi thế mới để phát triển.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu đại diện nhóm nghiên cứu của  trường ĐHKT-ĐHQGHN chia sẻ tham luận mở đầu hội thảo

TS. Cấn Văn Lực Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã trình bày sâu thêm về những tác động tiềm tàng của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam. Điểm giá trị của tham luận được đặt tại những phân tích, diễn giải và dự báo về ba tác động đến kinh tế toàn cầu và sáu tác động chính của thuế GMT đối với kinh tế và đầu tư của Việt Nam. Những ảnh hưởng tích cực về việc tăng cường hội nhập quốc tế, tăng nguồn thu từ thuế được đề cập. Tuy nhiên, những khó khăn từ quy định về thuế tối thiểu toàn cầu cũng là nội dung được nhấn mạnh như việc sức cạnh tranh trọng thu hút FDI bị ảnh hưởng, những chi phí có thể phát sinh, hay những nội dung đang bảo lưu. Bảy kiến nghị được đề xuất ở cuối bài tham luận có mục đích quan trọng trong việc định hướng phản ứng của cơ quan nhà nước để bắt kịp với những quy định chung của thế giới. 

TS. Cấn Văn Lực đã trình bày sâu thêm về những tác động tiềm tàng của thuế tối thiểu toàn cầu

Tiếp đó, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính phản ánh những chính sách, dự thảo Nghị quyết Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định Chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Trong bài phát biểu, bà cũng chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục rà soát khi xây dựng Nghị quyết, nổi bật như: Việt Nam cần có sự đồng bộ hóa, thống nhất và tuân theo các quy tắc của thế giới, đảm bảo ưu đãi đầu tư theo pháp luật cũng như Việt Nam cần tìm hiểu để biết được các chính sách của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia đang phát triển/láng giềng có nhiều nét tương đồng.

Bà Nguyễn Thu Thủy trình bày về phản ứng chính sách của chính phủ về GMT

Trong bài phát biểu cuối cùng của bà Hương Vũ - Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tư vấn Ernst & Young Việt Nam có đề cập chủ yếu đến các đề xuất chính sách của Việt Nam (dự kiến đi vào hiệu lực từ ngày 1/1/2024), cũng như những trở ngại kỹ thuật khi xây dựng chính sách (chính sách thuế và chính sách hỗ trợ). Đồng thời, bà cũng chỉ ra những rủi ro pháp lý và các phương án để kiểm soát vấn đề khiếu kiện có thể xảy ra khi áp dụng QDMTT, cũng như đưa ra những lời khuyên cho các doanh nghiệp FDI nên làm gì khi phải chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu bổ sung. Điểm nhấn thú vị trong bài trình bày của bà Hương Vũ là rất nhiều câu chuyện thực tiễn xoay quanh những câu chuyện thành công của các doanh nghiệp FDI, những trở ngại và mong muốn của doanh nghiệp FDI khi hoạt đông tại Việt nam đã được bà chia sẻ sống động tại Hội thảo. 

Bà Hương Vũ  chia sẻ trên khía cạnh doanh nghiệp

Hội thảo cũng tập trung vào các câu hỏi và thảo luận từ phía khán giả. Các chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế, Học viện Ngoại Giao, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính hay Viện Quản lý Kinh tế Trung ương… đã đặt ra những câu hỏi về tính công bằng trong việc áp dụng chính sách thuế, tác động của GMT đối với các doanh nghiệp, sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc thực hiện GMT và việc cân nhắc giữa việc thu thuế nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp. Các diễn giả đã cùng trao đổi và giải đáp thắc mắc của người tham dự hội thảo và thể hiện những dự đoán cũng như kỳ vọng về phản ứng của Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyên gia đặt câu hỏi dành cho diễn giả
Giảng viên Khoa KT&KDQT, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đặt câu hỏi cho diễn giả

Buổi Hội thảo diễn ra vô cùng thành công với sự đóng góp, thảo luận của các thầy cô, các bạn sinh viên đối với các diễn giả. 

Hội thảo đã tạo cơ hội quý báu để các chuyên gia và chính phủ cùng thảo luận về tác động của GMT đối với FDI tại Việt Nam. Các ý kiến và kiến thức đã được chia sẻ tại hội thảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chiến lược và định hướng chính sách của Việt Nam về thuế và đầu tư trong tương lai.

Xem thêm hình ảnh về chương trình:


Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế

FullName Email
Address Security code LVONXG
Content

Other News