Tọa đàm có sự tham gia của Giáo sư William Hamby; TS. Hoàng Khắc Lịch - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng TCNS; TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán, Tổ trưởng Tổ Triển khai ACBSP của Trường; ThS. Đào Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm ĐBCLGD; TS. Vũ Duy - Phó trưởng phòng Phòng Đào tạo; các Thầy Cô của 04 Khoa/Viện có CTĐT kiểm định theo chuẩn ACBSP (Khoa Kế toán - Kiểm toán; Khoa Tài chính - Ngân hàng; Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế; Viện Quản trị Kinh doanh).
Đặc biệt Tọa đàm còn có sự tham gia của TS. Phạm Đan Khánh - Phó Viện trưởng Viện đào tạo tiên tiến chất lượng cao và POHE, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.
Nội dung của Tọa đàm tập trung vào 02 vấn đề chính:
(1) Xây dựng Rubrics đánh giá (được trình bày bởi Giáo sư William Hamby);
(2) Quy trình và phương thức xây dựng chuẩn đầu ra (PLO) - Kinh nghiệm từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân (được trình bày bởi TS. Phạm Đan Khánh).
Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên là một yếu tố quan trọng trong quá trình thực hiện kiểm định chất lượng CTĐT theo chuẩn ACBSP bởi các kết quả này phản ánh được kiến thức, kỹ năng và năng lực mà sinh viên đạt được trong quá trình học tập.
ACBSP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá dựa trên kết quả học tập của sinh viên. Các cơ sở giáo dục hoặc CTĐT được kiểm định theo chuẩn ACBSP thường được yêu cầu chứng minh rằng họ có quy trình đánh kết quả học tập của sinh viên hiệu quả, định kỳ đánh giá kết quả học tập của sinh viên và sử dụng kết quả đó để cải tiến chất lượng CTĐT. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn đảm bảo rằng họ cung cấp cho sinh viên một CTĐT chất lượng cao, trang bị cho họ những kiến thức đủ để thích nghi với các biến động của đời sống xã hội, có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp và thành công.
Phương pháp kiểm tra đánh giá là cách thức thực hiện kiểm tra, đánh giá sinh viên. Đối với các CTĐT kiểm định theo chuẩn ACBSP thì việc đánh giá bằng Rubrics là một yêu cầu bắt buộc, do đó việc thiết kế Rubrics như thế nào cho phù hợp với CTĐT, với các yêu cầu của chuẩn đầu ra cũng như tầm nhìn sứ mệnh, mục tiêu của CTĐT… đã được Giáo sư William Hamby tư vấn và đưa ra các biểu mẫu trao đổi cụ thể để hỗ trợ các Thầy Cô Trường ĐHKT thiết kế và đánh giá phù hợp.
Rubrics được sử dụng như một công cụ đánh giá, tự đánh giá tương đối hiệu quả đối với cả sinh viên và giảng viên. Rubrics giúp giảng viên định hướng được lượng kiến thức, kĩ năng, năng lực cần hình thành và phát triển cho sinh viên để xây dựng kế hoạch học tập và tổ chức cho sinh viên học tập hiệu quả. Nhờ mô tả chi tiết theo các mức độ cần đạt, sinh viên theo dõi được sự tiến bộ của bản thân cũng như của các bạn học khác. Do vậy, Rubrics còn làm cho việc đánh giá trở nên khoa học, minh bạch và thuyết phục hơn, việc chấm bài trở nên nhất quán hơn, tạo sự công bằng cho sinh viên. Ngoài ra, căn cứ vào các tiêu chí được mô tả, được thiết kế, sinh viên có thể cung cấp cho giảng viên những phản hồi kịp thời, chính xác về mức độ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng. Đồng thời, Rubrics cũng là nguồn thông tin để giảng viên đánh giá người học một cách khách quan, kiểm soát chặt chẽ tiến bộ của sinh viên để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ở Việt Nam, việc đánh giá theo Rubrics tại các trường đại học chưa được phổ biến, đánh giá theo Rubrics là khó khăn và phức tạp, đòi hỏi người thiết kế phải có sự hiểu biết về chương trình đào tạo, có các kiến thức về đo lường và đánh giá, có kinh nghiệm trong xây dựng thiết kế học phần cũng như xây dựng phương pháp đánh giá, có các kiến thức về kiểm định chất lượng …
Trường Đại học Kinh tế quốc dân là một trong những trường đại học thực hiện kiểm định theo chuẩn ACBSP sớm, hiện trường đã có 18 CTĐT được kiểm định thành công theo bộ chuẩn này, TS. Phạm Đan Khánh là một trong những người trực tiếp viết báo cáo tự đánh giá, thực hiện quy trình kiểm định theo chuẩn ACBSP do đó những kinh nghiệm, kiến thức mà Tiến sĩ Khánh chia sẻ tại Tọa đàm về Quy trình và phương thức xây dựng chuẩn đầu ra (PLO) hết sức có ý nghĩa với các Thầy Cô của Trường ĐHKT.
Chuẩn đầu ra của CTĐT là một tập hợp các mục tiêu hoặc kỹ năng mà sinh viên mong đợi đạt được sau khi hoàn thành chương trình. Những chuẩn đầu ra này thường được xác định trước bởi trường đại học hoặc tổ chức giáo dục và có thể được soạn thảo bởi các chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.
Chuẩn đầu ra thường liên quan đến kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, tư duy logic, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, và các khía cạnh khác liên quan đến lĩnh vực đào tạo cụ thể.
Mục đích của việc xây dựng chuẩn đầu ra là đảm bảo rằng sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích nghi và thành công trong lĩnh vực tương ứng. Các chuẩn đầu ra cũng có thể được sử dụng để định hình nội dung chương trình, thiết kế bài giảng, và đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Quy trình xây dựng chuẩn đầu ra của một CTĐT bao gồm các bước sau:
1. Xác định mục tiêu CTĐT: Xác định mục tiêu chung của CTĐT, bao gồm các kỹ năng, kiến thức và hành vi mà sinh viên sẽ đạt được sau khi hoàn thành chương trình.
2. Phân tích ngành nghề và nhu cầu thị trường lao động: Nghiên cứu về ngành nghề liên quan và nhu cầu thị trường lao động để hiểu rõ những kỹ năng và kiến thức mà sinh viên cần phải có để thành công trong lĩnh vực đó.
3. Tham khảo các tiêu chuẩn và chuẩn mực: Xem xét các tiêu chuẩn và chuẩn mực ngành nghề, quốc gia hoặc quốc tế liên quan đến chương trình đào tạo để đảm bảo tính chuẩn mực và tham gia vào cộng đồng chuyên môn.
4. Xây dựng các chuẩn đầu ra: Dựa trên các yếu tố trên, xác định và mô tả chi tiết các chuẩn đầu ra mà sinh viên nên đạt được. Đây có thể là thông qua việc xác định các kỹ năng, kiến thức cụ thể, khả năng phân tích, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và các yếu tố khác.
5. Liên kết chuẩn đầu ra với CTĐT: Đảm bảo rằng các chuẩn đầu ra được liên kết một cách rõ ràng với các khóa học, học phần và hoạt động thực tập thực tế trong CTĐT. Điều này đảm bảo rằng sinh viên có cơ hội phát triển toàn diện và đạt được các chuẩn đầu ra thông qua quá trình học tập.
6. Đánh giá chuẩn đầu ra: Xác định phương pháp và công cụ để đánh giá việc đạt được các chuẩn đầu ra. Điều này có thể bao gồm bài kiểm tra, bài tập, đồ án/khóa luận, bài thuyết trình, thực tập thực tế hoặc các hình thức khác để đo lường kết quả học tập của sinh viên.
7. Liên tục cập nhật và cải tiến: Theo dõi và đánh giá hiệu quả chuẩn đầu ra trong quá trình đào tạo. Dựa trên phản hồi của các bên liên quan và dữ liệu thu thập được thực hiện cải tiến CTĐT để đảm bảo tính hiệu quả và thích ứng với sự thay đổi trong ngành nghề và yêu cầu của thị trường lao động.
Quy trình này đảm bảo rằng CTĐT đáp ứng được nhu cầu của xã hội và mang lại những kết quả học tập mà người học mong muốn đạt được.
Những kinh nghiệm quá trình viết Báo cáo Tự đánh giá cũng như xây dựng CTĐT của các thầy cô Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân được TS. Phạm Đan Khánh chia sẻ tại Tọa đàm sẽ là kinh nghiệm hỗ trợ các thầy cô Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trong việc thực hiện thành công kiểm định chất lượng các CTĐT theo chuẩn ACBSP.
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm: