Trang tin tức sự kiện

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được tiến hành ngày 16/6/2020. Dự Đại hội có 124 đại biểu chính thức, thay mặt cho tổng số 172 đảng viên của Đảng bộ. Tại phiên bế mạc, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ban biên tập website Trường ĐHKT trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết:


>> Download nghị quyết đại hội tại đây.
 

NGHỊ QUYẾT

Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

 

Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) lần thứ VI được tiến hành ngày 16 tháng 6 năm 2020. Dự Đại hội có 124 đại biểu chính thức, thay mặt cho tổng số 172 đảng viên của Đảng bộ.

Đại hội đã thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Thảo luận, góp ý cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ VI; Thảo luận, biểu quyết và thông qua những nội dung quan trọng trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khóa V, nhiệm kỳ 2015-2020; bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI.

Đại hội lần thứ VI Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

 

QUYẾT NGHỊ

 

1. Thông qua dự thảo các Báo cáo trình Đại hội: Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khóa V, nhiệm kỳ 2015-2020, gồm những nội dung chủ yếu sau:

1.1. Về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020

1.1.1. Những thành tựu, ưu điểm nổi bật của Đảng bộ đã đạt được trên các lĩnh vực

a) Thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Đột phá trong công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển đổi và mở mới các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Công tác tuyển sinh: Giai đoạn 2015-2020, công tác tuyển sinh được đổi mới, đột phá căn bản. Phòng Tuyển sinh được thành lập mới năm 2018 đã giúp cho hoạt động tư vấn tuyển sinh trở nên chuyên nghiệp, đa dạng, lan tỏa thương hiệu Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) đến gần hơn với xã hội nói chung, thí sinh và phụ huynh nói riêng. Số sinh viên đại học tăng vượt bậc trong giai đoạn 2015-2020.

Công tác đào tạo: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, công tác đào tạo đã được đổi mới theo hướng quốc tế hoá. Các chương trình đào tạo được chuyển đổi theo hướng tự phí chất lượng cao.

- Phát triển quy mô và cơ cấu hợp lý các chương trình đào tạo (Quy mô đào tạo trong nước hiện nay đạt 4.779 người học) và tăng nhanh theo từng năm, giai đoạn 2016-2019 tăng từ 20,7% lên 81,7%.

- Phát triển ngành, chuyên ngành: Chuyển đổi 100% chương trình đào tạo đại học theo hướng tự phí, chất lượng cao, mở rộng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

- Đột phá trong đổi mới hoạt động đào tạo theo hướng quốc tế hoá, thúc đẩy mạnh mẽ việc trao đổi sinh viên và giảng viên với các trường đối tác trên thế giới.

- Ứng dụng hệ thống học tập trực tuyến, chú trọng đẩy mạnh tính thực tiễn của các chương trình đào tạo. 

Công tác Đảm bảo chất lượng (ĐBCL): Đảng ủy chú trọng và hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra tại Đại hội Đảng bộ lần thứ V.

- Hoàn thành (i) kiểm định chất lượng Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) đối với chương trình cử nhân; (ii) đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học; (iii) đánh giá chất lượng CTĐT chuẩn trình độ đại học đối với 03 ngành TCNH_CLC, Kế toán và Kinh tế; (iii) Hoàn thành chu kỳ đánh giá Trường theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT.

- Tăng cường các điều kiện ĐBCL và từng bước xây dựng hệ thống ĐBCL bên trong tiến tới xác định phương hướng và nguồn lực để thực hiện đánh giá Trường theo chuẩn quốc tế. 

- Hình thành hệ thống phản hồi thông tin với các bên liên quan nhằm phục vụ công tác đánh giá nâng cao chất lượng và kiểm định.

- Hình thành các quy trình thủ tục trong việc kiểm soát các hoạt động dạy và học để hướng đến kiểm tra đánh giá người học theo chuẩn đầu ra đã công bố.

Công tác sinh viên: Hoạt động quản lý, hỗ trợ người học ở tất cả các khâu trong quá trình đào tạo được giám sát chặt chẽ. Việc thành lập tổ 24/7 đã kết nối kịp thời, xử lý nhanh chóng các phản hồi của người học với các bộ phận chức năng của Nhà trường.

- Các đơn vị trong Trường đã thực hiện tốt công tác chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của sinh viên trong bối cảnh mới. Hàng năm, Nhà trường tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, hội nghị cán bộ đoàn lớp cho sinh viên, các công tác chỉ đạo đảm bảo an ninh chính trị nội bộ trong sinh viên được đẩy mạnh và giám sát chặt chẽ.

- Công tác đảm bảo quyền lợi cho sinh viên được thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời, đặc biệt là các hệ thống học bổng từ học phí và học bổng tài trợ từ xã hội, các tổ chức quốc tế.

- Ngoài việc chăm lo đời sống cho sinh viên, Nhà trường chú trọng công tác hướng nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm, nâng cao kỹ năng mềm để chuẩn bị hành trang lập nghiệp thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn miễn phí, đem đến cho sinh viên những trải nhiệm thực tiễn sinh động bởi những diễn giả trong và ngoài nước có uy tín, có tầm ảnh hưởng cao trong xã hội.

Kết nối bền vững các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo thế và lực phát triển các sản phẩm nghiên cứu khoa học trọng điểm, ứng dụng và chuyển giao

Phát triển các nhóm nghiên cứu và phòng nghiên cứu trọng điểm hướng tới các sản phẩm quốc gia, quốc tế: Hiện nay, Trường ĐHKT có 13 nhóm nghiên cứu với các hướng nghiên cứu chiến lược đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó có 04 nhóm nghiên cứu mạnh, 01 nhóm nghiên cứu tiềm năng và 01 phòng nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN, hoàn thành vượt bậc nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Tăng cường chất lượng các sản phẩm khoa học gắn với xuất bản quốc tế: Công bố quốc tế của Trường đã tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Phát triển mạnh mạng lưới học thuật, tổ chức nhiều hội thảo mang tầm quốc tế:      Tổ chức thành công nhiều hội thảo lớn trong nước và quốc tế; hình thành các chuỗi Hội thảo quốc tế: Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam; chuỗi hội thảo thường kỳ về hội nhập kinh tế quốc tế (CIECI); Chuỗi hội thảo về Tài chính xanh, quản trị công ty trong ngân hàng; chuỗi hội thảo về Năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp Việt Nam… Đặc biệt, Hội nghị kinh tế trẻ Châu Á năm 2019, Diễn đàn sinh viên Châu Á GPAC 2019 đã tạo được tiếng vang lớn, là một trong các sự kiện tiêu biểu của ĐHQGHN.

Nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển và hướng tới quốc tế hóa
Đột phá trong hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên quốc tế, tạo dựng được uy tín nhất định với các đối tác quốc tế và dần dần trở thành điểm đến của tri thức toàn cầu.

Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu: Thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 50 đối tác quốc tế và các trường đại học có kiểm định và xếp hạng cao trên thế giới. Chú trọng tới việc quốc tế hoá môi trường học tập, thông qua các thoả thuận hợp tác trao đổi sinh viên quốc tế với việc sinh viên được học tập từ 01 đến 02 kỳ học miễn học phí tại hơn 30 trường đối tác trên khắp các châu lục. Đồng thời, Trường đã hợp tác với các đối tác quốc tế đấu thầu thành công 10 dự án quốc tế để tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo.

Liên kết đào tạo quốc tế được tiếp tục duy trì và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ: Nâng cao năng lực giảng dạy và tiếp thu các công nghệ, phương pháp giảng dạy tiên tiến. Ngoài ra, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế còn góp phần cải tiến chương trình, giáo trình, học liệu, nâng cao cơ sở vật chất của Trường.
Tăng cường nguồn lực thông qua thu hút tài trợ và học bổng từ các doanh nghiệp, tổ chức, đối tác của trường.
Đổi mới cơ cấu tổ chức, phát triển và hoàn thiện năng lực đội ngũ
Điều chỉnh, sắp xếp và phát triển cơ cấu tổ chức định hướng đại học nghiên cứu ứng dụng: Thực hiện nâng cấp và thành lập mới 07 đơn vị. Trong đó, một trong những điểm đột phá trong công tác tổ chức trong nhiệm kỳ vừa qua là Trường đã thành lập Phòng Tuyển sinh nhằm chuyên nghiệp hóa công tác tạo nguồn tuyển sinh. Thành lập các tổ công tác có tính linh hoạt, sử dụng nhân sự kiêm nhiệm để tăng cường hiệu quả quản lý và thực hiện các nhiệm vụ cần phản ứng nhanh và sự phối hợp của nhiều đơn vị mà không phát sinh nhân sự hành chính.
Phát triển nguồn nhân lực, từng bước đảm bảo chất lượng và số lượng

- Chất lượng và số lượng nguồn nhân lực về cơ bản đã đạt được mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020.

- Đẩy mạnh các chương trình đào tạo nội bộ, phát triển đội ngũ giảng viên và chuyên viên theo mục tiêu, định hướng cụ thể nhằm từng bước cải thiện phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, chất lượng công bố quốc tế của giảng viên và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ hành chính.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính

- Nguồn lực tài chính, nguồn thu ngoài ngân sách được tăng cường; đảm bảo nguyên tắc công khai tài chính.

- Công khai, minh bạch mọi hoạt động của Trường góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác điều hành ngân sách đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật và định hướng của Đảng ủy. 

Nâng cao hiệu quả công tác hành chính, thanh tra, pháp chế, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, truyền thông, tạp chí xuất bản

- Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa, triển khai đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin.

- Công tác thanh tra được thực hiện chuyên nghiệp, góp phần đảm bảo kỷ cương, chất lượng công tác đào tạo của Trường. Công tác pháp chế bước đầu đã có các tư vấn quan trọng cho sự phát triển và việc triển khai các hoạt động của Nhà trường.

- Về cơ sở vật chất, giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn khẳng định sự đột phá mạnh mẽ về cơ sở vật chất. Đảng ủy đặc biệt chú trọng công tác đầu tư có trọng điểm, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực. Hệ thống các giảng đường, phòng làm việc của Trường được cải tạo, sửa chữa, sắp xếp tinh gọn và đầu tư hệ thống trang thiết bị theo hướng hiện đại. Đặc biệt, trong năm 2019-2020, Nhà trường đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án - ĐHQGHN triển khai dự án "Mô hình thí điểm Trường Đại học xanh hướng tới tiết kiệm năng lượng tại Trường ĐHKT- ĐHQGHN".

- Quy mô các phòng học, phòng làm việc của Trường đã tăng 27% so với năm 2015, tăng mạnh so với chỉ tiêu đã đặt ra tại Đại hội Đảng bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020.

- Về công nghệ thông tin, Nhà trường tiến hành đầu tư có trọng điểm hạ tầng, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng giai đoạn.

- Từ năm 2018, công tác quản trị thương hiệu của Trường ĐHKT đã được chú trọng nhiều hơn. Với mục tiêu đổi mới để hội nhập quốc tế, xây dựng hình ảnh Trường ĐHKT - ĐHQGHN năng động, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện; đồng thời tiếp nối truyền thống và các thành tựu đã đạt được trong suốt 45 năm xây dựng - phát triển, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã ra mắt và đưa vào sử dụng logo mới kể từ tháng 5/2019.

- Về công tác tạp chí xuất bản, Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng các bài viết trong Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh đồng thời xuất bản/tái bản các đầu sách chuyên khảo và giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo.

b) Kết quả lãnh đạo công tác xây dựng Đảng
* Công tác chính trị tư tưởng

- Công tác chính trị tư tưởng được quan tâm, nâng cao hiệu quả; không có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, tạo sự thống nhất trong Đảng bộ.

- Công tác tuyên giáo luôn được cấp ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong công tác Đảng với quan điểm lời nói phải đi đôi với việc làm.

- Đảng bộ thường xuyên tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội trong toàn Đảng bộ được giữ vững. Toàn thể cán bộ, đảng viên luôn nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh đối với những quan điểm chính trị và luận điệu xuyên tạc.

* Công tác xây dựng Đảng

- Đảng ủy đã tiến hành kiện toàn, đổi mới cơ cấu nhân sự và tổ chức của Đảng ủy nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định một số vị trí chủ chốt trong Đảng ủy.

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch cấp ủy và cán bộ quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, bám sát định hướng phát triển của Đảng bộ trong nhiệm kỳ VI.

- Thực hiện tốt Quy chế làm việc của cấp ủy, của Ủy ban kiểm tra, ban hành chủ trương, nghị quyết, kết luận để lãnh đạo toàn Trường thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

- Công tác phát triển Đảng của Đảng bộ được thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ Trường đã kết nạp được 93 Đảng viên mới, trong đó có 66 Đảng viên là sinh viên. Quy mô Đảng bộ tăng từ 111 Đảng viên năm 2015 lên 172 Đảng viên.

- Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và Đảng viên, thực hiện kiểm điểm phê bình và tự phê bình đối với tập thể và cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng năm được thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

* Lãnh đạo công tác xây dựng chính quyền, đoàn thể

- Đảng ủy luôn nhất quán chủ trương xây dựng và phát triển Trường theo định hướng đại học nghiên cứu, từ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, tái cấu trúc đơn vị đến đổi mới hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

- Công tác lãnh đạo xây dựng đoàn thể luôn được kịp thời và tạo điều kiện để Công đoàn phát huy tốt vai trò của mình trong phối hợp với chính quyền, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Hội Cựu chiến binh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Trường.

- Chú trọng phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ là Đoàn viên thanh niên cũng như đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đoàn viên sinh viên.

- Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và thi đua, khen thưởng luôn được quán triệt, đề cao. Việc triển khai thực hiện các quy định điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế được cấp ủy thực hiện nghiêm túc.

1.1.2. Những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong nhiệm kỳ 2015-2020

a) Hạn chế, khuyết điểm

- Việc đổi mới chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh, tổ chức đào tạo chưa thực sự linh hoạt.

- Các chương trình/môn học đào tạo bằng tiếng Anh tăng trưởng chưa đáp ứng kịp với chiến lược quốc tế hoá của Trường.

- Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học tại Nhà trường chưa thực sự được đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả thực tế.

- Hoạt động Hợp tác phát triển (HTPT) chưa tận dụng tối đa mạng lưới của Trường và ĐHQGHN hướng tới các công trình nghiên cứu hoặc các dự án liên ngành, có tính lan toả cao.

- Trong giai đoạn vừa qua, chất lượng đội ngũ nhân sự vẫn còn hạn chế, tính hội nhập, chuyên nghiệp trong phương pháp và kỹ năng giảng dạy còn chưa cao.

- Chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng của các đơn vị hạch toán độc lập, đóng góp của các đơn vị đối với sự phát triển chung của Nhà trường chưa đồng đều và có phần hạn chế.

- Trong giai đoạn 2015-2020, hơn 70% số lượng phòng học, giảng đường của Nhà trường vẫn phải thuê ngoài, địa điểm các khu giảng đường phân tán nhiều nơi, gây khó khăn cho hoạt động đào tạo và sự phát triển thương hiệu của Trường.

- Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành chưa đầy đủ và đồng bộ.

- Công tác quán triệt, thực thi các nghị quyết, chủ trương của Đảng ủy cấp trên cũng như Đảng ủy Trường mặc dù đã được triển khai cụ thể tới các chi bộ, đảng viên, cán bộ, nhân viên Nhà trường, song đôi khi chưa đồng đều ở một số chi bộ.

b) Nguyên nhân chủ yếu
Nguyên nhân khách quan

- Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn giữa các trường đại học trong và ngoài nước. Cạnh tranh diễn ra trên nhiều phương diện, trong chia sẻ nguồn tuyển sinh, thu hút sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý giỏi, thu hút nguồn lực khoa học công nghệ...

- Các quy chế, quy định thay đổi nhiều, trong nhiều trường hợp còn chưa đồng bộ; cơ chế tài chính đối với các trường đại học còn có nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các hoạt động.

- Xu hướng tự chủ đại học, ngân sách Nhà nước ngày càng giảm; cơ sở vật chất khó khăn, giảng đường phải đi thuê với kinh phí lớn hàng năm.

- Công tác tuyển sinh sau đại học giảm mạnh do nhu cầu. Xu hướng lựa chọn du học tại nước ngoài ngày càng tăng.

Nguyên nhân chủ quan

- Công tác nghiên cứu, dự báo để xây dựng kế hoạch cho một số hoạt động còn chưa được thực hiện tốt dẫn đến một số chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ Trường ĐHKT lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 chưa có tính khả thi cao và chưa đạt được.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy mặc dù có sự quyết liệt tuy nhiên còn gặp tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Công tác phối hợp trong thực hiện các chỉ đạo của Đảng ủy giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể, giữa các đơn vị trong Trường đôi khi còn chưa đồng bộ và hiệu quả, thông tin chưa đầy đủ, kịp thời. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng chưa có sự đột phá; chất lượng công tác tư tưởng, tuyên truyền vẫn còn hạn chế.

- Nguồn thu chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách và thu học phí, lệ phí, các nguồn thu khác còn hạn chế.

- Hạn chế về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất; cơ chế thu nhập, khen thưởng mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ để khuyến khích và giữ chân cán bộ.

- Chưa triển khai được một cách đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho công tác quản lý và phát triển Trường.

c) Bài học kinh nghiệm

  • Thứ nhất, bài học về sự đoàn kết: yếu tố mang tính tiên quyết cho sự thành công trong các hoạt động của Nhà trường.
  • Thứ hai, bài học về chỉ đạo quyết liệt: xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo quyết liệt thực hiện đúng và có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng ủy cấp trên, các hướng dẫn, quy định của ĐHQGHN; khắc phục nhanh chóng và dứt điểm các khó khăn, vướng mắc xảy ra.
  • Thứ ba, bài học về sự phối hợp, thông tin thông suốt: Bên cạnh sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng ủy là sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giữa Ban Giám hiệu với các đơn vị đào tạo khoa/viện, các đơn vị chức năng và các tổ chức đoàn thể.
  • Thứ tư, bài học về sử dụng, phát triển nguồn nhân lực: Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất cao; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cán bộ, Đảng viên trong toàn Trường phát huy hết khả năng và tính sáng tạo là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là điều kiện tiên quyết, là nền tảng để phát triển hiệu quả và bền vững.
  • Thứ năm, bài học về liên thông, liên kết: Phát triển theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác thông qua liên thông, liên kết giữa các đơn vị thành viên của ĐHQGHN giúp Trường tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực có thế mạnh, qua đó tạo sức mạnh nhờ lợi thế bổ sung.
  • Thứ sáu, bài học về huy động ngoại lực: Việc khai thác triệt để và hiệu quả các mối quan hệ hợp tác giữa Nhà trường với các đối tác trong và ngoài nước là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của Trường trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế như hiện nay.
  • Thứ bảy, bài học về tiết kiệm và tăng cường sử dụng CNTT: Việc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn lực tài chính và nhân sự của Nhà trường cùng với tăng cường ứng dụng CNTT trong công việc đã từng bước nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự.

1.2. Về khẩu hiệu hành động, quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

1.2.1. Về khẩu hiệu hành động, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo

a) Khẩu hiệu hành động: Phát triển đột phá - Vươn tầm quốc tế”

b) Các quan điểm cơ bản

  • Chủ động khai thác các nguồn lực và lợi thế của một trường đại học thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tái cấu trúc hệ thống hướng tới tự chủ đại học trên các phương diện tài chính, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, quản lý bộ máy và nhân sự,...
  • Phát triển mang tính đột phá, đổi mới toàn diện các chương trình đào tạo hướng tới phát triển tối đa năng lực của người học, đáp ứng sự chuyển biến không ngừng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các thách thức toàn cầu cũng như giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Phát triển các định hướng và sản phẩm nghiên cứu trọng điểm gia tăng uy tín học thuật và thương hiệu Nhà trường.
  • Phát triển Trường ĐHKT - ĐHQGHN thông qua chiến lược “quốc tế hóa” mạnh mẽ, hướng tới kiểm định quốc tế, tham gia các mạng lưới học thuật quốc tế, nâng cao vị thể của Trường trong khu vực và trên thế giới.
  • Dựa trên nền tảng đoàn kết, tương thân tương ái, tư duy ham học hỏi trong toàn Trường, không ngừng đẩy mạnh sáng tạo trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu và đặc biệt chú trọng tới phát triển năng lực sáng tạo của các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong Nhà trường.

c) Mục tiêu tổng quát

Phát triển Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đến năm 2025 trở thành một trong những trường đại học hàng đầu về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam; một số ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế; được xếp hạng ngang tầm với một số đại học tiên tiến trong khu vực trong một số ngành, chuyên ngành đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.

d) Các chỉ tiêu chủ yếu

  • Công tác tuyển sinh, đào tạo và đảm bảo chất lượng

- Về quy mô đào tạo, đến năm 2025 tổng quy mô đào tạo dự kiến là khoảng 6.000 người học.

- Về quy mô tuyển sinh hàng năm, dự kiến bậc cử nhân là khoảng từ 1.200 - 1.300 người học, tỷ lệ đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) trên tổng quy mô đào tạo là 35% Tỷ lệ người học tốt nghiệp đại học có việc làm sau 01 năm tốt nghiệp là 95%.

- Tỷ lệ chương trình đào tạo đại học được kiểm định là 100% (trong đó có chương trình được kiểm định quốc tế); Tỷ lệ chương trình đào tạo thạc sĩ được kiểm định là 30%.

- Xây dựng mạng lưới nhà tuyển dụng hỗ trợ công tác đào tạo.

  • Công tác Nghiên cứu khoa học

- Duy trì và phát triển được khoảng 8-10 nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu lớn, có tính liên ngành cao, tạo được các sản phẩm nghiên cứu đỉnh cao. Hình thành được 02-03 nhóm think-tank về kinh tế và quản trị kinh doanh có uy tín cao ở trong và ngoài nước.

- Số lượng các sản phẩm khoa học được chuyển giao tăng 30%, công bố khoảng 400-450 bài báo/bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, trong đó 60% thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Đẩy mạnh xuất bản sách bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh (2-3 cuốn mỗi năm).

- Nâng cấp Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh thành 01 tạp chí khoa học độc lập theo chuẩn quốc tế.

  • Công tác hợp tác và phát triển

- Số lượt sinh viên trao đổi quốc tế tăng 50%.

- Số lượt giảng viên trao đổi quốc tế trong công tác giảng dạy và nghiên cứu tăng 30%. Tỷ lệ bài báo ISI/SCOPUS có hợp tác quốc tế tăng 50%.

- Phát triển thành công các dự án quốc tế lớn (05 dự án).

  • Công tác tổ chức, nhân sự

- Nâng cấp và thành lập mới 03 đơn vị thuộc Trường, bao gồm: 02 khoa và 01 trung tâm.

- Tổng số giảng viên cơ hữu của Trường tăng 12%/năm.

- Tỷ lệ giảng viên có học hàm Phó Giáo sư và Giáo sư chiếm 20%.

- Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chiếm 75%.

- Tỷ lệ giảng viên tốt nghiệp từ nước ngoài chiếm 70%.

- Tỷ lệ giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh đạt 60%.

  • Công tác kế hoạch, tài chính

- Tỷ lệ nguồn thu ngoài ngân sách/tổng nguồn thu ổn định, đạt mức 80% mỗi năm, tiến tới tự chủ về tài chính đối với các chương trình đào tạo.

- Phấn đấu tăng thu nhập cho người lao động lên 5-10% mỗi năm.

  • Công tác hành chính, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, truyền thông và nâng cao thương hiệu

- Tiếp tục chủ động khai thác các nguồn lực và lợi thế của một trường đại học thành viên trực thuộc ĐHQGHN, phấn đấu hoàn thành xây mới 28 phòng học, giảng đường; Cải tạo, nâng cấp 45 phòng học giảng đường, công trình phụ trợ.

- Triển khai xây dựng 01 hệ thống phần mềm quản trị tổng thể các hoạt động trong Nhà trường, 01 hệ thống phần mềm giảng dạy trực tuyến E-learning và hoàn thành 01 hệ thống dữ liệu lớn (Big data) trong toàn Trường.

- Nâng cấp hệ thống website Trường ĐHKT - ĐHQGHN thành Cổng thông tin; Hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu của Trường.

  • Công tác xây dựng Đảng
Hàng năm có trên 70% tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; 80% Đảng viên đạt mức Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trong 5 năm kết nạp được 100 Đảng viên, trong đó có 65 Đảng viên là sinh viên.

1.2.2. Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện

a) Nhiệm vụ trọng tâm

- Đổi mới toàn diện các chương trình đào tạo, tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ người học, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, hướng tới kiểm định quốc tế và tự chủ đại học.

- Phát triển các sản phẩm nghiên cứu trọng điểm của Trường, tạo ra sự khác biệt mang tính đột phá.
- Quốc tế hoá trên tất cả các hoạt động của Trường.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn Trường và hướng tới tự chủ đại học.

b) Các giải pháp chính

- Quán triệt tư tưởng và chiến lược phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

- Đổi mới quản trị đại học theo hướng chuyên nghiệp.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hoạt động hỗ trợ người học, xây dựng mạng lưới nhà tuyển dụng hỗ trợ hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên.
 - Đổi mới chính sách về NCKH tại Trường, tạo thuận lợi và hướng các nguồn lực tới hai loại sản phẩm: công bố quốc tế hoặc sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao, sản phẩm tư vấn chính sách.

- Đẩy mạnh chiến lược quốc tế hoá của Trường, nâng cao hiệu quả quốc tế hoá trong tất cả các lĩnh vực.

- Tăng cường thu hút nguồn nhân lực trình độ cao và nâng cao chất lượng đội ngũ. 

- Tăng cường các nguồn thu một cách bền vững, đẩy mạnh nguồn thu ngoài ngân sách từ khai thác các hoạt động dịch vụ trong nước và quốc tế.

- Ứng dụng triệt để giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, đẩy mạnh việc thu hút nguồn tài chính thông qua xã hội hóa để triển khai xây dựng hệ thống giảng đường mới tại Hòa Lạc. Hạn chế tối đa việc thuê ngoài và tập trung hóa hệ thống giảng đường, phòng học.

- Đẩy mạnh công tác quản trị thương hiệu và truyền thông.

- Các giải pháp trong công tác xây dựng Đảng: 
+ Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng. Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
+ Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

Giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 căn cứ kết quả thảo luận những vấn đề cơ bản của Báo cáo chính trị; ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên từ Đại hội các chi bộ trực thuộc; ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy ĐHQGHN để bổ sung, hoàn chỉnh văn kiện chính thức của Đại hội.

2. Thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến của các Chi bộ trực thuộc vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Báo cáo tổng hợp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI. Giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 căn cứ ý kiến thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN theo quy định.

3. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 09 đồng chí và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI gồm 19 đồng chí.

Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ đã đề ra./.


Đại hội Đại biểu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN Lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành