Trang tin tức sự kiện

Chương trình Thạc sỹ Kinh tế quốc tế: Chìa khóa mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp

Học viên chuyên ngành Kinh tế quốc tế trình độ Thạc sỹ được trang bị kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, tài chính, đầu tư quốc tế, kinh doanh quốc tế và quản trị chuỗi cung ứng. 



Điểm khác biệt của chương trình Thạc sỹ Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nằm ở chính các học phần đào tạo, mang đến cho người học định hướng rõ ràng đối với những vấn đề sẽ được đào sâu nghiên cứu và tính ứng dụng thực tiễn cao. Chương trình được xây dựng tương đồng với các chương trình của Đại học Glassgow tại Anh; Đại học Queensland, Úc.

Học phần được thiết kế linh hoạt, sáng tạo 

Lợi ích dễ nhận thấy của việc học Thạc sỹ chính là ở mức độ chuyên sâu trong nghiên cứu và ứng dụng. Vì vậy, ngay từ việc thiết kế học phần, có thể thấy rõ nét những mục tiêu mà chương trình đào tạo Thạc sỹ Kinh tế quốc tế đặt ra, đó là định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, giúp học viên vừa có có kiến thức chuyên sâu về kinh tế quốc tế hiện đại, vừa có có phương pháp đánh giá, phản biện và tiếp cận mới đối với các vấn đề kinh tế quốc tế. 

Không chỉ đơn thuần là những học phần quen thuộc như: Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Chuỗi cung ứng… mà chúng ta có thể bắt gặp ở đa số các chương trình đào tạo từ cấp bậc cử nhân hay thạc sỹ khác; chương trình đào tạo Thạc sỹ của Khoa Kinh tế Quốc tế đã thể hiện sự chuyên sâu ngay từ việc thiết kế tên gọi học phần một cách cụ thể hơn như: “Thương mại quốc tế: Chính sách và thực tiễn”; “Kinh doanh quốc tế: Thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu” hay “Chuỗi cung ứng: Lí thuyết và ứng dụng”… Hệ thống học phần tự chọn mở ra những lĩnh vực, những vấn đề có giá trị quan trọng trong bối cảnh kinh tế hiện nay như “Toàn cầu hóa và Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam” ; “Nghèo đói, bất bình đẳng và chính phủ ở các nước kém phát triển”…

Thông qua việc sử dụng phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo trên, học viên có thể chủ động tìm kiếm những nguồn tài nguyên học tập dựa trên yêu cầu của giảng viên, hoặc phù hợp với sở thích cũng như nguyện vọng của mình, đồng thời qua đó giảng viên thu thập thêm được nhiều thông tin, nhu cầu để có thể điều chỉnh bài giảng, phương pháp tiếp cận phong phú, đa dạng để cá thể hóa tối đa cho từng nhóm học viên.

Nghiên cứu và ứng dụng là cốt lõi của phương pháp giảng dạy

Một trong những mục tiêu chính của các học viên khi tham gia học chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế quốc tế đó là trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, Khoa đã xây dựng phương pháp giảng dạy lấy việc khuyến khích tự học, tự nghiên cứu làm cốt lõi. Phương pháp giảng dạy theo định hướng tư nghiên cứu có giá trị thiết thực và quan trọng đối với học viên, vừa giúp học viên có những kỹ năng nghiên cứu cần thiết nhưng vẫn có khả năng làm việc độc lập. 

Chương trình đào tạo được thiết kế hài hòa về cả mặt nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng thực tiễn. Các giảng viên luôn cập nhật những lý thuyết mới nhất, có giá trị cũng như tính ứng dụng cao trong nghiên cứu theo sự biến đổi của thế giới.

Đối với khía cạnh nghiên cứu, học viên được tiếp cận với các học phần quan trọng như “Thiết kế nghiên cứu luận văn” trong đó cung cấp những kiến thức không chỉ về quy trình, phương pháp nghiên cứu mà còn cả những thông tin có giá trị về nguồn thu thập tài liệu uy tín, xếp loại bài báo nghiên cứu hay cách sử dụng các phần mềm Eviews, SPSS…. Bên cạnh đó còn có tính ứng dụng rất cao trong giải quyết các vấn đề cấp bách của tổ chức, doanh nghiệp. Đối với khía cạnh này, học viên được tiếp cận với các học phần như “Đàm phán trong kinh doanh quốc tế” hay “Quản trị rủi ro trong kinh doanh quốc tế” với các case study của các tổ chức, doanh nghiệp để mô phỏng quyết định quản lý, đánh giá, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và thuyết trình. Thông qua các học phần này, kỹ năng mềm, sự nhanh nhạy, quyết đoán trong việc ra quyết định của học viên sẽ được cải thiện và phát triển. 

Tinh thần đổi mới, sáng tạo lan tỏa trong từng bài giảng, nhiều phương pháp dạy học tích cực được vận dụng, truyền cảm hứng tới học viên. “Case study” là một trong những phương pháp được áp dụng trong giảng dạy để người học có kỹ năng giải quyết vấn đề qua việc đặt mình vào tình huống thực tế. 

Các bài giảng được thiết kế linh hoạt, gắn với sự biến động của kinh tế toàn cầu

Đội ngũ giảng viên tận tình, giàu kinh nghiệm

Giảng viên chương trình đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế quốc tế, đều là những Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đào tạo đại học và sau đại học, có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế quốc tế đồng thời là các chuyên gia phân tích, đánh giá, tư vấn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, giảng viên đều đã có những kinh nghiệm giá trị tại các cơ sở nghiên cứu, giáo dục, các sự kiện, hội thảo quốc tế, đáp ứng được những yêu cầu mà một chương trình mang tính quốc tế đặt ra. 

Với nền tảng tri thức và kinh nghiệm của mình, đội ngũ giảng viên sẽ linh hoạt dẫn dắt học viên tiếp cận lý thuyết chuyên sâu, đưa ra những vấn đề có tính thực tiễn để khơi mở khả năng tư duy, phân tích, phản biện thông qua đó phát triển kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo - những điều vô cùng quan trọng không chỉ trong thời gian học tập mà cả trong công việc tương lai. 

Đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế là những giảng viên giàu kinh nghiệm, có trình độ cao và là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế

Đặc biệt, trong quá trình học, các học viên sẽ được gặp gỡ và hướng dẫn bởi những diễn giả là những chuyên gia kinh tế hàng đầu, những CEO của các công ty lớn tại Việt Nam;  điều này mang lại không chỉ kiến thức mà cả kinh nghiệm “chinh chiến” trong các dự án lớn của các tổ chức, các tập đoàn trong nước và quốc tế. 

Học viên sẽ được tham gia các hội thảo tầm quốc tế để nâng cao nhận thức, hiểu biết, cập nhật các vấn đề “nóng” của Việt Nam và thế giới

Ai nên học Thạc sỹ Kinh tế Quốc tế?

Khóa học Thạc sỹ Kinh tế Quốc tế trước hết thích hợp với những sinh viên đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế hoặc các ngành liên quan, muốn làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, có yếu tố nước ngoài và muốn phát triển sự nghiệp lên tầm “quốc tế”. Nếu bạn có một “profile” học tập và làm việc ấn tượng cùng chứng chỉ tiếng Anh đạt yêu cầu, tấm bằng Thạc sỹ này tiếp tục là minh chứng cho nỗ lực học tập, kinh nghiệm phong phú cùng tiềm năng và tố chất phát triển ở các vị trí nhân sự cấp cao của bạn.

Một đối tượng khác đặc biệt phù hợp với khóa học Thạc sỹ Kinh tế Quốc tế là những chuyên viên các nhóm ngành kỹ thuật hiện đang làm việc cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam và khu vực. Một CEO người Việt tại một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng thế giới có chia sẻ rằng những nhân viên có nền tảng kỹ thuật thường là những người có tư duy logic rất tốt, tuy nhiên để trở thành lãnh đạo, họ cần được đào tạo kỹ năng quản lý và xử lý các vấn đề mâu thuẫn văn hóa quốc tế để thấu hiểu toàn bộ quy trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ đó có thể ra quyết định nhanh chóng và kịp thời. Khi tư duy logic kết hợp nhuần nhuyễn với sự thấu hiểu môi trường kinh doanh và kỹ năng lãnh đạo sẽ tạo ra một nhà lãnh đạo tuyệt vời.

Cảm nhận của học viên khi tham gia khóa học Thạc sỹ Kinh tế Quốc tế

Nếu được hỏi về liệu bằng cấp có là một yếu tố quan trọng trong việc gặt hái nhiều thành công trong công việc? Mỗi người sẽ có những quan điểm riêng, nhưng câu trả lời của anh Bùi Văn Việt, cựu học viên thạc sĩ Kinh tế quốc tế QH 2014 E là: “Bằng cấp sẽ là một thước đo không chỉ về trình độ mà nó còn thể hiện sự bền bỉ, tinh thần ham học hỏi và nhận được đánh giá cao từ các nhà tuyển dụng”.

