Lần đầu tiên một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) với thu nhập của người lao động tại Việt Nam.
Một nhóm 3 nhà nghiên cứu Việt Nam gồm TS Đoàn Thanh Tịnh (Đại
học Quốc gia Australia), TS Trần Quang Tuyến (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG HN)
và thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền (Tổ chức lao động quốc tế tại Bangkok, Thái Lan) vừa
công bố một công trình nghiên cứu có tên “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và lợi tức
giáo dục cá nhân ở Việt Nam” trên tạp chí Kinh tế của Trường Đại học
Hitotsubashi (Nhật Bản) số ra tháng 12.2018.
Sử dụng dữ liệu Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng
Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố từ năm 2007 và Bộ dữ liệu điều
tra mức sống cư dân (VHLSS) của Tổng cục Thống kê thu thập dữ liệu từ hơn 9.300
gia đình với 119.200 thành viên trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi) từ năm
2008, cùng với các mô hình tính toán, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số
cạnh tranh cấp tỉnh có tác động tính cực rất rõ ràng tới thị trường lao động.
Theo tính toán của nhóm tác giả, nếu chỉ số PCI của một địa
phương nào đó tăng 1 phần trăm (%) thì thu nhập của người lao động tại địa phương đó cũng tăng lên
0,72 điểm phần trăm.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp tư nhân. Có tất cả 10 chỉ số thành phần (với thang điểm 100), gồm: Gia nhập thị trườngTiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý. |
Theo TS Đoàn Thanh Tịnh, đại diện nhóm tác giả nghiên cứu,
hiện các địa phương đang cạnh tranh với nhau trong việc thu hút đầu tư. Bên cạnh
những chính sách của T.Ư, mỗi địa phương lại đưa ra một chính sách riêng nhằm tạo
điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế tại địa phương, đặc biệt là khu vực
kinh tế tư nhân.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu những chính sách khác nhau
của các địa phương sẽ tác động ra sao tới thị trường lao động”, TS Tịnh nói.
Theo đại diện nhóm tác giả, Báo cáo Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh
năm 2016 của VCCI đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa chất lượng điều hành kinh
tế với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, cứ tăng 1 điểm PCI thì số lượng doanh nghiệp mới
thành lập sẽ tăng 2,7%. Tăng 1 điểm trong chỉ số tiếp cận đất đai hoặc đào tạo
lao động (các chỉ số thành phần của PCI - PV) sẽ tăng 12% doanh nghiệp gia nhập
thị trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong thời gian 10 năm, cứ
mỗi điểm PCI tăng sẽ tăng thêm 15% doanh nghiệp mới thành lập.
“Chỉ số PCI tốt phản ánh môi trường cạnh tranh trong kinh
doanh tốt, do đó sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nhu cầu lao động tăng lên
sẽ đẩy thu nhập của người lao động tăng lên”, TS Tịnh nói.
Trong một nghiên cứu được công bố đầu năm 2018 trên tạp chí
Children and Youth Services Review, TS Tuyến và TS Tịnh cũng phát hiện rằng chất
lượng thể chế ở các tỉnh tốt hơn giúp cho lao động trẻ có cơ hội lựa chọn công
việc có thu nhập cao hơn.
“Điều này càng cho thấy rằng, khi chính quyền tích cực cải
cách thể chế, môi trường kinh doanh thuận lợi thì người lao động càng được hưởng
lợi”, TS nhấn mạnh.
Cải thiện thể chế sẽ làm
tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục
Nghiên cứu của nhóm tác giả Đoàn Thanh Tịnh, Trần Quang Tuyến,
Nguyễn Thị Hiền cũng chỉ ra rằng, việc cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh
của các địa phương giúp làm tăng lợi tức từ giáo dục với người lao động.
Trong một nghiên cứu của TS Tịnh và TS Tuyến và công bố hồi
năm 2017 đã chỉ ra rằng, lợi tức giáo dục Việt Nam đã giảm 36% kể từ 2008-2014.
Điều này có nghĩa, mức thu nhập tăng thêm cho mỗi năm đi học tăng thêm không
còn cao như trước.
“Khi mức lợi tức thấp, người ta sẽ không còn muốn đầu tư cho
học vấn nữa”, TS Tịnh nói.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố của nhóm tác giả cũng cho
thấy, với cùng trình độ học vấn như nhau (tính theo số năm đi học - PV), thì những
người lao động tại các địa phương có thể chế, môi trường kinh doanh tốt hơn sẽ
có mức thu nhập cao hơn.
“Khi môi trường cạnh tranh tốt hơn, khi nhiều doanh nghiệp đến
hoạt động, nhu cầu lao động tăng cao sẽ cần những lao động có kỹ năng tốt hơn.
Do đó, trình độ, kỹ năng của người lao động sẽ được sử dụng đúng hơn. Nghĩa là
người lao động sẽ được trả lương tương xứng với trình độ, kỹ năng của mình
hơn”, TS Tịnh giải thích.
Từ đó, TS Tịnh cho rằng, tại những địa phương có thể chế tốt
hơn thì học vấn phát huy tác dụng tốt hơn, nghĩa là đem lại thu nhập cao hơn
cho người lao động.
“Nghiên cứu này cho thấy, bằng sự cải thiện thể
chế, môi trường kinh doanh tại các địa phương sẽ giúp lợi tức từ
đầu tư cho giáo dục tăng lên”, TS Tịnh nói.
Nhóm nghiên cứu của TS Trần Quang Tuyến cùng
với TS Đoàn Thanh Tịnh đã có nhiều nghiên cứu và công bố trên các tạp chí quốc
tế uy tín về tác động của chất lượng thể chế địa phương tới hiệu quả doanh
nghiệp và thu nhập hộ gia đình.
|