Theo AFP, trong bài phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh quốc tế tại Kuala Lumpur mới đây, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2008 Paul Krugman, Giáo sư kinh tế của trường Đại học Princeton (Mỹ), cho rằng thế giới đã tránh được cuộc Đại suy thoái lần thứ hai.
Nhờ các gói kích thích ồ ạt của chính phủ các nước, nhưng sẽ phải mất ít nhất hai năm nền kinh tế thế giới mới phục hồi hoàn toàn.
Theo ông Krugman, mức độ nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính đã qua khi có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng trong kinh tế và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể vẫn đang thất vọng vì chính phủ các nước không thể duy trì các gói chi tiêu kích thích kinh tế một cách lâu dài và tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao. Ông nói: “Sự phục hồi này sẽ không thể giống sự phục hồi ngoạn mục của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, khi các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ sự phục hồi mạnh về xuất khẩu”. Thế giới hiện đang phải đối mặt với một giai đoạn suy thoái kéo dài, giống như “thập kỷ đã mất” của Nhật Bản trong những năm 1990.
Ông Krugman cho rằng thế giới vẫn chưa tìm được cách thoát khỏi suy thoái. Ông nói: “Trừ phi chúng ta tìm được một hành tinh khác để xuất khẩu hàng hóa, chúng ta sẽ không thể có một sự phục hồi do xuất khẩu dẫn đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang gặp khó khăn nghiêm trọng”.
Những giải pháp khả thi khác như chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và bong bóng nhà cửa, lần này dường như đều không thể “khởi động” được nền kinh tế Mỹ và thế giới. Krugman cũng thúc giục việc tái cơ cấu hệ thống tài chính đểå ngăn chặn việc lặp lại khủng hoảng, với những quy định ngân hàng hiệu quả hơn và hạn chế rủi ro mà các thể chế quan trọng có thể gặp phải. Ông nói: “Nguyên tắc chung là bất cứ thể chế nào được cứu trợ trong khủng hoảng, như một ngân hàng, thì khi hết khủng hoảng phải được quy định như một ngân hàng. Tôi không tin rằng điều này sẽ xảy ra. Để tránh xảy ra Đại khủng hoảng, chúng ta đã cứu trợ nền kinh tế quá sớm, trước khi đà chính trị cho những cải cách cơ bản đủ mạnh để tạo ra thay đổi. Do đó, điều mà tôi quan ngại là khủng hoảng sẽ lại xảy ra trong một tương lai không xa”.
Ông Krugman nhận xét Châu Á dường như sẽ phục hồi nhanh hơn Mỹ và châu Âu, một phần nhờ sự phục hồi trong xuất khẩu hàng chế tạo.
Trong một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy suy thoái có thể đã chấm dứt, Bộ Lao động Mỹ mới đây công bố rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 7 đã giảm lần đầu tiên trong 15 tháng qua, trong khi lương của người lao động tăng lên. Theo các số liệu mới nhất, trong tháng 7 chỉ có 247.000 người bị mất việc, giảm mạnh so với 443.000 người của tháng 6. Nhưng thị trường lao động vẫn lao đao. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc giục người Mỹ nên kiên nhẫn và cho thêm thời gian để biện pháp cả gói trị giá 787 tỷ USD của ông phát huy hiệu quả. Krugman cho rằng Chính phủ Mỹ vẫn còn khả năng tăng chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng, bất chấp những quan ngại về khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ.