Chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại, Khoa Kinh tế Quốc tế (KTQT), Trường Đại học Kinh tế - - ĐHQGHN với nhiều ưu việt so với chương trình hệ chuẩn, là một trong những chương trình đào tạo đầu tiên trên cả nước được kiểm định chất lượng. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình này do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) xây dựng dựa trên các chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của các nước phát triển.
Chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao (CLC) ngành Kinh tế Đối ngoại (KTĐN) được triển khai với chủ trương phát hiện và đào tạo những sinh viên ưu tú thông qua việc ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập theo hướng tiếp cận chuẩn chất lượng của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Chương trình được thiết kế theo hướng chuẩn đầu ra (outcome-based), trên cơ sở các chương trình kinh tế quốc tế có uy tín trên thế giới như chương trình của trường Đại học Chololongkorn, Đại học Georgetown, Đại học Bocconi, Đại học Paris XII (ĐH Georgetown là một trong số 25 trường đại học hàng đầu của Mỹ về đào tạo cử nhân ngành kinh tế quốc tế). Chương trình được các giáo sư của một số đại học uy tín trên thế giới như Đại học Wisconsin Eau - Claire (Mỹ); Đại học Keio, Nhật Bản đánh giá cao.
100% giảng viên tham gia giảng dạy chương trình này đều có học vị Tiến sĩ trở lên và nhiều giảng viên được đào tạo ở các đại học lớn, có uy tín của Anh, Mỹ như: ĐH Cambridge (Anh), ĐH New York (Mỹ), ĐH East Anglia (Anh)…, có kinh nghiệm giảng dạy tại các đại học nước ngoài. Sinh viên CLC KTĐN có nhiều cơ hội tham dự hội thảo trong nước và quốc tế, trao đổi học thuật với sinh viên quốc tế.
Cho đến nay chương trình đã có hai khóa sinh viên tốt nghiệp, nhìn chung được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Sinh viên tốt nghiệp có kiến thức chuyên môn học thuật hiện đại, sử dụng tốt tiếng Anh, thành thạo tin học và có những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm để có thể làm việc, nghiên cứu ở cả môi trường trong nước và quốc tế. Một số sinh viên, điển hình là em Nguyễn Đình Minh Anh, gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN, đã được các trường đại học của Mỹ tuyển nhận đào tạo PhD (Tiến sĩ). Nhiều sinh viên tốt nghiệp hiện đang công tác tại các công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Chất lượng đầu ra được khẳng định sau hai khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên đã khiến chương trình thu hút được ngày càng nhiều sinh viên ưu tú nhập học.
Năm 2008 ĐHKT đã đăng ký kiểm định chất lượng chương trình này theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của ĐHQGHN. Báo cáo tự đánh giá chương trình đã được hoàn thành và đệ trình lên Hội đồng Kiểm định Chất lượng ĐHQGHN vào tháng 8/2009. Đầu tháng 11/2009, Đoàn đánh giá ngoài đã về làm việc tại Trường để xác minh các nội dung trong Báo cáo tự đánh giá, đồng thời phỏng vấn trực tiếp cán bộ, giảng viên và sinh viên của chương trình.
Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng của ĐHKT nói chung và Khoa Kinh tế Quốc tế nói riêng. Tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo là Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được ĐHQGHN nghiên cứu và xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn của một số trường đại học danh tiếng trên thế giới, có điều chỉnh phù hợp với giáo dục đại học trong nước và được GS.TSKH Bành Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao.Ông cho rằng bộ tiêu chuẩn đã tích hợp các yếu tố quốc tế và được điều chỉnh phù hợp với giáo dục đại học trong nước, do vậy có thể triển khai áp dụng đối với các chương trình đào tạo trong các trường đại học tại Việt Nam.
Ngày 09 và 10/1/2010, Hội đồng Kiểm định chất lượng ĐHQGHN đã tiến hành phiên họp thứ VIII dưới sự chủ trì của GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng, nhằm thẩm định kết quả đánh giá ngoài chương trình này. Tham dự phiên họp này PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã báo cáo tình hình triển khai chương trình đào tạo cử nhân CLC KTĐN, những nỗ lực của nhà trường và Khoa KTQT trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên, cải tiến chương trình, cải tiến phương pháp giảng dạy; nhận định những thế mạnh của chương trình cũng như những điểm cần khắc phục; xác định hướng phát triển cho chương trình; báo cáo và chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình triển khai tự đánh giá. Kết quả thẩm định hồ sơ tự đánh giá, đánh giá ngoài của đoàn đánh giá, cũng như cách thức làm việc, phân tích các tiêu chí, đánh giá những gì đạt được và chưa đạt được của Hội đồng cho thấy, mặc dù đâylà lần đầu tiên kiểm định chương trình đào tạo ở Việt Nam nhưng quá trình này đã được triển khai một cách một cánh nghiêm túc, chính xác và tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Sau khi kiểm định ở cấp ĐHQGHN, trong năm 2010, Trường ĐHKT và Khoa KTQT dự kiến đăng ký kiểm định chương trình này theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của Mạng lưới các trường đại học trong khu vực ASEAN (AUN-QA). Mục tiêu dài hạn của Trường là đưa chương trình lên ngang tầm các chương trình quốc tế và có thể liên thông đào tạo với các chương trình tương tự của Châu Âu và Mỹ.