Trang tin tức sự kiện

Các nhà khoa học UEB và những đóng góp tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với thương mại và đầu tư khu vực ĐB sông Cửu Long”

Ngày 30/9/2022, dưới sự tài trợ của Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam, trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với thương mại và đầu tư khu vực Đồng  bằng sông Cửu Long”. 



Tham dự hội thảo có PGS.TS. Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh; PGS.TS. Diệp Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh. Về phía trường Đại học Kinh tế có PGS.TS. Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, PGS.TS. Hà Văn Hội – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế và các thầy cô Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, TS. Nguyễn Đức Lâm – Trưởng phòng NCKH&HTPT, TS. Phạm Hùng Tiến – Phó Giám đốc Quốc gia FNF tại Việt Nam; PGS.TS. Phước Minh Hiệp – Nguyên Vụ trưởng, Trưởng Ban cơ quan thường trực miền Nam, Tạp chí Cộng sản. 

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học uy tín

Hội thảo đã thu hút trên 300 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, học viên và sinh viên trong và ngoài Trường Đại học Trà Vinh; lãnh đạo tỉnh Trà Vinh; đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Trà Vinh; các doanh nghiệp lớn và có nhiều đóng góp với tỉnh Trà Vinh.

Theo PTS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, “Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, có địa chính trị, địa kinh tế và và địa quân sự hết sức quan trọng đối với cả nước. Đây chính là trung tâm sản xuất lớn nhất của cả nước về nông nghiệp và kinh tế biển. Đồng thời, đây cũng là vùng đất quan trọng trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các biến động quốc tế và trong nước sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới ĐBSCL.”

PGS.TS. Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS. Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: “Hội thảo góp phần giúp cho các tổ chức, cá nhân tại khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước hiểu rõ hơn những cơ hội cũng như thách thức đối với thương mại và đầu tư khu vực ĐBSCL. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL về các giải pháp căn bản tạo nền tảng và sức bật mới cho phát triển thương mại và đầu tư vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới.”

PGS.TS. Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Quốc gia FNF Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo 

Hội thảo đã tiếp nhận hơn 50 bài tham luận từ các nhà khoa học trong cả nước. Sau quá trình phản biện độc lập từ các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, Ban tổ chức hội thảo đã chọn lọc được 28 bài và xuất bản Sách chuyên khảo “Phát triển kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh mới” với ba phần: (1) Các vấn đề phát triển kinh tế chung tại đồng bằng sông Cửu Long; (2) Phát triển thương mại và đầu tư; và (3) Phát triển các ngành kinh tế. Đây là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các độc giả quan tâm với khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Hội thảo gồm 2 phiên làm việc trong đó Phiên 1 trình bày các báo cáo về: 

1. Báo cáo “Những biến động trong nền kinh tế thế giới hiện nay và hàm ý cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Vũ Thanh Hương – Trường Đại học Kinh tế –trình bày. TS. Hương đã phân tích những biến động nền kinh tế thế giới, sự phục hồi và thích ứng sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraina đến giá cả toàn cầu, thị trường tài chính, sự phục hồi kinh tế của các quốc gia, khu vực, những căng thẳng về chính trị; quá trình tái định hình chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; tầm quan trọng của chuyển đổi số và tự động hóa, thương mại và đầu tư toàn cầu…; phân tích các nguồn lực của ĐBSCL trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; qua đó đưa ra hàm ý về phát triển các ngành xuất khẩu; phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo kỹ năng số, đầu tư cho giáo dục đào tạo; phát triển xanh hóa và kinh tế tuần hoàn; đón nhận sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng thông qua tận dụng lợi thế về vị trí và điều kiện tự nhiên, đón nhận FDI xanh và công nghệ cao; thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tăng cường hợp tác GMS và tận dụng FTA.

TS. Vũ Thanh Hương trình bày Báo cáo Những biến động trong nền kinh tế thế giới hiện nay và hàm ý cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

2. Báo cáo “Không gian vùng kinh tế – động lực thu hút đầu tư của tỉnh Trà Vinh” do TS. Lê Thị Thu Diềm – Trường Đại học Trà Vinh trình bày. TS. Diềm đã phân tích về phân vùng không gian phát triển kinh tế tỉnh Trà Vinh, động lực thu hút đầu tư của tỉnh Trà Vinh, quan điểm chiến lược phát triển không gian vùng kinh tế của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025. Qua đó đề xuất các giải pháp về thu hút đầu tư; giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp về môi trường kinh doanh, sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin cơ chế một cửa để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng cường thu hút nhân lực chất lượng, nghiên cứu cơ chế đặt hàng đào tạo…; Tăng cường đầu tư giám sát các quy hoạch không gian kinh tế được đầu tư, khai thác theo đúng chức năng, đảm bảo đồng bộ giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng.

TS. Lê Thị Thu Diềm – Trường Đại học Trà Vinh trình bày Báo cáo “Không gian vùng kinh tế – động lực thu hút đầu tư của tỉnh Trà Vinh”

3. “Giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2025” của ThS. Phạm Văn Bé Sáu – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh đã đưa ra định hướng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng vừa cải thiện nặng lực cạnh tranh DNVVN hiện có, vừa tăng số lượng thông qua kết hợp khởi nghiệp sáng tạo cùng với chuyển đổi hộ kinh doanh, không ngừng cải thiện cơ chế chính sách và môi trường cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 tổng số lượng DNVVN của tỉnh Trà Vinh là 5.000 doanh nghiệp.

ThS. Phạm Văn Bé Sáu – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh trình bày Báo cáo  “Giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2025”

Tại phiên 2 “Thảo luận bàn tròn về Cơ hội và thách thức đối với thương mại và đầu tư vùng ĐBSCL”, các đại biểu, chuyên gia đã chỉ ra các cơ hội, thách thức trong việc phát triển kinh tế – xã hội nói chung cũng như hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành kinh tế của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực như: Giải quyết vấn đề chất lượng tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao, năng suất lao động thấp, chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu…

Các diễn giả tham gia phiên Thảo luận bàn tròn

Sau 2 phiên hội thảo, các đại biểu, chuyên gia có buổi tham quan và làm việc với Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long, Nhà máy Nhiệt Điện Duyên Hải – Trà Vinh và Nhà máy Điện gió Duyên Hải – Trà Vinh.

Đoàn công tác làm việc tại Nhà máy Nhiệt Điện Duyên Hải – Trà Vinh
Đoàn công tác làm việc tại Công ty Thuỷ sản Cửu Long
Đoàn công tác làm việc tại Nhà máy Điện gió Duyên Hải – Trà Vinh

 

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội thảo

Thông tin truyền thông về hội thảo

(HTV9) - Hội thảo Khoa học Quốc gia về cơ hội, thách thức đối với thương mại và đầu tư khu vực ĐBSCL

(TRUYỀN HÌNH TRÀ VINH) Thời sự Chủ Nhật, ngày 02/10/2022 

(Đại học Trà Vinh) Hội thảo khoa học Quốc gia – Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với thương mại và đầu tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 





Các tin khác
<123>
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành