Trang tin tức sự kiện

Hoạt động và dịch vụ kiểm định chất lượng tại Việt Nam hiện nay

Kiểm định chất lượng giáo dục nói chung và kiểm định chất lượng giáo dục đại học nói riêng có vai trò cực kì quan trọng với các trường đại học, nó giúp các trường đại học xem xét lại được toàn bộ hoạt động của mình một cách hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động của trường theo quy chuẩn của Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đại học. Chính vì vậy chúng ta cần có cái nhìn tổng thể về toàn bộ những hoạt động và dịch vụ kiểm định chất lượng để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giúp ban lãnh đạo Nhà trường đưa ra những mục tiêu, chiến lược và những hành động phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay. 



1. Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục 

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ra đời từ cuối thế kỷ 19 tại Hoa Kỳ, sau đó được lan tỏa các nước Châu Âu, Châu Úc và Châu Á. Tại Việt Nam, sự phát triển của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học bắt đầu từ lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học vào năm 2004 (theo Quyết định số 38/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/12/2004).

Theo quy định này, tất cả các trường đại học cần lập kế hoạch phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn, và mỗi trường đại học cần thành lập các đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng để triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra.

Đến năm 2005, kiểm định chất lượng chính thức được luật hóa tại Luật Giáo dục năm 2005 với khái niệm: “Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát” (Điều 17, Luật Giáo dục năm 2005).

Tại Luật Giáo dục năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2005, vấn đề kiểm định chất lượng tiếp tục được khẳng định thông qua việc quy định chi tiết “nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục” (Điều 110a), “nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục” (Điều 110b), “tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục” (Điều 110c), tạo thành một mục riêng về kiểm định chất lượng giáo dục.

Năm 2012, Luật Giáo dục đại học được ban hành, trong đó có một chương riêng về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học (chương VII, Luật Giáo dục đại học năm 2012). Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ; là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Hành lang pháp lý về vấn đề đảm bảo và kiểm định chất lượng tiếp tục được hoàn thiện tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018). Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) đã làm rõ hơn yêu cầu về bảo đảm chất lượng, đặc biệt đối với bảo đảm chất lượng bên trong và tổ chức kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, xác định kiểm định chất lượng là một điều kiện bắt buộc để cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài, xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo…

Trải qua 20 năm triển khai và thực hành vấn đề bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đến nay hoạt động này đã trở thành yếu tố mang tính sống còn đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín, vị thế và là phương tiện để hội nhập với nền giáo dục toàn cầu.

Tính đến tháng 01/2024, có tổng số 17 tổ chức đánh giá/kiểm định chất lượng được công nhận hoạt động tại Việt Nam, bao gồm:

- Danh sách các tổ chức kiểm định của Việt Nam:

1. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (Quyết định số 3568/QĐ-BGDĐT ngày 05/9/2013, xem tại đây);

2. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 5570/QĐ-BGDĐT ngày 22/11/2013, xem tại đây);

3. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng (Quyết định số 1100/QĐ-BGDĐT ngày 06/4/2015, xem tại đây);

4. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Quyết định số 4358/QĐ-BGDĐT ngày 14/10/2015, xem tại đây);

5. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Vinh (Quyết định số 1474/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2018, xem tại đây);

6. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục TP. Hồ Chí Minh (Quyết định số 4388/QĐ-BGDĐT ngày 19/11/2021, xem tại đây);

7. Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục Hà Nội (Quyết định số 969/QĐ-BGDĐT ngày 16/3/2021, xem tại đây).

- Danh sách các tổ chức đánh giá/ kiểm định chất lượng nước ngoài:

1. Tổ chức ASEAN University Network - Quality Assurance (AUN-QA) (Quyết định số 674/QĐ-BGDĐT ngày 10/3/2022, xem tại đây);

2. Tổ chức Foundation for International Business Administration Accreditation (FIBAA) (Quyết định số 1940/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2021, xem tại đây);

3. Tổ chức Accreditation Agency for Study Programs in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics (ASSIN) (Quyết định số 1941/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2021, xem tại đây);

4. Tổ chức Agency for Quality Assurance through Accreditation of Study Programmes (AQAS) (Quyết định số 1939/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2021, xem tại đây);

5. Tổ chức High Council for Evaluation of Research and Higher Education (Hcéres) (Quyết định số 2576/QĐ-BGDĐT ngày 09/9/2022, xem tại đây);

6. Tổ chức The Quality Assurance Agency for Higher Education (QAA) (Quyết định số 2577/QĐ-BGDĐT ngày 09/9/2022, xem tại đây);

7. Tổ chức Accreditation Board for Engineering and Technology (ABET) (Quyết định số 102/QĐ-BGDĐT ngày 08/01/2024, xem tại đây);

8. Tổ chức The Accreditation Council for Business Schools and Programs (ACBSP) (Quyết định số 103/QĐ-BGDĐT ngày 08/01/2024, xem tại đây);

9. Tổ chức International Centre of Excellence in Tourism and Hospitality Education (THE-ICE) (Quyết định số 104/QĐ-BGDĐT ngày 08/01/2024, xem tại đây);

10. Tổ chức The Accreditation, Certification and Quality Assurance Institute (ACQUIN) (Quyết định số 138/QĐ-BGDĐT ngày 09/01/2024, xem tại đây).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (1).png

Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm kiểm định cơ sở giáo dục (kiểm định trường) và kiểm định chương trình đào tạo.

Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 187 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, 09 cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Như vậy, trong tổng số 244 cơ sở giáo dục đại học (chưa tính các cơ sở giáo dục thuộc khối quân đội, công an), hiện cả nước đã có 187/244 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục (theo tiêu chuẩn trong nước), đạt khoảng 76,64%; Còn lại khoảng 57 cơ sở giáo dục đại học chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn trong nước), tương ứng 23,36%.

Với tiêu chuẩn kiểm định nước ngoài, 09 cơ sở giáo dục đạt chuẩn phần lớn là đại diện đến từ các trường thuộc khối kỹ thuật.

Còn về chương trình đào tạo, thống kê đến ngày 31/12/2023, toàn quốc có 1.611 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận. Tính trong tổng số khoảng 6.500 chương trình đào tạo toàn quốc, như vậy số lượng các chương trình đã được kiểm định và cấp chứng nhận chiếm khoảng 24,78%.

Trong số này, có 1.125 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước (chiếm 69,83%); 486 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài (chiếm 30,17%). Như vậy số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài có tỉ lệ gần bằng một nửa số lượng chương trình kiểm định theo chuẩn trong nước.

Với hệ cao đẳng (ở đây bài viết chỉ thống kê các trường cao đẳng sư phạm), cả nước có 11 trường cao đẳng sư phạm và 05 chương trình giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn (tất cả đều theo tiêu chuẩn trong nước).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam  Thiết kế Doãn Nhàn (1).png

Thống kê từ thông tin công bố trên trang website của 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hiện đơn vị có số lượng kiểm định cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo nhiều nhất là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đứng thứ 2 là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Trung tâm này tuy được thành lập sau 2 năm (năm 2015), tuy nhiên lại có số lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo kiểm định nhiều hơn so với Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 2013).

Hai trung tâm kiểm định tư nhân mới được thành lập sau này (năm 2021) chủ yếu thực hiện kiểm định chương trình đào tạo, hiện số lượng cơ sở giáo dục được công nhận bởi hai trung tâm này vẫn chưa nhiều (dưới 10 cơ sở giáo dục).

Quá trình 20 năm triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong giáo dục đại học ở nước ta đã ghi nhận nhiều bước phát triển, cải tiến và đã thực sự có những tác động tích cực, góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học.

Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện kiểm định chất lượng, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”.

Chương trình xác định mục tiêu phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Để thực hiện mục tiêu này, chương trình chia nhỏ thành 2 giai đoạn thực hiện, gồm giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 với những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Theo đó, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường bảo đảm kiểm định chất lượng các chương trình theo Quyết định số 78/QĐ-TTg cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định trong năm học 2023-2024.

Triển khai Quyết định 78/QĐ-TTg, ngày 26/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (sau đây gọi tắt Thông tư 13).

Bộ tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí, kết quả đánh giá qua 3 mức: chưa đạt, đạt mức 1, đạt mức 2.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự ra đời của Thông tư 13 đã khắc phục một trong những điểm bất cập trong phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam là thiếu sự giám sát, kiểm định các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Cụ thể, trước khi Thông tư 13 ra đời, các trung tâm kiểm định chất lượng chỉ phải tuân theo các quy định về điều kiện để được thành lập và hoạt động. Vấn đề giám sát và đánh giá chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng chỉ được thực hiện thông qua cơ chế kiểm tra, thanh tra.

Trong khi đó, cơ sở giáo dục đại học lại phải tuân theo các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong và kiểm định chất lượng bên ngoài.

Theo thông lệ quốc tế, việc quản lý chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng cũng phải được thực hiện như đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Do đó, với sự ra đời của Thông tư 13 với các tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được các chuyên gia kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tác động tích cực, mà trước hết là giúp hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tiếp cận với trình độ tiến tiến của khu vực và thế giới.

2. Những khó khăn thách thức

Thứ nhất: Cơ chế và chính sách về kiểm định chất lượng giáo dục vẫn chưa hoàn thiện

Bên cạnh hệ thống văn bản quản lý điều hành và hướng dẫn đã nêu trên thì cơ chế và những chính sách về khen thưởng hay xử phạt sau kiểm định chất lượng giáo dục vẫn chưa đủ mạnh.

Việc kiểm định chất lượng giáo dục là bắt buộc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Lợi ích của việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đã hiện hữu, nhưng các chế tài cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền hay không đạt chuẩn chất lượng chưa được quy định rõ. 

Thứ hai: Năng lực xây dựng, đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo còn yếu

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay cho thấy, trong chu kỳ đánh giá thứ nhất, việc xây dựng chuẩn đầu ra mới chỉ có hơn 30% chương trình đào tạo đạt yêu cầu.

Ngoài khả năng áp dụng thang nhận thức Bloom, việc áp dụng khung trình độ quốc gia trong thời đại số và kỷ nguyên đổi mới sáng tạo còn thách thức lớn.

Việc đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra cũng chưa được quan tâm nhiều kể cả hai phía: Cơ sở giáo dục đại học và các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài.

Vậy nên, bài toán đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học khi tốt nghiệp vẫn còn đang để ngỏ.

Thứ ba: Quản trị đại học còn phiến diện

Nhiều cơ sở giáo dục đại học mới chỉ dừng lại việc xác định tầm nhìn và sứ mạng như là việc mô tả và liệt kê lại chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn thế nữa, quan điểm phát triển của một số cơ sở giáo dục đại học cũng còn phiến diện do cách hiểu chưa đầy đủ về các khái niệm đại học ứng dụng và đại học nghiên cứu.

Vì thế cách thiết kế chiến lược, tổ chức và bố trí nguồn lực còn bất hợp lý; tầm nhìn được xây dựng cũng còn chung chung nên khó khăn trong việc xác định các chỉ số thực hiện chính.

Tự chủ là cơ hội để các cơ sở sở giáo dục đại học phát huy tự chủ học thuật của mình, nhưng những năm gần đây chỉ có chỉ số tuyển sinh được tăng cường, còn các chỉ số nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng hầu như được cải thiện rất ít.

Thứ tư: Khả năng đối sánh hạn chế

Đối sánh, so chuẩn là một trong những công cụ hiệu quả của đánh giá chất lượng, đặc biệt là đảm bảo chất lượng bên trong, phải được thực hiện thường xuyên, trước, trong và sau kiểm định chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, gần như hầu hết các cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đều chưa đạt đối với các tiêu chí có liên quan đến yêu cầu đối sánh. Mặc dù thế giới đã phẳng, thông tin rất dễ tìm kiếm, thậm chí cũng đã có một số bảng xếp hạng đối sánh đã xác lập các tiêu chuẩn, chỉ báo, chỉ số rất chi tiết, nhưng việc tham khảo đang rất yếu, chưa biết chọn đối tác, mô hình, chỉ số thực hiện chính để đối sánh. Vậy nên tình trạng làm chiến lược theo kiểu “bốc thuốc bắc” vẫn còn.

Về phía các chuyên gia kiểm định cũng vậy, nếu năng lực đối sánh hạn chế thì khả năng đánh giá và khuyến nghị cải tiến chất lượng cho cơ sở giáo dục cũng rất bất cập.

Thứ năm: Thông tin về chất lượng giáo dục chưa tường minh

Theo tiếp cận đánh giá chất lượng tối thiểu và hai mức (đạt và không đạt) như hiện nay, khả năng phân biệt chất lượng (và mức độ xuất sắc) của các cơ sở giáo dục đại học sau kiểm định ít khả thi.

Hơn thế nữa, các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục hiện tại được sử dụng đang theo tiếp cận quy trình và hệ thống văn bản, chính sách, chưa quan tâm nhiều đến chỉ số định lượng và kết quả đầu ra.

Trên thực tế, tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học đã quan tâm đầy đủ cả 4 nhóm tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng và kết quả hoạt động. Tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục chương trình đào tạo đã quan tâm đến mục tiêu và chuẩn đầu ra, hoạt động dạy học, nguồn lực thực hiện, kết quả đầu ra. Nhưng nói chung quá trình kiểm định hiện nay đang theo tiếp cận của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA), còn tập trung ở các yếu tố đầu vào, quá trình mà ít đo lường kết quả đầu ra của quá trình giáo dục.

3. Hướng đi cho kiểm định chất lượng ở Việt Nam

Từ kết quả đạt được, những hạn chế và phân tích ở trên, có thể đưa ra một vài gợi ý sau cho kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam như sau:

Thứ nhất: Thống nhất quan điểm tổng thể về hoạt động kiểm định chất lượng

Tầm nhìn về kiểm định chất lượng giáo dục phải đảm bảo phát triển bền vững, phải xa hơn, bao quát hơn, không nên chỉ dừng lại tầm nhìn ở 10-15 năm và với một vài phương pháp đánh giá đơn lẻ.

Để thực hiện tầm nhìn này, trước hết, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng chính sách về kiểm định chất lượng giáo dục. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý điều hành về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học. Nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học phát triển và năng lực các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời, nâng cao chất lượng, bảo đảm về số lượng kiểm định viên đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai: Ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là bộ tiêu chuẩn thể hiện các yêu cầu tối thiểu mà một cơ sở iáo dục đại học phải đáp ứng khi thành lập và hoạt động nhằm bảo đảm lợi ích của các bên liên quan bao gồm cả các yêu cầu về điều kiện hoạt động, kết quả hoạt động và triển vọng tương lai trong đó có những yêu cầu riêng đối với từng mô hình tổ chức (trường ĐH, ĐH), lĩnh vực và trình độ đào tạo.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng có thể được xem là bộ chuẩn tích hợp làm cơ sở để đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Đó là một cẩm nang trong đó thể hiện những cam kết mà cơ sở iáo dục đại học đem lại cho người học và xã hội, là những định hướng cơ bản về mục tiêu, hành động và nguồn lực để giành lợi thế cạnh tranh bền vững.

Thứ ba: Văn hóa chất lượng từ từ phát đến tự giác

Chỉ khi nào cơ sở giáo dục đại học quán triệt và chủ trương thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục là để nhận diện và tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực thực thi sứ mạng, năng lực phục vụ cộng đồng và năng lực cạnh tranh của mình thì kiểm định chất lượng giáo dục mới thể hiện được vai trò.

Đó cũng là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Chỉ với nhu cầu tự thân thì đại học mới phát triển, các giải pháp đưa ra mới có tâm và có tầm.

Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học cần không những quan tâm xây dựng mà còn cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, không chỉ giới hạn ở cấp thực thi và triển khai kiểm định chất lượng giáo dục mà phải ở cấp chiến lược, kết nối thông tin, hỗ trợ việc thực hiện thành công chiến lược phát triển chung của toàn cơ sở giáo dục đại học.

Thứ tư: Tập trung đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo

Việc đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học là quan trọng, đặc biệt là đánh giá mức độ đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng (đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng) và kết quả hoạt động.

Ở cấp độ này, chiến lược và chính sách được chú trọng nhiều hơn, còn chất lượng của từng chương trình đào tạo có thể bị trung bình hoá, thậm chí khi có đủ thông tin, dữ liệu cũng không thể đủ điều kiện để đánh giá đầy đủ.

Do đó, kiểm định chất lượng giáo dục cho từng chương trình đào tạo khắc phục được hạn chế trên và có thể đưa thông tin của các ngành học cụ thể đến các bên liên quan. Đối với kiểm định chất lượng giáo dục chương trình đào tạo, vấn đề phát triển chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu giáo dục và nhu cầu các bên liên quan cần được quan tâm.

Thứ năm: Xây dựng đội ngũ kiểm định viên đủ về số lượng và có chất lượng.

Trên thực tế số lượng kiểm định viên được đào tạo, tập huấn, cấp thẻ hành nghề không phải quá ít, nhưng số lượng kiểm định viên có năng lực tốt để tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ của các đoàn đánh giá ngoài không nhiều.

Kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục phải là người có khả năng thực hiện mục tiêu kép: vừa đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá theo đúng quy định của các bộ tiêu chuẩn, vừa có khả năng khuyến nghị, định hướng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được kiểm định.

Thứ sáu: Kết hợp giữa kiểm định chất lượng giáo dục, xếp hạng và đối sánh

Phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục đại học truyền thống thường được các quốc gia áp dụng là kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phương pháp này thường chỉ tập trung đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu để cơ sở giáo dục đại học được phép hoạt động, còn mức độ xuất sắc hay việc so sánh giữa các cơ sở giáo dục đại học không được thể hiện nhiều. Ở một mức độ nào đó, đôi khi đánh đồng chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học

Kiểm định chất lượng giáo dục như vậy có thể xem là đánh giá chất lượng 2 mức (đạt và không đạt). Xếp hạng đại học (ranking) thì quan tâm đánh giá mức độ xuất sắc của chất lượng nhưng lại quá thiên về các chỉ số nghiên cứu nên không toàn diện và chỉ có được khoảng 3% (khoảng 1.000) cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu góp mặt. Do đó, xếp hạng đại học cũng có thể coi là phương pháp đánh giá chất lượng 1000 mức.

Xu thế hiện nay là tích hợp cả kiểm định và xếp hạng thành xếp hạng đối sánh (rating) thông qua việc so sánh với một bộ mốc chuẩn cho các tiêu chuẩn, chỉ báo. Xếp hạng gắn sao QS (tổ chức QS - Anh Quốc), SETARA (tài trợ bởi Bộ ĐH Malaysia), U-multirank (tài trợ bởi Uỷ ban châu Âu) hay UPM (tài trợ bởi Bộ GDĐT, phát triển bởi các chuyên gia của ĐHQGHN) là đang theo hướng này. Đây là phương pháp đánh giá chất lượng 5 mức. Đối sánh chất lượng giáo dục vẽ nên một bức tranh tích cực về chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến với người học, nhà tuyển dụng.

Hệ thống đối sánh UPM của Việt Nam tích hợp sáng tạo cách tiếp cận phương pháp xếp hạng gắn sao của QS và kiểm định chất lượng của AUN-QA, với các tiêu chí đánh giá đối sánh khác nhau cho hai nhóm đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng.

Trên đây là một số khái quát về hoạt động và dịch vụ kiểm định chất lượng tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên để hoạt động và dịch vụ kiểm định thực sự hiệu quả cần sự vào cuộc của toàn thể các cơ quan, tổ chức thông qua các chính sách và tiêu chuẩn đầy đủ và trên hết là từ bản thân các đơn vị giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng coi đây là một hoạt động sống còn của mỗi đơn vị từ đó góp phần nâng cao được vị thế về giáo dục của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Nguồn tham khảo: Website của Cục QLCL, Bộ GD&ĐT và Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Tháng 02/2024.


Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục

Tag:


Các tin khác
<123>
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành