New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

SERIES THEO DẤU CHÂN UEBers (Phần 5): Bước ra khỏi vùng an toàn, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng từng bước chinh phục mục tiêu

Con đường nào là con đường dẫn đến thành công? Lối đi nào sẽ trải đầy hoa hồng? Sẽ chẳng dễ dàng tìm ra con đường và lối đi nào như vậy nếu không đặt mục tiêu và nỗ lực thực hiện. Bởi vậy, Vũ Hoàng Lan - cựu sinh viên K63 Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã xác định mục tiêu trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và kiên định theo đuổi giấc mơ trong suốt 4 năm trên giảng đường đại học, tích cực phát triển bản thân toàn diện hơn mỗi ngày, để ngay khi bước ra thị trường lao động, Lan đã có được những thành quả bước đầu như kỳ vọng.


Chặng 1 - Đặt nền móng: Trở thành sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Trước khi bắt đầu hành trình trên giảng đường, Vũ Hoàng Lan - “an introvert” (người hướng nội) chính hiệu đã đặt mục tiêu đầu tiên là bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để thi đỗ Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN - “một ngôi trường uy tín, chất lượng về đào tạo, nghiên cứu và năng động với nhiều câu lạc bộ học thuật và nghệ thuật. Trường có nhiều hoạt động sẽ thúc đẩy mình phải “lớn lên”.

Vậy tại sao lại là ngành Tài chính Ngân hàng? Hoàng Lan đã có câu trả lời chắc nịch ngay khi đăng ký xét tuyển đại học: “Mình nhận ra rằng, sự hiểu biết về tài chính không chỉ quan trọng với người trong ngành mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày. Chúng ta, ai cũng cần biết cách quản lý tài chính cá nhân, đánh giá và quản lý rủi ro, từ đó hướng tới mục tiêu trở thành người tự chủ về tài chính. Mặt khác, mình có niềm đam mê đặc biệt với các con số và muốn sử dụng chúng để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tiễn dưới góc độ logics.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với 5 chuyên ngành: Đầu tư tài chính; Tài chính doanh nghiệp; Quản trị ngân hàng; Tài chính công; Bảo hiểm, hưu trí giúp sinh viên được tiếp cận sâu hơn các kiến thức chuyên môn từ cơ bản đến chuyên sâu với phương pháp và chất lượng đào tạo tiệm cận với các chương trình đào tạo chuẩn mực quốc tế cùng cách truyền tải kiến thức dễ hiểu, sáng tạo của đội ngũ giảng viên, từ đó định hướng ngành nghề đi làm cho sinh viên ngay từ khi các em ngồi trên ghế nhà trường.

Như mới đây, mô hình Game-based Learning trong giảng dạy học phần Tài chính cá nhân đã được các giảng viên ngành Tài chính Ngân hàng tiên phong ứng dụng trong giảng dạy. Với phương pháp học tập dựa trên nền tảng trò chơi, mô hình giảng dạy thú vị này đã giúp sinh viên thúc đẩy tư duy phản biện và kĩ năng giải quyết vấn đề hiệu quả.

Mô hình Game-based Learning được các giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng tiên phong ứng dụng trong giảng dạy học phần Tài chính cá nhân

Đặc biệt, cơ hội việc làm của ngành Tài chính Ngân hàng luôn rộng mở, ví dụ như cả khi dịch bệnh Covid-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế của thế giới thì đây vẫn là ngành nghề trọng yếu, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến việc luân chuyển tiền tệ của nền kinh tế và đóng vai trò định hướng chiến lược chính sách tiền tệ. Hoàng Lan cho rằng: “Việc luân chuyển tiền tệ luôn được vận hành giống như các mạch máu trong cơ thể vì nó có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống nên dù nền kinh tế có phát triển hay khủng hoảng thì triển vọng việc làm của ngành không bao giờ hạn hẹp.” 

Tất cả những yếu tố đó đã tạo động lực để Hoàng Lan xác định ngành học và ươm mầm giấc mơ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này.

Chặng 2 - Chạy đà: Nghiên cứu khoa học và “vi vu thế giới” trong các lớp học quốc tế tại UEB - FFB

Sau khi xác định mục tiêu nghề nghiệp, Hoàng Lan đã xây dựng lộ trình học tập và bồi dưỡng kỹ năng để hoàn thiện bản thân. Không còn sự rụt rè, nhút nhát của cô học sinh ngày nào, khi trở thành sinh viên UEB - FFB (ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN), Lan tự nhủ, phải va vấp mới giúp mình trưởng thành hơn. Hoàng Lan lựa chọn tham gia nghiên cứu khoa học - để được tiếp cận với khối tri thức bao la của nhân loại.

Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng tích cực “truyền lửa” đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên với đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, trong đó có nhiều thầy cô là những nhà khoa học, học giả nổi bật với nhiều bài báo công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế, nằm trong danh mục ISI/Scopus. Trong mỗi mùa nghiên cứu khoa học sinh viên, sinh viên của ngành Tài chính Ngân hàng đều tham gia rất tích cực với nhiều công trình chất lượng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu, trong đó, nhiều công trình được nghiên cứu và trình bày bằng Tiếng Anh.

Phong trào Nghiên cứu khoa học sinh viên là một trong những thế mạnh của Khoa Tài chính Ngân hàng

“Điều tuyệt vời nhất mà mình có được khi là sinh viên UEB - FFB đó là được tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học và có thầy cô hướng dẫn cực kỳ tâm lý, nhiệt tình và tận tâm. Thầy cô luôn đồng hành cùng mình suốt khoảng thời gian nghiên cứu khoa học, hỗ trợ mình thu thập dữ liệu trong các hội thảo, dạy mình tư duy và dạy mình cả kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình để mình có được một đề tài tốt nhất.” - Hoàng Lan tâm sự.

Bên cạnh thế mạnh về nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo ngành Tài chính Ngân hàng mang tính quốc tế hóa và ứng dụng cao giúp sinh viên UEB - FFB thường xuyên được tham gia những lớp học đặc biệt - “lớp học không biên giới”. Với đặc quyền này, sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN nói chung và sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng nói riêng có vô vàn cơ hội tham gia các lớp học cùng chuyên gia, giảng viên và sinh viên quốc tế giảng dạy trực tiếp tại UEB.

Các lớp học xuyên biên giới thường xuyên được tổ chức tại UEB - FFB

“Trong suốt 4 năm học tại UEB, mình đã có nhiều cơ hội tham gia vào các chương trình và tiết học được dạy bởi các giáo sư, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là khi tham gia vào lớp học về Tài chính Xanh, được dạy bởi một chuyên gia nước ngoài trong năm 2 đại học. Chuyên gia đã truyền đạt rất dễ hiểu về khái niệm của tài chính xanh cũng như các ứng dụng cụ thể của nó trong các dự án và hoạt động kinh doanh, đến bây giờ mình vẫn rất nhớ và ấn tượng, bài học này giúp mình hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tài chính xanh và vai trò của nó trong sự phát triển bền vững của kinh tế, xã hội và môi trường. Trải nghiệm này không dừng lại ở việc tiếp nhận kiến thức mà còn là một cơ hội để mình mở rộng tầm nhìn, trau dồi kỹ năng giao tiếp và trở thành công dân toàn cầu.”

Bên cạnh đó, với mạng lưới đối tác hơn 60 trường Đại học danh giá trải rộng khắp châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… UEB cũng mang đến cho sinh viên cơ hội đi trao đổi quốc tế và các suất học bổng của nhiều khóa đào tạo ngắn hạn.

Hoàng Lan tự hào chia sẻ: “Mình có cơ hội được nhận được học bổng trao đổi SHARE Collaborative Online International Learning (COIL) với sự kết hợp giảng dạy giữa giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Trường Đại học Kebangsaan, Malaysia và Trường Đại học Cambodia. Dù chỉ tham gia online nhưng mình đã được làm quen với những người bạn quốc tế mới, các bạn thân thiện, nhiệt tình lắm. Khóa trao đổi giúp mình rèn luyện được khả năng giao tiếp và thuyết trình bằng tiếng Anh, làm việc teamwork, cùng nhau tìm hiểu, giao lưu về văn hóa, du lịch, ẩm thực giữa các quốc gia.”

Hoàng Lan cũng tham gia chương trình Trường hè Khoa học Việt Nam (Vietnam Summer School of Science) để tích lũy kiến thức và kỹ năng cho bản thân

Chặng 3 - Tăng tốc: Tham gia các câu lạc bộ học thuật và nghệ thuật, các cuộc thi, thực tập thực tế để phát triển bản thân toàn diện

“Quãng thời gian 4 năm học đại học của mình thật sự đầy ắp những trải nghiệm đáng nhớ và ý nghĩa. Mình đã tham gia nhiều hoạt động sinh viên, các seminar, workshop chuyên môn do Khoa/Trường tổ chức và tham gia câu lạc bộ Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES). Mình cũng đảm nhận vị trí trong ban tổ chức của cuộc thi chuyên môn “Hiểu đúng về tiền”, cuộc thi về bảo vệ môi trường Think and Action for Green Environment - TAGE 2021 nằm trong dự án Green Impact VietNam, giúp mình phát triển kỹ năng tổ chức sự kiện và quản lý công việc, được kết nối với rất nhiều những chuyên gia đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn khác nhau. Đây cũng chính là cách giúp mình tích lũy kinh nghiệm làm việc để có thể hòa nhập ngay với thị trường lao động sau này.”

Hoàng Lan luôn tích thực tham gia các hoạt động của câu lạc bộ RCES - UEB

Hoàng Lan cũng chia sẻ rằng bên cạnh các chương trình, cuộc thi đặc thù cho sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng như SV Tài chính thì các chuyến field trip, thực tập thực tế tại ngân hàng, doanh nghiệp, tập đoàn đặc biệt quan trọng để sinh viên học nhanh, hiểu nhanh và ứng dụng tốt nhất kiến thức vào thực tế. Mỗi chuyến đi, sinh viên được tham quan các mô hình hoạt động gắn liền với chuyên ngành đào tạo chuyên sâu để có cái nhìn tổng quát hơn về doanh nghiệp, học hỏi từ những kinh nghiệm quản lý và nghiên cứu từ các chuyên gia. Đây là tiền đề để sinh viên xây dựng nền tảng kiến thức và kinh nghiệm, với định hướng trở thành những nhà phân tích tài chính, chuyên gia tài chính quốc tế… trong tương lai.

Trên hành trình chinh phục mục tiêu chắc chắn sẽ có những khó khăn, thách thức. “Khoảng thời gian làm khóa luận thật sự là một thử thách rất lớn đối với mình. Mình lựa chọn một đề tài khá khó, còn mới và trong quá trình nghiên cứu, mình đã gặp rất nhiều khó khăn. Lĩnh vực mà mình chọn rất rộng, lượng kiến thức về cả chuyên môn và mô hình đều nhiều. Có những ngày mình đọc mãi cũng không hiểu gì hay có những ngày chạy mô hình đến mức laptop cũng không chịu nổi và tự tắt nguồn. Cũng vào thời điểm đó, Việt Nam đang đối mặt với đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, mình phải ở lại Hà Nội một mình khiến bản thân thấy bất lực và tuyệt vọng. Nhưng may mắn thay, mình có sự hỗ trợ rất lớn từ TS. Lê Hồng Thái - Giảng viên hướng dẫn khóa luận của mình, thầy luôn động viên, tin tưởng rằng mình sẽ làm được. Ngay cả khi đến gần deadline nộp bài, mình vẫn chưa hoàn thành mô hình, bài viết vẫn còn dang dở, thầy vẫn truyền động lực tích cực cho mình. Cuối cùng, mình cũng đã hoàn thành xuất sắc khóa luận và tốt nghiệp. Đó thực sự là một cảm giác rất tuyệt vời và mình rất vui mừng vì đã vượt qua được thử thách đó.” - Hoàng Lan tâm sự.

Thầy cô, gia đình, bạn bè là điểm tựa vững chắc luôn đồng hành cùng Lan trong suốt 4 năm đại học

Chặng 4 - Chinh phục

“Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình” - sau những nỗ lực trau dồi, rèn luyện cùng các kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng trong 4 năm trên giảng đường, Hoàng Lan đã chinh phục mục tiêu nghề nghiệp đã đặt ra. 

“Công việc đầu tiên mình nhận được đó là làm tại Phòng Công cụ định lượng và Mô hình rủi ro - Khối Quản trị rủi ro của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), đúng với định hướng mà mình đã theo đuổi khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu khoa học. Ở đây, mỗi ngày mình đều học thêm được những kiến thức mới. Mình nâng cao kỹ năng coding, hiểu sâu hơn về toán, nghiên cứu thêm nhiều các thuật toán mới, các kỹ thuật xử lý làm sạch dữ liệu hay cách quản trị dữ liệu. Mình cũng thực hiện xây dựng, kiểm định, hiệu chỉnh các mô hình credit scoring, mô hình cảnh báo sớm… và tham gia các dự án lớn, xây dựng hệ thống cùng đối tác trong nước và quốc tế.”

Hoàng Lan (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh cùng đồng nghiệp tại Ngân hàng TPBank 

Đặc biệt, hiện tại, khi đã chuyển sang mảng Risk Data và Modelling tại TPBank, Hoàng Lan càng trân quý những kiến thức được thầy cô dạy và hiểu hơn giá trị của các buổi workshop, tọa đàm chuyên môn đã tham gia ở UEB. “Hai học phần Commercial Bank Management (Quản trị Ngân hàng thương mại) và Bank Credit (Tín dụng ngân hàng) trong chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị Ngân hàng đã giúp mình có kiến thức nền móng và hiểu về hoạt động của ngân hàng thương mại, các vấn đề pháp lý liên quan, các chiến lược tối ưu hiệu quả hoạt động, cũng giúp mình nắm vững các nguyên tắc, phương pháp đánh giá, quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả… Đây là những kiến thức quan trọng và mình được áp dụng trực tiếp trong công việc hiện tại.” - Lan chia sẻ.

Với phương pháp đào tạo gắn liền với thực tiễn, ngành Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tạo nền tảng kiến thức vững chắc, mang đến những cơ hội, vị trí việc làm đa dạng cho các thế hệ sinh viên. Mặt khác, gắn với triết lý quốc tế hóa giáo dục của Nhà trường, sinh viên UEB - FFB nói riêng và sinh viên UEB nói chung có nhiều cơ hội giao lưu, học tập với bạn bè quốc tế, phát huy toàn diện, trở thành công dân toàn cầu.

“Nếu như được chọn lại, mình vẫn sẽ chọn ngành Tài chính Ngân hàng, vẫn kiên định lựa chọn Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN! Cảm ơn UEB - FFB vì đã giúp mình tự tin hơn, trưởng thành hơn, giỏi giang hơn để cho đến bây giờ và mai sau nữa sẽ luôn tự hào là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN!”

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là trường đại học đầu tiên có 2 chương trình đào tạo (trong đó có ngành Tài chính Ngân hàng) thuộc nhóm ngành Quản trị - Quản lý được đánh giá ngoài có tỷ lệ số tiêu chí đạt 100% theo tiêu chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT.

Đăng ký để trở thành sinh viên Ngành Tài chính Ngân hàng (Mã ngành: QHE41) với các chuyên ngành: 

🔸 Đầu tư tài chính

🔸 Tài chính doanh nghiệp

🔸 Quản trị ngân hàng

🔸 Tài chính công

🔸 Bảo hiểm, hưu trí

Thông báo tuyển sinh đại học 2024 TẠI ĐÂY

Đăng ký xét tuyển online TẠI ĐÂY


Thu Uyên - UEB Media

FullName Email
Address Security code ARFOBB
Content

Other News