Anh Bùi Văn Việt (bên trái màn hình) khi còn làm việc tại Panasonic Việt Nam

Với hơn 10 năm làm việc cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam đảm nhận vị trí Sales Manager ngành hàng điều hòa toàn miền Bắc của Panasonic Việt Nam và hiện nay đang đảm nhiệm vị trí Sales Director ngành hàng về điện tử gia dụng của một tập đoàn lớn, anh Việt chia sẻ việc trang bị kiến thức và kỹ năng với tấm bằng Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế là rất cần thiết cho công việc hiện tại. Trong công việc hiện nay, tính thực tiễn thông qua các môn học như Thương mại quốc tế, Tài chính và Tiền tệ quốc tế, Đầu tư quốc tế, Kinh tế thế giới hiện đại, công ty xuyên quốc gia: chuyển giao công nghệ và phát triển, chuỗi cung ứng: lý thuyết và ứng dụng, thương mại điện tử… đã mang đến cho anh một nền tảng kiến thức và cái nhìn toàn diện nhất về kinh tế Việt Nam và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới và ngược lại…

Chia sẻ lý do khi lựa chọn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là nơi để nâng tầm sự nghiệp, chị Phạm Thị Mai Hương - học viên K30 KTQT1 cho biết: “Công việc hiện tại của tôi liên quan nhiều đến việc kết nối kinh doanh với các đối tác nước ngoài; chính vì vậy, lựa chọn của tôi là theo học thạc sỹ Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Sau khi tìm hiểu về Trường tôi đã được biết đây là một thương hiệu đào tạo uy tín sẽ tạo ra một giá trị bền vững với bằng cấp uy tín. Tôi và các bạn cùng lớp luôn tự hào là một học viên của một trường đại học chất lượng, top đầu của Việt Nam và được các bảng xếp hạng thế giới ghi nhận.”

Chị Phạm Mai Hương (ngoài cùng bên trái) chụp hình lưu niệm cùng giảng viên và các bạn học cùng lớp

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Kinh tế quốc tế

Một trong những mục tiêu cốt lõi của chương trình học là hướng tới việc đào tạo ra các Nhà quản lý, Chuyên viên tư vấn có năng lực xuất sắc để triển khai thành công các dự án quốc tế tại các tổ chức như UN, IMF, WB, ADB… và các tổ chức phi chính phủ khác, trở thành lãnh đạo, chuyên viên giỏi tại các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh quốc tế, logistic, quản trị chuỗi cung ứng. 

Ngoài ra, tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Kinh tế quốc tế, học viên hoàn toàn có đủ năng lực giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế với cương vị Giảng viên, Nghiên cứu viên và Chuyên viên. Việc được rèn luyện tư duy phân tích, phản biện sẽ giúp nâng cao cơ hội và năng lực tư vấn chính sách tại các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Tính ứng dụng cao của chương trình đào tạo cũng giúp các Nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp Việt Nam, các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài có đủ năng lực để đảm nhận các công việc chiến lược, quản lý dự án kinh doanh cũng như đàm phán, ký kết hợp đồng. 

Học viên lớp cao học ngành Kinh tế quốc tế K28 nhận tấm bằng tốt nghiệp quý giá với nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở phía trước

Nhận học bổng với giá trị hấp dẫn

Cơ hội nhận học bổng giá trị cao - một trong những lợi thế của học viên khi đăng ký Chương trình đào tạo Thạc sỹ Kinh tế Quốc tế trong năm 2022 tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. 

Các học bổng phong phú, đa dạng như: Học bổng toàn phần Toshiba – đối tác của VNU trị giá 200.000 Yên Nhật/01 học viên/năm học; Học bổng đầu vào của UEB với nhiều suất, tổng trị giá lên tới hơn 300 triệu đồng dành cho đối tượng Sinh viên UEB xét tuyển thẳng và đối tượng thi tuyển bậc thạc sỹ nằm trong Top 10 có điểm số đầu vào cao nhất. Không chỉ vậy, các học viên còn có cơ hội tiếp cận Học bổng Nghiên cứu sinh và thực tập sau Tiến sỹ của ĐHQGHN trị giá lên tới hơn 100 triệu đồng/ năm.

Chương trình Thạc sỹ Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, với thiết kế tâm huyết, đề cao tính ứng dụng thực chiến, chắc chắn sẽ khơi gợi được sự hứng thú cho người học đối với lĩnh vực này cũng như đào tạo một thế hệ chuyên gia về kinh tế quốc tế có định hướng, có tầm nhìn, có “khả năng tác chiến” tốt trong tương lai.

Đăng ký hồ sơ dự tuyển tại đây


Ngọc Thúy - UEB Media



Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành