Quan điểm coi nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng cho sự bứt phá và nâng cao năng lực cạnh tranh được nhiềacu trường đại học hàng đầu thế giới như: Princeton, Oxford, Yale, MIT, Caltech… đặc biệt chú trọng. Những câu lạc bộ (CLB), vườn ươm sáng tạo ra đời tại các trường đại học này đã ươm tạo, ra hoa kết trái nhiều tài năng và công trình khoa học có giá trị cao được thế giới biết đến. Sự ra đời của CLB các nhà khoa học trẻ ĐHQGHN là một điển hình trong việc thu hút, nuôi dưỡng tài năng khoa học ở Việt Nam.
>>>> Nơi tiếp sức cho các nhà khoa học trẻ (pdf)
Nơi ươm tạo tài năng
Tọa lạc trong khuôn viên 50 hecta ở thành phố Pasadenna, California, Viện Công nghệ California (Caltech) được thế giới biết đến như một thiên đường của khoa học và phát triển công nghệ đỉnh cao. Bên cạnh những nhà khoa học lão luyện đoạt giải Nobel, những tài năng trẻ khắp thế giới đang hội tụ về đây để phát triển những công nghệ đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ, phát triển những siêu vật liệu, những kỹ thuật y sinh mới,… Không phải ngẫu nhiên mà những nhà khoa học trẻ nơi đây kết thành những nhóm liên kết chặt chẽ để thường xuyên trao đổi, thảo luận những khám phá mới, các phương pháp nghiên cứu đặc sắc và cách thức để tiếp cận và thực tập tại những phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới như JPL (NASA) vốn là niềm tự hào của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) và Caltech. Tuy không phải là một câu lạc bộ, nhưng văn hóa cộng đồng của Caltech đã kết nối các nhà nghiên cứu trẻ như những thành viên trong một gia đình.
Tọa lạc ở thành phố Cambridge của tiểu bang Massachusetts, thuộc vùng Đông Bắc Mỹ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được thành lập vào năm 1861 nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp Mỹ. Tại MIT, số lượng sinh viên sau đại học nhiều hơn sinh viên đại học (chiếm khoảng 60% tổng số). Nhiều chương trình sau đại học được xếp trong số 10 chương trình hàng đầu của nước Mỹ. Tại ngôi trường danh giá này, những nhóm nhà khoa học trẻ được thành lập. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và cùng thảo luận những hướng nghiên cứu tiềm năng cùng các nhà khoa học trẻ. MIT luôn ưu tiên tạo nên một bầu không khí học thuật và văn hóa sáng tạo cho những nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ mới chập chững bước vào “nghề”. Rất nhiều công trình nghiên cứu đột phá, các công bố quốc tế trên những tạp chí hàng đầu thế giới như Nature, Science do các nhà khoa học trẻ của MIT đứng tên.
Về thực chất, mỗi trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trong các trường đại học hàng đầu đã là một CLB dành cho các nhà nghiên cứu trẻ. Với cơ chế đặc thù, được làm việc trong môi trường thuận lợi dưới sự hướng dẫn của những nhà khoa học hàng đầu, những “câu lạc bộ” này như thỏi nam châm thu hút những người trẻ tài năng vào làm việc. Không chỉ ở Mỹ, châu Âu, các đại học hàng đầu châu Á như ĐH Tokyo, ĐH Bắc Kinh, JAIST, KIST, ĐH Quốc gia Singapore đã tạo dựng những cơ chế để thu hút tài năng khắp thế giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến năng suất khoa học của châu Á tăng nhanh trong vài năm gần đây. Phần lớn, những trường đại học này xây dựng các vườn ươm hoặc các công ty khởi nghiệp (spin- in, spin-off) để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, tiềm năng. Thông qua các cuộc thi, những ứng viên trẻ tiềm năng được chọn lọc và “sống thử” trong những “câu lạc bộ” này. Không ít những sản phẩm khoa học công nghệ, ý tưởng kinh doanh xuất sắc khởi nghiệp từ nơi đây.
Trẻ về độ tuổi nhưng chín về công việc
Ở Việt Nam, các CLB nhà khoa học trẻ đã phát triển nhanh ở một số trường đại học lớn, tuy nhiên hoạt động còn hạn chế về chính sách, cơ chế đãi ngộ và mang nặng tính hình thức. Những CLB này chưa thực sự tạo động lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ.
Nhận thức được những hạn chế đang tồn tại của một số CLB trong nước, đồng thời tích hợp kinh nghiệm và mô hình hoạt động của những CLB, nhóm nghiên cứu trẻ từ các trường đại học hàng đầu thế giới, ĐHQGHN đã thành lập CLB các nhà khoa học trẻ. Đây cũng là một hoạt động cần thiết nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ở ĐHQGHN trong khi đội ngũ cán bộ trẻ đang phát triển mạnh mẽ, trong đó có nhiều tiến sĩ trẻ được đào tạo từ nước ngoài. Mục đích của CLB là giúp các nhà khoa học trẻ ĐHQGHN kết nối với nhau để tạo ra ý tưởng nghiên cứu mới và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, từ đó phát huy chất xám của các nhà khoa học trẻ vào quá trình phát triển đất nước và ĐHQGHN. CLB hoạt động dựa trên sự thân thiện, tâm huyết và “giữ lửa” để đạt hiệu quả, là nơi để mọi người học hỏi và cùng nhau làm việc. Đặc biệt, CLB sẽ kết nối những người làm chính sách, những người có khả năng hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế với các nhà khoa học trẻ.
Theo Giám đốc kiêm Chủ tịch CLB nhà khoa học trẻ ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ, CLB là ngôi nhà và vườn ươm cho những tài năng trẻ của ĐHQGHN đơm hoa, kết trái. Việc thành lập CLB là một trong các nhiệm vụ trong lộ trình xây dựng ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu mạnh ở Việt Nam và thế giới.
Là người có niềm tin mạnh mẽ vào thế hệ trẻ, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc thành lập CLB như vậy là một nhu cầu cấp thiết để gắn kết những tài năng trẻ, tạo môi trường học thuật và tự do sáng tạo để những tài năng này phát huy cao độ tài năng và niềm say mê, dấn thân trên con đường khoa học. ĐHQGHN đang chuẩn bị xây dựng đề án thực hiện cơ chế đặc thù để thu hút, đãi ngộ các nhà khoa học có trình độ cao, tài năng của ĐHQGHN. Đây cũng là mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong dịp đến thăm và làm việc với ĐHQGHN đã nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách thu hút tài năng vào giảng dạy, nghiên cứu tại ĐHQGHN, để ĐHQGHN thực hiện được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng, nhiệm vụ đặt ra cho ĐHQGHN là rất lớn và nặng nề, nhưng với sự đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, ĐHQGHN tiếp tục vươn lên trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển của quốc gia, góp phần đưa đất nước hội nhập và phát triển thành công, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ĐHQGHN.
Khoa học vị nhân sinh
Trách nhiệm của nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN nói riêng là phải tham gia giải quyết những bài toán khó của đất nước, hướng tới cái đích là chất lượng cộng đồng. Giám đốc Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tuổi trẻ ĐHQGHN không vì những ánh hào quang của truyền thống vẻ vang mà ngủ quên trước nhiệm vụ hiện tại, nếu không sẽ bị tụt hậu. Chỉ có nghiên cứu và sáng tạo mới giúp ĐHQGHN bứt phá trên bản đồ các trường đại học trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, giá trị của sản phẩm khoa học là phải giải quyết những vấn đề khoa học, vấn đề cuộc sống và kinh tế - xã hội, không để tình trạng đề tài nghiên cứu nằm ngăn kéo, chạy theo thành tích. “Nghiên cứu không được tự phát, cảm tính mà phải hướng tới phục vụ cộng đồng. Khoa học vị nhân sinh chứ không nên khoa học vị khoa học. Nhà khoa học của ĐHQGHN phải luôn tự nhủ là đã đóng góp gì cho cộng đồng, chính vì vậy phải thoát khỏi bốn bức tường phòng thí nghiệm và không ngừng tìm kiếm xem cộng đồng cần gì ”, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Vì vậy, đến với CLB, các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN sẽ tự trang bị cho mình những cách tiếp cận mới, hiệu quả trong nghiên cứu khoa học. Mỗi nhóm sản phẩm có yêu cầu riêng do đó các nhà khoa học trẻ cần nhận dạng các tiêu chí để tạo ra sản phẩm độc đáo. Chẳng hạn như nhóm sản phẩm về KHXH&NV cần gắn với doanh nghiệp, thực tiễn của đất nước trong khi nhóm sản phẩm về khoa học tự nhiên cần đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại để thực hiện những nghiên cứu mũi nhọn, những sản phẩm công nghệ ứng dụng tiềm năng. Mặt khác, những nhóm ngành lĩnh vực nào phát triển trên nền nghiên cứu mạnh, ĐHQGHN sẽ chú trọng đầu tư để nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế. Việc giao nhiệm vụ nghiên cứu cần chú trọng theo hướng từ dưới lên (bottom - up) và đúng người, đúng khả năng, đúng việc. Giám đốc Phùng Xuân Nhạ dẫn ví dụ, không thể giao 1 tạ cho người chỉ nâng được 50kg và cũng không nên giao quả tạ 50kg cho một người có thể nâng được 1 tạ.
Quan tâm thật phải đi đôi với đầu tư thật, không thể giao nhiệm vụ mà không đầu tư. Cuộc sống vốn đa dạng, do đó nghiên cứu liên ngành là một trong những hướng chủ đạo và là thế mạnh của ĐHQGHN. Vì CLB tập hợp nhiều nhà khoa học trẻ thuộc nhiều lĩnh vực sẽ tạo nên môi trường nghiên cứu liên ngành, làm việc theo mạng lưới - “net working”.
Xem bài gốc tại đây >>