Cuốn sách là công trình khoa học tích hợp kết quả nghiên cứu và giảng dạy nhiều chục năm của các tác giả, cung cấp cho các bạn đọc, học viên, nhà nghiên cứu, giảng dạy, các nhà hoạt động thực tiễn quản lý hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam nói chung, các chủ thể quản trị nhân lực trong các NHTM nói riêng những kiến thức, những tư liệu có giá trị trong công tác quản trị nhân sự.
Tác giả: GS. Phan Huy Đường, TS. Nguyễn Văn Lành
Loại bìa: Bìa mềm
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 184
Giá bìa: 99.000
Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
ISBN: 978-604-342-826-1
Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cùng với xu thế của nền kinh tế số, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mới. Đó là, sự gia tăng nhanh về số lượng, về quy mô mạng lưới chi nhánh của các NHTM, sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và mức độ tiên tiến của công nghệ. Song, các NHTM Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, trong nền kinh tế số, ngân hàng số đang gặp nhiều thách thức, trong đó vấn đề công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực được coi là thách thức lớn nhất.
Sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng các lỗ hổng bảo mật, là mảnh đất cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động. Sự gia tăng không ngừng của các sản phẩm dịch vụ tài chính xuyên biên giới và các sản phẩm tài chính phái sinh trong hội nhập là nguyên nhân làm cho hạ tầng an ninh mạng trở nên rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia nói chung, các NHTM nói riêng. Vì vậy, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia nói chung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực NHTM nói riêng về trình độ nghiệp vụ ngân hàng, kỹ năng vận hành công nghệ số, tính tuân thủ quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường công nghệ đã và đang đặt ra yêu cầu lớn đối với hệ thống NHTM Việt Nam.
Theo kết quả tự đánh giá của các NHTM Việt Nam, cơ cấu nhân lực theo phân loại cán bộ hiện tại tương đối phù hợp về mặt số lượng, độ tuổi trung bình và trình độ chuyên môn được đào tạo. Tuy nhiên, một số mảng công việc cần phải tăng cường hơn về số lượng và chất lượng nhân lực.
Chất lượng nhân lực vẫn còn hạn chế, một số NHTM phải đào tạo lại sau tuyển dụng, tính chuyên nghiệp của nhân lực ở một số vị trí công việc chưa cao. Một số NHTM thiếu đội ngũ quản trị điều hành (cán bộ quản lý, lãnh đạo) có trình độ chuyên môn, khả năng phân tích, tổng hợp, am hiểu luật pháp và linh hoạt, độc lập xử lý các vấn đề của thực tế; thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn cao về quản trị ngân hàng hiện đại, phân tích tài chính, kiểm soát và kiểm toán nội bộ, phân tích và thẩm định dự án đầu tư, quản trị rủi ro…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là: (i) Thiếu Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các vị trí công việc trong ngành (theo chức năng quản lý và chuyên môn cụ thể), quy hoạch phát triển nhân lực, Chiến lược nhân sự trong từng NHTM…; (ii) Chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng phát triển,… chưa đầy đủ hoặc chưa thật phù hợp; (iii) Chất lượng đào tạo cử nhân NHTM - tài chính chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà tuyển dụng NHTM.
Vì vậy, vấn đề phát triển nguồn nhân lực các NHTM là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của hệ thống NHTM. Trên cơ sở khái quát về cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tế và thực trạng phát triển nguồn nhân lực tại các NHTM Việt Nam, nhóm tác giả cuốn sách đã xác định định hướng tiếp tục phát triển nguồn nhân lực tại các NHTM Việt Nam, tiếp cận ở các góc độ: (i) Định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; (ii) Định hướng của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, giải pháp về hoạch định chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực:
- Làm tốt công tác dự báo nhu cầu NNL nhằm đảm bảo tính chính xác trong hoạch định chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển NNL tại NHTM
- Xây dựng chiến lược phát triển NNL, quy hoạch và kế hoạch phát triển NNL phù hợp với chiến lược phát triển của NHTM
Thứ hai, giải pháp về tuyển dụng nguồn nhân lực:
- Hoạt động tuyển dụng NNL cần theo đúng chiến lược phát triển NNL tại NHTM
- Xây dựng và ứng dụng mô hình tuyển dụng dựa trên năng lực các NHTM cần xây dựng các bản mô tả công việc và tiêu chuẩn chức danh cụ thể tối đa với các yếu tố định lượng
Thứ ba, giải pháp về đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực nguồn nhân lực:
- Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, lồng ghép với nâng cao đạo đức nghề nghiệp nghiên cứu áp dụng mô hình đào tạo, bồi dưỡng tiên tiến của các NHTM trên thế giới
- Xây dựng mô hình gắn kết đào tạo, bồi dưỡng NNL giữa NHTM và các cơ sở đào tạo - giáo dục
Thứ tư, giải pháp về đánh giá và bố trí sử dụng nguồn nhân lực sử dụng khung năng lực như công cụ để xác định những tiêu chí, đối tượng phù hợp trong việc bố trí sử dụng NNL tại NHTM:
- Sử dụng thẻ năng lực đánh giá cán bộ
- Xây dựng chính sách bố trí luân chuyển cán bộ phù hợp, hiệu quả
Thứ năm, giải pháp về tạo động lực phát triển nguồn nhân lực:
- Hoàn thiện chính sách đãi ngộ tài chính phù hợp với NHTM, đảm bảo yếu tố cạnh tranh
- Hoàn thiện chính sách đãi ngộ phi tài chính
Cuốn sách với hướng tiếp cận theo dòng chảy của khoa học kinh tế mang đến cho các bạn đọc, học viên, nhà nghiên cứu, giảng dạy, các nhà hoạt động thực tiễn quản lý hệ thống các NHTM Việt Nam nói chung, các chủ thể quản trị nhân lực trong các NHTM nói riêng những kiến thức, những tư liệu có giá trị trong công tác quản trị nhân sự.
___________
LIÊN HỆ:
Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: (84-24) 37547506 703 (Ms. Ngọc Anh)
Email: phongtcxb@vnu.edu.vn
Website: http://ueb.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch
VỀ TÁC GIẢ CỦA CUỐN SÁCH:
| * GS.TS. Phan Huy Đường: Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977, tốt nghiệp lớp chuyên tu lý luận chính trị tại Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Quản trị Kinh doanh và Marketing Đại học Tổng hợp Georgetown (Hoa Kỳ) chương trình liên kết đào tạo với Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1992, nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Kinh tế năm 1994, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận Phó giáo sư năm 2003 và Giáo sư ngành Kinh tế năm 2014. Ông hiện là giảng viên, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Kinh tế thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và tham gia tư vấn chuyên môn, thành viên ban biên tập Tạp chí cho một số trường đại học trong nước: Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị; Đại học Đại Nam, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thành Đông… Từ năm 2019 đến 2021, ông đã công bố thêm 4 bài báo tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus, 1 đề tài cấp Bộ, có hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân hàng – tiền tệ, khoa học quản lý, chính sách xã hội... Ngoài ra, ông là tác giả, chủ biên, đồng chủ biên và tham gia viết nhiều đầu sách giáo trình, chuyên khảo, tham khảo. |
| *TS. Nguyễn Văn Lành: Hiện là cán bộ công chức nhà nước, giảng viên thỉnh giảng, hướng dẫn luận văn cao học một số trường đại học trong nước: Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, Đại học Đại Nam... Ông đã công bố 2 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus, 15 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước (2019-2021), chủ nhiệm nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân hàng - tiền tệ, quản lý tài nguyên và môi trường, khoa học quản lý, kinh tế chính trị, lịch sử các học thuyết kinh tế… |