Trong Hội nghị NCKHSV cấp trường những năm vừa qua (2008-2010), các nhà khoa học, Hội đồng khoa học đều có nhận xét: SV có
vẻ hơi ham các đề tài vĩ mô. Điều đó là tốt nhưng thường sẽ quá sức vì điều kiện và giới hạn kiến thức, phương pháp NCKH của sinh viên chưa cho phép. Các nhà khoa học lưu ý SV khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em nên chọn những đề tài phù hợp với khả năng nghiên cứu và vốn kiến thức. Điều quan trọng là đề tài đó phải được phân tích, làm rõ vấn đề nghiên cứu và giải quyết vấn đề thỏa đáng câu hỏi nghiên cứu đặt ra trong công trình NCKH.
Trong thực tế việc chọn đề tài của SV chưa đúng tầm do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Số lượng đề tài NCKH do GV đưa ra chưa phong phú, đa dạng nên lựa chọn của SV không nhiều. Việc đưa ra danh mục đề tài nghiên cứu cho SV là cần thiết nhưng có lẽ tốt nhất là chỉ định hướng theo từng lĩnh vực hoặc theo vấn đề, còn tên đề tài cụ thể và phạm vi nghiên cứu do SV tự thiết kế, tất nhiên là phải được sự đồng ý của GVHD sau này, như vậy sẽ đảm bảo được khả năng sáng tạo của SV. Thiết nghĩ, danh mục đề tài Khoá luận tốt nghiệp phải trong phạm vi nội dung chương trình đào tạo, nhưng danh mục đề tài NCKHSV có thể rộng hơn và không nhất thiết phải là một trong số những nội dung của chương trình đã học miễn đó là một vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế và kinh doanh.
Thứ hai: Hiện tượng phổ biến là chạy đua theo các đề tài “mang tính thời sự” và quá tầm, nhiều SV hoàn toàn chưa được trang bị đủ kiến thức, thậm chí là khái niệm sơ đẳng về vấn đề lựa chọn hoặc còn hiểu rất mơ hồ về đối tượng nghiên cứu. Thực tế cho thấy những SV thuộc nhóm này thường bỏ cuộc giữa chừng khi nhận ra rằng không thể tiếp cận đối tượng nghiên cứu khi không có kiến thức tối thiểu về vấn đề đó. Một trong những yếu tố thành công trong nghiên cứu là đề tài nghiên cứu phải mới, mang tính cấp thiết. Song nếu chúng ta tuyệt đối hoá tính “mới” của đề tài khi cho rằng vấn đề nghiên cứu ấy chưa có ai nghiên cứu và phải mới về thời gian. Hiểu như vậy hoàn toàn không chính xác. Hiểu tính “mới ” của đề tài NCKH không hoàn toàn là vấn đề ấy chưa được nghiên cứu. Một số trường hợp những đề tài đã được nghiên cứu, nhưng dưới phương diện quản lý nhà nước, xã hội học... còn dưới phương diện kinh tế và kinh doanh còn bỏ ngỏ, cũng có thể đề tài đã được nghiên cứu, đã công bố kết quả, song tại thời điểm hiện tại kết quả ấy không còn phù hợp mà cần phải lý giải, tìm tòi tiếp cận dưới giác độ khác phù hợp với thực tiễn. Trong một số trường hợp, ở cấp độ NCKHSV, các điểm mới của đề tài có khi chỉ đơn thuần là việc hệ thống lại, sắp xếp lại và phân tích những kết quả nghiên cứu của các tác giả trước đó về cùng một vấn đề, trên cơ sở đó tìm một kết luận chính xác nhất.
Thứ ba: Giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài. Việc lựa chọn giới hạn, phạm vi nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Số lượng trang tối đa, thời gian tiến hành, điều kiện tài chính, phương tiện nghiên cứu, địa bàn khảo sát, phương thức và đối tượng thực nghiệm, điều tra, phỏng vấn, đặc biệt là năng lực và trình độ của (những) người thực hiện đề tài. Độ “sâu” của công trình nghiên cứu luôn tỷ lệ nghịch với độ “rộng” của chính nó. Đa số các trường hợp sau khi chọn xong đề tài và triển khai thực hiện dưới sự hướng dẫn của GVHD, SV mới nhận ra điều này và sau đó mới tiến hành giới hạn phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên, việc giới hạn phạm vi nghiên cứu không được làm lệch đi nội dung của đề tài, yêu cầu chung nhất là tên đề tài phải thể hiện được nội dung đề tài.
4/ Tìm, thu thập và xử lý tài liệu thông tin
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay cùng với sự nhạy bén của SV, công việc thu thập tài liệu cho việc NCKH không còn là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, vẫn còn một số khiếm khuyết nhất định:
Một là: Do không có định hướng của GVHD nên SV chưa tìm đúng nguồn tài liệu trong “rừng” tài liệu và thông tin, chưa có sự chọn lọc nhất là lựa chọn các đầu sách trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, đặc biệt những sách chuyên khảo thực sự có chất lượng trong những chuyên ngành hẹp (thuộc các ngành đào tạo của ĐHKT: Kinh tế quốc tế, Tài chính – Ngân hàng; Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Phát triển, Kinh tế Chính trị)
Hai là: Số liệu, thông tin dù đa dạng nhưng kỹ năng phân loại, đánh giá tài liệu, tổng quan các tài liệu và xử lý những thông tin, tài liệu thu thập được chưa đạt yêu cầu. SV chỉ chuyển tải tài liệu thu thập được dưới dạng “thô”, mang tính liệt kê vào công trình NCKH mà chưa qua khâu xử lý phân tích. Những con số và sự kiện đưa vào công trình nghiên cứu khoa học về kinh tế và kinh doanh phải phục vụ cho việc chứng minh, lý giải và dẫn đến một kết luận nào đó dưới phương diện kinh tế. Cùng một con số hoặc sự kiện nào đó song với nhà kinh tế , nhà nghiên cứu xã hội học, nhà kinh tế học, nhà quản lý ở các lĩnh vực khác nhau có phương thức tiếp cận và xử lý khác nhau.
Ba là: Một số SV chưa chú trọng phụ đính, trích dẫn tài liệu tham khảo và cước chú (foot note) và cho rằng đây là yếu tố hình thức, máy móc. Kết quả là một số NCKH của SV và cả Khóa luận tốt nghiệp hầu như không có một cước chú nào, phần tài liệu tham khảo ghi chung chung như: “
Báo cáo ….”, “Tạp chí…..” tạo một sự cẩu thả và phản khoa học trong nghiên cứu. Thông thường việc trích dẫn và cước chú phải tuân theo một chuẩn mực cách thức nhất định bất kể là công trình được thực hiện bằng ngôn ngữ nào.